QPTD -Chủ Nhật, 16/05/2021, 11:45 (GMT+7)
Tham luận Tọa đàm
Bài 3: Vai trò, trách nhiệm của công dân trong Cuộc Bầu cử sắp tới

Bài 4: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử ở Binh chủng Hóa học (Xem bài 4 tại đây)

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; diễn ra trong bối cảnh Đại hội XIII của Đảng vừa thành công tốt đẹp; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là thời điểm đánh dấu mốc quan trọng những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới; song, cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, tình hình phức tạp đại dịch Covid-19, v.v. Vì vậy, phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của công dân bảo đảm cho cuộc bầu cử thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng.

Bầu cử là việc cử tri đưa ra quyết định của mình để lựa chọn những người xứng đáng tham gia các chức vụ chính quyền hoặc lãnh đạo của một tổ chức, cơ quan, đơn vị nào đó. Đây là cơ chế phổ biến hiện được các nền dân chủ áp dụng để phân bổ chức vụ trong bộ máy lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như ở chính quyền địa phương. Đồng thời là cơ sở pháp lý cho việc hình thành các cơ quan đại diện cho quyền lực nhà nước và là cơ sở bảo đảm cho mọi công dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với đất nước. Trong bất kỳ một thể chế chính trị nào, để nhà nước có quyền hợp pháp, thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì phải có sự đồng thuận của đa số người dân.

Ở nước ta, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp luôn là hoạt động quan trọng nhất trong các hoạt động dân chủ trực tiếp của công dân. Thông qua các cuộc bầu cử, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân ta được thể hiện đầy đủ, đúng với bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tham gia bầu cử, cử tri cả nước sẽ phát huy đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng cho ý chí và nguyện vọng của mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (ngày 02/9/1945) đến nay, nước ta đã có 14 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội. Các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội từ khóa I (06/01/1946) đến khóa V (6/04/1975) diễn ra trong bối cảnh đất nước còn trong điều kiện khắc nghiệt chiến tranh, nhưng nhân dân ta vẫn phát huy tích cực vai trò, trách nhiệm của công dân bảo đảm cho các cuộc bầu cử thắng lợi. Kết quả các cuộc bầu cử đã lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất, thay mặt cử tri cả nước quyết định đúng những vấn đề trọng đại của đất nước, bảo đảm cho quân và dân ta chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù: bảo vệ chính quyền Công - Nông non trẻ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi; tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ khi đất nước độc lập, thống nhất (năm 1975) đến nay, cả nước đã có 9 khóa bầu cử đại biểu Quốc hội (từ khóa XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành cùng một ngày). Đây là thời kỳ Tổ quốc thống nhất cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; đặc biệt từ Đại hội VI của Đảng, quân và dân ta tập trung thực hiện đường lối đổi mới của Đảng: phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời kỳ mới đặt ra những yêu cầu mới về chức năng, nhiệm vụ, nội dung, chương trình làm việc của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, cũng như chất lượng của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, v.v. Quốc hội phải bàn bạc và quyết định những vấn đề về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới: xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng. Quy trình bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới; tính dân chủ ngày một mở rộng hơn; việc cử tri lựa chọn đại biểu để bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước luôn căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng, của đất nước, cũng như phẩm chất, năng lực của mỗi người, v.v. Nhờ vậy, hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm cho công cuộc đổi mới thắng lợi, không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Gần nửa thế kỷ qua, Quốc hội nước ta đã xem xét và quyết định nhiều vấn đề rất hệ trọng, như: thông qua hệ thống pháp luật, quyết định lớn về kinh tế - xã hội để hiện thực đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, bảo đảm cho công cuộc đổi mới đi đến thắng lợi; đưa đất nước vượt qua mọi sự bao vây, cấm vận, tiến hành hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; nâng cao tiềm lực mọi mặt, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước, cải thiện không ngừng đời sống của nhân dân. Các khóa Quốc hội đều có những đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động; nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước và chế độ. Quốc hội đã xây dựng và thông qua năm bản Hiến pháp vào các năm: 1946, 1959, 1980, 1992 và năm 2013. Cùng với đó, ban hành nhiều đạo luật rất quan trọng, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý Nhà nước thời kỳ mới. Một số đạo luật được ban hành từ những năm đầu của công cuộc đổi mới, có tác dụng mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế mới, đến nay vẫn còn hiệu lực, như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, v.v. Trước sự vận động của thực tiễn, các khóa Quốc hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các bộ luật mới trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhằm xác lập và hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vừa tăng cường tiềm lực của đất nước, phát triển mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, vừa bảo đảm yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quốc hội cũng có các nghị quyết phê chuẩn các Hiệp định đã được ký kết, đưa đất nước từng bước tiệm cận và hội nhập mạnh mẽ với các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế, như các Hiệp định Thương mại song phương, đa phương và các tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế đa phương: ASEAN, APEC, ASEM, WTO, WEF; các Hiệp định: Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thương mại tự do (EVFTA), Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Thương mại tự do (FTA) với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),… mở ra những cơ hội mới để đất nước phát triển. Trên các diễn đàn Quốc hội, hoạt động kiểm tra, giám sát của các đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan hành pháp ngày càng sâu sát, chặt chẽ và cụ thể. Các phiên chất vấn, tranh luận trên diễn đàn Quốc hội luôn thu hút sự quan tâm của cử tri, bởi không khí sôi nổi, ngắn gọn, thẳng thắn, đúng trọng tâm, trọng điểm, đi đến tận cùng mọi sự việc, v.v. Đó thực sự là tiếng nói đại diện cho quyền lực của Nhân dân, nhất là những vấn đề “nóng” về môi trường, về phòng, chống tham nhũng, về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm các bộ,  ngành mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. 

Những nội dung nêu trên phản ánh sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trước những yêu cầu nóng bỏng của công cuộc đổi mới đất nước trong những năm qua. Một trong những nhân tố bảo đảm sự thay đổi tích cực, đó chính là vai trò, trách nhiệm và yêu cầu của cử tri qua việc lựa chọn những người đại diện xứng đáng nhất, thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, của dân tộc. Thông qua các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhân dân ta ngày càng ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước; luôn thể hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình thông qua các bước bầu cử: từ khâu giới thiệu người ứng cử, Hội nghị cử tri đóng góp ý kiến, nhận xét và bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử, đến việc bỏ phiếu bầu cử, v.v. Chính vì thế, những đại biểu được cử tri lựa chọn đều là những người “có đức và có tài; có tâm và có tầm”; luôn trung thành với Tổ quốc, nhân dân và chế độ, phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, cửa quyền, cục bộ, trì trệ, chạy chức, chạy quyền; có trình độ học vấn và chuyên môn, có đủ năng lực, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ diễn ra vào ngày 23/5/2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cuộc bầu cử gắn liền với công tác tổ chức, cán bộ sau Đại hội XIII của Đảng và đại hội Đảng các cấp, liên quan đến sự phát triển của đất nước, của mỗi địa phương trong thời gian tới. Song, đây cũng là dịp các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc bầu cử, nhằm lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi, gieo rắc nhận thức lệch lạc; kêu gọi, xúi giục nhân dân tẩy chay cuộc bầu cử, hoặc chí ít tạo hiệu ứng “đám đông” tác động để cử tri không bỏ phiếu bầu cho một số ứng cử viên, nhằm hạ thấp thanh danh, uy tín của những người được giới thiệu ứng cử, tác động, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải phấn đấu tổ chức và động viên cao nhất vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân trong tham gia bầu cử. Đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, làm cho mỗi công dân nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử cũng như quyền lợi, trách nhiệm của cử tri; những quy định về thể lệ bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp,… để mọi cử tri vừa tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc, vừa tích cực tìm hiểu thông tin, có cơ sở lựa chọn những ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, thật sự tiêu biểu tham gia các cơ quan quyền lực nhà nước và địa phương.

Các cơ quan truyền thông cần tăng cường bài viết phản bác mọi luận điệu xuyên tạc chống phá cuộc bầu cử của các thế lực thù địch. Mỗi người dân, khi tham gia mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, phân biệt đúng sai trước mọi thông tin trên không gian mạng; đề cao cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị; không a dua, chia sẻ các thông tin xấu độc. Đặc biệt, mỗi người cần tỏ rõ chính kiến trước quan điểm sai trái, chia rẽ nội bộ; đấu tranh vạch trần những kẻ dựng chuyện xuyên tạc, bôi nhọ cuộc bầu cử và các ứng cử viên trên không gian mạng cũng như ngoài xã hội; không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá Cuộc bầu cử.

Đại tá, TS. NGUYỄN VIẾT HIỂN

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc 24/05/2021

Bài 8: Nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho thanh niên Quân đội trước thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 21/05/2021

Bài 7: Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên trong Quân đội hiện nay 20/05/2021

Bài 6: Trách nhiệm của tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu 1 trong Cuộc bầu cử 19/05/2021

Bài 5: Vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong tổ chức, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 18/05/2021

Bài 4: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử ở Binh chủng Hóa học 17/05/2021

Tìm hiểu nguyên tắc bầu cử trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (năm 2015) 14/05/2021

Thanh niên Quân đội chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa 14/05/2021

Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 14/05/2021

Nhận diện, phê phán quan điểm sai trái về bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp 13/05/2021

Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc
Ngay sau khi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn nhanh báo chí về sự kiện trọng đại này.