QPTD -Thứ Năm, 13/05/2021, 17:39 (GMT+7)
Nhận diện, phê phán quan điểm sai trái về bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp

Theo thông lệ qua các cuộc bầu cử, càng gần đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các thế lực thù địch lại càng điên cuồng chống phá. Vì thế, nhận diện và đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái về vấn đề này, sẽ làm thất bại mưu đồ của chúng, góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử thành công tốt đẹp.

Hiện trên các website, báo chí nước ngoài, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức chống phá công tác chuẩn bị bầu cử với những chiêu trò rất tinh vi, thâm độc. Họ xuyên tạc thông tin, đưa ra nhận định thiếu khách quan, sai sự thật, hòng hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, hoài nghi, nhận thức không đúng về công tác bầu cử. Qua đó, quy chụp, nói xấu Đảng, xuyên tạc, phá hoại cuộc bầu cử. Vì thế, đề cao cảnh giác, nhận diện và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá bầu cử của các thế lực thù địch; khẳng định rõ những vấn đề có tính nguyên tắc đối với công tác bầu cử là việc làm rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

1. Về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác bầu cử. Các thế lực thù địch cho rằng: “Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”, “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”, “Cần xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc bầu cử”, Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử là không đúng quy định của pháp luật. Họ đòi Đảng Cộng sản không được lãnh đạo và không được tham gia công tác bầu cử, đứng ngoài hoạt động bầu cử; phải từ bỏ quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thực hiện đa nguyên, đa đảng. Theo họ, thực hiện như vậy mới có dân chủ!

Đó là quan điểm sai trái, đi ngược với thực tiễn đang diễn ra và thể hiện sự thiếu hiểu biết về pháp luật Việt Nam ở bộ phận này. Cả lý luận và thực tiễn đã chứng minh một cách rõ ràng là, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, xã hội và cả dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, khách quan. Chính sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng mà cách mạng Việt Nam đã giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điều này được nhiều nước trên thế giới khâm phục và trân trọng. Đặc biệt, sự lãnh đạo của Đảng được quy định rất rõ ràng trong Hiến pháp. Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Cho nên, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt công tác bầu cử là đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử sẽ bảo đảm lựa chọn được những đại biểu đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu cả về đức và tài, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân để bầu vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới.

Việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử còn là một hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo đó không phải là Đảng làm thay, không lạm quyền và không can thiệp sâu hay áp đặt bầu cử, không phải là bao biện trong bầu cử như họ cố tình lu loa. Ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chỉ thị xác định rõ đặc điểm, tình hình tác động đến công tác chuẩn bị và thực hiện bầu cử, lường hết được những khó khăn, thách thức, trong đó có đề cập đến hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời, định hướng cho công tác bầu cử đảm bảo thực sự phải là ngày hội của toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Như vậy, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là khách quan và hết sức cần thiết nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giữ vững định hướng chính trị trong công tác chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Qua đó, bảo đảm để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, tạo cơ sở để phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

2. Về xác định số lượng, cơ cấu đại biểu. Bằng việc tự dàn dựng, các thế lực phản động đưa ra những nhận định vô căn cứ về công tác nhân sự cán bộ liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới. Trong một số bài viết họ ngang nhiên cho rằng, công tác nhân sự chủ chốt đã “an bài”. Và rằng, quyền lực trong Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “thỏa hiệp”, “phân chia”, bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức. Chưa hết, họ còn suy diễn, bình luận thiếu căn cứ, mang tính quy chụp, làm sai lệch bản chất về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, nhất là về số lượng đại biểu là người ngoài Đảng. Họ cho rằng, cần chia một nửa số ghế cho những người ngoài Đảng để “cân bằng quyền lực” trong Quốc hội. Đây là thủ đoạn để nhằm biến tướng, sai lệch chủ trương của Đảng, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm cho những người nhẹ dạ, cả tin dễ bị dao động tư tưởng, hướng đến phá hoại công tác chuẩn bị nhân sự, ứng cử dự bầu vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới. Những luận điệu trên hoàn toàn đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam, tiếp sức cho các thế lực bên ngoài phá hoại, cản trở bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.

Nhận diện kịp thời, vạch trần bản chất phản động và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái là hết sức cần thiết. Điều này thể hiện tính nghiêm minh, hoàn toàn phù hợp với xã hội hiện đại, đáp ứng đòi hỏi từ chính thực tiễn. Bởi lẽ, bất cứ một quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên thế giới cũng đều có những cách thức, biện pháp đấu tranh với những thế lực đi ngược lại lợi ích của chính quốc gia đó. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi...”1. Đồng thời, nhấn mạnh: “đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị”2; “Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”3. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, là nền tảng vững chắc để thống nhất nhận thức, hành động và chủ động, tích cực nhận diện, đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ sự thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân sắp tới.

Ngày 11/01/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 về việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 đến 50 đại biểu (5% - 10%). Việc dự kiến cơ cấu, cách thức tổ chức bầu cử, thành phần đại biểu Quốc hội khóa mới, số lượng đại biểu trong Đảng, ngoài Đảng, chuyên trách hay không chuyên trách… là hoàn toàn khoa học và đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là nội dung rất cần thiết góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đại biểu khi được bầu vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp khóa mới.

3. Về quyền “tự ứng cử” của công dân. Họ thực hiện “kịch cũ diễn lại” bằng việc “tự ứng cử” nhằm làm phức tạp và phá hoại cuộc bầu cử. Cách đây 5 năm, khi nước ta chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, các “nhà dân chủ” đã thi nhau thực hiện cái gọi là “tự ứng cử”. Khi bị loại ở các vòng hiệp thương do không đủ tiêu chuẩn thì họ lại lớn tiếng suy diễn, xuyên tạc rằng, chỉ có những người “theo phe” Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; và rằng, Đảng “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội. Họ còn đưa ra yêu sách là để các ứng cử viên tự do tranh cử, không cần phải trải qua hiệp thương, v.v. Đây là hoạt động nhằm gây nhiễu loạn, phá hoại bầu cử, những phần tử này muốn thông qua “tự ứng cử” để thu hút sự chú ý của công luận, tạo ngòi nổ để các thế lực thù địch bên ngoài xuyên tạc công tác bầu cử ở nước ta. Hơn thế nữa, đối chiếu quy định về bầu cử thì không có “nhà dân chủ” nào đủ tiêu chuẩn khi họ “tự ứng cử”, vì “thành tích” của những người này nổi bật là lên mạng xuyên tạc thông tin, nói sai sự thật, kích động các hoạt động bất mãn; bôi nhọ, nói xấu chính quyền nhân dân và chế độ, đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng. Điều này thì mọi người dân và cử tri nơi họ cư trú đều biết.

Về quyền ứng cử, đề cử trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân đã được pháp luật Việt Nam quy định rất cụ thể. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Như vậy, quyền bầu cử, ứng cử là của công dân, được pháp luật quy định rõ ràng và luôn được tôn trọng thực hiện. Không ai có quyền cản trở việc công dân thực hiện những quyền này. Những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn nhất định để gánh vác trọng trách người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gương mẫu chấp hành pháp luật; có trình độ văn hóa, chuyên môn; ra sức phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ người đại biểu; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng, lắng nghe tiếp thu ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; kịp thời phản ánh khách quan tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, v.v.

Đặc biệt, Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Chúng ta kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”. Do đó, việc lựa chọn những ứng cử viên để bầu vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp vừa phải quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 45-CT/TW, vừa phải tiến hành theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Có như vậy, mới lựa chọn được những đại biểu thật sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của quốc gia và ở địa phương, góp phần làm thất bại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Trung tá, TS. NGUYỄN THANH HẢI, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
______________ 

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 101.

2 - Sđd, tr. 117.

3 - Sđd, tr. 50, 51.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc 24/05/2021

Bài 8: Nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho thanh niên Quân đội trước thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 21/05/2021

Bài 7: Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên trong Quân đội hiện nay 20/05/2021

Bài 6: Trách nhiệm của tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu 1 trong Cuộc bầu cử 19/05/2021

Bài 5: Vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong tổ chức, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 18/05/2021

Bài 4: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử ở Binh chủng Hóa học 17/05/2021

Bài 3: Vai trò, trách nhiệm của công dân trong Cuộc Bầu cử sắp tới 16/05/2021

Tìm hiểu nguyên tắc bầu cử trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (năm 2015) 14/05/2021

Thanh niên Quân đội chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa 14/05/2021

Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 14/05/2021

Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc
Ngay sau khi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn nhanh báo chí về sự kiện trọng đại này.