QPTD -Thứ Sáu, 14/05/2021, 07:43 (GMT+7)
Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nô nức, phấn khởi, tự hào hướng về sự kiện chính trị trọng đại của đất nước - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là dịp để mọi công dân của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trên thực tế đối với việc xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Qua đó, phản ánh tính ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được xây dựng, phát triển và từng bước hoàn thiện từ năm 1945 đến nay. Đây là cơ hội để cử tri cả nước phát huy hết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trước Quốc hội nói riêng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung. Vậy mà, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức phá hoại bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và thâm hiểm.

Trước hết, họ triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội để phát tán tài liệu, đưa ra những quan điểm sai trai, thù địch, như: “Bầu cử là màn kịch dân chủ do Đảng đạo diễn”, “Đảng Cộng sản độc diễn trong bầu cử”, “Không thể có dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo bầu cử”. Từ đó, gieo rắc sự hoài nghi, kích động tâm lý bất mãn, không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và phương thức bầu cử ở nước ta, hướng lái dư luận tiêu cực trong nhân dân, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ “các nhà dân chủ” đòi xóa bỏ cơ chế mà họ cho là “lệ Đảng cử dân bầu”, làm rối loạn công tác chuẩn bị và bầu cử. Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm cần phải vạch trần, đấu tranh kiên quyết để củng cố niềm tin tuyệt đối của nhân dân và cử tri vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử. Thực tế, trong các nền dân chủ đại diện hiện đại, bầu cử là cơ chế phổ biến nhất để chọn lựa người đại diện vào nắm giữ vị trí công quyền, thực thi quyền lực nhà nước. Hệ thống bầu cử được coi là một thiết chế chính trị vô cùng quan trọng, tuân theo các quy định pháp luật nhất định đảm bảo “dân chủ” và “công bằng”. Đối với nước ta, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hiến định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”1; Đảng cầm quyền, lãnh đạo chính quyền nhà nước và toàn xã hội. Vì vậy, việc Đảng lãnh đạo Cuộc bầu cử là chức năng và phương thức đảm bảo cho Nhà nước nói chung, Quốc hội nói riêng thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”2. Do đó, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là hoàn toàn đúng đắn, những luận điệu xuyên tạc về Cuộc bầu cử ở nước ta hiện nay là vô căn cứ!

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo, đưa thông tin sai lệch về công tác chuẩn bị bầu cử. Họ cho rằng “vai trò thực của Quốc hội là giả hiệu”, “các phe phái trong Đảng đã phân chia các vị trí; Quốc hội thông qua chỉ là để hợp thức hóa các quyết định của Đảng về nhân sự cao cấp trong bộ máy nhà nước”, v.v. Đây là những luận điệu, thủ đoạn mang dụng ý xấu nhằm xóa bỏ vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước và nhân dân. Thực tế, Quốc hội nước ta đã trải qua 75 năm hoạt động, có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực sự là Quốc hội của dân, do dân, vì dân, hoạt động đúng chức năng lập pháp và cơ quan giám sát quyền lực của nhà nước và nhân dân. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Quốc hội nước ta đã thu được “những thành tựu và dấu ấn đậm nét về hoạt động của Quốc hội trên các phương diện lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước cũng như hoạt động đối ngoại được in sâu trong mỗi chúng ta và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri cũng như nhân dân cả nước”3. Điều đó, đã phủ định, luận điệu “vai trò thực của Quốc hội là giả hiệu” của các thế lực thù địch.

Ba là, ra sức nói xấu, bôi nhọ, xuyên tạc về nhân sự các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ ngành Trung ương khi được giới thiệu và bầu tại Kỳ họp thứ XI của Quốc hội khóa XIV. Nhằm hạ thấp phẩm chất, danh dự uy tín của đội ngũ này, họ đẩy mạnh tuyên truyền, cổ súy, lôi kéo, kích động số đối tượng cơ hội, bất mãn, chống đối chính trị “tích cực” “tự ứng cử”, nhằm “chui sâu, leo cao” vào các cơ quan Nhà nước để dễ bề chống phá. Đáng chú ý, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường “đăng đàn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV”, rồi tung ra những luận điệu vô lý “Mặt trận Tổ quốc cơ cấu số lượng người được giới thiệu ứng cử và cơ cấu người ứng cử là vi phạm luật pháp” hoặc đưa ra những lời “mị dân” nhạt nhẽo, sáo rỗng, như: “Nếu được vào Quốc hội có thể đóng góp những ý kiến và việc làm thiết thực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó tập trung vào ba chức năng làm luật, giám sát và đại diện”. Thâm hiểm hơn, họ còn kích động người dân “tự ứng cử đại trà” gây rối loạn trong công tác nhân sự bầu cử. Những hành động đó đều trái với Luật Bầu cử Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “quy định về ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân”4, hòng gây sự hoài nghi của nhân dân vào đội ngũ cán bộ được giới thiệu để bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Không dừng lại ở đó, các thế lực thù địch còn xuyên tạc rằng “lá phiếu của người dân Việt Nam là vô nghĩa, bởi các “ghế” trong Quốc hội đều đã được Đảng Cộng sản sắp xếp từ trước”. Từ đó, kích động, xúi giục một bộ phận cử tri “không biết, không bầu”, “không bầu cho các ứng viên do Đảng giới thiệu”, kêu gọi người dân “tẩy chay cuộc bầu cử”, v.v. Những luận điệu này, hoàn toàn vô căn cứ, rất nguy hiểm, nhằm kích động, “tước bỏ” quyền bầu cử của cử tri, phá hoại Cuộc bầu cử. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”5 và “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân”6. Như vậy, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã hiến định quyền bầu cử là một giá trị văn minh, tiến bộ mà trải qua quá trình đấu tranh gian khổ, hy sinh, nhân dân ta mới giành được và được hiến định ngay từ Hiến pháp Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đến nay. Những luận điệu, thủ đoạn tuyên truyền của các thế lực thù địch thực chất là nhằm tước bỏ quyền chân chính của mỗi người dân Việt Nam được hưởng, phá hoại cuộc bầu cử.

Để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Cuộc bầu cử tới đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải luôn nêu cao cảnh giác cách mạng, kịp thời nhận diện chính xác các chiêu trò, thủ đoạn thâm độc đang được phát tán rộng rãi, nhất là trên các trang mạng xã hội. Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thực hiện nhiệm vụ bầu cử phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về hệ thống luật pháp liên quan đến bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, như: Luật Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân,… chủ trương của Đảng về công tác bầu cử, nhất là Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Quá trình giới thiệu nhân sự phải phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, đúng quy định của pháp luật. Tập trung giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, có tâm huyết, trách nhiệm cao, có năng lực thể hiện qua thực tiễn, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Kiên quyết không giới thiệu những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, gây mất đoàn kết.

Đối với nhân dân và cử tri cả nước cần có nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ, coi đây là nhiệm vụ chính trị của mỗi công dân đối với đất nước; phát huy dân chủ, trí tuệ, đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong bầu cử, không để các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lôi kéo, kích động, xúi giục tham gia vào các hoạt động gây rối, phá hoại Cuộc bầu cử. Phát huy trách nhiệm cao nhất của các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ thực hiện bầu cử, làm đúng pháp luật; phối hợp chặt chẽ cả trước, trong và sau bầu cử; nắm chắc tình hình, thường xuyên có thông tin định hướng nhận thức, dư luận, kiên quyết đấu tranh bóc gỡ, vạch trần các luận điệu sai trái; bảo đảm an toàn, không để xảy ra sai sót, tạo khe hở cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Cùng với đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi Cuộc bầu cử, góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN SỸ HỌA

Thượng tá, TS. ĐÀM QUANG ĐỨC
___________

1 - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2015, tr. 10.

2 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG - Sự thật H, 2011, tr.153.

3 - Báo Quân đội nhân dân - Số 21543, thứ Tư, ngày 31/3/2021, tr.7.

4 - Luật số: 85/2015/QH13, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.5 - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2015, tr. 22.

6 - Sđd, tr. 11.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc 24/05/2021

Bài 8: Nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho thanh niên Quân đội trước thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 21/05/2021

Bài 7: Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên trong Quân đội hiện nay 20/05/2021

Bài 6: Trách nhiệm của tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu 1 trong Cuộc bầu cử 19/05/2021

Bài 5: Vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong tổ chức, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 18/05/2021

Bài 4: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử ở Binh chủng Hóa học 17/05/2021

Bài 3: Vai trò, trách nhiệm của công dân trong Cuộc Bầu cử sắp tới 16/05/2021

Tìm hiểu nguyên tắc bầu cử trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (năm 2015) 14/05/2021

Thanh niên Quân đội chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa 14/05/2021

Nhận diện, phê phán quan điểm sai trái về bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp 13/05/2021

Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc
Ngay sau khi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn nhanh báo chí về sự kiện trọng đại này.