QPTD -Thứ Hai, 14/09/2020, 09:10 (GMT+7)
Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc

Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học công nghệ cao là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Với tầm nhìn chiến lược, chỉ 13 ngày sau khi tuyên bố nền độc lập dân tộc, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng (đơn vị tiền thân của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng ngày nay), với hai nhiệm vụ chính là: thu thập, mua sắm và tổ chức nghiên cứu, sản xuất vũ khí cho lực lượng vũ trang và toàn dân đánh giặc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trước thực tế không có các cơ sở sản xuất công nghiệp cơ bản, như: điện, hoá chất, luyện kim, các thiết bị công nghệ sản xuất quốc phòng, các loại vật tư, nguyên liệu cốt yếu. Song, với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần dám nghĩ, dám làm, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, công nhân, nhân viên Quân giới Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, nghiên cứu, cải tiến, sửa chữa, chế tạo, sản xuất hàng chục triệu tấn vũ khí, đạn, trang bị các loại, trong đó có nhiều loại vũ khí kỹ thuật cao, cung cấp cho lực lượng vũ trang và toàn dân đánh giặc, lập nhiều chiến công vang dội, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa và phát huy truyền thống, kinh nghiệm trong phục vụ chiến đấu, ngành Quân giới thực hiện những điều chỉnh chiến lược quan trọng, chuyển mạnh từ quân giới sang công nghiệp quốc phòng, tạo bước phát triển mới về chất, vừa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, vừa góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, bám sát chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng luôn thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành, chủ động xây dựng, tham mưu cho Chính phủ phê duyệt quy hoạch và các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng phù hợp trong từng giai đoạn; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, thu được những kết quả quan trọng, tạo bước phát triển mới, khá toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động của Ngành. Tổ chức lực lượng công nghiệp quốc phòng được củng cố, kiện toàn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ Quân đội, ngày càng gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư nâng cấp, đổi mới, hiện đại hóa và có bước phát triển nhảy vọt. Các dự án đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là các dự án trọng điểm, công nghệ cao được triển khai quyết liệt, đúng định hướng và đã đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả. Năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật của công nghiệp quốc phòng chuyển biến rõ nét và có bước đột phá. Công nghiệp quốc phòng từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, số hóa nhiều loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao, hiện đại mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho toàn quân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Công nghiệp Quốc phòng chú trọng kết hợp sản xuất quốc phòng với kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu mạnh; nhiều ngành hàng, sản phẩm kinh tế do công nghiệp quốc phòng sản xuất có chất lượng, độ tin cậy cao, tạo niềm tin đối với người sử dụng. Qua đó, duy trì được năng lực sản xuất quốc phòng, tạo việc làm ổn định, bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân viên, người lao động, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với thành tích xuất sắc đạt được, ngành Công nghiệp Quốc phòng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng; 03 Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất; 31 lượt tập thể, 50 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tổng công ty Sông Thu hạ thủy tàu Tuần tra đổ bộ đa năng

Những năm tới, sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu mới cao hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ tác động mạnh mẽ, làm biến đổi sâu sắc mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Trước bối cảnh đó, xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, nâng cao thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài. Để thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, ngành Công nghiệp Quốc phòng tập trung quán triệt, thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục tham mưu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách và kiện toàn hệ thống tổ chức ngành Công nghiệp Quốc phòng phù hợp với thực tiễn đất nước. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thông báo Kết luận số 25/TB-TW, ngày 11/4/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Tổng cục tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức, hoạt động của các cơ sở sản xuất, sửa chữa quốc phòng theo hướng gắn kết chặt chẽ nghiên cứu, thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa, đảm bảo cho công nghiệp quốc phòng hòa nhập sâu hơn vào công nghiệp quốc gia, nâng cao hiệu quả kết hợp quốc phòng với kinh tế. Trọng tâm là tổ chức cơ cấu, sắp xếp lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt trên cả ba miền theo hướng tập trung, giảm số lượng, tăng quy mô và sự gắn kết với công nghiệp dân sinh. Hợp nhất các cơ quan, đơn vị sản xuất có chức năng, nhiệm vụ tương đồng về một đầu mối, tránh trùng lặp, chồng chéo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, từng bước hoàn thiện đề án hình thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh với nước ngoài ở một số lĩnh vực, như: cơ khí chế tạo, luyện kim, vật liệu mới, điện tử viễn thông, v.v.

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, để đảm bảo cho Ngành phát triển nhanh, đúng hướng, Tổng cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan, tiến hành rà soát, thẩm định hệ thống văn bản đã ban hành. Tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về công nghiệp quốc phòng theo hướng đổi mới, hội nhập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, đảm bảo thiết thực, khả thi; sớm xây dựng trình Quốc hội phê duyệt Luật Công nghiệp quốc phòng.

Hai là, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng; nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo công nghệ sản xuất, nghiên cứu, chế thử. Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về nguồn nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, v.v. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước đảm bảo cho lĩnh vực này còn hạn hẹp. Vì thế, để đạt mục tiêu đề ra, Ngành tích cực huy động đa dạng các nguồn lực để thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, hướng trọng tâm vào các đề án thuộc lĩnh vực công nghệ cốt lõi, có tính dẫn hướng, tiên phong trong thiết kế, chế tạo vũ khí mới, nhất là các khâu tích hợp hệ thống, kiểm tra, thử nghiệm vũ khí. Bên cạnh đó, Tổng cục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ, áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, thành lập các liên doanh với nước ngoài trong phát triển công nghệ chế tạo các chi tiết, bán thành phẩm, các ngành phụ trợ có tính lưỡng dụng cao,... theo quy định của pháp luật. Tổng cục yêu cầu các doanh nghiệp quốc phòng, viện nghiên cứu coi trọng đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, “đi tắt đón đầu”, kết hợp đa năng, lưỡng dụng, gắn phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật với xây dựng nguồn nhân lực. Duy trì nghiêm túc các quy định, quy tắc về công tác bảo đảm, nhất là quy định về quản lý thiết kế, công nghệ sản xuất, chất lượng vật tư đầu vào, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Triển khai quyết liệt các biện pháp hoàn thiện công nghệ sản xuất, tháo gỡ “nút thắt” kỹ thuật, công nghệ; giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất, nghiệm thu sản phẩm và chất lượng sản phẩm sử dụng ở đơn vị; chấn chỉnh công tác nghiên cứu chế thử, giải quyết dứt điểm các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ còn tồn đọng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ba là, chú trọng thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp quốc phòng. Đây là giải pháp cơ bản, then chốt, quyết định sự phát triển của Ngành cả trước mắt và lâu dài. Hiện nay, công nghiệp quốc phòng nước ta đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí trang bị cho lục quân sang các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các lực lượng được xác định là trọng điểm ưu tiên hiện đại hóa và khai thác sử dụng hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại được trang bị. Cùng với xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực, phù hợp với mục tiêu, lộ trình xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, Tổng cục tiếp tục đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thu hút nhân tài, tiềm năng chất xám từ các tổ chức kinh tế - xã hội, cơ sở nghiên cứu, viện thiết kế trong và ngoài nước tham gia các chương trình, dự án công nghệ cao của công nghiệp quốc phòng. Đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị giỏi, cán bộ khoa học, công nghệ quân sự có trình độ cao ở lĩnh vực trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn; bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, mạnh dạn đề xuất luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất tốt. Tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên quốc phòng và người lao động, nhất là cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao, các chuyên gia đầu ngành, chuyên viên kỹ thuật tay nghề cao,... để họ yên tâm công tác và cống hiến.

Bốn là, thực hiện tốt hai khâu đột phá: nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí, trang bị mới, hiện đại. Để chủ động hơn nữa trong điều kiện toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ngành tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trọng tâm là xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển, xác lập mục tiêu, tầm nhìn dài hạn và kế hoạch hành động tổng thể. Tích cực áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý, điều hành doanh nghiệp, quản lý chất lượng sản phẩm, v.v. Tổng cục chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác thị trường, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu; xác định rõ thị trường mục tiêu cho xuất khẩu sản phẩm quốc phòng, sản phẩm kinh tế và xuất khẩu dịch vụ, chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, đạn. Tiếp tục đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả một số dự án đầu tư nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài; đổi mới trang thiết bị công nghệ, nâng cấp các dây chuyền sản xuất, bổ sung công nghệ,… nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí mới vào sản xuất, trang bị cho Quân đội.

Kế thừa, phát huy truyền thống, kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, ngành Công nghiệp Quốc phòng tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung trướng, TS. TRẦN HỒNG MINH, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.