QPTD -Thứ Tư, 12/12/2012, 07:24 (GMT+7)
Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng với công tác đối ngoại quốc phòng trong thời kỳ mới

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh”1. Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng đang nỗ lực phấn đấu góp phần cùng toàn quân thực hiện thắng lợi công tác đối ngoại quốc phòng trong thời kỳ mới.

 

Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng thành lập ngày 21-12-2002, theo Quyết định số 189/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng (BQP). Viện có nhiệm vụ nghiên cứu tình hình quốc phòng - an ninh (QP-AN) của khu vực và quốc tế; tham mưu cho BQP về công tác đối ngoại quốc phòng (ĐNQP); đồng thời, trực tiếp tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn an ninh đa phương và đối thoại an ninh song phương trong khu vực và quốc tế.

Khi mới thành lập, kinh nghiệm đối ngoại và kiến thức chuyên môn về QP-AN đa phương của Viện còn hạn chế; các hoạt động đối ngoại mới chỉ ở mức tham gia có chọn lọc và ở cấp chuyên viên là chính. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, BQP, sự phối hợp, giúp đỡ của cơ quan các cấp, tập thể cán bộ, nhân viên của Viện đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, với quan điểm vừa làm, vừa học và rút kinh nghiệm để tìm ra phương thức hoạt động phù hợp; nhờ đó, Viện đã không ngừng trưởng thành, phát triển. 10 năm qua, trong các hoạt động của mình, Viện luôn quán triệt quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, kế thừa tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”2, vận dụng tốt quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”3, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trong điều kiện mới. Do thực hiện tốt phương châm tích cực, chủ động phát huy nội lực trong công tác nghiên cứu, dự báo về xu hướng phát triển của khu vực và thế giới, nên bước đầu, Viện đã tham mưu cho BQP xác định lộ trình hợp tác quốc phòng của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác khu vực ASEAN, Diễn đàn khu vực (ARF), Diễn đàn an ninh Đông Nam Á - Shangri-La và quan hệ đa phương khác về QP-AN…

alt
Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam dự ADMM lần thứ 6 tại Cam-pu-chia (5-2012)
 

Đặc biệt, năm 2010, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Viện đã trực tiếp chủ trì 07 Hội nghị về quốc phòng và xây dựng nội dung phục vụ BQP tổ chức thành công chuỗi 17 Hội nghị quốc phòng, quân sự (QP,QS). Viện đã tham mưu và trực tiếp tham gia Đoàn công tác BQP tham vấn 10 nước ASEAN và 08 nước đối tác đối thoại để tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, tạo được tiếng vang quốc tế và được các nước đánh giá cao. Nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của ADMM+ lần thứ nhất, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng BQP Việt Nam đã khẳng định: “Lịch sử thế giới hiện đại ít khi chứng kiến việc các Bộ trưởng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng của 18 quốc gia trên thế giới cùng ngồi lại với nhau không phải bàn về chiến tranh, mà để cùng nhau chia sẻ và bàn thảo về hợp tác QP-AN thiết thực, vì hoà bình, ổn định và phát triển”4. Đánh giá về thành công của ADMM+, của ĐNQP Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Lương Quang Liệt nhấn mạnh: “Mục đích rõ ràng, chuẩn bị chu đáo, tầm nhìn chiến lược, quan điểm hài hoà”5;Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, R.Ghết đã đánh giá: “ADMM+ lần đầu tiên hết sức thành công, đạt được mục tiêu đề ra và quan trọng hơn cả là thỏa mãn được mục đích của tất cả các bên”6 

Qua việc tổ chức thành công ADMM+, Việt Nam đã góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN trong tiến trình hợp tác ngoài khu vực. Thành công của ADMM+ lần thứ nhất là điểm sáng trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam; qua đó, uy tín, hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong khu vực và quốc tế được nâng cao. Với kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp của mình, Viện đã được BQP nước bạn Lào và Cam-pu-chia mời sang chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức các hội nghị QP,QS đa phương ở khu vực. Hằng năm, Viện đón tiếp nhiều đoàn cấp cao hoạch định chính sách, các học giả, các quan chức quốc phòng từ nhiều nước sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Viện cũng đã thiết lập mạng lưới đối tác với các viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước để hợp tác trao đổi, nghiên cứu các vấn đề quốc tế cùng quan tâm; đồng thời, tìm ra các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ về QP-AN giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế. Thông qua trao đổi, bạn bè quốc tế hiểu đúng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam để tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, tạo thế và lực cho hợp tác song phương và sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, góp phần vào việc giữ vững hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Với những thành tích đạt được, Viện đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba (tháng 10-2012); hai Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều Bằng khen, Giấy khen của BQP và các cơ quan chức năng. Đây là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn để Viện tiếp tục phấn đấu thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong giai đoạn tới.

alt

Ký kết hợp tác với Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc (3-2012)

 

Hiện nay và thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo của thế giới. Các nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực QP-AN. Các cấu trúc an ninh mới được dựa trên cơ chế hợp tác đa phương sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là, tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển, đảo; sự cạnh tranh ảnh hưởng địa chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt; các diễn đàn QP-AN khu vực sẽ đan xen giữa hợp tác và đấu tranh của các bên. Vì thế, nhiệm vụ công tác ĐNQP nói chung, nhiệm vụ của Viện nói riêng sẽ có những yêu cầu mới, nặng nề hơn. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, Viện tập trung giải quyết một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp về quan điểm, đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”7 của Đảng. Đây là vấn đề trọng tâm, phương châm chỉ đạo xuyên suốt trong mọi hoạt động của Viện. Bởi các hoạt động đối ngoại của Viện thực chất là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực QP-AN. Hơn nữa, do đặc thù công việc, đội ngũ cán bộ của Viện thường xuyên phải hoạt động độc lập, xa sự quản lý của cấp trên, tiếp xúc với các tổ chức nước ngoài. Do vậy, việc nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, BQP về công tác ĐNQP trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là ‘‘kim chỉ nam’’ để đội ngũ cán bộ của Viện xác định phương hướng, đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp, nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Nhận thức rõ điều đó, trong kế hoạch công tác giai đoạn 2010 - 2015, Viện xác định tiếp tục tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp về mục đích, yêu cầu, nội dung và các quan điểm, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước được nêu trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về ‘‘Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới’’, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9 và các chỉ thị, nghị quyết liên quan khác; coi đây là định hướng quan trọng hàng đầu và là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Viện.

Giai đoạn 2013 - 2015, Viện ưu tiên tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia các hoạt động đối ngoại về nhiệm vụ của cách mạng, Quân đội, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ công tác ĐNQP. Từ đó, đội ngũ cán bộ vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong từng lĩnh vực hoạt động đối ngoại được giao. Trong quá trình thực hiện, Viện coi trọng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục; đồng thời, vận dụng sáng tạo, hiệu quả các hình thức giáo dục, bồi dưỡng, như: tổ chức học tập trung kết hợp với cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới và tự nghiên cứu, tự học của mỗi cán bộ. Hằng năm, Viện tổ chức kiểm tra và lấy kết quả đó làm một tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình xét chất lượng cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp về quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước từng bước được nâng cao, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả theo từng cương vị, chức trách được giao.

Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ĐNQP trong thời kỳ mới. Hiện nay và trong những năm tới, hợp tác QP-AN đa phương trong khu vực và thế giới sẽ phát triển theo hướng mở rộng, thực chất cả về nội dung, quy mô và hình thức. Đối tượng và đối tác của cách mạng Việt Nam ngày càng đan xen phức tạp hơn. Việt Nam không thể đứng ngoài các cơ chế hợp tác an ninh của khu vực mà cần chủ động tham gia với phương pháp phù hợp. Do vậy, để nắm chắc tình hình, tham mưu có hiệu quả cho BQP trong các quan hệ quốc tế, phòng ngừa các nguy cơ từ xa, Viện xác định phải tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; coi đây là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại của Viện.

Giai đoạn từ nay đến 2015, Đảng ủy, chỉ huy Viện coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp, đào tạo, bổ nhiệm để kiện toàn tổ chức, biên chế đội ngũ cán bộ các cấp. Một mặt, Viện tổ chức mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ. Mặt khác, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của BQP làm tốt công tác quy hoạch, điều chuyển, gửi cán bộ vào các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, kết hợp với đưa cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài; bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và cơ bản lâu dài. Viện cũng chú trọng công tác phối hợp nghiên cứu, trao đổi đoàn, tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn với các viện nghiên cứu có uy tín ở trong và ngoài nước để cho đội ngũ cán bộ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ‘‘Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay’’, Đảng ủy, chỉ huy Viện lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.

Ba là, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng công tác ĐNQP. Xét cho cùng, ĐNQP là một bộ phận cấu thành quan trọng của ngành Ngoại giao Việt Nam. Vì vậy, công tác ĐNQP cần có sự phối hợp chặt chẽ với công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân, kết hợp giữa QP-AN và kinh tế với đối ngoại,… mới đem lại hiệu quả thiết thực. Trước hết, Viện phối hợp chặt chẽ với Cục Đối ngoại và Phòng Đối ngoại của các quân chủng, binh chủng trong toàn quân nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho BQP trong các diễn đàn, hội nghị QP,QS đa phương ở khu vực và quốc tế; phát huy động lực của ADMM+ lần thứ nhất (với 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác) vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN nói chung, cộng đồng về chính trị - an ninh ASEAN nói riêng vào năm 2015. Trong đó, Viện nghiên cứu, đề xuất với BQP những lĩnh vực, nội dung hợp tác mà Việt Nam có thế mạnh, nhất là lĩnh vực an ninh phi truyền thống, như: quân y, công binh, bảo vệ môi trường biển, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả bom mìn vì mục tiêu nhân đạo, nhằm khẳng định vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Viện chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an để tham mưu cho BQP và Chính phủ những giải pháp xây dựng niềm tin, hợp tác giải quyết hòa bình các tranh chấp, bảo vệ an ninh, ổn định trên Biển Đông trên cơ sở quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; khuyến khích các nước tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC).  

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Viện sẽ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời kỳ mới, góp phần tích cực vào duy trì môi trường hòa bình, ổn định an ninh trong khu vực, nâng cao vai trò, vị thế của Quân đội, của đất nước trên trường quốc tế.

Thiếu tướng, TS. VŨ TIẾN TRỌNG

Viện trưởng

                  

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 233.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1996, Tập 10, tr. 605.

3 - Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb CTQG, H. 2005, Tập 2, tr. 277.

4 - “Cùng nhau viết tiếp những trang sử mới của lịch sử một cách tích cực và tươi sáng”, Báo điện tử QĐND, ngày 12-10-2010.

5 - “Thành công của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ nhất và triển vọng của một cấu trúc an ninh khu vực”, Báo điện tử QĐND, ngày 10-11-2010.

6 - Sđd, Báo điện tử QĐND, ngày 10-11-2010.

7 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 235.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.