QPTD -Thứ Hai, 05/02/2018, 13:38 (GMT+7)
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu khoa học ngang tầm nhiệm vụ

Những năm qua, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động hợp tác, nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đạt được những kết quả tích cực, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tham gia phát triển kinh tế - xã hội đất nước và góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (tên đầy đủ là Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt - Nga) là tổ chức hợp tác song phương về khoa học, công nghệ, được thành lập và hoạt động trên cơ sở Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga (kế thừa Liên Xô trước đây)1. Trong đó, nghiên cứu khoa học (theo 03 hướng: độ bền nhiệt đới; sinh thái nhiệt đới; y sinh nhiệt đới) và ứng dụng, chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Trải qua 30 năm xây dựng, trưởng thành, Trung tâm đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành về nhiệt đới. Trung tâm đã chủ trì và tham gia nghiên cứu thành công hàng trăm đề tài, dự án khoa học, công nghệ; trong đó, nhiều đề tài, dự án thuộc các chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm của Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ của Trung tâm đáp ứng lợi ích của cả phía Việt Nam và Liên bang Nga, góp phần vào phát triển khoa học, công nghệ nói chung, khoa học, công nghệ, kỹ thuật quân sự nói riêng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và kinh tế - xã hội.

Những năm gần đây, bên cạnh thuận lợi xuất phát từ quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga được nâng lên đối tác chiến lược toàn diện và sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước, của Bộ Quốc phòng Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Trung tâm cũng đứng trước không ít khó khăn, nhất là cơ chế hoạt động, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị,... có mặt còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Trước tình hình đó, Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhằm nâng cao tiềm lực, chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và đạt kết quả khá toàn diện.

Là đơn vị hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, hoạt động đa ngành, đa chức năng, Trung tâm luôn coi trọng việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các hướng nghiên cứu. Trước thực trạng đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa ngang tầm nhiệm vụ, Đảng ủy Trung tâm đã ban hành Nghị quyết 93-NQ/ĐU, ngày 27-01-2011 “Về đào tạo cán bộ ở nước ngoài đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết 260-NQ/ĐU, ngày 28-3-2012 về “Lãnh đạo công tác cán bộ nhiệm kỳ 2011 - 2015”, cùng nhiều quy chế, quy định về công tác cán bộ. Theo đó, Trung tâm đã thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách trong xây dựng nguồn nhân lực; kết hợp chặt chẽ tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng với bố trí sử dụng; có chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút, tuyển dụng nhân lực chất lượng cao (chú trọng nguồn đào tạo ở Liên bang Nga) vào làm việc, v.v. Nhờ vậy, Trung tâm đã xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, đảm bảo sự chuyển tiếp vững chắc, với 98,5% trình độ đại học trở lên; trong đó, 58% có trình độ sau đại học. Trung tâm xây dựng được một số tập thể khoa học mạnh, chuyên sâu, có khả năng đề xuất, giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn đặt ra.

Đi liền với giải pháp về nhân lực, Trung tâm tăng cường đầu tư chiều sâu nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo hướng hiện đại, đồng bộ, phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm. Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan có liên quan của Bộ Quốc phòng, huy động nguồn lực thực hiện 14 dự án đầu tư tăng cường trang bị, thiết bị cho 19 phòng thí nghiệm, trạm thử nghiệm. Trong đó, một số phòng thí nghiệm, cơ sở thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia, quốc tế, như: Phòng phân tích Dioxin; Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học; Phòng Thử nghiệm tổng hợp, v.v. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, Trung tâm đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, điều hành hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ, thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa quản lý tập trung, thống nhất của Ban Tổng Giám đốc với phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các viện, phân viện, các chủ nhiệm đề tài; đổi mới quy trình, phương pháp lựa chọn đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, khắc phục sự phân tán, dàn trải nguồn lực; lấy sản phẩm cuối cùng để đánh giá chất lượng, hiệu quả nghiên cứu. Đồng thời, chỉ đạo các viện, phân viện bám sát thực tiễn, nhu cầu đơn vị để đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ ở các cấp; tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động hội thảo, hội nghị khoa học ở trong nước và quốc tế, v.v.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hồng Dư phát biểu tại Hội nghị Khoa học “Y sinh nhiệt đới - Một số vấn đề khoa học và thực tiễn”

Với quyết tâm cao, biện pháp phù hợp và được sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan của hai nước, những năm qua, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã có bước phát triển toàn diện, vững chắc. Năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ được nâng cao; hoạt động khoa học, công nghệ phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, hiệu quả. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã thực hiện 110 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trên các hướng: độ bền nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới, y sinh nhiệt đới; trong đó, có 23 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu hỗn hợp Việt - Nga; 07 đề tài cấp Nhà nước; 21 đề tài cấp Bộ Quốc phòng; 03 đề tài cấp bộ, ngành khác và 56 đề tài cấp cơ sở. Từ nghiên cứu của Trung tâm, nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ đã ra đời, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là, Trung tâm đã thực hiện tốt việc nghiên cứu, thử nghiệm đánh giá độ bền, độ tin cậy và tuổi thọ của các vật liệu, vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự do Liên bang Nga sản xuất trong quá trình sử dụng, niêm cất ở điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, đề xuất các phương pháp bảo vệ, khai thác hợp lý. Nghiên cứu chế tạo vật liệu, phương tiện bảo quản chống ăn mòn, lão hóa và phá hủy sinh học phục vụ niêm cất, bảo quản trang bị, vũ khí, đạn, như: dầu mỡ đặc chủng, giấy tẩm ức chế IFKHAN, ĐB-1, ĐB-2, viên ức chế VNX-29,...; nghiên cứu, tổng hợp hóa chất, vật liệu chuyên dụng cho sản xuất vũ khí, đạn. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện hóa bảo vệ các loại tàu, thuyền, công trình biển; nghiên cứu, chế tạo thiết bị tẩy hà dưới nước cho tàu, thuyền quân sự; nhiệt đới hóa đồng bộ đài ra-đa KACTA-2E2; xây dựng mới tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thuốc phóng sử dụng thiết bị Lava, v.v. Đặc biệt, Trung tâm đã cùng Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần phối hợp với Nhà máy lọc dầu Dung Quất hợp tác với phía Nga nghiên cứu, điều chỉnh công nghệ để sản xuất nhiên liệu phản lực JET-A1K, diesel L-62 thay thế nhiên liệu nhập khẩu sử dụng cho máy bay, tàu hải quân do Liên bang Nga sản xuất. Đồng thời, ứng dụng, chuyển giao nhiều công nghệ phục vụ nhiệm vụ của Quân đội, như: điêzen hóa động cơ xe ô tô Zil-131; cung cấp hệ thống thiết bị kiểm soát tình trạng kỹ thuật động cơ máy bay họ Su; nâng cấp, cải tiến máy ngắm pháo hạm AK-76; thiết kế, lắp đặt giàn thử động cơ AL-31F.

Trên hướng sinh thái nhiệt đới, Trung tâm triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nghiên cứu sinh thái và đa dạng sinh học, đóng góp có giá trị vào điều tra, nghiên cứu tài nguyên sinh vật của Việt Nam; nghiên cứu sử dụng một số loài động vật, thực vật phục vụ mục đích quốc phòng, kinh tế; quan trắc, phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm chất độc dioxin và kiến nghị biện pháp xử lý; tham gia các dự án khắc phục hậu quả ô nhiễm dioxin ở Đà Nẵng, Biên Hòa, v.v. Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu, Trung tâm đã chủ động mở đề tài nghiên cứu, chủ trì thực hiện và tư vấn 05 nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng về biến đổi khí hậu, bước đầu đạt kết quả tốt.

Trên hướng y sinh nhiệt đới, Trung tâm tập trung nghiên cứu hậu quả chất độc dioxin đối với sức khỏe con người; xây dựng, đề xuất quy trình, phương pháp điều tra, điều trị dự phòng và phục hồi sức khỏe cho người bị phơi nhiễm dioxin. Phối hợp với phía Nga đẩy mạnh nghiên cứu y học quân chủng, binh chủng, đề xuất một số biện pháp bảo vệ sức khỏe cho lực lượng làm nhiệm vụ đặc thù; nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới, như: dịch hạch, sốt mò, sốt xuất huyết; triển khai tách chiết các hoạt chất sinh học để sản xuất thuốc. Trung tâm đã tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và ứng dụng thành công liệu pháp ôxy cao áp vào thực hành y tế ở Việt Nam, đóng góp tích cực vào chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, nhân dân, v.v.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga rất nặng nề, đứng trước cả cơ hội và thách thức mới, nhất là khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng phát triển, phía Liên bang Nga có những điều chỉnh và đổi mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, cũng như có sự thay đổi đáng kể về cơ chế quản lý, bảo đảm trong tổ chức và hoạt động của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Trong bối cảnh đó, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm xác định tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, với mục tiêu: xây dựng Trung tâm trở thành cơ sở khoa học công nghệ đạt trình độ khu vực và thế giới, có khả năng tham gia và triển khai các chương trình khoa học trọng điểm của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, là địa chỉ tin cậy trong hợp tác hữu nghị và phối hợp hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Để đạt được mục tiêu trên, Trung tâm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh kiện toàn tổ chức; chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo bước đột phá trong đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Đồng thời, tăng cường hợp tác nghiên cứu; đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, v.v. Trong nghiên cứu khoa học, Trung tâm tiếp tục phối hợp xây dựng nhiệm vụ, chương trình nghiên cứu đảm bảo cân bằng lợi ích giữa Việt Nam và Liên bang Nga; kết hợp chặt chẽ nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, thích ứng và chuyển giao công nghệ, ưu tiên phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; gắn hoạt động của Trung tâm với công tác kỹ thuật của Quân đội và chú trọng huy động, mở rộng sự tham gia của phía Liên bang Nga trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của Việt Nam. Trước mắt, Trung tâm đẩy mạnh thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng giai đoạn 2015 - 2020; trong đó, chú trọng đề xuất các hướng hợp tác nghiên cứu mới, đặc thù, nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho quốc phòng và kinh tế, v.v.

Kinh nghiệm, truyền thống 30 năm xây dựng, phát triển và bản lĩnh, quyết tâm, trí tuệ khoa học là nền tảng vững chắc để Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga vững vàng vươn lên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cầu nối trong hợp tác, phối hợp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HỒNG DƯ, Tổng Giám đốc Trung tâm
_______________

1 - Trung tâm được thành lập theo Nghị định 25-HĐBT, ngày 07-3-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Tổ chức của Trung tâm hiện nay gồm: 03 viện; 02 phân viện; 02 chi nhánh; 01 trung tâm; 01 văn phòng đại diện và 10 cơ quan chức năng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.