QPTD -Thứ Hai, 25/07/2016, 10:59 (GMT+7)
Thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng

Đại tá Nguyễn Xuân Yêm, Phó Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị
chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng
tỉnh Quảng Ngãi

Chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nội dung cơ bản, bộ phận hữu cơ của chính sách đối với người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Trước tình hình mới, cần thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với đối tượng này, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”1, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã không ngừng phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, luôn trân trọng, biết ơn, đánh giá cao sự cống hiến, hy sinh to lớn của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; đồng thời, thực hiện tốt chính sách, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần để các đối tượng này khắc phục khó khăn, có cuộc sống ổn định, đảm bảo ít nhất là bằng mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.

Từ nhân dân mà ra, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, cùng với cả nước thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; coi đó là tình cảm, trách nhiệm, là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với người có công với cách mạng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới, phù hợp, như: Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Tuyên dương Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (2012); chỉ thị của Bộ Chính trị, các văn bản quy định của Chính phủ về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; các chủ trương, chính sách lớn đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Đồng thời, ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với thân nhân chủ yếu của liệt sĩ đang công tác trong Quân đội, thương bệnh binh nặng và chăm sóc người có công. Các cơ quan, đơn vị Quân đội tập trung mọi nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đề ra nhiều biện pháp để làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng chính sách. Ngành Chính sách Quân đội đã chủ động chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn thực hiện việc xác nhận và quản lý chi trả chế độ theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (phần thuộc trách nhiệm của các đơn vị Quân đội). Theo đó, từ năm 2010 đến nay, đã lập hồ sơ, đề nghị xác nhận gần 600 liệt sĩ; cấp giấy chứng nhận thương binh cho gần 5.000 trường hợp, hơn 1.300 bệnh binh, bảo đảm chặt chẽ, chính xác; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những sai sót, tiêu cực trong tổ chức thực hiện; tham gia xác lập hồ sơ, đề nghị và tổ chức chu đáo việc phong tặng, truy tặng đối với gần 73.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, v.v.

Cùng với đó, công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ được các đơn vị, địa phương hết sức chú trọng; công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh; tổ chức và bảo đảm được thực hiện tốt hơn; công tác đối ngoại, hợp tác về lĩnh vực này được xúc tiến và mở rộng. Từ khi thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến nay (Đề án 1237- năm 2013), các đơn vị, địa phương trong cả nước đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập được gần 9.200 hài cốt (trong nước gần 4.500, ở Lào gần 1.500, Cam-pu-chia hơn 3.100). Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội lãnh đạo, chỉ đạo tích cực và triển khai toàn diện, đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương và nguyện vọng của đối tượng chính sách. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, huy động được nhiều nguồn lực, mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Từ năm 2010 đến nay, Quân đội đóng góp hơn 443 tỷ đồng vào Qũy “Đền ơn đáp nghĩa”; nhận phụng dưỡng 1.776 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tuyển dụng tạo việc làm cho 321 trường hợp là vợ, con liệt sĩ và thương binh, bệnh binh nặng; xây dựng, sửa chữa hơn 7.200 nhà tình nghĩa, hơn 7.660 căn nhà chính sách xã hội; tặng hơn 5.000 sổ tiết kiệm, với số tiền trên 7,3 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách; hỗ trợ phương tiện ô tô, trang thiết bị cho các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh với số tiền gần 70 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị còn đóng góp vật liệu, ngày công xây dựng, tu sửa các công trình tình nghĩa ở các địa phương nơi đóng quân; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 900.000 lượt người có công và nhân dân; đỡ đầu, tổ chức kết nghĩa với các đoàn an, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, Trung tâm Nuôi dưỡng người bị nhiễm chất độc hóa học (làng Hữu Nghị) và tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm hỏi, tặng quà động viên các đối tượng chính sách nơi căn cứ cách mạng, chiến khu, đồng bào nơi biên giới, biển, đảo, v.v.

Những năm gần đây, được Thủ tướng Chính phủ giao, Quân đội đã chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện chu đáo chính sách đối với người tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Thực hiện Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có gần 12.700 đối tượng được hưởng trợ cấp hằng tháng, gần 967.000 đối tượng hưởng trợ cấp một lần với số tiền trên 4.200 tỷ đồng; đồng thời, thực hiện Quyết định 62/2011/QĐ-TTg đã có gần 1.300 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng, trên 1 triệu đối tượng hưởng chế độ trợ cấp 1 lần với số tiền trên 4.400 tỷ đồng. Hiện tại, cả nước đang triển khai thực hiện Quyết định 49/2015/QĐ-TTg, ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, v.v.

Cùng với sự chăm lo chung của cả nước, những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trong Quân đội thời gian qua đã thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần giữ vững ổn định chính trị, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách, v.v. Tuy nhiên, hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề, những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh còn nhiều, đa dạng và phức tạp. Trong khi đó, việc tinh giản tổ chức, biên chế có sự tác động không nhỏ, nhiều đơn vị giải thể, sáp nhập, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ, thất lạc. Ở một số đơn vị, việc quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công chưa được quan tâm đúng mức. Một số nội dung chính sách chưa được giải quyết kịp thời, tiến độ còn chậm, có việc để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc. Việc quản lý chính sách và cán bộ làm chính sách có đơn vị còn thiếu chặt chẽ, cá biệt có nơi còn để xảy ra tiêu cực. Đời sống cán bộ, chiến sĩ và đối tượng chính sách người có công còn khó khăn, v.v.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập và thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của trên đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Một trong những nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công thời gian qua là nắm chưa vững các chỉ thị, hướng dẫn của trên về nội dung này, nên việc triển khai còn lúng túng, bất cập, thiếu đồng bộ. Bởi vậy, cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, giá trị to lớn, ý nghĩa nhân văn của việc thực hiện công tác chính sách nói chung, công tác thương binh, liệt sĩ, người có công nói riêng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, nắm vững nội dung, yêu cầu các chỉ thị, hướng dẫn về công tác chính sách, nhất là Chỉ thị 02/CT-TTg, ngày 25-01-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Chỉ thị 368-CT/QUTW, ngày 12-6-2016 của Thường vụ Quân uỷ Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2016-2020; tăng cường bám nắm cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề cần giải quyết trong thực hiện chính sách. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm, đạo lý của mỗi cán bộ, chiến sĩ toàn quân đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh; trên cơ sở đó, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thế hệ trẻ trong thời kỳ mới.

Hai là, bám sát thực tiễn tình hình đất nước, Quân đội, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật ưu đãi người có công. Hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách ưu đãi người có công cần được bổ sung, hoàn thiện cùng với tiến trình cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với chủ trương cải cách chính sách xã hội của Nhà nước và đặc điểm của Quân đội. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, đề xuất ưu tiên, bổ sung những quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, thủ tục, hồ sơ để thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; hoàn thiện Đề án về chế độ, chính sách đối với người có công trong các thời kỳ kháng chiến hiện đang định cư ở nước ngoài. Tiếp tục tổng kết thực tiễn, xây dựng Luật Ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, chủ động phát hiện, đề xuất các chủ trương, giải pháp giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong thực hiện chính sách người có công, người tham gia các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Ba là, thực hiện kịp thời, chu đáo các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đang công tác trong Quân đội. Chủ động xử lý các tình huống, thực hiện chu đáo các chính sách và hỗ trợ kịp thời đối với người bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự - quốc phòng; thực hiện đúng, đủ chế độ, chính sách đối với người có công đang tại ngũ. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Quyết định 4696/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng về việc thực hiện hỗ trợ đối với thân nhân liệt sĩ đang công tác trong Quân đội, tạo điều kiện để họ phấn đấu và trưởng thành; đẩy nhanh tiến độ xác nhận người có công (phần thuộc trách nhiệm của Quân đội). Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, rút kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công; tập trung rà soát, đánh giá thực trạng công tác xác lập hồ sơ, giải quyết tồn đọng về chính sách sau chiến tranh; giải quyết, khắc phục kịp thời việc xác lập hồ sơ thương binh sai sót sau thanh tra, kiểm tra; phổ biến nhân rộng cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; phát huy dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch. Trên cơ sở đó, đề xuất những kiến nghị, biện pháp thích hợp, huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân và của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Các cấp cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" phát triển sâu rộng hơn nữa trong toàn quân và các tầng lớp nhân dân. Động viên và kết hợp tốt các nguồn lực với nhiều hình thức, biện pháp phong phú; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”, toàn dân chăm sóc người có công với nước, làm cho mỗi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công thực sự “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội” như Bác Hồ đã căn dặn. Hết sức chú ý tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng chính sách tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cống hiến trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng có hiệu quả, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đúng, đủ, chu đáo; tiếp tục quan tâm hỗ trợ thương bệnh binh nặng, người có công có hoàn cảnh khó khăn; thân nhân liệt sĩ đang công tác trong Quân đội, không để xảy ra tiêu cực trong thực hiện chính sách. Đề xuất chủ trương và thực hiện tốt các hoạt động công tác chính sách nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017).

Năm là, tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt chỉ thị của Bộ Chính trị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và chăm lo thực hiện chính sách xã hội đối với đối tượng chính sách người có công trong Quân đội. Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào, Cam-pu-chia, chuyển mạnh trọng tâm tìm kiếm, quy tập ở địa bàn trong nước; chủ động phối hợp thực hiện có hiệu quả chủ trương xác định danh tính liệt sĩ. Thường xuyên quan tâm công tác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho người có công và con em của các đối tượng chính sách; giúp đỡ và lồng ghép các chính sách xã hội (xoá đói giảm nghèo; hỗ trợ bệnh hiểm nghèo, tâm thần…), chính sách đối với người tham gia kháng chiến. Chăm lo thiết thực, hiệu quả các gia đình chính sách, nhất là đối với những người, gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong thời gian tới là việc làm thiết thực thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Hiếu nghĩa, bác ái” của dân tộc Việt Nam. Làm tốt điều đó sẽ góp phần tôn vinh và tri ân công ơn to lớn đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người có công với nước đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng, TS. TRẦN VĂN MINH, Cục trưởng Cục Chính sách

________________

1 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 372.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.