QPTD -Thứ Hai, 23/05/2016, 14:20 (GMT+7)
Tăng cường công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới

Đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành quan trọng của mặt trận ngoại giao nước nhà, do các tổ chức, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tiến hành, nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối ngoại nhân dân thực chất là công tác dân vận nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước thực hiện chủ trương, chính sách hòa bình, hữu nghị và hợp tác của nước ta đối với nước ngoài; đồng thời vận động nhân dân các nước ủng hộ đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, Nhà nước ta. Đối ngoại nhân dân có ưu thế là tiến hành với nhiều nước, nhiều tổ chức chính trị, xã hội, thậm chí với cả các tổ chức phi chính phủ,… mà đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước không thể thực hiện.

Năm 2015, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến môi trường an ninh, phát triển của các quốc gia, đến phong trào nhân dân thế giới và công tác đối ngoại nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân coi trọng và nỗ lực quán triệt chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc đối ngoại nhân dân, góp phần thiết thực vào thành tích đối ngoại chung của cả nước. Đảng ta kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, như Quyết định 272-QĐ/TW, ngày 21-11-2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại (thay thế Quy chế 295), trong đó đối tượng điều chỉnh bao gồm các đoàn thể và tổ chức nhân dân; Chỉ thị 45-CT/TW, ngày 19-5-2015 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và một số văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần tạo khung pháp lý hoàn chỉnh hơn trong việc điều chỉnh các hoạt động liên quan của các tổ chức nhân dân. Công tác đối ngoại nhân dân phát triển mạnh mẽ ở các cấp, nhất là Trung ương. Năm 2015, Nhà nước đã tổ chức hơn 500 đoàn ra nước ngoài và đón hơn 400 đoàn (khoảng hơn 3.000 lượt người).

Công tác đối ngoại nhân dân năm 2015 đạt được nhiều thành tích quan trọng, nổi bật là:

Đã tích cực tham gia vận động, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc. Trước những diễn biến phức tạp mới ở Biển Đông, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta một mặt tích cực thông tin để nhân dân các nước hiểu, nắm được tình hình; mặt khác, trên cơ sở luật pháp quốc tế, vận động nhân dân các nước ủng hộ lập trường của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động phi pháp gây căng thẳng ở Biển Đông. Hoạt động vận động, đấu tranh của các đoàn thể, tổ chức nhân dân đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thể hiện rõ thái độ đúng đắn và lập trường chính nghĩa của nhân dân ta; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận  quốc tế. Trong đấu tranh chống  âm mưu và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm, lập trường, hình ảnh và lợi ích của Việt Nam, các tổ chức của ta tiếp tục phối hợp tốt tại các diễn đàn, đấu tranh bảo vệ quan điểm của ta về lao động và công đoàn trong các đàm phán, bảo vệ lợi ích người lao động, hội viên ngành, nghề trong cạnh tranh thương mại. Về bảo đảm quyền con người, các tổ chức nhân dân của ta tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai, thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát UPR, v.v.

Củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước láng giềng, mở rộng quan hệ bạn bè và đối tác quốc tế. Trong quan hệ với Lào, Cam-pu-chia, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta tiếp tục phát huy vai trò đoàn kết, hữu nghị đặc biệt với các đối tác nhân dân nước bạn, đưa mối quan hệ này đi vào chiều sâu, thực chất. Với Trung Quốc, bên cạnh việc kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các đoàn thể, tổ chức nhân dân ta tiếp tục triển khai tinh thần thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước. Với các nước ở khu vực Đông Nam Á, các đoàn thể, tổ chức nhân dân của ta tiếp tục triển khai các hoạt động song phương và đa phương, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thu được nhiều kết quả quan trọng. Hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN với trọng tâm vì người dân, các tổ chức nhân dân ta cũng triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện mong muốn và trách nhiệm của nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng. Với các nước lớn và các đối tác chiến lược, hoạt động đối ngoại nhân dân giúp tăng cường hiểu biết, hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước (Mỹ, EU, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,…), góp phần làm sinh động quan hệ hợp tác theo kênh nhà nước, chính phủ. Với các bạn bè truyền thống, các nước châu Á, Phi, Mỹ La-tinh, các đoàn thể, tổ chức nhân dân ta duy trì tốt quan hệ, tình cảm gắn bó, thủy chung.

Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia có trách nhiệm trong các hoạt động đa phương, đóng góp cho phong trào nhân dân khu vực và thế giới. Quán triệt tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Hội nhập quốc tế”, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta nỗ lực, chủ động hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, từ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị đến kinh tế, hợp tác ngành, nghề. Các tổ chức này tích cực đóng góp nhiều kinh nghiệm, sáng kiến mang tính xây dựng hòa bình, hợp tác, phát triển tại nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế và khu vực; đồng thời, đăng cai tổ chức  nhiều hoạt động đa phương tại Việt Nam, thể hiện tốt vai trò, vị thế của tổ chức trong cơ chế đa phương. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước với bạn bè, đối tác quốc tế. Nhiều hội nghị ngành, nghề đã tích cực triển khai các chương trình, hoạt động nghiên cứu, phát triển thị trường, tổ chức các hội thảo chuyên ngành để tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các thành viên. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế hình thành các liên kết kinh tế mới, như: TPP, EVFTA,… các tổ chức này tích cực hoạt động, tạo điều kiện, cơ sở để Nhà nước ta hoàn tất thủ tục đàm phán, ký kết và sớm có hiệu lực thực hiện.

Tích cực hoạt động trên nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Thông qua hoạt động đối ngoại nhân dân, các đoàn thể, tổ chức nhân dân vận động, tranh thủ được nguồn lực đáng kể vật chất, tri thức, sự hỗ trợ của bạn bè và các đối tác quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh. Đồng hành với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, các đoàn thể và tổ chức nhân dân kiên trì công tác vận động bạn bè, đối tác ủng hộ nạn nhân, xoa dịu nỗi đau da cam. Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại tiếp tục được quan tâm triển khai thông qua các sản phẩm, phương tiện truyền thông và lồng ghép trong nhiều hoạt động đối ngoại nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế về chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại của ta và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; đồng thời, giúp quần chúng nhân dân và hội viên tiếp cận thường xuyên hơn với thông tin về các vấn đề đối ngoại và hoạt động đối ngoại của tổ chức mình.

Năm 2016 là năm có các sự kiện quan trọng như Đại hội XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đa chiều đến nước ta, với cả thời cơ và thách thức đan xen.

Nhiệm vụ chung của công tác đối ngoại nhân dân là: nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia; củng cố quan hệ hữu nghị và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW, ngày 06-7-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, với các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục triển khai, thực hiện các chủ trương đối ngoại lớn của Đảng và Nhà nước về quan hệ của ta với các nước láng giềng, ASEAN, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Đồng thời, thực hiện tốt công tác nghiên cứu tình hình, triển khai các hoạt động một cách phù hợp, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hạn chế mặt tiêu cực, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; tuyên truyền kết quả Đại hội XII của Đảng, công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, bản chất vì nhân dân của chế độ và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của ta; đường lối, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam,… nhằm tăng cường hiểu biết, củng cố tình hữu nghị, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Kết hợp công tác đối ngoại với công tác vận động, tập hợp và hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài.

2. Chủ động, tích cực tham gia và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, tranh thủ các nguồn lực và điều kiện thuận lợi để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, đóng góp cho sự nghiệp chung của nhân dân khu vực và thế giới. Tiếp tục tham gia có trách nhiệm và đóng góp phù hợp tại các cơ chế, tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng, có ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam, nhất là các diễn đàn phi chính phủ của Liên hợp quốc, ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các tổ chức dân chủ và tiến bộ quốc tế.

3. Tích cực tham gia bảo vệ độc lập, chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia. Các biện pháp đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia cần bảo đảm tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng; kiên quyết song linh hoạt, mềm dẻo để tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước, không gây kích động, hận thù dân tộc, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục cảnh giác và có biện pháp đấu tranh hiệu quả với âm mưu “diễn biến hòa bình” qua việc thúc đẩy “đa nguyên” chính trị, hình thành “xã hội dân sự” kiểu phương Tây tại Việt Nam, lợi dụng chống phá ta trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, báo chí, luật pháp và các vấn đề nhạy cảm khác.

Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra hoạt động đối ngoại nhân dân, hình thành một cơ chế phối hợp trong công tác đối ngoại nhân dân; đẩy mạnh công tác thông tin, kiểm tra, hướng dẫn.

Những thành tựu đạt được trong hoạt động đối ngoại nhân dân là quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thời gian tới, trên cơ sở quán triệt, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, các tổ chức, đoàn thể, nhân dân cần tiếp tục phát huy thành tựu đó, tăng cường hơn nữa hoạt động đối ngoại nhân dân với các nước trên thế giới, nhằm củng cố hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, ThS. LÊ XUÂN KHANH, Phó cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.