QPTD -Thứ Năm, 21/11/2019, 08:15 (GMT+7)
Quân đoàn 1 nâng cao chất lượng huấn luyện

Quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và yêu cầu, nhiệm vụ được giao, những năm qua, cùng với đẩy mạnh chấn chỉnh tổ chức biên chế, tập trung xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, Quân đoàn 1 đặc biệt coi trọng đổi mới công tác huấn luyện; xác định đây là khâu đột phá nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược. Theo đó, Quân đoàn đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp trong thực hiện nhiệm vụ “trọng tâm, thường xuyên” này và thu được kết quả quan trọng. Giai đoạn 2013 - 2018, toàn Quân đoàn đã tổ chức tập huấn cho gần 19.500 lượt cán bộ các cấp; tổ chức trên 80 cuộc diễn tập cho các đơn vị; 271 đợt hội thi, hội thao; xây dựng, nâng cấp 468 thao trường, bãi tập. Các đơn vị đã tổ chức kiểm tra, bắn chiến đấu cho 100% khẩu đội, tiểu đội, chiến sĩ năm thứ nhất, với kết quả hằng năm luôn có 100% khoa mục đạt yêu cầu, trong đó trên 78% khá, giỏi, các bài bắn đều đạt khá, giỏi; có 33 đơn vị các cấp đạt danh hiệu huấn luyện giỏi. Chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức cơ động của Quân đoàn được nâng lên rõ rệt, đảm bảo luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo, Chỉ huy Quân đoàn xử trí các tình huống trong diễn tập Chỉ huy tham mưu 1 bên 2 cấp trên bản đồ, năm 2019

Tuy nhiên, do cả nguyên nhân chủ quan, khách quan, việc đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện chưa tạo được sự đột phá; khả năng cơ động ở một số đơn vị có mặt còn bất cập; kết quả huấn luyện có nội dung chưa thực sự đồng đều, vững chắc, v.v.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho Quân đoàn những mục tiêu, yêu cầu rất cao. Để hoàn thành trọng trách vẻ vang của mình, Quân đoàn tiếp tục triển khai toàn diện các nội dung, biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, tạo bước đột phá về chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; trong đó, tập trung vào một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Trước hết, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện. Quân đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ vào nhiệm vụ được giao để xây dựng, bổ sung quy chế lãnh đạo, ra nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện; cụ thể hóa Nghị quyết 449-NQ/ĐUQĐ của Đảng ủy Quân đoàn về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo” thành chỉ tiêu, biện pháp thực hiện sát tình hình nhiệm vụ, khắc phục triệt để khâu yếu, mặt yếu. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, Quân đoàn tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện, tăng cường phân cấp huấn luyện, gắn phân cấp với phân rõ trách nhiệm của cơ quan, chỉ huy các cấp trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức huấn luyện. Trong thực hiện, Quân đoàn chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý kế hoạch huấn luyện, diễn tập,... đảm bảo điều hành, tổ chức huấn luyện khoa học, tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo; thống nhất sử dụng hệ thống mẫu biểu đăng ký, thống kê huấn luyện; thực hiện nghiêm quy trình lập và phê duyệt kế hoạch; soạn và thông qua giáo án, tiến trình biểu huấn luyện, v.v. Cùng với đó, Quân đoàn tăng cường kiểm tra, thanh tra, phúc tra huấn luyện; chú trọng đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp kiểm tra, kết hợp kiểm tra thường xuyên với đột xuất, kiểm tra vượt cấp để đánh giá thực chất công tác huấn luyện của đơn vị; kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những khâu yếu, mặt yếu, nhất là tư tưởng thỏa mãn dừng lại, giản đơn, hình thức và bệnh thành tích trong huấn luyện.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện. Để đáp ứng yêu cầu tác chiến của đơn vị chủ lực trong điều kiện chiến tranh hiện đại, Quân đoàn tiếp tục bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, tích cực nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp huấn luyện, phù hợp với vũ khí, trang bị hiện có và sự phát triển của khoa học kỹ thuật quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, chú trọng tổng kết kinh nghiệm chiến đấu, cập nhật những nội dung mới về đường lối quân sự, quốc phòng, nghệ thuật quân sự, sự phát triển vũ khí, trang bị thế hệ mới, hiện đại,… để bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung huấn luyện. Kiên quyết loại bỏ những nội dung trùng lặp, không phù hợp với điều kiện tác chiến mới; tăng cường biên soạn, thông qua và ban hành tài liệu huấn luyện, nhất là các giáo án mẫu. Đặc biệt, Quân đoàn đẩy mạnh huấn luyện theo tình huống, tạo chuyển biến về trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Cùng với đó, Quân đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung huấn luyện toàn diện nhưng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm; gắn huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật với huấn luyện theo nhiệm vụ, tình huống; tăng cường huấn luyện thể lực, thực hành, huấn luyện đêm; kết hợp huấn luyện truyền thống với hiện đại, huấn luyện nâng cao khả năng cơ động, di chuyển, dịch chuyển, ngụy trang, nghi binh,… trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, dã ngoại dài ngày. Quá trình thực hiện, Quân đoàn chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với luyện tập, diễn tập, huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật, xây dựng cho bộ đội niềm tin vào cách đánh, vũ khí, trang bị hiện có. Mặt khác, Quân đoàn tăng cường tổ chức diễn tập ở các cấp, chú trọng diễn tập vòng tổng hợp cấp đại đội, tiểu đoàn, diễn tập thực binh có bắn đạn thật và tham gia diễn tập tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, diễn tập tác chiến khu vực phòng thủ với nội dung, hình thức diễn tập theo hướng đổi mới, thực chất, hiệu quả. Đây là vấn đề rất quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng để Quân đoàn đủ sức chủ trì, phối hợp tổ chức thành công các cuộc diễn tập cấp chiến dịch (do Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo), với nhiều thành phần, lực lượng tham gia.

Ba là, nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng cán bộ và huấn luyện phân đội. Với quan điểm huấn luyện cán bộ là then chốt, huấn luyện phân đội là trọng điểm, trước hết, Quân đoàn tập trung làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng kiện toàn đội ngũ, nhất là cán bộ trực tiếp huấn luyện đủ về số lượng, có chất lượng toàn diện, bảo đảm đủ năng lực chỉ đạo, thực hành huấn luyện, khả năng tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành huấn luyện. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ các cấp những nội dung sát với cương vị, chức trách đảm nhiệm. Cụ thể là, đối với chỉ huy, sĩ quan các cấp, bồi dưỡng về: chiến thuật binh chủng hợp thành, quân chủng, binh chủng, ngành; công tác tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện; quy định an toàn và quản lý vũ khí, trang bị, v.v. Đối với hạ sĩ quan chỉ huy, huấn luyện về phương pháp điều hành luyện tập, sửa tập trong tiểu đội, khẩu đội, v.v. Quá trình thực hiện, Quân đoàn chú trọng phát huy tính tích cực, tự rèn của cán bộ các cấp, bảo đảm “giỏi cấp mình, thuần thục cấp dưới, biết trên một cấp”; phấn đấu 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó, trên 90% cán bộ tiểu đoàn, trên 70% cán bộ đại đội, trung đội đạt khá, giỏi.

Cùng với đó, Quân đoàn chỉ đạo các cấp huấn luyện cho bộ đội, phân đội sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị trong biên chế, nhất là vũ khí, khí tài mới; thành thạo động tác, đội ngũ chiến thuật, v.v. Trong đó, đơn vị bộ binh, bộ binh cơ giới tổ chức diễn tập chiến thuật từ cấp trung đội đến tiểu đoàn. Đơn vị binh chủng, ngành, chú trọng huấn luyện cơ động dịch chuyển, ngụy trang, nghi binh gắn với diễn tập vòng tổng hợp; kiểm tra các bài bắn, lái theo quy định. Ngoài ra, huấn luyện thật cơ bản cho các đơn vị phòng hóa kiêm nhiệm; đơn vị thông tin tổ chức diễn tập thực binh đối kháng với lực lượng tác chiến điện tử; đơn vị công binh tăng cường huấn luyện bảo đảm vượt sông, khắc phục vật cản, v.v. Huấn luyện hậu cần, kỹ thuật chú trọng về công tác bảo đảm, cứu thương, vận chuyển con người, di chuyển kho, trạm, bảo quản vũ khí, trang bị trong dã ngoại. Các đơn vị khung thường trực, rút gọn, chú trọng huấn luyện cho cán bộ khung B theo chức trách đảm nhiệm trước khi huấn luyện phân đội dự bị động viên; tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện chuyển loại chuyên nghiệp quân sự cho quân nhân dự bị, v.v.

Để đạt hiệu quả, Quân đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phương châm “cấp trên dạy cấp dưới, chỉ huy dạy đơn vị”, gắn huấn luyện chiến đấu với giáo dục chính trị; huấn luyện điều lệnh với xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; kết hợp huấn luyện và rèn luyện thể lực. Trong đó, huấn luyện thể lực theo đúng chương trình, tập trung vào huấn luyện bơi, vượt vật cản, võ chiến đấu; duy trì nghiêm chế độ rèn luyện thể lực, hành quân xa mang vác nặng; có kế hoạch rèn luyện thể lực bổ sung,… tạo sự đồng đều về thể lực, nâng cao sức bền và khả năng cơ động cho bộ đội. Quân đoàn yêu cầu, các đơn vị huấn luyện xong chiến thuật cấp nào tổ chức bắn đạn thật 100% đơn vị cấp đó; ưu tiên các đơn vị đủ quân; riêng cấp tiểu đoàn, thực hành bắn đạn thật có hỏa lực cấp trên chi viện.

Bốn là, làm tốt công tác bảo đảm huấn luyện. Thực tế cho thấy, muốn huấn luyện giỏi phải có thao trường tốt. Con người là quyết định, nhưng vật chất bảo đảm, vũ khí, trang bị, thao trường là những yếu tố rất quan trọng để huấn luyện đạt hiệu quả cao. Do đó, trong điều kiện vật chất, kinh phí huấn luyện hạn chế, Quân đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khắc phục khó khăn, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí trên cấp và huy động thêm các nguồn lực tại chỗ để ưu tiên bảo đảm đủ về trang thiết bị, mô hình học cụ, tài liệu huấn luyện. Phát huy nội lực làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện; tập trung tu sửa, làm mới, mua sắm mô hình học cụ huấn luyện có chất lượng tốt. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để đưa sản phẩm vào huấn luyện, diễn tập và nhân rộng trong Quân đoàn. Trong huấn luyện, các cơ quan, đơn vị sử dụng hết công năng hệ thống thao trường, bãi tập; phối hợp chặt chẽ với nhau và với địa phương để quản lý, sử dụng hiệu quả, chống lấn chiếm; thường xuyên củng cố, nâng cấp phục vụ tốt cho huấn luyện. Đồng thời, chú trọng đầu tư bổ sung trang thiết bị phòng học chuyên dùng; phần mềm mô phỏng chiến đấu, khai thác vũ khí, trang bị,… để tiết kiệm xăng dầu, vật chất. Ngành hậu cần, kỹ thuật tích cực làm tốt công tác chuyên môn gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 50, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời vật chất hậu cần, kỹ thuật thiết yếu, v.v. Qua đó, duy trì hệ số kỹ thuật của vũ khí, trang bị đúng quy định, quân số khỏe cao, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, góp phần làm nên sức mạnh chiến đấu mới của Quân đoàn, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đại tá ĐỖ MINH XƯƠNG, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.