QPTD -Thứ Năm, 21/02/2013, 22:46 (GMT+7)
Nhân rộng mô hình điểm trong lực lượng dân quân tự vệ
Ảnh minh họa
Triển khai xây dựng mô hình điểm dân quân tự vệ theo Đề án 1902 của Chính phủ trong hơn hai năm qua đã đạt được kết quả khá toàn diện. Đó là cơ sở để các địa phương, cơ quan, tổ chức đẩy mạnh xây dựng trên diện rộng, góp phần thực hiện nghiêm túc Luật Dân quân tự vệ.
 
 
Ngày 15-10-2010, Chính phủ ra Quyết định số 1902/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án xây dựng mô hình điểm tổ chức, huấn luyện, hoạt động và những biện pháp quản lý lực lượng dân quân tự vệ (DQTV)” (gọi tắt là Đề án 1902). Theo đó, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 72/2010/TT-BQP, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị quân đội và phê duyệt Kế hoạch số 1641/KH-TM của Bộ Tổng Tham mưu; Cơ quan Thường trực Bộ Quốc phòng ban hành các kế hoạch và văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện Đề án 1902.

Nhiệm vụ xây dựng mô hình điểm DQTV tập trung vào các thành phần và công tác chủ yếu là: dân quân thường trực (DQTT), dân quân cơ động (DQCĐ), dân quân biển, tự vệ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, ban chỉ huy quân sự (CHQS) các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức; công tác quản lý và mẫu trang phục của DQTV. Thực hiện các quyết định, hướng dẫn trên, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam; các quân khu, cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở; cơ quan quân sự cấp tỉnh, huyện, ban CHQS các cấp được giao nhiệm vụ xây dựng điểm đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án 1902 với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tập trung ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc quyền xây dựng kế hoạch, phân công theo dõi và tổ chức xây dựng điểm phù hợp với tình hình ở từng cơ sở. Đến nay, có 61/63 tỉnh (thành phố) đã xây dựng và phê duyệt Đề án xây dựng lực lượng DQTV giai đoạn 2011 - 2015. Các mô hình điểm được xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng tổng hợp, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp cùng các lực lượng xử trí tốt các tình huống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương, cơ sở, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh những ưu điểm là chủ yếu, công tác xây dựng mô hình điểm DQTV cũng còn những hạn chế và khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý là, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số cơ sở, cơ quan, tổ chức chưa nhận thức sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong triển khai thực hiện; sự phối hợp giữa cơ quan quân sự ở một số địa phương, ban CHQS cơ quan, tổ chức với các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ nên có nơi tiến hành chậm, chất lượng xây dựng điểm có mặt còn hạn chế.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nhân rộng các mô hình điểm, góp phần để Luật DQTV được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trên toàn quốc, thời gian tới, các địa phương, cơ quan, tổ chức cần thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và phát huy vai trò của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhất là cơ quan quân sự các cấp trong việc triển khai xây dựng lực lượng DQTV theo các mô hình điểm. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng lực lượng DQTV theo các mô hình điểm. Trước hết, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, các cơ quan, tổ chức cần tăng cường giáo dục, quán triệt cho các đối tượng về quan điểm, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trọng tâm là Kết luận số 41-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”, Luật DQTV và các văn bản pháp quy có liên quan. Qua đó, làm cho mọi người nhận thức rõ vai trò, vị trí chiến lược của DQTV đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, các địa phương và lực lượng vũ trang trong tổ chức thực hiện. Yêu cầu đặt ra là,  trong nhiệm kỳ và từng thời gian, các cấp ủy, tổ chức đảng phải ra nghị quyết (chuyên đề, hoặc thường kỳ) lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng lực lượng DQTV; chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có kế hoạch tổ chức thực hiện chặt chẽ, cụ thể. Với chức năng là cơ quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác quân sự, quốc phòng, cơ quan quân sự các cấp phải đề cao trách nhiệm, chủ động đề xuất chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, đối với một số tỉnh (thành phố) chưa triển khai, hoặc triển khai chưa đồng bộ thì cơ quan quân sự phải khẩn trương tham mưu xây dựng và phê duyệt Đề án theo quy định và ban hành các quyết định thuộc thẩm quyền, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương, có tính khả thi cao.

Hai là, khi thực hiện nhân rộng mô hình điểm DQTV, phải coi trọng đảm bảo chất lượng chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời bình và khi có chiến tranh xảy ra. Trong đó, tập trung xây dựng lực lượng DQTV nòng cốt với các thành phần chủ yếu sau:

Xây dựng trung đội DQCĐ cấp xã, cấp huyện (các địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh cấp huyện có thể xây dựng nhiều trung đội hoặc đại đội). Từng cơ sở lựa chọn thanh niên từ 18 đến 30 tuổi, có việc làm ổn định, phẩm chất chính trị tốt, gọn trong địa bàn, gần trụ sở cấp xã để thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ huy và sẵn sàng cơ động khi có lệnh. Để đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, cần thực hiện: trung đội DQCĐ có tổ đảng, tiểu đội có đảng viên, trung đội trưởng phải là đảng viên. Hằng năm, cán bộ DQCĐ được tập huấn, phân đội được huấn luyện; trong đó, tập trung huấn luyện các nội dung về xử lý các tình huống: chống bạo loạn, bảo vệ mục tiêu, đánh chiếm lại mục tiêu, cơ động lực lượng và xử lý các tình huống về an ninh, trật tự (có thể diễn ra)... Việc xây dựng, hoàn chỉnh các kế hoạch hoạt động của DQCĐ phải phù hợp với tình hình địa phương, cơ sở và kế hoạch tác chiến trong khu vực phòng thủ.

Xây dựng tiểu đội DQTT biên giới thuộc trung đội DQCĐ cấp xã; cán bộ, chiến sĩ luân phiên thực hiện nhiệm vụ từ 6 đến 12 tháng. Bố trí cho DQTT ăn, ở tập trung gần trụ sở cấp xã, địa bàn quan trọng khu vực biên giới, hoặc gần đồn, trạm Biên phòng để thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ huy và thực hiện các hoạt động bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Cần có sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng, lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị quân đội trên địa bàn để huấn luyện cho DQTT về: tuần tra, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, phòng, chống cháy rừng... Duy trì nghiêm nền nếp trực SSCĐ, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, sự chỉ đạo, điều hành của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, sự chỉ huy của chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã, trung đội trưởng DQCĐ và quy chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng.

Xây dựng lực lượng dân quân biển: Các xã ven biển, đảo tuyển chọn nam thanh niên là ngư dân ở địa phương, hoặc lao động hợp đồng (từ 6 tháng trở lên) và tuyển chọn tối đa những người lao động trên các tàu, thuyền (chủ yếu ở tuyến khơi) để xây dựng trung đội dân quân biển. Lựa chọn những người có năng lực, uy tín làm trung đội trưởng, tiểu đội trưởng. Công tác tổ chức huấn luyện, luyện tập hằng năm cho phân đội cần chọn thời điểm thích hợp, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và thu nhập của ngư dân; phối hợp với các đơn vị Hải quân, Biên phòng, Kiểm ngư trên địa bàn để huấn luyện cho dân quân biển về: kiến thức luật pháp cần thiết, phương pháp quan sát, phát hiện, thông báo, báo cáo tình hình và đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam của các tàu, thuyền nước ngoài, các hoạt động vi phạm an ninh, trật tự trên biển... Xây dựng và hoàn chỉnh các kế hoạch hoạt động, quy chế hoạt động, phối hợp với các đơn vị có liên quan. Vừa kết hợp sản xuất với thực hiện nhiệm vụ quan sát, phát hiện các hoạt động vi phạm pháp luật để thông báo và phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý kịp thời.

Xây dựng lực lượng tự vệ thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước: Trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khó khăn, cơ quan quân sự địa phương cần chủ động tiến hành khảo sát, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong địa bàn có sự phát triển ổn định để củng cố lực lượng tự vệ. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thành lập mới lực lượng tự vệ ở doanh nghiệp có đủ điều kiện với quy mô hợp lý (tiểu đội, trung đội, hoặc nhiều trung đội). Người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng tự vệ theo quy định. Việc lập, phê duyệt kế hoạch và tổ chức huấn luyện cho lực lượng tự vệ các doanh nghiệp thực hiện theo Thông tư số 79/2010/TT-BQP của Bộ Quốc phòng. Cơ quan quân sự cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, hoàn chỉnh các kế hoạch hoạt động của lực lượng tự vệ; chỉ huy lực lượng tự vệ tham mưu cho người quản lý doanh nghiệp xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động giữa lực lượng tự vệ với lực lượng Công an, bảo vệ của doanh nghiệp và các lực lượng khác. Trên cơ sở đó, tổ chức các hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn, bảo vệ sản xuất, kinh doanh và luyện tập các phương án chiến đấu bảo vệ cơ quan, phòng, chống cháy nổ và tham gia các hoạt động phòng thủ dân sự trên địa bàn.

Ba là, bảo đảm chế độ, chính sách và  tăng cường đổi mới công tác quản lý lực lượng DQTV. Công tác bảo đảm kinh phí cho tổ chức, huấn luyện, hoạt động của lực lượng DQTV được thực hiện chủ yếu theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật DQTV. Đây là sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công tác DQTV, nhưng so với yêu cầu vẫn còn hạn hẹp. Vì vậy, để xây dựng lực lượng DQTV theo các mô hình điểm, các địa phương, cơ quan, tổ chức cần huy động các nguồn lực, nhất là việc xây dựng quỹ quốc phòng - an ninh ở các địa phương. Cùng với đó, cần có chính sách hợp lý để thu hút lao động, tạo việc làm cho DQTV tại địa phương; thực hiện tốt chính sách hậu phương cho cán bộ, chiến sĩ DQTV, nhất là lực lượng DQTT, DQCĐ để họ thực sự yên tâm công tác, SSCĐ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần hoàn chỉnh hệ thống mẫu biểu đăng ký, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, xây dựng lực lượng DQTV “vững mạnh, rộng khắp”, góp phần bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, biển, đảo của Tổ quốc.
 
Trung tướng HOÀNG CHÂU SƠN
Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ
 
Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.