QPTD -Thứ Sáu, 22/11/2013, 09:28 (GMT+7)
Một số vấn đề rút ra từ cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Hà Nam năm 2013

Thực hiện Nghị định 152/2007/NĐ-CP, ngày 10-10-2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ, chấp hành sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 3, vừa qua, tỉnh Hà Nam đã tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh một bên hai cấp, có thực binh. Mục đích chính của Cuộc diễn tập nhằm đánh giá thực chất kết quả xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ. 

Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh báo cáo Quyết tâm tác chiến phòng thủ.

Cuộc diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh Hà Nam năm 2013 thực hiện 28 nội dung (trong đó, cấp tỉnh gồm 17 nội dung, huyện Kim Bảng gồm 11 nội dung), với 3 giai đoạn: Chuyển lực lượng vũ trang (LLVT) Tỉnh vào các trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), chuyển địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và thời chiến; tổ chức chuẩn bị tác chiến phòng thủ; thực hành tác chiến phòng thủ. Đây là Cuộc diễn tập có nhiều nội dung mới, nhiều thành phần, lực lượng tham gia. Mặc dù được tổ chức vào thời điểm cuối năm, Tỉnh đang tập trung phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013, song được sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và LLVT địa phương trong Tỉnh, nên Cuộc diễn tập đã thành công tốt đẹp, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Qua Cuộc diễn tập, có thể rút ra một số vấn đề cơ bản sau đây:

1. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị diễn tập

Ngay sau khi có Chỉ thị của Tư lệnh Quân khu 3 về việc tổ chức diễn tập KVPT Tỉnh năm 2013, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) và Công an Tỉnh phối hợp với các ban, ngành chức năng và địa phương khảo sát, xây dựng ý định diễn tập, xin ý kiến chỉ đạo và thẩm định của Bộ Tham mưu Quân khu, trình Tư lệnh Quân khu phê duyệt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND Tỉnh ban hành Chỉ thị lãnh đạo, Kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ diễn tập; quyết định thành lập và tổ chức các hội nghị của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, các Tiểu ban giúp việc để triển khai nhiệm vụ. Tỉnh ủy, UBND Tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương; chỉ đạo tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu Cuộc diễn tập. Từ đó, thống nhất về nhận thức, xác định rõ trách nhiệm, quyết tâm làm tốt công tác chuẩn bị và tham gia diễn tập.

Trên cơ sở ý định diễn tập đã được phê duyệt, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh chỉ đạo Bộ CHQS và Công an Tỉnh chủ động tham mưu xây dựng đồng bộ hệ thống văn kiện của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức diễn tập Tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành; cung cấp thông tin cho khung diễn tập chuẩn bị; đồng thời, tổ chức tốt hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn xây dựng văn kiện cho các sở, ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh và huyện Kim Bảng tham gia diễn tập. Các sở, ban, ngành, địa phương rà soát hệ thống văn kiện, kế hoạch KVPT để bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Toàn Tỉnh đã xây dựng trên 300 văn kiện các loại (riêng huyện Kim Bảng trên 100 văn kiện), bảo đảm thống nhất, đúng quy định, sát với chức năng, nhiệm vụ từng ngành, địa phương, được Ban Chỉ đạo diễn tập đánh giá cao.

Căn cứ vào Kế hoạch diễn tập, Ban Tổ chức diễn tập Tỉnh ban hành Quyết định thành lập khung diễn tập của Tỉnh và huyện Kim Bảng; Bộ CHQS Tỉnh thành lập bộ phận phái viên để giúp cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh và huyện Kim Bảng làm công tác chuẩn bị diễn tập. Bộ CHQS và Công an Tỉnh lựa chọn, chỉ định các đơn vị quân sự, công an thường trực, dự bị động viên (DBĐV), dân quân tự vệ (DQTV) huấn luyện, kiểm tra thực binh, thực hành theo nội dung kịch bản tác chiến chống khủng bố, giải thoát con tin, rà phá bom mìn, cứu hộ, cứu nạn và thiết quân luật.

Cùng với đó, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan quân sự, công an, Tiểu ban Bảo đảm diễn tập xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng bảo đảm chu đáo, chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ cơ sở vật chất cho diễn tập, nhất là ở khu vực Sở Chỉ huy và khu vực thực binh. Cơ quan quân sự, công an và huyện Kim Bảng đã huy động hàng nghìn ngày công phát quang, san lấp mặt bằng, xây dựng công sự, trận địa, đắp sa bàn,… phục vụ diễn tập. Tiểu ban Thi đua, Tuyên truyền cũng làm tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau diễn tập, v.v.

Ban chỉ đạo diễn tập Tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị.

2. Tổ chức thực hành diễn tập chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, bảo đảm chất lượng và an toàn

Điểm nổi bật trong thực hành diễn tập vận hành cơ chế lãnh đạo, điều hành, hoạt động KVPT được cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Các hội nghị diễn ra đúng thời gian, chương trình, nội dung phù hợp, sát với hoàn cảnh thời chiến; phát huy được trí tuệ tập thể. Vai trò của các đồng chí chủ trì cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự, công an, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị được thể hiện rõ. Tiêu biểu, là: Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết lãnh đạo chuyển địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; Hội nghị Sở Chỉ huy Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, triển khai các biện pháp ổn định an ninh chính trị trên địa bàn; Hội nghị triển khai kế hoạch Phòng không nhân dân (điều chỉnh); Hội nghị thông qua Quyết tâm tác chiến phòng thủ (điều chỉnh); Hội nghị tổ chức Hiệp đồng bảo đảm tác chiến KVPT. Tiếp đó, việc lãnh đạo, chỉ huy LLVT địa phương thực hành đánh địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường không vào KVPT (trên sa bàn) của Thường trực Tỉnh ủy, Đảng ủy Quân sự, Bộ CHQS Tỉnh được thực hiện khá tốt. Thực hành động viên quân nhân dự bị (QNDB) về trình độ SSCĐ và tham gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đúng quy định, từ ra quyết định giao chỉ tiêu huấn luyện bổ sung QNDB đến việc chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch huy động QNDB tham gia diễn tập; rà soát, phúc tra, kiện toàn tổ chức biên chế, phát lệnh động viên và chuẩn bị công việc xây dựng nông thôn mới cho QNDB. Kết quả kiểm tra quân số đạt 96,6%, đảm bảo thời gian. Cùng với thực hiện các nội dung diễn tập, Bộ CHQS Tỉnh phối hợp với UBND các huyện: Thanh Liêm, Kim Bảng, Bình Lục và thành phố Phủ Lý tổ chức cho QNDB tham gia phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; trong đó, đã làm mới, đổ bê tông hơn 6,5 km đường giao thông nông thôn, nạo vét trên 3 km mương máng nội đồng, mang lại ý nghĩa thiết thực, tạo ấn tượng đẹp đối với nhân dân. Trong thực hành diễn tập, Tỉnh đã tiến hành kiểm tra công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị tự vệ thuộc các sở, ngành và doanh nghiệp. Các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện tốt kế hoạch diễn tập. Một trong những nội dung mới của Cuộc diễn tập là thi hành thiết quân luật. Các lực lượng tham gia thực binh ở nội dung này được tổ chức, huấn luyện chặt chẽ, thực hiện đúng trình tự, đúng ý định, đủ các vấn đề huấn luyện. Thông qua diễn tập, đã giúp LLVT địa phương nắm chắc nhiệm vụ, chức trách khi thực hành thiết quân luật.

Qua diễn tập, đã đánh giá đúng năng lực lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, vai trò và trình độ làm tham mưu của cơ quan quân sự, công an, các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và an ninh; đánh giá đúng khả năng SSCĐ của LLVT địa phương; trình độ chỉ huy - tham mưu trong tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến phòng thủ của người chỉ huy và cơ quan quân sự Tỉnh, huyện (thành phố) được nâng lên rõ rệt. Cuộc diễn tập đã góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh (QP-AN) tại địa phương.

3. Một số bài học kinh nghiệm

Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục QP-AN, nhất là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Bởi lẽ, thực hiện tốt công tác này không chỉ nâng cao kiến thức cơ bản về QP-AN cho các đối tượng để phục vụ trực tiếp cho diễn tập KVPT tỉnh, huyện, mà còn nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng KVPT nói riêng, nhiệm vụ QP-AN nói chung.

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng KVPT. Đây là nhân tố quyết định chất lượng xây dựng và hoạt động của KVPT; vì thế, cần phải được chú trọng cả trong diễn tập và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ QP-AN ở địa phương, cơ sở.

Ba là, tăng cường xây dựng tiềm lực mọi mặt của  KVPT, đảm bảo cho KVPT không ngừng vững mạnh, có bước phát triển về chiều sâu, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Bốn là, tập trung các nguồn lực một cách hợp lý, đầu tư xây dựng thế trận, lực lượng KVPT (nòng cốt là LLVT địa phương) ngày càng vững mạnh, bảo đảm đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời bình và thời chiến. Trước mắt, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Năm là, xây dựng KVPT là nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Do đó, cần phát huy cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân ở địa phương, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

MAI TIẾN DŨNG

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Chủ tịch UBND Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.