QPTD -Thứ Năm, 19/11/2020, 15:06 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 7 phát huy tinh thần quật khởi của Nam Kỳ khởi nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Khởi nghĩa Nam Kỳ (ngày 23/11/1940) là một sự kiện lịch sử lớn, để lại dấu ấn không thể phai mờ đối với quân, dân miền Nam - “Thành đồng Tổ quốc” và nhiều bài học quý cho lực lượng vũ trang Quân khu 7 kế thừa, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940, thế giới đứng trước hiểm họa của chủ nghĩa phát xít; sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp đối với nhân dân ta lên đến đỉnh điểm, mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân ta với thực dân Pháp ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11/1939) đã đề ra chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng đã đưa đến chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ. Ðến giữa tháng 11/1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Vào đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1940, dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ thuộc Xứ ủy, cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ đồng loạt hầu hết các tỉnh tại Nam Kỳ với tinh thần quyết liệt, khí thế tiến công mạnh mẽ. Khắp các tỉnh thành Nam Kỳ đều có kế hoạch khởi nghĩa, một số nơi giành được quyền làm chủ, làm cho địch thiệt hại nghiêm trọng.

Khởi nghĩa Nam Kỳ là bản anh hùng ca bi tráng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân Nam Kỳ và dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên, trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, kể từ sau Khởi nghĩa Trương Định (1859 - 1864), nhân dân Nam Kỳ đã tiến hành cuộc “động binh” với quy mô lớn chưa từng có. Do thời cơ chưa chín muồi nên cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu. Tuy vậy, Khởi nghĩa Nam Kỳ mãi là biểu tượng của ý chí và sức mạnh quật cường của quần chúng lao khổ. Nhân tố tạo nên tinh thần quật khởi đó là tinh thần “vì nước, vì dân”, tinh thần cách mạng tiến công, quyết đi tới mục tiêu cuối cùng để mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Cuộc khởi nghĩa đã khẳng định sự lớn mạnh, khả năng huy động, lãnh đạo quần chúng và vai trò không thể thay thế của Đảng Cộng sản trên vũ đài chính trị, cũng như trong đời sống xã hội những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ XX. Đó là sự kế tục và phát huy truyền thống yêu nước, khí phách hào hùng, lịch sử vẻ vang của dân tộc ta trong thời đại mới, chiến đấu dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tám mươi năm đã qua, nhưng ý nghĩa lịch sử to lớn của Khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn trường tồn, mãi là niềm tự hào, bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong lĩnh vực khoa học quân sự, Khởi nghĩa Nam Kỳ cho chúng ta những bài học về xây dựng lực lượng vũ trang, chỉ đạo chiến lược, về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần của quần chúng cách mạng, về tổ chức, xây dựng lực lượng và tiến hành chiến tranh; về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ, xây dựng kế hoạch và điều hành khởi nghĩa, về bí mật quân sự, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Cùng với đó, cuộc khởi nghĩa còn để lại nhiều đội quân du kích, một bộ phận trong số họ tiếp tục chiến đấu và trở thành nòng cốt trong buổi đầu xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 7. Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ từ những chiến sĩ vệ quốc phát triển thành các chi đội, trung đoàn, liên trung đoàn và trung đoàn chủ lực; từ những nhóm nông dân, công nhân tự trang bị vũ khí thô sơ đến sự hình thành lực lượng vũ trang ba thứ quân mạnh mẽ và rộng khắp. Đó là quá trình đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh.

Pháo BM-14 khai hỏa chế áp mục tiêu trong diễn tập tác chiến hiệp đồng binh chủng

Phát huy truyền thống và bài học quý đó, lực lượng vũ trang Quân khu 7 được quan tâm xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, xứng đáng là đội quân tin cậy của Đảng và Nhân dân. Từ chỗ còn bỡ ngỡ, thiếu kiến thức về quân sự, lực lượng vũ trang Quân khu 7 vừa chiến đấu, vừa xây dựng, từng bước tích lũy kinh nghiệm và trang bị kiến thức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Khi đất nước thống nhất, Bắc - Nam một nhà, lực lượng vũ trang Quân khu lại lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Trong giai đoạn mới của cách mạng, cùng với quân và dân cả nước, lực lượng vũ trang Quân khu 7 tiếp tục phát huy tinh thần Khởi nghĩa Nam Kỳ, “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, thi đua hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; xây dựng nên truyền thống “Trung thành vô hạn; chủ động sáng tạo; tự lực tự cường; đoàn kết quyết thắng”, luôn là nòng cốt trong bảo đảm vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, giữ vững môi trường ổn định cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đứng trước những cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nắm vững nhiệm vụ chính trị, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, các hoạt động lôi kéo, kích động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, tiềm lực chính trị - tinh thần vững mạnh, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân - dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng.

Nhận thức sâu sắc về “thế trận lòng dân”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu luôn phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy (thành ủy) và chính quyền các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tập trung giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo bằng hành động cụ thể, chu đáo, nghĩa tình. Nhiều chuyến thăm hỏi, gặp gỡ chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, già làng, trưởng bản,… của lãnh đạo, chỉ huy Quân khu đã để lại ấn tượng sâu sắc về hình ảnh đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu còn chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, mang lại hiệu quả cao, như: xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt và quân nhân dự bị làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp, nhằm tăng cường khả năng nắm tình hình, giải quyết những vấn đề phức tạp ngay từ cơ sở; tất cả vì mục tiêu chung là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, quốc phòng, an ninh ngày càng vững chắc.

Trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, nhiều chủ trương lớn đã được Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu cụ thể hóa thành các đề án, chương trình, kế hoạch, như: Đề án xây dựng lực lượng dự bị động viên để nâng cao chất lượng quản lý, huy động thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; Đề án mua sắm trang bị, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, v.v. Nhiều năm, Quân khu 7 luôn là điển hình về xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện ngay từ cơ sở. Cùng với đó, chất lượng tổng hợp và trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu không ngừng được nâng cao theo tiêu chí “tinh, gọn, mạnh”. Nội dung huấn luyện sát thực tế chiến đấu và đối tượng tác chiến; đảm bảo “3 thực chất: dạy thực chất - học thực chất - kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất”, kiên quyết triệt tiêu bệnh thành tích và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Trong sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt “3 sẵn sàng: người sẵn sàng - vũ khí trang bị, phương tiện sẵn sàng - phương án sẵn sàng” và được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, được luyện tập thuần thục, có tình huống là triển khai ứng phó thắng lợi.

Để đảm bảo cho mỗi địa phương cấp tỉnh (thành phố) có lực lượng dân quân sẵn sàng cơ động, Quân khu thí điểm tổ chức lực lượng dân quân luân phiên tập trung để huấn luyện nâng cao. Hình thành 01 đến 02 đại đội dân quân thường trực cấp tỉnh (thành phố) bằng nguồn ngân sách của các địa phương, sẵn sàng điều động phối hợp với các lực lượng tham gia xử lý tình huống trên địa bàn. Chủ trương này được cấp ủy, chính quyền các tỉnh (thành phố) đồng thuận rất cao. Nhằm tạo sự gắn kết liên hoàn phát huy sức mạnh tổng hợp của các địa phương trong thế phòng thủ vững chắc, Quân khu thực hiện chủ trương “địa phương, đơn vị tuyến sau hỗ trợ địa phương, đơn vị tuyến trước có khó khăn”. Thực tế khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nằm trong thế liên hoàn, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành “tuyến trước” thì các tỉnh khác cùng thành lập nhiều khu cách ly, cùng phòng, chống dịch để “chia lửa” với Thành phố Hồ Chí Minh.

Xuất phát từ truyền thống “giữ làng, giữ nước”, từ kinh nghiệm “mỗi người dân là một cột mốc sống, không lực lượng nào bảo vệ biên giới vững chắc bằng nhân dân”, Quân khu đã chủ trương hình thành cụm tuyến dân cư ở biên giới tạo “phên dậu” vững chắc bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, trên tuyến biên giới thuộc địa bàn Quân khu 7 đang dần hình thành các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và đồn, trạm biên phòng. Trong tương lai, các điểm dân cư này sẽ là các thôn, ấp dọc biên giới, tạo “phên dậu” vững chắc cho vùng biên Tây Nam Tổ quốc. Đây chính là những bước đi tiên phong, tạo tiền đề cho xây dựng và thực hiện đề án “Tăng cường tiềm lực quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn các tỉnh biên giới đất liền Quân khu 7 giai đoạn 2020 - 2025”.

Phát huy tinh thần quật khởi Nam Kỳ Khởi nghĩa, lực lượng vũ trang Quân khu 7 tiếp tục nỗ lực vươn lên, lập nhiều thành tích, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên địa bàn trong tình hình mới.

Trung tướng VÕ MINH LƯƠNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tư lệnh Quân khu*

* - Nay là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.