QPTD -Thứ Hai, 19/12/2016, 14:18 (GMT+7)
Huyện Yên Mô chăm lo công tác xây dựng Đảng trong lực lượng dự bị động viên

Xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, sẵn sàng huy động, bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội, đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống là chủ trương chiến lược của Ðảng và Nhà nước. Để làm được điều đó, phải thực hiện tổng hợp nhiều nội dung, biện pháp; trong đó, chăm lo công tác xây dựng Đảng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo đối với lực lượng quan trọng này là vấn đề đặt lên hàng đầu.

Nhận thức rõ điều đó, phát huy điều kiện thuận lợi của địa phương1, những năm qua, huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên với nhiều biện pháp, cách làm linh hoạt, sáng tạo, sát với tình hình địa phương, cơ sở. Nhờ đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang Huyện từng bước nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên. Công tác tham mưu của cơ quan quân sự trong tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng dự bị động viên đã có bước đổi mới2. Chất lượng tổng hợp của lực lượng dự bị động viên được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ động viên và yêu cầu công tác quốc phòng, quân sự địa phương, v.v. Lực lượng dự bị động viên luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái tham gia lao động sản xuất; phối hợp cùng lực lượng dân quân tự vệ, thực sự là lực lượng nòng cốt của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, v.v.

Lực lượng dự bị động viên luyện tập bắn mục tiêu trên không

Tuy nhiên, trước tác động của một số khó khăn, như: trình độ nhận thức của nhân dân không đồng đều3; là huyện nông nghiệp, thu nhập thấp, lực lượng lao động dư thừa nhiều, phải đi làm ăn xa; ngân sách của địa phương còn hạn hẹp,... công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên của Huyện còn bộc lộ một số hạn chế. Chất lượng tổng hợp của lực lượng dự bị động viên so với yêu cầu nhiệm vụ có mặt chưa đáp ứng kịp. Tỷ lệ quân nhân dự bị sắp xếp đúng chuyên ngành quân sự còn thấp. Công tác đăng ký, quản lý lực lượng dự bị động viên có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Công tác nắm tình hình tư tưởng, quản lý quân nhân dự bị chưa thường xuyên. Công tác phát triển Đảng trong lực lượng dự bị động viên chưa đạt được yêu cầu đề ra, tỷ lệ đảng viên còn thấp, v.v.

Từ thực tế đó, cùng với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, để xây dựng lực lượng dự bị động viên của Huyện vững mạnh, có chất lượng chính trị cao, góp phần tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Huyện xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các mặt công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên, trong đó chú trọng chăm lo công tác xây dựng Đảng. Với mục tiêu làm cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng dự bị động viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; xác định tốt trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ khi được huy động; có năng lực xử lý các tình huống và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên luôn đặt d­ưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của các cấp ủy đảng. Đây là nguyên tắc cơ bản để công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên của Huyện có ph­ương hư­ớng, mục tiêu hoạt động đúng theo đường lối, quan điểm của Đảng. Theo đó, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự Huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận 41-KL/TW, ngày 31-3-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW, ngày 05-10-2002 của Ban Bí thư Trung ương (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”; Chỉ thị 05-CT/TU, ngày 10-3-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục thực hiện Kết luận 41-KL/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết 25-NQ/ĐUQS, ngày 05-9-2014 của Đảng ủy Quân sự Tỉnh về “Tiếp tục xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới” và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương. Hằng năm và các kỳ đại hội Đảng các cấp, khi xây dựng nghị quyết, chỉ thị về công tác quân sự, quốc phòng, phải có nội dung kiểm điểm, đánh giá sâu sắc và đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên; tập trung xây dựng lực lượng dự bị động viên theo hướng đủ về số lượng, có chất lượng toàn diện, lấy xây dựng chất lượng chính trị là chính.

Hai là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức về chính trị, có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, yên tâm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng lên đường khi được động viên. Đây là vấn đề khó trong điều kiện quân dự bị của Huyện thường xuyên không ở địa phương, thời gian tập trung huấn luyện tại các đơn vị ngắn. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông đi cùng với sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên không gian mạng đã tác động trực tiếp tới nhận thức, tâm tư của cán bộ, chiến sĩ lực lượng dự bị động viên. Do vậy, để làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, cần phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch giáo dục chính trị, pháp luật, sinh hoạt đơn vị dự bị động viên đã được quy định trong Pháp lệnh và các văn bản, chỉ thị của các cấp. Chủ động và triệt để tận dụng những thời gian mà lực lượng dự bị động viên sinh hoạt tập trung để tuyên truyền, giáo dục. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào truyền thống dân tộc, truyền thống của Quân đội, địa phương; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc; Kết luận 41 của Ban Bí thư; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng; nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; Luật Quốc phòng, Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên; âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nội dung, phương pháp tiến hành công tác vận động quần chúng của lực lượng dự bị động viên, v.v. Hình thức tuyên truyền, giáo dục phải bảo đảm tính linh hoạt, bám sát thực tế, trong đó tập trung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của địa phương, nhất là hệ thống truyền thanh 3 cấp; thông qua các buổi nói chuyện thời sự, thông tin tình hình kinh tế - xã hội của địa phương tại các đợt huấn luyện, diễn tập, chi trả phụ cấp trách nhiệm và lồng ghép trong các hội nghị của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.

Ba là, chủ động làm tốt công tác tổ chức, phát triển đảng viên và thực hiện các chế độ, nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Cấp ủy, chính quyền ở Huyện và các xã, thị trấn, Ban Chỉ huy Quân sự Huyện phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, tổ chức quản lý các đơn vị dự bị động viên; chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho công tác động viên Quân đội. Tổ chức biên chế, sắp xếp bảo đảm cho 100% đầu mối các đơn vị dự bị động viên đều có tỷ lệ đảng viên hợp lý để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lực lượng này. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để thành lập các tổ chức đảng, đoàn trong các đơn vị dự bị động viên, đảm bảo khi có lệnh, huy động được ngay. Quá trình xây dựng tổ chức biên chế, phải chú ý kết hợp chặt chẽ giữa chuyên ngành quân sự với đảng viên, bảo đảm đến mức hợp lý nhất để có thể thành lập các chi bộ lâm thời ở mỗi chuyên ngành khi tập trung huấn luyện, diễn tập.

Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự Huyện chủ động, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên trước khi nhập ngũ. Đồng thời, phối hợp với đơn vị nhận quân tổ chức thâm nhập, hoàn chỉnh hồ sơ, quan tâm tạo điều kiện cho quân nhân phấn đấu được kết nạp vào Đảng trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ. Chú trọng đối tượng chuyên nghiệp quân sự để sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, kịp thời bổ sung vào các đơn vị dự bị động viên, tạo nguồn cho cơ sở sau này. Tạo điều kiện cho quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên được thử thách, rèn luyện qua các phong trào ở địa phương để trưởng thành, tiến bộ, đủ điều kiện phát triển Đảng, góp phần nâng tỷ lệ đảng viên trong quân nhân dự bị đạt từ 8% trở lên.

Đặc biệt, coi trọng duy trì thực hiện nghiêm chế độ hoạt động của các chi bộ lâm thời khi tập trung huấn luyện, diễn tập. Xác định đây là một trong những điều kiện quan trọng để bồi dưỡng nhận thức về Đảng, công tác xây dựng Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng. Qua đó nâng cao chất lượng đảng viên và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lực lượng dự bị động viên. Đồng thời, đối với mỗi tổ chức đảng, nơi có đảng viên là quân nhân dự bị sinh hoạt, cần linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đảng viên có thể tham gia sinh hoạt theo chế độ quy định, song vẫn bảo đảm nguyên tắc. Động viên đảng viên là quân nhân dự bị tham gia phát biểu ý kiến, nhất là những ý kiến liên quan đến lực lượng dự bị động viên để kịp thời nắm bắt, giải quyết những vẫn đề nảy sinh. Trong sinh hoạt, cần nêu cao tinh thần đấu tranh, chỉ rõ những nhận thức chưa đúng, phê phán những hành động không chấp hành Pháp lệnh Dự bị động viên để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đảng viên nói chung, quân nhân dự bị nói riêng về công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mô tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trong xây dựng lực lượng dự bị động viên, nhất là chăm lo công tác xây dựng Đảng, từng bước nâng cao chất lượng để lực lượng này thực sự là nhân tố quan trọng trực tiếp góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương; ngày càng khẳng định vị trí, vai trò chiến lược của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ĐINH THỊ THÚY NGẦN, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy

________________

1 - Là huyện có truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng. Đã có gần 30.000 thanh niên nhập ngũ vào Quân đội và hàng nghìn thanh niên xung phong, dân quân du kích chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang và 13/17 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

2 - Hằng năm, Huyện và các xã, thị trấn đã tổ chức đăng ký vào ngạch dự bị đối với 100% quân nhân xuất ngũ; tổng số quân nhân dự bị đã đăng ký chiếm 6,67% dân số, trong đó số đủ điều kiện động viên đạt 91,5%.

3 - Dân số của Huyện trên 111 nghìn người, có 2 tôn giáo là Phật giáo và Thiên Chúa giáo (chiếm 6,5% dân số), 9/17 xã là miền núi. Thu nhập chủ yếu phụ thuộc nghề nông.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.