QPTD -Thứ Tư, 08/01/2014, 17:07 (GMT+7)
Đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo Tổ quốc

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định: “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia...”[1]. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm và tình yêu biển, đảo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của hệ thống chính trị các cấp và lực lượng vũ trang nhân dân.

Mỗi quốc gia đều có truyền thống yêu nước theo đặc trưng lịch sử, đặc điểm xã hội, văn hóa, môi trường sống của nhân dân. Việt Nam là một quốc gia có biển. Cùng với đất liền, biển, đảo tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của cư dân Việt. Vì thế, trong tình yêu đất nước, tình yêu quê hương của người dân Việt Nam luôn có tình yêu biển, đảo. Về kinh tế, biển vừa là nơi cung cấp tài nguyên, khoáng sản, hải sản, vừa là cửa ngõ để vươn ra hội nhập với thế giới. Về lịch sử văn hóa, xã hội, cuộc sống của nhân dân trên biển, đảo luôn là một phần không thể tách rời trong xã hội Việt Nam. Những huyền thoại về Mẹ Âu Cơ; Mai An Tiêm và cả những di chỉ trong các nền văn hóa khảo cổ, như: Quỳnh Văn, Bàu Tró, Thạch Lạc, Hạ Long... là những dấu tích minh chứng sức sống mãnh liệt của cư dân Việt trên biển, đảo. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, tinh thần yêu nước, yêu biển, đảo cùng với ý thức tự tôn dân tộc đã hun đúc tạo thành nền tảng tinh thần vững chắc, xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Về quân sự, quốc phòng, biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành một khối liên hoàn, vững chắc; sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, quần đảo tạo thành hệ thống cứ điểm tiền tiêu, lá chắn quan trọng, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Lịch sử dân tộc ta ghi nhận đã có 2/3 các cuộc tiến công xâm lược, kẻ thù sử dụng đường biển để mở đầu. Do đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm và tình yêu biển, đảo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, thiết thực.

Từ nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn đã tổ chức “Đội Hoàng Sa” và “Đội Bắc Hải” ra hoạt động trên khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Thông qua hoạt động khai thác nguồn lợi hải sản của các đội “Hoàng Sa” và “Bắc Hải”, Nhà Nguyễn đã làm chủ và xác định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đưa hai quần đảo từ hoang vu, vô chủ trở thành một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, vùng biển nước ta có diện tích trên 1 triệu km2, có trên 3 nghìn đảo lớn, nhỏ; trong đó, có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với biển, đảo. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định rõ quan điểm, định hướng mục tiêu cơ bản để phấn đấu: đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển. Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo có sự đổi mới; các hoạt động từ đất liền hướng về biển, đảo được tổ chức thường xuyên. Nổi bật là “Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam” diễn ra sôi nổi ở nhiều địa phương, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tình yêu biển, đảo của các tầng lớp nhân dân. Thông qua các phong trào, như: “Cả nước vì Trường Sa – Trường Sa vì cả nước”, “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”, các dự án và các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt trên các đảo đã tạo thêm điều kiện để bộ đội và nhân dân trên đảo thêm gắn bó với biển, đảo “vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió”. Bộ đội Hải quân với vai trò là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng về biển, đảo, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi người đối với nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bước sang thế kỷ 21 ‒ “Thế kỷ của biển và đại dương”, trong xu thế chủ đạo là hòa bình, hợp tác, nhưng có thể có những diễn biến mới, phức tạp. Trong đó, Biển Đông vẫn là một trong những khu vực nhạy cảm, tiềm ẩn những nhân tố khó lường. Vì thế, để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, tăng cường quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm, tinh thần yêu nước và tình yêu biển, đảo trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần tập trung làm rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trên cơ sở chứng cứ lịch sử, chúng ta tiếp tục khẳng định mạnh mẽ ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trong đó có hai quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa. Trong quan hệ, hợp tác quốc tế, cần tranh thủ các hội nghị, diễn đàn quốc tế để tiếp tục tuyên truyền cho các nước trên thế giới và khu vực hiểu rõ quan điểm, chính sách đối ngoại của Đảng; tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên trì giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, những cam kết giữa các nước ASEAN với Trung Quốc trong bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); thúc đẩy việc hoàn thiện, sớm đạt được thỏa thuận thống nhất về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Mặt khác, chúng ta cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết đấu tranh với các hành động vi phạm chủ quyền, lãnh thổ cuả Tổ quốc. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, nhất là với lực lượng thường xuyên hoạt động trên biển, đảo về pháp luật, chủ quyền vùng biển Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ kết hợp giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng – an ninh trên biển; thống nhất nhận thức về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng – an ninh trên biển, đảo; ý thức giữ gìn môi trường biển,... Trước âm mưu, thủ đoạn chống phá và những luận điệu kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch, công tác tuyên truyền, giáo dục còn phải chú trọng định hướng tư tưởng và hành động của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, để mọi người hiểu rõ, hiểu đúng quan điểm, chủ trương của Đảng đối với những vấn đề tồn tại trên khu vực Biển Đông, tránh các hoạt động tụ tập đông người, biểu tình gây mất trật tự xã hội...

Phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phải đa dạng, phong phú; kết hợp chặt chẽ giữa tiến hành thường xuyên với tuyên truyền theo chuyên đề, sự kiện, phù hợp với từng thời điểm và sát với đối tượng tuyên truyền, giáo dục. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, việc tuyên truyền về biển, đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng phải thường xuyên, tránh hiện tượng tuyên truyền chỉ “rộ” lên trong thời gian tháng 4, tháng 5 là những tháng tổ chức được nhiều đoàn ra thăm đảo. Các ngành, các địa phương đẩy mạnh các hoạt động có ý nghĩa thiết thực, như: duy trì các lễ hội về biển, đảo; tổ chức các sự kiện với các chủ đề về biển, đảo, như: “Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam”, các triển lãm ảnh về biển, đảo; các cuộc thi, như: "Sinh viên với biển, đảo của Tổ quốc", “Em yêu biển, đảo quê hương”,… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực để tổ chức được nhiều đoàn ra thăm đảo, giúp mọi người có hiểu biết sâu sắc hơn, cụ thể hơn về biển, đảo của Tổ quốc; trên cơ sở đó, trở thành những tuyên truyền viên miệng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhân dân đối với biển, đảo.

Mặt khác, cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, đưa các nội dung về biển, đảo vào sách giáo khoa, tài liệu học tập trong các cơ sở giáo dục, đào tạo ở các bậc học phổ thông, cao đẳng, đại học,... Thông qua đó, tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với biển, đảo của Tổ quốc; làm cho tình yêu ấy ngày một lan tỏa hơn, sâu đậm hơn, kết thành sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho lực lượng vũ trang, nhất là các đơn vị Bộ đội Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ biển ‒ những lực lượng đóng vai trò nòng cốt thực thi pháp luật, quản lý, bảo vệ biển, đảo. Trong đó, chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ ý thức, trách nhiệm, tình yêu quê hương, biển, đảo. Đó không chỉ là những giá trị tốt đẹp để khẳng định tình cảm thiêng liêng, bổn phận cao quý của mỗi người, mà còn là động lực quan trọng để rèn luyện ý chí quyết tâm chiến đấu “sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” trong mỗi cán bộ, chiến sĩ. Trên cơ sở đó, cán bộ, chiến sĩ LLVT còn phải thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân – dân bằng những hành động thiết thực giúp đỡ ngư dân khi gặp hoạn nạn, thiên tai trên biển; qua đó, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển ngày thêm vững chắc.

Tuyên truyền, giáo dục, bồi đắp, phát huy tinh thần yêu nước, tình yêu biển, đảo, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân. Vì thế, cần tiếp tục nghiên cứu, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục; tích cực khơi dậy truyền thống yêu nước của các tầng lớp nhân dân, làm cơ sở để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong sự nghiệp BVTQ nói chung và bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[2]./.

 

MẠNH DŨNG

____________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.

2 - Hồ Chí Minh ‒ Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 38

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.