QPTD -Thứ Năm, 03/08/2017, 14:25 (GMT+7)
Chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống, khắc phục thiên tai trong tình hình mới

Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tác động xấu đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế, nâng cao hiệu quả phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, góp phần ổn định sản xuất, đời sống nhân dân,... sự phát triển đất nước.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến
ứng phó với cơn bão số 4. (Ảnh: TTXVN)

Những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết, thiên tai ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khó dự báo. Tại nhiều vùng, miền trong nước xuất hiện những loại hình thiên tai bất thường, như: bão mạnh, siêu bão, gây lũ, lũ chồng lũ tại các tỉnh miền Trung; hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền, sạt lở nghiêm trọng ở ven sông, ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long; rét đậm, rét hại ở phía Bắc, v.v. Thiên tai đã tác động xấu đến đời sống của người dân, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Chỉ riêng năm 2016, tổng thiệt hại về kinh tế do hậu quả thiên tai ước tính khoảng gần 40.000 tỷ đồng.

Để phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai đồng bộ giải pháp nhằm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức, nhân dân, nhất là sự chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ nên công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và ổn định đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai cũng còn hạn chế. Đó là, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với công tác này chưa cao, còn có biểu hiện chủ quan trong triển khai thực hiện, nhất là trong phòng ngừa; việc thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân di rời khi có thiên tai xảy ra cũng như cơ sở, vật chất, trang thiết bị cùng kiến thức kỹ năng về phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn của một số địa phương, lực lượng còn thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác; đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai phần lớn còn kiêm nhiệm nên tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa chưa cao.

Thời gian tới, dự báo tình hình khí hậu, thời tiết nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí trái quy luật. Các hiện tượng nắng nóng, hạn hán, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất,... có thể diễn ra bất thường trên phạm vi rộng và ở mức khốc liệt. Do đó, các bộ, ngành và địa phương cần hết sức chủ động, tiến hành đồng bộ các giải pháp; trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Một là, chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Phòng chống thiên tai; Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, v.v. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn dân thấy rõ tác hại, hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra và vai trò, ý nghĩa của công tác phòng ngừa trong giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đây là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết, có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài, nhất là trong bối cảnh nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu và sức ép của phát triển kinh tế - xã hội. Việc nâng cao nhận thức phải được tiến hành một cách thường xuyên, với nội dung toàn diện, hình thức, phương pháp phong phú, sáng tạo. Theo đó, cùng với tổ chức các khóa học ngắn hạn, các lớp tập huấn về công tác phòng, chống thiên tai cho cán bộ, lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm,... cần đưa nội dung này vào giảng dạy trong hệ thống nhà trường; đồng thời, thông tin đầy đủ, kịp thời đến mọi người dân, nhất là đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về nguy cơ thiên tai sắp xảy ra. Qua đó, làm cho mọi người nhận thức rõ rằng, để phòng chống thiên tai có hiệu quả phải luôn chủ động, thực hiện tốt phương châm: lấy phòng ngừa là chính, chống và khắc phục hậu quả là quan trọng; phòng ngừa tốt sẽ giảm thiểu thiệt hại và ngược lại. Đây là cơ sở quan trọng để các tổ chức, cá nhân nêu cao trách nhiệm, chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác dự báo về tình hình thiên tai trên từng địa bàn và cả nước, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm về thiên tai. Quá trình thực hiện phải bảo đảm chính xác, kịp thời, làm cơ sở để các cấp, ngành, lực lượng và địa phương chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án phòng, chống, nhất là trong ứng phó với bão mạnh, siêu bão, lốc xoáy, lũ quét và lũ đặc biệt lớn. Trên cơ sở các kế hoạch, phương án đã được phê duyệt, cần chủ động tổ chức diễn tập, luyện tập theo phân cấp, bảo đảm đạt được yêu cầu là thống nhất từ nhận thức đến hành động, nhất là hành động phối hợp của các thành phần khi xử lý tình huống. Ngoài ra, trước mỗi mùa mưa bão, các địa phương cần có kế hoạch kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống hồ, đập thủy lợi, thủy điện, tình hình biến động dòng chảy của các con sông, suối, v.v. Từ đó, có kế hoạch tu bổ, gia cố bảo đảm an toàn cùng những phương án xử lý các sự cố, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Hai là, chủ động rà soát, lồng ghép quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng, xu thế diễn biến thiên tai và điều kiện của từng vùng, địa phương. Do đặc điểm địa lý và tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ở nước ta diễn ra thường xuyên và có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, cường độ và tính chất. Vì thế, cùng với đẩy mạnh công tác phòng, chống và khắc phục, giảm nhẹ thiên tai, các biện pháp thích nghi để cùng tồn tại và phát triển là vấn đề quan trọng. Để làm được điều đó, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần tập trung rà soát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để chủ động điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với loại hình thiên tai trên từng địa bàn. Theo đó, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cũng như phát triển nông nghiệp, công nghiệp,... các bộ, ngành, địa phương phải triển khai sâu, rộng việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của bộ, ngành mình và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt là các quy hoạch, kế hoạch chịu tác động mạnh bởi thiên tai lớn, phạm vị rộng, như: siêu bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, v.v.

Đối với vùng núi, trung du và đồng bằng, cần có kế hoạch và thực hiện để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, khoanh vùng sản xuất chuyên canh,... xây dựng các công trình vượt lũ, chống ngập ở các địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai cho phù hợp với thực tiễn, thích nghi với môi trường. Đồng thời, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định 1776/QĐ-TTg, ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về bố trí dân cư vùng thiên tai, đáp ứng yêu cầu vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vừa không ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai khu vực. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần kết hợp chặt chẽ với các cấp, ngành liên quan để quy hoạch, bố trí dân cư trên các địa bàn một cách khoa học, hợp lý, trong đó có tính đến tất cả các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi ổn định đời sống nhân dân lâu dài.

Đối với địa bàn đô thị, cần phải làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch hệ thống đường giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp, các công trình ngầm,... chú ý loại bỏ các yếu tố gây cản trở đến công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đối với địa bàn ven biển, cùng với tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, như: hệ thống đê, kè chắn sóng, rừng phòng hộ ven biển, khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão,... cần nghiên cứu phát triển các loại cây trồng ngập mặn; hệ thống lồng, bè nuôi trồng hải sản kiên cố trên biển,... để thích nghi với kịch bản nước biển dâng, bảo đảm vừa phòng, chống được thiên tai, vừa phát triển kinh tế biển và tăng cường quốc phòng - an ninh trong khu vực.

Ba là, chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai, bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ cấu tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai ở các cấp thường xuyên được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết đội ngũ cán bộ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng như ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đều là kiêm nhiệm, nên thời gian dành cho công tác này hạn hẹp. Trong khi đó, lực lượng nòng cốt làm công tác tham mưu, chỉ đạo về phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương tính chuyên nghiệp chưa cao, ảnh hưởng đến khả năng xử lý tình huống và hiệu quả của công tác này.

Thời gian tới, cần tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp về phòng, chống, ứng phó thiên tai, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, trọng tâm là tập trung xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, cơ cấu hợp lý, đúng thành phần, đủ thẩm quyền chỉ đạo và điều hành. Trước mắt, cần sớm hoàn thiện tổ chức Tổng cục Phòng chống thiên tai để sớm đi vào hoạt động; đồng thời, đề xuất tổ chức chuyên trách tại địa phương đối với bộ phận này, đảm bảo tính đồng bộ, tinh, gọn, chuyên nghiệp.

Đi đôi với hoàn thiện tổ chức bộ máy, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn của các địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy thông suốt, từ phòng ngừa, ứng phó, đến khắc phục hậu quả và các công việc chủ động trong tái thiết sau thiên tai được nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Mặt khác, chú trọng nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang bị, thiết bị cho bộ phận tham mưu, chỉ đạo, lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm ở các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả nhất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NGUYỄN XUÂN CƯỜNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.