QPTD -Thứ Hai, 27/07/2015, 15:09 (GMT+7)
“Bộ đội Cụ Hồ” tích cực tham gia phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng ở Tây Nghệ An
Tham gia xây dựng nông thôn mới ở Tây Nghệ An

Tiếp theo và hết*

III

Để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế và tăng cường quốc phòng trên địa bàn

Từ thực trạng tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn Tây Nghệ An đã nêu, để thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng đạt hiệu quả thiết thực, vấn đề quan trọng là cần có chủ trương, hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Trước hết, lực lượng vũ trang trên địa bàn tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng. Trong đó, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về kinh tế và quốc phòng, nhất là về tài nguyên rừng, khoáng sản, xây dựng cơ bản, phát triển hệ thống giao thông, các khu kinh tế - quốc phòng; kịp thời có cơ chế, chính sách tài chính tín dụng, đất đai, thủ tục hành chính, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển. Coi trọng thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 đi vào cuộc sống. Tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ, du lịch theo hướng hiện đại, có tỷ trọng hợp lý. Trên cơ sở đó, hình thành các vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng công nghiệp; giải quyết việc làm, phân công lại lao động trên địa bàn; mở rộng thị trường hàng hóa. Đồng thời, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo cho Tây Nghệ An khai thác hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực, có tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh trên địa bàn. Trong thực hiện, các địa phương cần chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh từ cơ sở, không để xảy ra các “điểm nóng”, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo. Chủ động ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề: “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá; giải quyết căn bản vấn đề người di cư tự do, tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội, v.v. Thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở để mọi người dân được tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát các chính sách, chương trình, dự án theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, tích cực xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

Để đạt mục tiêu đề ra, cần tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt. Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ ở Tây Nghệ An phải là những người gắn bó, am hiểu địa bàn, phong tục, tập quán; bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt; có tri thức và năng lực toàn diện về phát triển kinh tế và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh ở địa phương, được cấp ủy và nhân dân tín nhiệm. Xây dựng đội ngũ cán bộ trên địa bàn cần theo đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và thực trạng đội ngũ cán bộ của từng địa phương để đề ra giải pháp toàn diện, đảm bảo cho đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt, cần làm tốt việc rà soát, phát hiện nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ; gắn bồi dưỡng tại chức với cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở các nhà trường, trung tâm bồi dưỡng của Tỉnh và Trung ương. Đồng thời, có chính sách phát huy tính tích cực, tự giác trong học tập, rèn luyện cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, kiến thức, năng lực, kỹ năng công tác, phong cách lãnh đạo của mỗi cán bộ; tăng cường lựa chọn cán bộ trẻ, có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác tại địa bàn dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng cùng tham gia xây dựng địa bàn là một giải pháp cần được quan tâm thực hiện. Việc kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức, lực lượng và sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng về yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng và an ninh ở địa phương, thì lúc đó việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng trên địa bàn mới có hiệu quả thiết thực. Bởi vậy, các cấp cần làm tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục pháp luật cho các đối tượng, có quy chế hoạt động và đổi mới nội dung, hình thức theo hướng cơ bản, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp ủy chính quyền địa phương về phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch trên địa bàn, v.v. Các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp, lực lượng vũ trang phải thường xuyên nắm vững chức năng, nhiệm vụ, bám sát địa bàn, thực hiện “cùng ở, cùng ăn, cùng làm” với nhân dân, gắn chặt giữa lời nói với việc làm, đảm bảo các nội dung tuyên truyền dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách, quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp công tác của các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị, có phân công, phân nhiệm rõ ràng theo chức năng, nhiệm vụ. Có như vậy, mới đề cao trách nhiệm chính trị của các lượng cùng phối hợp tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, cần coi trọng chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Trước hết, cần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và quản lý, điều hành của chính quyền đối với công tác quốc phòng, an ninh theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cấp. Trong xây dựng khu vực phòng thủ, phải đảm bảo có chiều sâu, vững chắc; từng bước hoàn thiện căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương; tổ chức tốt việc huấn luyện, diễn tập các phương án theo kế hoạch; thực hiện tốt chính sách xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, thực sự làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên địa bàn. Chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổng hợp, năng lực chuyên môn của cơ quan quân sự, công an; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nếp sống chính quy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng. Thường xuyên duy trì và thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp giữa Quân đội với Công an theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ trong trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh ngăn ngừa mọi hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Mặt khác, phải coi trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng, cơ cấu, thành phần hợp lý, đảm bảo về chất lượng, nhất là chất lượng chính trị. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng và tổ chức hoạt động đúng với Pháp lệnh Dự bị động viên; bảo đảm các khâu, từ tạo nguồn, đăng ký, quản lý, đảm bảo phương tiện, vật tư, kỹ thuật, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chế độ, chính sách,… phải được tổ chức thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.

Tập trung xây dựng cơ quan quân sự địa phương vững mạnh, làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng trên địa bàn. Theo đó, cơ quan quân sự cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của trên và cấp ủy, chính quyền địa phương; chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, lực lượng trên địa bàn, nắm chắc tình hình, đánh giá, dự báo chính xác, nhất là các nguồn lực, tiềm lực của khu vực phòng thủ, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trước hết, tập trung tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những biện pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và các nghị quyết, nghị định, quyết định của Chính phủ, Ủy ban nhân dân Tỉnh về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; việc điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa những dự án, đề án, chương trình trong khu vực phòng thủ phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Tây Nghệ An. Coi trọng việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, theo hướng phân công, phân nhiệm, tăng cường chức năng quản lý nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đảm bảo sự phát triển của ngành, lĩnh vực, hình thành khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới,… gắn với hợp thức hóa đất quốc phòng để xây dựng khu căn cứ hậu phương, khu hậu cần - kỹ thuật, khu kinh tế - quốc phòng,… mang tính đồng bộ, phù hợp, hiện đại, có tính lưỡng dụng cao. Trong thực hiện, cơ quan quân sự cần phát huy nội lực của từng địa phương và vùng Tây Nghệ An, bằng cơ chế, chính sách thích hợp; huy động, sử dụng tốt các nguồn vốn; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đồng thời, tăng cường công tác dân vận, chủ động tham gia với cấp ủy, chính quyền xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; làm tốt các hoạt động, như: dạy chữ, truyền thụ kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng làng, bản văn hóa, gia đình văn hóa, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, phát triển các sản phẩm truyền thống có giá trị kinh tế cao, bằng những kỹ năng, mô hình cụ thể và tích cực nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Thực hiện tốt các đề án, dự án xây dựng, phát triển khu kinh tế - quốc phòng, quân - dân y kết hợp, làng (bản) văn hóa kết hợp kinh tế và quốc phòng,… đã được phê duyệt.

Xây dựng Tây Nghệ An vững mạnh toàn diện, phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các lực lượng trên địa bàn. Bằng trách nhiệm, tình cảm của mình, lực lượng vũ trang Nghệ An đã và đang tham gia tích cực - hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đang tỏa sáng nơi đây.

HÀ TIẾN - MINH SƠN - TRẤN HƯNG
_______________

* Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 5-2015

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.