Thứ Tư, 27/11/2024, 10:23 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Tiếp Theo*
II
Giải pháp, kết quả và vấn đề đặt ra
Để “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng có hiệu quả, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”; “Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020” của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết 226-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu 4 về “Nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân khu đến năm 2020”, v.v. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Tỉnh và đặc điểm, điều kiện mọi mặt của địa bàn, Đảng ủy Quân sự Tỉnh ban hành nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự gắn với phát triển kinh tế; về lực lượng vũ trang thực hiện tốt công tác dân vận trong giai đoạn mới. Cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt, ra nghị quyết, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động tổ chức thực hiện; trọng tâm là tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng phù hợp với đặc điểm địa bàn.
Nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của trên và làm theo lời Bác dạy: “Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân. Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội”1, lực lượng vũ trang Tỉnh luôn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là với cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp về việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng ở địa phương. Trong đó, đi sâu tuyên truyền, giáo dục các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương và vai trò của lực lượng vũ trang trong tham gia phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng ở Tây Nghệ An. Đồng thời, làm cho đồng bào nắm và hiểu được hệ thống văn bản pháp luật, nhất là Luật Biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật An ninh, Luật Dân quân tự vệ; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyện hóa” của các thế lực thù địch, v.v. Công tác tuyên truyền được tiến hành thông qua việc xây dựng các chuyên đề, chuyên mục, triển khai đồng bộ nhiều hình thức, phương pháp, kết hợp chặt chẽ giữa các phương tiện thông tin, truyền thông ở Trung ương và địa phương, phát huy vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, v.v. Các tổ, đội công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ đội Biên phòng Tỉnh luôn “bám bản, bám dân, bám địa bàn”, vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng xóm, bản văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kiên quyết “không nghe, không tin, không theo” kẻ xấu lôi kéo, kích động; tích cực lao động, sản xuất, xây dựng quê hương giàu về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh, đẹp về cảnh quan môi trường, phong phú về đời sống văn hóa, tinh thần2. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp học do thầy giáo “quân hàm xanh” đứng lớp, mang cái chữ, thực hiện xóa mù chữ và tái mù chữ cho đồng bào, giúp đồng bào nâng tầm hiểu biết chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, xây dựng cuộc sống mới.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội”3, lực lượng vũ trang Tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các huyện Tây Nghệ An, đồng thời trực tiếp làm nòng cốt trong thực hiện các dự án phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng trên địa bàn, nhất là ở dọc tuyến biên giới của huyện Kỳ Sơn và 04 xã biên giới của huyện Quế Phong. Theo đó, lực lượng vũ trang Tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào thay đổi cách thức sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trọng tâm là phát triển trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm thương mại; trồng, bảo vệ, khai thác các nguồn lợi kinh tế rừng; phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, như: trồng chè tuyết san, cỏ voi, làm vườn trồng rau xanh, chăn nuôi bò, dê, lợn cao sản4, v.v. Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, lực lượng vũ trang Tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân làm mới, sửa chữa hệ thống đường giao thông nông thôn liên bản, liên xã, nhất là việc tham gia trực tiếp làm mới tuyến đường tuần tra biên giới; phát triển mạng lưới điện, đưa điện quốc gia về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; củng cố hệ thống thủy nông, trường học, trạm y tế5, v.v. Đồng thời, là lực lượng xung kích đi đầu trong giúp đỡ nhân dân địa phương phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ luôn “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” và xông pha trong bão lũ, không sợ hiểm nguy, hy sinh, giúp đỡ đồng bào di dời hàng trăm lượt người ở vùng lũ quét đến nơi an toàn,… đã tô thắm thêm truyền thống, bản chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
Nhận thức rõ vị trí chiến lược của Tây Nghệ An, lực lượng vũ trang Tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác quân sự, quốc phòng, giữ vững ổn định khu vực miền núi biên giới của Tỉnh. Với chức năng, nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn, lực lượng vũ trang Tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ quan trọng này; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm mỗi bước tăng trưởng kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực của khu vực phòng thủ và thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn. Để làm được điều đó, lực lượng vũ trang Tỉnh đã tăng cường công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng theo phân cấp, nhất là cán bộ cấp ủy, chính quyền, các già làng, trưởng bản, học sinh và nhân dân ở khu vực miền núi biên giới. Đồng thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án, kế hoạch tác chiến khu vực phòng thủ, tác chiến trị an, phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn theo quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và các địa phương khu vực Tây Nghệ An; chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ có chiều sâu, ngày càng vững chắc, xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương vững mạnh. Để làm tròn nhiệm vụ được giao, lực lượng vũ trang Tỉnh hết sức coi trọng tổ chức luyện tập, diễn tập theo các phương án, kế hoạch đã xác định; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khu vực phòng thủ; gắn kết việc thực hiện chính sách xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân với xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang Tỉnh còn luôn coi trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng và tỉ lệ phù hợp, chất lượng cao; tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn dự bị động viên và các phương tiện kỹ thuật, đảm bảo đúng biên chế, chức danh và chất lượng chuyên nghiệp quân sự, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong mọi tình huống.
Có thể nói, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, sự tham gia tích cực, có hiệu quả của lực lượng vũ trang Tỉnh, đến nay, vùng Tây Nghệ An đang không ngừng “thay da, đổi thịt”, kinh tế phát triển bền vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 9,5% năm; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 25 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế của Vùng chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 35%; thu ngân sách tăng bình quân hằng năm 34%. Nhiều mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi tập trung, bán công nghiệp được đầu tư xây dựng và phát triển hiệu quả. Các ngành dịch vụ, du lịch phát triển nhanh, đa dạng, rộng khắp trên mọi lĩnh vực, địa phương; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hằng năm đạt 22,9% và số lượng khách du lịch tăng bình quân 16%. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được tăng cường, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt. Toàn Vùng có 70% phòng học được kiên cố; hầu hết các huyện, xã được công nhận phổ cập trung học cơ sở, 100% xã có trường mầm non và xây mới được 02 trường trung cấp nghề ở vùng Tây Bắc và Tây Nam. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên, tiêm chủng hằng năm đạt trên 95%, trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 20%. Với sự quan tâm của Tỉnh, vùng Tây Nghệ An đã xây dựng được bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc (250 giường bệnh), Tây Nam (150 giường bệnh), trị giá trên 45 tỉ đồng và trung tâm y tế các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, trị giá trên 70 tỉ đồng. Văn hóa - xã hội được chăm lo và có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được thực hiện tích cực và đã trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân. Khu vực phòng thủ, địa bàn chiến lược vùng núi biên giới ngày càng vững chắc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; lực lượng vũ trang địa phương luôn vững mạnh toàn diện, trong đó lực lượng dân quân tự vệ chiếm 1,42% số dân (đảng viên đạt 14,8%), lực lượng dự bị động viên biên chế đầy đủ, ổn định và được huấn luyện đúng chuyên ngành quân sự (đảng viên đạt 15%), v.v.
Mặc dù có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng vũ trang Tỉnh, nhưng việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng ở Tây Nghệ An cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Thứ nhất, sự phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng ở Tây Nghệ An chưa tương xứng với yêu cầu, vị trí của khu vực. Biểu hiện rõ nét là hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và quốc phòng, an ninh của các đề án, dự án chưa cao, vì thế, Tây Nghệ An vẫn còn nghèo, mức tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp còn thấp. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo còn cao. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa,… chưa toàn diện, vững chắc; các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là tuyến huyện, xã chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là địa bàn vùng biên giới còn diễn biến phức tạp. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua đường biên; trồng, tàng trữ, vận chuyển chất gây nghiện; di dịch cư tự do,… còn diễn biến phức tạp.
Thứ hai, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước của một số cấp ủy, chính quyền và nhận thức của đồng bào các dân tộc có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thực tế cho thấy, để Tây Nghệ An phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, vấn đề quan trọng hàng đầu là nhận thức và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sao cho vừa đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tiễn, vừa phù hợp với đặc điểm, truyền thống, lịch sử của từng địa phương. Đây là vấn đề tưởng như đơn giản, nhưng không phải vậy và hiện còn nhiều bất cập, cần được quan tâm hơn nữa. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, v.v. Vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án có lúc, có nơi còn biểu hiện thiếu kiên quyết, kiên trì, triệt để, chưa có nhiều giải pháp tích cực tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; chưa phát huy được tính tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong việc gắn phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng trên địa bàn.
Thứ ba, để phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng ở Tây Nghệ An, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, lực lượng ở địa phương trong khi thực tế có lúc, có nơi chưa đồng bộ, hiệu quả. Tây Nghệ An có vị trí quan trọng, nhiều tiềm năng chưa được khai thác, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các tổ chức, lực lượng và sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Thế nhưng, việc phối hợp giữa các lực lượng, các cấp, ngành của địa phương trong triển khai thực hiện, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Việc tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là sự phối hợp hoạt động giữa Quân đội và Công an theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ. Công tác tham mưu về xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng bằng các đề án, dự án đôi khi chưa “đúng, trúng”, dẫn đến chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của Tây Nghệ An.
Đó là những vấn đề đặt ra đòi hỏi phải có sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị để xây dựng Tây Nghệ An phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, trong đó lực lượng vũ trang Tỉnh đóng vai trò quan trọng.
HÀ TIẾN - MINH SƠN - TRẤN HƯNG ____________
* - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 5-2015.
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 76.
2 - Từ năm 2003 - 2013, lực lượng vũ trang Tỉnh đã tuyên truyền, vận động được 1.580 buổi/107.250 lượt người, trong đó có 957 hộ đồng bào Mông không di dịch cư tự do, 23 hộ không tái trồng cây thuốc phiện và 32 hộ không theo đạo Tin lành; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 57.500 lượt người.
3 - Sđd, Tập 11, tr. 376.
4 - Giúp đỡ đồng bào các dân tộc Tây Nghệ An xây dựng được 125 mô hình về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; mở rộng diện tích trồng lúa nước được 82 ha và ươm giống cây trồng hơn 37 vạn cây; di rời 768 hộ gia đình ở Vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) và Hủa Na (Quế Phong) đến khu tái định cư an toàn.
5 - Từ năm 2010 đến nay, lực lượng vũ trang Tỉnh đã giúp đỡ nhân dân tham gia được 35.000 ngày công, đào đắp, sửa chữa 48 km đường giao thông nông thôn (trong đó, có 19 km đường bê tông), 23 km kênh mương thủy lợi; tu sửa nâng cấp 04 trạm y tế, sửa chữa 235 nhà cho các gia đình chính sách; vận động nhân dân hiến đất làm đường và các công trình phúc lợi xã hội được 35.600 m2 đất.
(Kỳ III: Để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế và tăng cường quốc phòng trên địa bàn)
Phát triển kinh tế,quốc phòng,Tây Nghệ An
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng Quân đoàn 12 “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại 25/11/2024
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng Quân đoàn 12 “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại