QPTD -Thứ Hai, 25/05/2015, 10:14 (GMT+7)
“Bộ đội Cụ Hồ” tích cực tham gia phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng ở Tây Nghệ An

LTS: Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và bằng trách nhiệm, tình cảm sâu đậm đới với đồng bào các dân tộc miền núi, những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An tích cực tham gia phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng ở miền Tây của Tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy địa bàn này phát triển toàn diện, tăng cường quốc phòng, an ninh ở khu vực còn nhiều khó khăn này. Tạp chí Quốc phòng toàn dân giới thiệu chùm bài về chủ đề trên của nhóm tác giả Hà Tiến - Minh Sơn - Trấn Hưng.

I

Tham gia phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng ở Tây Nghệ an - trách nhiệm và tình cảm

Nằm trong vành đai biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, sườn Đông Bắc của dãy Trường Sơn hùng vĩ, khu vực miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An (sau đây gọi tắt là Tây Nghệ An) có vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh đặc biệt quan trọng đối với Tỉnh, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, song chưa được đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Vùng. Vì thế, phát triển toàn diện Tây Nghệ An là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang có vai trò rất quan trọng.

Nhận thức rõ điều đó, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh ở địa bàn này. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã xây dựng: “Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2355/QĐ-TTg, ngày 04-12-20131. Đề án chỉ rõ quan điểm, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ, danh mục dự án đầu tư trọng điểm, các giải pháp lớn xây dựng khu vực này phát triển, trước hết là ngang bằng với mặt bằng chung của Tỉnh.

Thực tế cho thấy, Tây Nghệ An là “phên dậu” quốc gia, là địa bàn chiến lược của đất nước trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Với vị trí địa lý đặc thù, Tây Nghệ An rất giàu tiềm năng phát triển kinh tế rừng, du lịch sinh thái, công nghiệp khai khoáng, xi măng, thủy điện và kinh tế cửa khẩu2. Nơi đây, diện tích khoảng 13.735 km2, chiếm 83,4% diện tích toàn Tỉnh3; có trên 1,6 triệu ha đất lâm nghiệp, 789,8 nghìn ha rừng tự nhiên, trên 601 nghìn ha cây công nghiệp dài ngày. Đồng thời, có rừng quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt, với trên 2.500 loại thực vật, 130 loài động vật quý hiếm (Sao La, Hổ, Thỏ vằn Trường Sơn, 295 loài chim, 54 loài lưỡng cư và bò sát, 83 loài cá, 39 loài dơi,…) có giá trị đặc biệt, không chỉ đảm bảo sinh kế bền vững cho nhân dân trong khu vực, mà còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, bảo đảm môi trường sinh thái cho toàn Tỉnh và cả nước. Tây Nghệ An được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá có sự đa dạng lớn nhất về văn hóa dân tộc thiểu số, đặc sắc trong các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam cần được bảo tồn, phát huy. Khu vực này, có 113 vùng mỏ và 171 điểm quặng, nhiều khoáng sản quý, như: vàng, đá quý, thiếc, man-gan, than,... và trữ lượng đá vôi (hơn bốn tỉ tấn), đá trắng, đá gra-nít (một tỉ tấn); nhiều hệ thống sông, suối bắt nguồn từ dãy Trường Sơn có độ dốc lớn, thuận lợi để phát triển công nghiệp xi măng, thủy điện và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Nằm ở Đông Bắc dãy Trường Sơn, phía Bắc giáp Thanh Hóa, phía Nam giáp Hà Tĩnh, phía Đông giáp với các huyện đồng bằng: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn (thuộc tỉnh Nghệ An), phía Tây có đường biên giới với nước bạn Lào; đồng thời, gần nhiều cảng biển, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam, sân bay Vinh và có mạng lưới sông ngòi dày đặc, Tây Nghệ An có thế mạnh để xây dựng hệ thống giao thông4, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa với hành lang kinh tế Đông - Tây, nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan để phát triển kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch, v.v.

Các dân tộc5 cùng sinh sống ở khu vực Tây Nghệ An có truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, không ngừng khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương giàu, đẹp. Đây là nguồn lực cơ bản, tạo động lực thúc đẩy Tây Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với truyền thống, vị thế của mình. Hơn nữa, nhân dân khu vực Tây Nghệ An đã cùng với nhân dân các bộ tộc Lào có nhiều mối quan hệ gắn bó, góp phần xây dựng tình hữu nghị đặc biệt thủy chung của hai dân tộc, hai quân đội Việt Nam và Lào. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Tây Nghệ An đã cùng với nhân dân trong Tỉnh dấy lên phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) mở đầu cho phong trào vô sản cả nước và phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Tất cả cho miền Nam thân yêu”, v.v. Núi rừng Tây Nghệ An nối liền với các tỉnh: Hủa-phăn, Xiêng-khoảng, Bô-ly-khăm-xay của nước bạn Lào, trở thành nơi “che bộ đội, vây quân thù”, là căn cứ địa quan trọng của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Từ đây, nhánh đường Trường Sơn Đông nối liền nhánh đường Trường Sơn Tây tạo nên con đường chiến lược Trường Sơn huyền thoại - mạch máu cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và cách mạng Lào - để quân và dân Việt Nam cùng quân và dân nước bạn Lào đánh bại mọi âm mưu xâm lược, phá hoại của các thế lực thực dân, đế quốc. Những giá trị hiện thực và lịch sử ấy đã tạo nên vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường của Tây Nghệ An đối với không chỉ của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ, mà còn với cả nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên và lịch sử, việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Tây Nghệ An còn có nhiều hạn chế, chi phối đến việc phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Vì vậy, “xây dựng miền Tây tỉnh Nghệ An vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong Vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh lâu dài của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ và của cả nước, v.v.”6 đã và đang được các cấp, ngành, lực lượng, trong đó có lực lượng vũ trang Nghệ An tích cực tham gia thực hiện.

Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An thường xuyên gắn bó máu thịt với nhân dân, tham gia xây dựng địa bàn vững mạnh cả trong thời kỳ chiến tranh cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; coi đó không chỉ là chức năng, nhiệm vụ, mà còn là truyền thống, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Để phát huy chức năng là đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, tích cực tham gia phát triển kinh tế “… giúp đỡ vùng cao và làm tốt công tác an ninh trật tự, củng cố quốc phòng”7, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của trên, trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân nhân tỉnh Nghệ An, Đảng ủy Quân sự Tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề 22/NQ-ĐU “Về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dân vận của lực lượng vũ trang trong tình hình mới”. Nghị quyết đã chỉ rõ những chủ trương, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, lực lượng vận động nhân dân thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh,… trên địa bàn Tỉnh, nhất là ở Tây Nghệ An. Việc làm đó đã thể hiện đúng lời Bác Hồ dạy: “Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi. Muốn thế phải bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục nhân dân. Giáo dục không phải là đưa sách vở bắt buộc dân phải học,… Phải vận động nhân dân, để dân tự nguyện, tự giác,…”8.

Trong quá trình thực hiện, lực lượng vũ trang Tỉnh thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về mọi mặt cho đồng bào các dân tộc và đội ngũ cán bộ, đảng viên; làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân những chủ trương, biện pháp, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Đồng thời, huy động các tổ chức, lực lượng và mọi cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia các hoạt động của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ. Trọng tâm là chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các huyện Tây Nghệ An tiến hành rà soát, nắm vững đặc điểm địa bàn, tham mưu với Tỉnh, địa phương về công tác quy hoạch quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch khu kinh tế - quốc phòng và xây dựng quy chế kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; xác định các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội,… ở từng địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của Tỉnh. Với phương châm hướng về cơ sở, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, lực lượng vũ trang Tỉnh đã chủ động tham gia xây dựng các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; tích cực giúp đỡ các xã nghèo miền Tây Nghệ An chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý là, lực lượng vũ trang Tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều hình thức, huy động công sức của bộ đội, vật tư, phương tiện,… “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào các dân tộc trên địa bàn, góp phần xây dựng khu vực Tây Nghệ An phát triển nhanh về kinh tế, phong phú về bản sắc văn hóa, ổn định về chính trị - xã hội, vững mạnh về quốc phòng, an ninh.

Những việc làm trên của lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An không chỉ thể hiện trách nhiệm chính trị, mà còn là tình cảm máu thịt của “Bộ đội Cụ Hồ” với đồng bào các dân tộc trong Vùng. Đồng thời, thể hiện sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Miền núi đối với quốc phòng rất quan trọng. Vì vậy, phải chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, duy trì trật tự trị an,… Cố nhiên đây là trách nhiệm chính của bộ đội, của công an biên phòng, của dân quân. Nhưng toàn Đảng, toàn dân đều có trách nhiệm giúp sức vào việc đó”9 và đến nay đã đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

HÀ TIẾN - MINH SƠN - TRẤN HƯNG
________________

1 - Trước đó, ngày 15-6-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 147/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

2 - Các cửa khẩu Việt Nam - Lào ở Tây Nghệ An bao gồm: Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn); Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy (huyện Thanh Chương); cửa khẩu phụ Thông Thụ (huyện Quế Phong); cửa khẩu phụ Cao Vều (huyện Anh Sơn); cửa khẩu phụ Tam Hợp (huyện Tương Dương).

3 - Gồm 10 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa.

4 - Hệ thống giao thông nối với các địa bàn trọng điểm: Quốc lộ 7, Quốc lộ 48, đường Hồ Chí Minh, 05 tuyến đường ra biên giới, 06 đường tuần tra biên giới, đường giao thông nguyên liệu và du lịch.

5 - Các dân tộc: Kinh, bộ tộc Lào - Thái, Mông, Thái, Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu, Tày poong và tộc người Đan Lai, khoảng 1,2 triệu người, chiếm khoảng 37% dân số toàn Tỉnh.

6 - Quyết định 2355/QĐ-TTg, ngày 04-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ Về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

7 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 295.

8 - Sđd, Tập 7, tr. 448.

9 - Sđd, Tập 14, tr. 167.

(Kỳ IIGiải pháp, kết quả và vấn đề đặt ra)

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.