Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 13/05/2016, 07:49 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Lục quân 1 thực hiện nhiệm vụ đào tạo sau đại học

Từ năm 2011, Trường Sĩ quan Lục quân 1 - Trường Đại học Trần Quốc Tuấn - được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo chuyên ngành Nghệ thuật quân sự trình độ thạc sĩ. Đây là vinh dự lớn, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà trường, song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Thiếu tướng, PGS, TS. Đỗ Viết Toản phát biểu chỉ đạo Hội thảo. (Ảnh: sqlq1.edu.vn)

Đào tạo chuyên ngành Nghệ thuật quân sự trình độ thạc sĩ là nhiệm vụ mới đối với Trường Sĩ quan Lục quân 1. Đây là bậc học có yêu cầu cao đối với cơ sở đào tạo và người dạy, người học. Trong khi đó, tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị phó giáo sư, tiến sĩ của Nhà trường còn thấp; kinh nghiệm về tổ chức quản lý, đào tạo đối tượng này chưa nhiều; nội dung, chương trình đào tạo chưa hoàn thiện; hệ thống giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất bảo đảm còn hạn chế, v.v.

Ý thức rõ vinh dự và trách nhiệm của mình, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Nhà trường triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đảng ủy Nhà trường đã ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ đào tạo sau đại học; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, khoa, đơn vị. Nhà trường đã nhanh chóng thành lập Ban Sau đại học, ban hành Quy chế đào tạo thạc sĩ, quy định thống nhất công tác đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật quân sự. Cùng với đó, Nhà trường coi trọng quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, giảng viên về nhiệm vụ đào tạo sau đại học, nhất là các cơ quan, khoa trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này.

 Để đảm bảo chất lượng ngay từ ngày đầu, Nhà trường đặc biệt quan tâm đến chất lượng tuyển chọn đầu vào và đội ngũ giảng viên. Trước thực tế nguồn đầu vào không đồng nhất, thuộc nhiều đơn vị, nhà trường trong Quân đội có chuyên ngành gần với chuyên ngành đào tạo, nên trong giai đoạn dự khóa, Nhà trường đã chủ động phân loại, tổ chức học bổ sung kiến thức về binh chủng hợp thành cho số đối tượng này, kiểm tra đánh giá, đạt yêu cầu mới cho tiếp tục ôn và thi tuyển. Nhờ đó, chất lượng đầu vào của các khóa đào tạo cao học ngày càng cao.

Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo. Từ nhận thức đó, Nhà trường đã có nhiều biện pháp xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ số lượng, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Để khắc phục tình trạng thiếu giảng viên giảng dạy sau đại học, Nhà trường yêu cầu 100% cán bộ, giảng viên có học vị tiến sĩ tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho đối tượng đào tạo sau đại học; giảng viên có trình độ thạc sĩ tham gia huấn luyện tập bài, thảo luận. Mặt khác, chủ động liên kết, mời giảng viên có đủ điều kiện của Học viện Quốc phòng và các học viện, nhà trường Quân đội trên địa bàn đến giảng dạy, giải quyết khó khăn trước mắt. Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lâu dài, Nhà trường đẩy mạnh thực hiện “Đề án xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, phấn đấu đến năm 2020 có 20%  cán bộ, giảng viên có học vị tiến sĩ.

Thực hiện mục tiêu xác định, Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, khoa và đơn vị làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn; cử cán bộ, giảng viên đi học cao học, nghiên cứu sinh ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Để tạo động lực cho cán bộ, giảng viên phấn đấu, Nhà trường ban hành Quy định chuẩn hóa chức danh nhà giáo; có chính sách ưu đãi cho cán bộ, giảng viên đi đào tạo sau đại học; cán bộ, giảng viên làm chức danh khoa học; đồng thời, tạo điều kiện cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế, từng bước chuẩn hóa đội ngũ giảng viên giảng dạy sau đại học. Với nỗ lực đó, đến nay, trên 60% giảng viên của Nhà trường có trình độ sau đại học; trong đó, có 11 phó giáo sư, tiến sĩ và 19 tiến sĩ. Đây là lực lượng nòng cốt, đã và đang phát huy tốt vai trò giảng dạy sau đại học của Nhà trường.

Đi liền với xây dựng đội ngũ nhà giáo, Nhà trường tập trung xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo. Khác với đào tạo bậc đại học, đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật quân sự không chỉ là đào tạo trình độ học vấn, mà còn bồi dưỡng năng lực tư duy, phương pháp nghiên cứu, phát hiện, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong lĩnh vực quân sự. Vì thế, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo và chương trình khung của Bộ; nghiên cứu, xây dựng chương trình, nội dung phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, đối tượng đào tạo; trong đó, chú trọng nâng cao trình độ học vấn, khả năng tư duy độc lập sáng tạo của người học. Theo đó, chương trình đào tạo được xây dựng theo học chế tín chỉ, đảm bảo cân đối giữa các khối kiến thức, nhóm học phần bắt buộc và học phần tự chọn. Về nội dung, Nhà trường chỉ đạo rà soát, lựa chọn kỹ, đảm bảo có tính kế thừa, hạn chế trùng lặp với đào tạo sĩ quan cử nhân cấp phân đội. Trong đó, phần chuyên ngành Nghệ thuật quân sự tập trung hướng vào nghiên cứu, phát triển nghệ thuật chiến tranh nhân dân, cách đánh truyền thống của dân tộc trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở kết quả đào tạo, sau mỗi năm học, Nhà trường đều chỉ đạo cơ quan, khoa tổ chức rút kinh nghiệm, cho ý kiến điều chỉnh, bổ sung chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp. Từ năm 2011 đến nay, chương trình, nội dung đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật quân sự của Trường thường xuyên được điều chỉnh theo hướng giảm thời lượng lên lớp lý thuyết, tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu khoa học, viết tiểu luận, báo cáo chuyên đề. Từ chương trình ban đầu, nhiều nội dung không phù hợp đã được điều chỉnh và bổ sung tín chỉ các học phần thiết thực hơn, như: Tác chiến điện tử; Chiến thuật cấp trung đoàn, sư đoàn; Sử dụng binh chủng trong chiến đấu và bảo đảm; Lý luận Quân sự địa phương, v.v.

Trong chương trình, nội dung đào tạo sau đại học, làm và bảo vệ luận văn thạc sĩ có vị trí đặc biệt quan trọng, là bước khởi đầu cho hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên cao học; phản ánh kết quả 02 năm đào tạo; đồng thời, là minh chứng khẳng định chất lượng đào tạo sau đại học của Nhà trường. Vì thế, năm 2015, Nhà trường đã tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng luận văn thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật quân sự”, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, thiếu sót, từ lựa chọn đề tài, xác định phương pháp nghiên cứu, trình độ, trách nhiệm của học viên, người hướng dẫn, đến điều hành thực hiện kế hoạch, các bước thông qua, thẩm định nội dung của cơ quan chức năng,… tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng đào tạo sau đại học.

Phương pháp dạy - học của đào tạo sau đại học không như đào tạo cử nhân. Trong khi đào tạo cử nhân thiên về truyền thụ và lĩnh hội kiến thức, thì đào tạo sau đại học lại theo hướng nêu vấn đề, khêu gợi, định hướng nghiên cứu. Do đó, Nhà trường coi trọng bồi dưỡng phương pháp dạy sau đại học cho đội ngũ giảng viên bằng nhiều hình thức, như: tổ chức lớp bồi dưỡng, mở cuộc tọa đàm, trao đổi về phương pháp dạy - học sau đại học. Các khoa đẩy mạnh hoạt động phương pháp bằng giảng tập, giảng thử, giảng rút kinh nghiệm ở các cấp. Không dừng lại ở đó, hằng năm, Hội đồng khoa học Nhà trường còn tổ chức thí giảng các dạng bài, từ giảng lý luận, thảo luận, đến các bài thực hành ở thực địa, trên bản đồ 3D,… cho giảng viên giảng dạy sau đại học. Nhà trường yêu cầu giảng viên vận dụng phương pháp dạy học tích cực, tăng cường sử dụng phương tiện dạy học hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng trong quá trình giảng dạy; định hướng học viên nghiên cứu giải quyết những vấn đề mới, sát với điều kiện tác chiến hiện đại.

Đối với người học, Nhà trường hướng dẫn học viên lựa chọn phương pháp học phù hợp, hướng vào tự xây dựng kế hoạch học, nghiên cứu,… để làm quen với phương pháp học sau đại học. Nhà trường còn tạo điều kiện cho học viên tham gia các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm, sinh hoạt học thuật, thông tin khoa học,... cũng như tổ chức các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn học viên về phương pháp luận nghiên cứu khoa học; phương pháp nghiên cứu, trình bày, thuyết trình một vấn đề khoa học; phương pháp viết một bài báo, chuyên đề khoa học, luận văn tốt nghiệp. Mặt khác, Nhà trường chỉ đạo thay bài kiểm tra giữa học phần bằng viết tiểu luận. Thông qua đó, trực tiếp rèn luyện, nâng cao khả năng thực hành nghiên cứu của học viên, làm cơ sở cho viết luận văn cuối khóa. Nhà trường đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thi, kiểm tra. Theo chỉ đạo của Nhà trường, Ban Sau đại học, Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục - đào tạo phối hợp chặt chẽ với các khoa tham gia đào tạo sau đại học xây dựng ngân hàng đề thi cho các học phần theo dạng đề mở. Đây cũng là một hướng đem lại hiệu quả thúc đẩy đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập, nghiên cứu của học viên, đề cao việc nghiên cứu, vận dụng lý luận vào thực tiễn mà mục tiêu đào tạo đã đặt ra.

Song song với các nội dung, giải pháp trên, Nhà trường đã tập trung nghiên cứu biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu; đầu tư nâng cấp hệ thống thư viện, thư viện điện tử, phòng đọc tài liệu, phòng hội thảo, phòng in-tơ-nét,… phục vụ việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và học viên. Thời gian qua, Nhà trường đã nỗ lực huy động các nguồn lực hoàn thiện hệ thống Thư viện trung tâm có trang thiết bị hiện đại, bao gồm: hệ thống cổng từ quản lý, kiểm soát thông tin tư liệu, phòng tư vấn bạn đọc, các kho chứa sách, phòng đọc tự chọn, phòng hội thảo và hoạt động dịch vụ chia sẻ thông tin. Riêng Hệ Sau đại học, Nhà trường còn triển khai 01 thư viện nhánh, cùng hệ thống mạng LAN với 04 máy vi tính, tích hợp hơn 18.000 đầu tài liệu,... trực tiếp phục vụ nhu cầu tự học tập, nghiên cứu của học viên, nhất là trong giờ nghỉ, ngày nghỉ.

Bằng các giải pháp tích cực, đồng bộ, từ năm 2011 đến nay, Nhà trường đã và đang đào tạo 04 khóa cao học chuyên ngành Nghệ thuật quân sự, với 312 học viên; trong đó, có 123 thạc sĩ đã tốt nghiệp ra trường. Các học viên làm và bảo vệ luận văn thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật quân sự đều đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra, bước đầu khẳng định năng lực, chất lượng đào tạo sau đại học của Trường.

Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Trường Sĩ quan Lục quân 1 tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo sau đại học, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội.

Thiếu tướng, PGS, TS. ĐỖ VIẾT TOẢN, Hiệu trưởng Nhà trường.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.