Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:35 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Viện Nghiên cứu 486 (Bộ Tư lệnh 86) là cơ sở nghiên cứu phát triển, cải tiến trang bị kỹ thuật, phần mềm, tư vấn, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin; huấn luyện, đào tạo, chuyển giao công nghệ phục vụ nhiệm vụ tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin. Đồng thời, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, hỗ trợ ứng cứu sự cố mạng máy tính quân sự của toàn quân và các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước. Đây là nhiệm vụ mới, rất nặng nề, với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Điều đó được thể hiện ở tính chất nhiệm vụ mà Viện đảm nhiệm mang tính đặc thù cao, trong khi hệ thống trang bị kỹ thuật, phần mềm biên chế của các đơn vị đa dạng về chủng loại, cũ mới đan xen, khả năng đồng bộ, nâng cấp, cập nhật hạn chế. Đặc biệt, một số trang bị kỹ thuật thế hệ mới tích hợp nhiều công nghệ, kỹ thuật hiện đại, trong khi công nghệ chế tạo thay đổi nhanh,... gây khó khăn trong khai thác, làm chủ; hoạt động gián điệp trên không gian mạng, tấn công mạng, tội phạm mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều quy mô, thủ đoạn mới tinh vi, v.v. Trong khi đó, tổ chức, biên chế của Viện đang trong giai đoạn kiện toàn, đội ngũ cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm, trình độ cao mỏng; các yếu tố bảo đảm, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phòng Lab chưa theo kịp sự phát triển của nhiệm vụ. Trước thực tế đó, Viện đã, đang triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo cơ sở nâng cao chất lượng các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trước hết, Viện tập trung rà soát, xây dựng, bổ sung định hướng nghiên cứu khoa học phù hợp với sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu; là đảm bảo có tính nền tảng để việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của Viện tiến hành đúng hướng, đạt hiệu quả cao. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết số 1652-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học quân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, cùng các chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh 86, Viện tập trung xây dựng, hoàn thiện định hướng nghiên cứu khoa học trung hạn và dài hạn làm cơ sở cụ thể hóa, điều chỉnh, bổ sung thực hiện trong từng năm, phù hợp với khả năng của Đơn vị và mục tiêu xây dựng lực lượng tác chiến không gian mạng hiện đại. Đến nay, Viện đã xây dựng, hoàn thiện Đề án xây dựng Viện 486 giai đoạn 2024 - 2025 và định hướng đến năm 2030; trong đó, lấy xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ trung tâm; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phòng Lab hiện đại là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết; nghiên cứu khai thác, làm chủ, nâng cấp, mở rộng các trang bị kỹ thuật, phần mềm đã đầu tư và phát huy vai trò của Phòng Thí nghiệm trọng điểm an toàn thông tin là nhiệm vụ thường xuyên. Đây là cơ sở căn bản để Viện xây dựng, ban hành các nghị quyết, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, sát thực tế; đồng thời, là căn cứ để tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, tiến độ thực hiện, kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu, phát triển và triển khai sản phẩm.
Trên cơ sở định hướng đã xác định, Viện chú trọng phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài; trong đó, lấy xây dựng, phát triển nguồn lực về con người làm trung tâm. Thực hiện nội dung này, cùng với tập trung kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, cân đối về chuyên ngành, độ tuổi và trình độ1, Viện đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên. Để đạt hiệu quả, Viện thực hiện đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng tại chỗ với cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cả ở trong nước và nước ngoài; khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ tự học, tự nghiên cứu theo các nhóm nghiên cứu, triển khai đề tài, chuyển giao công nghệ và coi trọng việc truyền thụ kinh nghiệm giữa các lứa, lớp cán bộ, v.v. Mặt khác, Viện chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh có chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ chuyên môn cao, cán bộ khoa học trẻ xuất sắc, hướng tới xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên các hướng nghiên cứu, hình thành công trình sư trong phân tích, thiết kế các giải pháp công nghệ. Thời gian qua, cùng với khai thác hiệu quả hệ thống thao trường huấn luyện Cyber Range cho đào tạo, Viện đã cử cán bộ tham gia hơn 10 khóa đào tạo tại các nước: Nga, Hàn Quốc, Pháp, Australia; tham gia tập huấn các nội dung thuộc dự án theo chương trình của Tập đoàn Viettel; tổ chức 42 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho gần 400 lượt cán bộ, nghiên cứu viên về bảo đảm an toàn thông tin ở các chuyên ngành, v.v. Đến nay, 100% cán bộ, nghiên cứu viên của Viện có trình độ đại học trở lên, trong đó có 32% được đào tạo ở nước ngoài, 54% thạc sĩ, tiến sĩ và nhiều cán bộ đạt chứng chỉ quốc tế các chuyên ngành về quản trị mạng (CCNA, CEH), an toàn thông tin (Pentest+, Security+), v.v. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt đưa công tác nghiên cứu khoa học của Viện ngày càng phát triển, vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Là lĩnh vực hoạt động chuyên sâu, đặc thù đòi hỏi phải sử dụng, vận hành nhiều trang thiết bị, công nghệ hiện đại, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Viện đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị công nghệ. Trước hết, Viện tích cực rà soát nắm thực trạng hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ hiện có; nghiên cứu, nắm bắt xu hướng phát triển công nghệ tiên tiến trong nước, khu vực và trên thế giới,... làm cơ sở xây dựng, tham mưu đề xuất với Bộ Tư lệnh các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình đầu tư, mua sắm trang thiết bị với lộ trình, bước đi phù hợp. Đồng thời, chú trọng phát huy thế mạnh của đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên và vai trò của Phòng Thí nghiệm trọng điểm an toàn thông tin trong nghiên cứu, thiết kế, nâng cấp, mở rộng các trang thiết bị hiện có. Thời gian qua, Viện đã nghiên cứu phát triển 42 nhiệm vụ với các sản phẩm phần mềm, giải pháp công nghệ về tác chiến không gian mạng, bảo đảm an toàn thông tin và chuyển đổi số,... góp phần củng cố, nâng cấp hệ thống trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Đến nay, các hệ thống phòng Lab “Xây dựng hệ thống phòng chống mã độc Bộ Quốc phòng”, hệ thống “Thao trường mạng Cisco CyberRange” và các trang bị kiểm tra, đánh giá, bảo đảm an toàn thông tin đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, trực tiếp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của Viện.
Hiện nay, trước tình hình phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và xuất hiện nhiều phương thức tác chiến mới trên không gian mạng, Viện chủ động kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng nhằm thiết thực phục vụ nhiệm vụ tác chiến không gian mạng, cũng như đáp ứng sự biến đổi nhanh về công nghệ. Trên cơ sở định hướng nghiên cứu khoa học, Viện đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản với trọng tâm là phát triển công nghệ nền phục vụ nhiệm vụ tác chiến không gian mạng, như: nền tảng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI); phương pháp phát hiện, phòng chống mã độc; công nghệ thiết kế thiết bị bảo đảm an toàn thông tin,... nhằm tạo sự chủ động trong nắm bắt công nghệ mới, sẵn sàng phát triển nghiên cứu ứng dụng sản phẩm phục vụ nhiệm vụ tác chiến không gian mạng. Về nghiên cứu ứng dụng, Viện thực hiện theo hướng phát triển các nghiên cứu cơ bản đã có kết quả công bố trên các tạp chí uy tín trong nước, quốc tế và triển khai các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng gắn với sản phẩm, như: xây dựng nền tảng trao đổi, tích hợp, lưu trữ, xử lý dữ liệu của hệ thống tự động hóa chỉ huy điều khiển; xây dựng hệ thống phát hiện mã độc tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo; xây dựng sản phẩm theo khung Chính phủ điện tử,... nhằm thiết thực phục vụ nhiệm vụ tác chiến không gian mạng, bảo đảm an toàn thông tin. Quá trình triển khai, Viện thực hiện đa dạng các hình thức tổ chức nghiên cứu; kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu theo chức năng từng phòng chuyên môn với nghiên cứu theo nhóm, cá nhân. Trong đó, coi trọng xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, nhóm nghiên cứu mạnh để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khó, mới và cấp thiết, như: tính toán lượng tử, kỹ thuật pentest sâu và phân tích mã độc, kỹ thuật thám mã, v.v.
Cùng với đó, Viện khuyến khích và gắn trách nhiệm mỗi tổ chức, cá nhân, nhất là cấp ủy, chỉ huy các phòng nghiên cứu chuyên môn, chủ nhiệm đề tài với nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng; lấy chất lượng, tiến độ triển khai công trình, đề tài và sản phẩm nghiên cứu làm “tiêu chí cứng” để xét duyệt chức danh chuyên môn kỹ thuật, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp, trí tuệ tập thể vào triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học. Từ năm 2018 đến nay, Viện đã hoàn thành 02 đề tài và 01 nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng; 11 đề tài nghiên cứu, 43 nhiệm vụ cấp Bộ Tư lệnh; 14 đề tài cấp Viện và đăng 39 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.
Để mở rộng các đề tài nghiên cứu, tiếp thu công nghệ mới, phát huy tốt thế mạnh nghiên cứu chuyên sâu của các đơn vị và đội ngũ chuyên gia, Viện đẩy mạnh hoạt động hợp tác khoa học, công nghệ hướng trọng tâm vào các trung tâm có uy tín về công nghệ thông tin, các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội có tiềm lực khoa học, công nghệ mạnh để đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động liên kết nghiên cứu, tổ chức hội thảo chuyên đề2,... nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ tiếp cận, tiếp thu các thành tựu khoa học, công nghệ mới vào phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của Viện.
Với tinh thần chủ động, sáng tạo và định hướng đúng đắn, Viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy Bộ Tư lệnh 86 nhiều chủ trương, phương hướng, biện pháp phát triển kỹ thuật, công nghệ tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin phù hợp, khả thi; tổ chức nghiên cứu, cải tiến, phát triển và ứng dụng hiệu quả nhiều phần mềm, trang bị kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ tác chiến không gian mạng, v.v. Đó là cơ sở, tiền đề quan trọng để Viện Nghiên cứu 486 tiếp tục vững bước phát triển, phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Bộ Quốc phòng về lĩnh vực an toàn thông tin, tác chiến không gian mạng và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thượng tá, TS. NGUYỄN TRUNG DŨNG, Viện trưởng _____________________
1 - Viện đã triển khai thực hiện biểu tổ chức, biên chế giai đoạn 1 đảm bảo đúng lộ trình, chất lượng.
2 - Giai đoạn 2018 - 2023, Viện chủ trì và phối hợp tổ chức 75 hội thảo chuyên đề các cấp; trong đó, có 05 hội thảo chủ trì và đồng tổ chức với Tạp chí An toàn Thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài Quân đội.
Viện Nghiên cứu 486,nghiên cứu khoa học,an toàn thông tin,tác chiến không gian mạng
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm