Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 28/03/2024, 08:33 (GMT+7)
Viện Thiết kế tàu quân sự khắc phục khó khăn, làm chủ công nghệ

Trước đòi hỏi cấp thiết của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp là bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế biển, ngày 30/3/2009, Viện Thiết kế tàu quân sự thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng được thành lập; có nhiệm vụ trọng tâm là thiết kế, đóng mới và cải hoán tàu quân sự, tàu và phương tiện thủy phục vụ nhu cầu dân sinh và xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học đa ngành, mang tính đặc thù rất cao, khó khăn, phức tạp, trong điều kiện nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, kinh nghiệm, năng lực hoạt động chưa có nhiều. Tuy nhiên, với tư duy sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường, ý chí quyết tâm cao, Đảng ủy, chỉ huy Viện đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng phương hướng hoạt động; đề xuất kiện toàn tổ chức, biên chế, nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ, năng lực nghiên cứu, thiết kế,... đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trải qua 15 năm xây dựng, trưởng thành, từ 11 cán bộ và cơ sở vật chất đơn sơ, Viện đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô tổ chức, năng lực nghiên cứu thiết kế, làm chủ nhiều công nghệ đặc thù, công nghệ mới; hoàn thành hàng trăm đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp. Các đề án, dự án do Viện thực hiện được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động của các lực lượng: Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Cứu hộ, cứu nạn, Vận tải quân sự, khai thác dầu khí, v.v. Đặc biệt, Viện đã thiết kế đóng mới, cải hoán hàng chục gam tàu, thuyền các loại; trong đó có nhiều tàu quân sự trọng tải lớn, hiện đại, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Dù non trẻ nhưng Viện đã khẳng định được thương hiệu, vị thế trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế đóng mới tàu quân sự và ngành đóng tàu Việt Nam; được Nhà nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý.

Thủ trưởng Viện làm việc với Tổ thiết kế.

Những năm gần đây, trước sự phát triển của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là yêu cầu tự chủ, hiện đại hóa trang bị của Quân đội, Đảng ủy, chỉ huy Viện bám sát định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng, chủ động khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ, triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, tư vấn các chương trình đóng tàu quân sự.

Để thực hiện phương hướng đó, Viện tập trung quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở đó, ban hành và quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề “Lãnh đạo đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế tàu quân sự, tập trung vào các gam tàu chiến đấu và một số trang bị kỹ thuật mới, góp phần thực hiện chủ trương hiện đại hóa Quân đội”. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ, chất lượng tốt các chương trình, kế hoạch, đề án thiết kế; hoàn thiện năng lực nghiên cứu, thiết kế các gam tàu bổ trợ, một số trang bị kỹ thuật mới, tiến tới làm chủ thiết kế các gam tàu cao tốc, tàu chiến đấu, các loại xuồng cao tốc tấn công nhanh; thiết kế tích hợp tên lửa lên tàu quân sự,... phù hợp với chiến lược phát triển vũ khí, trang bị của Quân đội. Đồng thời, chú trọng thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực được giao. Tham mưu, nghiên cứu đề xuất cho các cấp định hướng nâng tầm, mở mới các đề tài, dự án khoa học công nghệ; tạo nguồn ngân sách; xây dựng cơ chế tài chính đặc thù,... từng bước xây dựng Viện thực sự trở thành cơ sở nghiên cứu, thiết kế đầu ngành trong lĩnh vực này.

Trong tổ chức thực hiện, Thường vụ Đảng ủy Viện trực tiếp chỉ đạo xây dựng danh mục, lộ trình thiết kế các gam tàu quân sự; chỉ định, giao nhiệm vụ cho nhóm nghiên cứu; xác định đơn vị hợp tác. Chủ động tham mưu, đề xuất mở mới các đề tài, dự án khoa học công nghệ về nghiên cứu, thiết kế, đóng mới tàu chiến đấu, xuồng không người lái, xuồng lưỡng dụng, xuồng đệm khí,… phù hợp với điều kiện Việt Nam. Viện chỉ đạo, khuyến khích các phòng, ban, nhóm nghiên cứu tích cực phát triển ý tưởng sáng tạo, xây dựng kế hoạch nghiên cứu, bảo đảm trang thiết bị, vật chất; đặt chất lượng nghiên cứu lên hàng đầu. Ưu tiên tham gia các chương trình, dự án cấp quốc gia; công nghệ cao của Bộ Khoa học và Công nghệ; Chương trình KC.2030, v.v. Để đạt hiệu quả, Viện xây dựng, hoàn thiện mô hình Tổ thiết kế tập trung làm lực lượng nòng cốt, phát huy trí tuệ tập thể trong triển khai các nhiệm vụ khoa học; chú trọng quản lý, phân công, sử dụng cán bộ phù hợp với sở trường, năng lực; phân cấp trách nhiệm chuyên môn gắn với quyền lợi của cán bộ tham gia và các bộ phận liên quan. Chỉ đạo các phòng, ban bám sát chủ trương của các cấp, đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giải quyết vướng mắc trong nghiên cứu, thiết kế; đề xuất nhu cầu về tài liệu, cơ sở vật chất, thủ tục hợp tác,… với cơ quan quản lý đề tài, dự án để tìm cách giải quyết kịp thời. Giai đoạn 2013 - 2023, Viện đã thực hiện 01 đề tài cấp Quốc gia; 30 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật; 29 đề tài, nhiệm vụ cấp Viện.

Nghiệm thu sản phẩm sau thiết kế, đóng mới.

Thiết kế tàu quân sự là lĩnh vực khoa học đa ngành (cơ khí, điện, vũ khí, tự động hóa,...) nên vấn đề chất lượng nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng. Với nhận thức đó, Đảng ủy, chỉ huy Viện đặt ra mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có cơ cấu hợp lý, đồng bộ về chuyên ngành, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, có năng lực, trí tuệ, đủ khả năng nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án khoa học, công nghệ. Thực hiện mục tiêu đó, Viện thường xuyên rà soát, nắm chắc thực trạng đội ngũ cán bộ; chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng. Những năm qua, Viện thực hiện đa dạng hình thức tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng; luân phiên cử cán bộ đi đào tạo, nghiên cứu sinh, cao học ở trong và ngoài nước, nhất là những chuyên ngành chuyên sâu, đặc thù, phù hợp với chức năng, định hướng phát triển nhiệm vụ. Đồng thời, thường xuyên tổ chức hội thảo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, phổ biến kinh nghiệm về thiết kế tàu, trang thiết bị trên tàu. Cử cán bộ đi thực tế ở nhà máy và tham gia các dự án đóng tàu trong nước; tham dự triển lãm quốc tế; khảo sát, đàm phán, nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài ở một số lĩnh vực chuyên môn sâu trong thiết kế tàu chiến. Để nâng cao hiệu quả đào tạo, sử dụng, Viện yêu cầu cán bộ làm luận văn, luận án phải gắn với đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ mà Viện đang và sẽ thực hiện; tích cực công bố sản phẩm nghiên cứu trên tạp chí khoa học và công nghệ trong và ngoài nước; chú trọng nghiên cứu sự tương tác giữa thiết kế và triển khai đóng tàu, định mức vật tư thực tế,... để hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức. Đồng thời, khuyến khích cán bộ vừa làm, vừa học, nâng cao năng lực, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn. Ngoài ra, Viện thực hiện đánh giá năng lực cán bộ qua sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, năng lực vượt khó vươn lên; làm cơ sở cho việc xây dựng các trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực và bổ nhiệm, sắp xếp, cán bộ chỉ huy, quản lý. Đề xuất chính sách đặc thù để thu hút, giữ người, đãi ngộ thích đáng cho cán bộ làm công tác nghiên cứu, thiết kế, nhất là cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn cao, cán bộ được định hướng xây dựng thành chuyên gia đầu ngành. Nhờ đó, 100% cán bộ nghiên cứu của Viện có trình độ đại học và sau đại học, trong đó có 21 tiến sĩ, 41 thạc sĩ, 28 kỹ sư được đào tạo cơ bản và chuyên sâu; trong đó, nhiều cán bộ được đào tạo ở nước ngoài. Song song với xây dựng nguồn nhân lực, Viện tích cực tham mưu đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm thiết kế tàu theo hướng hiện đại, tạo nền tảng nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế. Đến nay, Viện đã triển khai nhiều dự án đầu tư, tạo sự đột phá về hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị; xây dựng được 01 xưởng chế thử có đủ hệ thống máy móc gia công cơ khí; các máy, thiết bị đo lường: sức bền, độ cứng vật liệu, siêu âm khuyết tật mối hàn, kiểm tra chất lượng vũ khí, khí tài,… bảo đảm đo lường, thử nghiệm trên 05 lĩnh vực kiểm định và 11 lĩnh vực thử nghiệm.

Thực hiện mục tiêu tự chủ hoàn toàn về công nghệ, có thể thiết kế, sản xuất được những gam tàu “Made by Việt Nam”, Viện đẩy mạnh xây dựng nền tảng khoa học, công nghệ đóng tàu quân sự. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 791-NQ/QUTW, ngày 30/12/2012 của Quân ủy Trung ương “Về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Viện tập trung xây dựng các nhóm đề tài: khai thác trang thiết bị kỹ thuật, phần mềm thiết kế; lựa chọn kiểu dáng, vật liệu cho gam tàu; nghiên cứu tiền khả thi các dự án,... làm cơ sở cho quá trình triển khai nhiệm vụ. Trong đó, ưu tiên nhóm đề tài về tàu xuồng quân sự và vũ khí dưới nước; giải quyết những nút thắt trong thiết kế tàu, vũ khí, trang bị mới; lắp đặt, hiệu chỉnh vũ khí, khí tài trên tàu; bổ sung tài liệu thiết kế mà nước ngoài không chuyển giao, nhất là những điểm mới do điều kiện đặc thù Việt Nam. Đẩy mạnh chuẩn hóa, bổ sung, phát triển tài liệu thiết kế; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thiết kế, sản xuất, kiểm tra kỹ thuật tàu quân sự, nhất là các thư viện điện tử, phần mềm hỗ trợ, các bộ thông số kỹ thuật đặc thù Việt Nam. Trong quá trình đó, Viện đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phong trào sáng tạo trẻ; cho phép các trưởng nhóm đề xuất mở thêm những đề tài nghiên cứu bổ trợ, phục vụ trực tiếp quá trình thiết kế hoặc thực hiện nhiệm vụ khoa học trên giao,... bảo đảm vừa thực hiện nhiệm vụ nhanh, vừa bổ sung thêm cơ sở dữ liệu và giúp cán bộ có thêm nhiều công trình nghiên cứu, nâng cao trình độ. Để giải quyết khó khăn về công nghệ cao, Viện tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ với nhiều đối tác; ký các biên bản ghi nhớ hợp tác thiết kế tàu với các viện nghiên cứu, trường đại  học, công ty đóng tàu; tranh thủ sự hỗ trợ chuyên môn thiết kế tàu của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước. Tích cực tìm kiếm các đối tác nước ngoài có ngành đóng tàu quân sự phát triển để nhận chuyển giao công nghệ thiết kế tàu, được đào tạo, sử dụng phần mềm thiết kế hiện đại, v.v. Nhờ đó, Viện đã hoàn thành nhiều công trình có giá trị quân sự, kinh tế, như: thiết kế, chế tạo giàn khoan dầu khí di động phục vụ kinh tế biển và an ninh quốc phòng; thiết kế, chế tạo các loại xuồng cứu hộ; thiết kế, chế tạo tổ hợp thiết bị phục vụ thử cụm làm kín nước trục chân vịt tàu ngầm Kilo,... được Bộ Quốc phòng tặng 01 Bằng khen về hoạt động sáng kiến và 08 giải Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội.

Nhiệm vụ phía trước của Viện Thiết kế tàu quân sự rất nặng nề, nhưng với kinh nghiệm, truyền thống, ý thức chính trị, quyết tâm cao và trí tuệ khoa học, Viện tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ sở nghiên cứu thiết kế hàng đầu trong lĩnh vực đóng tàu quân sự, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. PHẠM QUANG CHIẾN, Viện trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.