Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 19/04/2024, 13:51 (GMT+7)
Nhà máy Z173 chủ động hội nhập, phát triển

Nhà máy Z173 (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu Hồng Hà) là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng có nhiệm vụ đóng mới, sửa chữa tàu quân sự; tham gia đóng tàu phục vụ các thành phần kinh tế trong nước và xuất khẩu; kinh doanh xuất, nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ đóng tàu, sản xuất các cấu kiện kim loại. Những năm gần đây, trước yêu cầu xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và xu thế hội nhập đặt ra cho Nhà máy những mục tiêu, yêu cầu cao cùng nhiều vấn đề phải giải quyết. Bên cạnh mặt thuận lợi, Nhà máy phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là việc gìn giữ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khai thác, mua sắm vật tư nhập khẩu; các sản phẩm đòi hỏi cao về công nghệ, chất lượng, tiến độ và sự cạnh tranh về giá, v.v. Trong khi đó, các yếu tố đảm bảo cho sản xuất của Nhà máy thiếu đồng bộ, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nhiệm vụ; số lượng công nhân kỹ thuật có tay nghề cao đang ở giai đoạn già hóa, v.v.

Trước tình hình đó, Nhà máy xác định, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất, nêu cao quyết tâm chính trị, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn lên hội nhập, phát triển. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, Nhà máy tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống chiến lược phát triển; chiến lược sản phẩm; kế hoạch đầu tư phát triển toàn diện Nhà máy với lộ trình, bước đi phù hợp, khả thi. Trong đó, chú trọng đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, tập trung phát triển các gam tàu trọng tải vừa, có hàm lượng kỹ thuật cao, hiện đại và giá trị kinh tế cao thay vì đóng tàu siêu trường, siêu trọng. Trên cơ sở phương hướng đã chọn, Nhà máy tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm mới; mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu, v.v.

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, làm việc tại Nhà máy

Nguồn nhân lực chất lượng cao và trang thiết bị, công nghệ hiện đại là nền tảng, then chốt, quyết định sức cạnh tranh, năng lực, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Nhận rõ điều đó, Nhà máy tập trung trước hết vào xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, sắp xếp, tổ chức lại lực lượng lao động theo hướng “tinh, gọn, hiệu quả”, phù hợp với mô hình hoạt động. Theo đó, một mặt, Nhà máy tập trung nghiên cứu điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban; xây dựng lại biểu tổ chức, biên chế các phân xưởng, xí nghiệp phù hợp với tình hình nhiệm vụ, định hướng phát triển trước mắt và lâu dài. Mặt khác, tiến hành rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nhằm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, năng lực toàn diện, chuẩn hóa về trình độ, tay nghề theo từng vị trí công tác. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy quản lý, cán bộ kỹ thuật đầu ngành thành thạo về ngoại ngữ, giỏi về chuyên môn, đủ khả năng nghiên cứu, tiếp cận công nghệ, quản lý sản xuất hiện đại và thợ kỹ thuật lành nghề làm nòng cốt ở các lĩnh vực chuyên môn. Đồng thời, sắp xếp, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng cắt giảm tối đa lao động gián tiếp, bổ trợ, phục vụ; tăng lao động trực tiếp sản xuất, ưu tiên cho sản xuất quốc phòng và các sản phẩm kinh tế có công nghệ, kỹ thuật, thẩm mỹ cao. Quá trình triển khai, cùng với thực hiện các giải pháp thu hút, tuyển dụng, Nhà máy tập trung giữ gìn, nâng cao năng lực đội ngũ hiện có thông qua việc thực hiện các chính sách về thu nhập1; tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tay nghề; thực hiện sử dụng lại lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ sức khỏe, có chuyên môn tay nghề tốt, v.v.

Để tạo ưu thế trong cạnh tranh nguồn nhân lực, Nhà máy tích cực liên kết với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở dạy nghề,… để tạo nguồn, tuyển dụng lao động có kiến thức chuyên môn, tay nghề tốt; thực hiện phương án tuyển dụng lao động là quân nhân xuất ngũ, công dân ở các vùng kinh tế khó khăn để tự đào tạo và liên kết đào tạo, bố trí sử dụng, tham gia thực hiện chính sách hậu phương Quân đội. Đặc biệt, Nhà máy có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, như: mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ có năng lực vào các vị trí chủ chốt, xây dựng môi trường công tác thân thiện, có nhiều cơ hội phát triển, tạo động lực cho người lao động yên tâm công tác, cống hiến, gắn bó với Đơn vị. Với cách làm trên, hiện nay, Nhà máy đã xây dựng được nguồn nhân lực có cơ cấu phù hợp, chất lượng cao; trong đó, 100% cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học, trên 75% công nhân kỹ thuật có bậc thợ tay nghề từ 5/7 trở lên. Lực lượng này đã và đang phát huy tốt vai trò nòng cốt cho sự phát triển của Nhà máy.

Cùng với xây dựng nguồn nhân lực, Nhà máy chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị tạo nền tảng kỹ thuật, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, tiến độ, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất quốc phòng và kinh tế trong tình hình mới. Trên cơ sở chiến lược phát triển, Nhà máy chủ động nghiên cứu, nắm bắt xu hướng phát triển công nghệ sửa chữa, đóng tàu trên thế giới và tranh thủ tư vấn của các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia đầu ngành của các nhà trường, viện nghiên cứu, làm cơ sở đề xuất với trên các dự án đầu tư, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và sự phát triển lâu dài. Từ năm 2021 đến nay, Nhà máy đã hoàn thành 04 dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang bị, công nghệ. Hiện nay, Nhà máy đang triển khai dự án “Đầu tư bổ sung nâng cao công nghệ kiểm tra, hiệu chỉnh lắp đặt và sửa chữa các hệ thống vũ khí, khí tài”; đồng thời, xây dựng và đề xuất 07 dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà xưởng, mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ nâng hạ, các loại máy móc, thiết bị hiện đại; triển khai thực hiện các hạng mục đầu tư tại Khu hậu cần - kỹ thuật, tiến tới xây dựng các công trình theo quy hoạch được phê duyệt nhằm mở rộng mặt bằng sản xuất, v.v. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao năng lực công nghệ, đảm bảo tốt hơn điều kiện sản xuất, môi trường làm việc, nâng cao chất lượng, tiến độ sản phẩm, tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường.

Tàu cao tốc BP-18 -  sản phẩm đóng mới cho Bộ đội Biên phòng

Để không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng sự biến động mạnh mẽ của thị trường, Nhà máy đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm mới theo hướng “chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý”. Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về công nghệ so với các nước phát triển, Nhà máy thực hiện “đi tắt, đón đầu” theo phương châm: “táo bạo nhưng thận trọng, đốt cháy thời gian nhưng không đốt cháy kỹ thuật”. Theo đó, Nhà máy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hướng vào mở rộng năng lực thiết bị, công nghệ hiện có; cải tiến quy trình công nghệ, hợp lý hóa, tự động hóa các khâu trong sản xuất,… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, tiết giảm chi phí sản xuất. Cùng với đó, bám sát chủ trương, định hướng của trên và hướng đi đã chọn, Nhà máy đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu từng đối tác và xu hướng phát triển công nghệ; trong đó, với sản phẩm quốc phòng, an ninh, chú trọng đóng các tàu, như: vận tải đa năng, tiếp dầu trên biển, tàu tuần tra cao tốc vỏ nhôm, tàu chở xăng dầu, v.v. Với sản phẩm kinh tế, phát triển các tàu tuần tra cao tốc, tàu đặc chủng, tàu chở khách, tàu du lịch, du thuyền, các loại xuồng. Để đạt hiệu quả cao, Nhà máy tích cực cập nhật công nghệ thiết kế, chế tạo các gam tàu hiện đại phù hợp với xu thế phát triển của thị trường đóng tàu trong nước và trên thế giới; đồng thời, tích cực nắm bắt nhu cầu thực tế nhiệm vụ của các đối tác trong và ngoài nước, từ đó nghiên cứu, thay đổi công nghệ thiết kế, chế tạo các mẫu tàu mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về chất lượng, tính năng kỹ thuật và tính thẩm mỹ.

Mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu vừa là giải pháp cơ bản, xuyên suốt, vừa là điều kiện cần và đủ để Nhà máy không ngừng phát triển, đứng vững trong nền kinh tế thị trường. Theo đó, Nhà máy đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, huy động sức mạnh tập thể vào nghiên cứu, khảo sát, phát triển thị trường; thực hiện công tác tiếp thị, quảng bá, tìm kiếm đối tác trong nước và ngoài nước, cam kết thực hiện tốt các chính sách cơ bản nâng cao uy tín, thương hiệu. Với chính sách về sản phẩm, Nhà máy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật công nghệ, quản lý kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ đầu vào đến các công đoạn của quá trình sản xuất và nghiệm thu đầu ra sản phẩm; giải quyết triệt để, thỏa đáng các đề xuất, kiến nghị về chất lượng sản phẩm của đối tác và đáp ứng tốt nhu cầu về tiến độ; thực hiện tốt chính sách bảo hành, bảo trì sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm của Nhà máy được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, tiêu chuẩn châu Âu. Với chính sách về giá, Nhà máy tăng cường công tác quản lý chi phí, thực hành tiết kiệm, giảm tỷ lệ sai, hỏng; nâng cao năng lực xây dựng giá thành của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên ngành; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan để xây dựng giá thành hợp lý, đúng quy định,... từ đó định mức giá phù hợp cho từng loại sản phẩm trên cơ sở hạch toán về chi phí sản xuất, lợi nhuận và các chi phí khác, bảo đảm lợi ích chung của Nhà máy và đối tác, phù hợp với các quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Cùng với đó, để tạo uy tín và vị thế trên thị trường đóng tàu xuất khẩu, Nhà máy tập trung nghiên cứu, tuân thủ áp dụng pháp luật Nhà nước và các quy định quốc tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; chuẩn hóa các quy trình quản trị; quản lý và điều hành sản xuất theo các tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại của các nước phát triển; thực hiện chính sách về môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn, sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động.

Với tinh thần chủ động hội nhập để phát triển, Nhà máy Z173 đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, vượt khó vươn lên đóng mới thành công nhiều gam tàu hiện đại mang thương hiệu “Made in Việt Nam”, được đưa vào biên chế cho lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển kinh tế biển và nhiều sản phẩm xuất khẩu2, qua đó khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần tích cực vào xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tá PHẠM VĂN TUẤN, Giám đốc Nhà máy
_________________
        

1 - Nhà máy xây dựng quy chế tiền thưởng theo 03 tiêu chí: hiệu suất công việc, sáng kiến cải tiến và giới thiệu, tiếp thị sản phẩm.

2 - Nhà máy đóng mới các gam tàu hiện đại, như: tàu Asphalt 2800DWT, seri tàu HQ120, HQ200 và các tàu KN6000, tàu chữa cháy ST202F1 cho các cơ quan, đơn vị trong nước; tàu phục vụ điện gió; tàu ADS2810 cho Tập đoàn DAMEN (Hà Lan) và xuồng HH11T cho Tập đoàn Ghana (Nigeria), v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.