Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 29/06/2018, 21:47 (GMT+7)
Làm theo lời Bác dạy, Lữ đoàn 679 đẩy mạnh huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm

Tháng 3-1961, khi đến thăm Bộ đội Hải quân, Bác căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”1. Lời huấn thị đó, đã trở thành tư tưởng xuyên suốt để cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tên lửa bờ 679 Hải quân không ngừng phấn đâu, thi đua huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, nâng cao sức mạnh chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thực hành bắn tên lửa

Lữ đoàn 679 là đơn vị tên lửa đất đối hải thuộc Quân chủng Hải quân, có  nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, bảo vệ, giữ vững chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Đây vừa là niềm vinh dự lớn, vừa là trách nhiệm nặng nề đối với Lữ đoàn, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Đặc biệt, thời gian gần đây, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, Lữ đoàn gặp không ít khó khăn, thách thức, như: vũ khí, khí tài đã qua sử dụng nhiều năm, tình trạng kỹ thuật xuống cấp, vật tư phụ tùng thay thế khan hiếm; quân số của Lữ đoàn chủ yếu là cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, một bộ phận không nhỏ trong số đó chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, chủng loại khí tài; kinh nghiệm trong huấn luyện, chiến đấu có mặt còn hạn chế; hậu phương, gia đình còn nhiều khó khăn, v.v. Trước thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sĩ chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, việc nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật theo lời Bác dạy được Lữ đoàn hết sức coi trọng và xác định đây là một nội dung trọng tâm, khâu đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII).

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Tư tưởng thông suốt thì mọi việc đều làm tốt”2, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đặc biệt quan tâm, đề cao vai trò của công tác tư tưởng, nhất là xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ, ý chí quyết tâm đúng đắn cho cán bộ, chiến sĩ và khắc phục nhận thức lệch lạc, biểu hiện ngại khó, ngại khổ trong huấn luyện, rèn luyện, thiếu tin tưởng vào cách đánh, vũ khí, khí tài được trang bị. Để đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; trong đó, chú trọng gắn kết những tư tưởng, lời nói cùng những huấn thị của Bác liên quan đến công tác huấn luyện, rèn luyện kỷ luật để giáo dục cho bộ đội. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên; giáo dục đột kích theo nhiệm vụ gắn với giáo dục truyền thống của Bộ đội Hải quân anh hùng. Đặc biệt, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã bám sát nội dung của Chỉ thị 05, các chuyên đề, chủ đề về học tập và làm theo Bác để xây dựng kế hoạch “học tập”, “làm theo” sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tạo động lực hướng vào nâng cao chất lượng huấn luyện, làm chủ vũ khí, khí tài; xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; khắc phục dứt điểm khâu yếu, mặt yếu trong huấn luyện, rèn luyện.

 Để tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc trong huấn luyện, cùng với việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp huấn luyện, Lữ đoàn đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện thông qua việc xây dựng, quản lý chặt chẽ kế hoạch huấn luyện, tăng cường phân cấp huấn luyện, gắn phân cấp với phân rõ trách nhiệm của cơ quan, chỉ huy các cấp trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức huấn luyện. Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở.  Khắc ghi lời dạy của Bác: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”3 và từ thực trạng của đội ngũ cán bộ, Lữ đoàn tập trung làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, xem đây là khâu then chốt. Đi liền với duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng tập huấn cán bộ theo phân cấp, Lữ đoàn đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, trao đổi chuyên môn giữa cán bộ đã công tác lâu năm, có nhiều kinh nghiệm với cán bộ, sĩ quan trẻ để bổ sung kiến thức, phương pháp huấn luyện; phối hợp với Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân, Viện Kỹ thuật Hải quân,... tổ chức các lớp bồi dưỡng những nội dung mới, chuyên sâu về chuyên ngành tên lửa đất đối hải. Bên cạnh đó, Lữ đoàn chú trọng kết hợp quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp vũ khí, khí tài để bồi dưỡng, huấn luyện, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, nâng cao trình độ, cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Trước yêu cầu xây dựng Quân chủng tiến thẳng lên hiện đại và sự phát triển nhanh của khoa học, công nghệ, Lữ đoàn đã phát động và chỉ đạo đẩy mạnh phong trào tự học, vươn lên, làm chủ vũ khí, khí tài trong toàn đơn vị. Thời gian qua, Lữ đoàn đã giao đề tài tự học, tự nghiên cứu cho sĩ quan các trạm, đội; trong đó, xác định rõ nội dung các bước, mốc thời gian tiến hành và tổ chức bảo vệ đề tài trước Hội đồng Nghiệm thu của Lữ đoàn. Đối với quân nhân chuyên nghiệp, Lữ đoàn phân chia thành các đối tượng theo năm công tác và giao đề tài nghiên cứu sửa chữa cho các nhóm thợ kỹ thuật. Qua đó, đã khơi dậy lòng say mê, tinh thần sáng tạo, ham học hỏi, nhất là của đội ngũ cán bộ, thợ kỹ thuật trẻ, tạo hiệu ứng tích cực trong đơn vị. Chỉ tính từ năm 2016 đến năm 2018, Lữ đoàn đã giao hơn 60 đề tài tự học cho sĩ quan các trạm, đội, qua nghiệm thu, kiểm tra đánh giá của Lữ đoàn đạt kết quả tốt, thiết thực củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề, kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ, nhân viên các cấp.

Là đơn vị sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bằng vũ khí, khí tài tương đối hiện đại, đòi hỏi tính đồng bộ cao, nên có nhiều đối tượng huấn luyện khác nhau, với nội dung hết sức đa dạng. Để công tác này đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn luôn quán triệt và bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, lấy huấn luyện chiến thuật làm trung tâm, huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính, đi sâu huấn luyện kíp chiến đấu theo “5 sát”4 và nâng cao khả năng cơ động chiến đấu. Lữ đoàn tăng cường huấn luyện luyện tập cơ động lực lượng; thu hồi, triển khai nhanh khí tài, phối hợp cơ quan chức năng của Quân chủng xây dựng các phương án và tổ chức huấn luyện, luyện tập cơ động bằng đường bộ, đường biển và đường sắt. Đồng thời, chú trọng huấn luyện, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ lái xe, thực hành cơ động trên địa hình phức tạp, các bến phà, bến vượt trong điều kiện đêm tối và làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho phương tiện xe máy.

Triển khai khí tài sẵn sàng chiến đấu

Làm theo tấm gương của Bác, Lữ đoàn đẩy mạnh phong trào tự nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chế tạo các thiết bị mô phỏng và biên soạn tài liệu phục vụ huấn luyện, khắc phục tình trạng huấn luyện chay. Trước thực tế thiết bị, giáo trình phục vụ huấn luyện còn thiếu, không đồng bộ, những năm qua, trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, thực tế làm việc trên khí tài và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn đã biên soạn được 07 bộ tài liệu, chế tạo nhiều thiết bị mô phỏng phục vụ huấn luyện, sửa chữa khí tài, mang lại hiệu quả thiết thực, được trao giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” cấp Quân chủng và toàn quân. Tiêu biểu là các tài liệu: “Tên lửa có cánh P-28 và P-28M”, “Đài điều khiển SKALA-E”, “Quy trình công nghệ sửa chữa xe KIPS-35BE” và các đề tài: “Mô phỏng hoạt động của thiết bị điều khiển trên tên lửa P-28M”, “Thiết kế chế tạo phần mềm mô phỏng hoạt động của tên lửa P-28M trên quỹ đạo bay trong các chế độ bắn”, v.v. Thông qua tính hiệu quả thực tiễn của các mô hình đó đã tiết kiệm thời gian, nhân lực, nhiên liệu và tăng tuổi thọ của vũ khí, khí tài. Với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo trong học tập và làm theo lời dạy của Bác, Lữ đoàn đã nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ quản lý, khả năng khai thác, làm chủ vũ khí, khí tài trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm có 100% đạt yêu cầu, trong đó có trên 80% khá, giỏi; 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, góp phần  thiết thực nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đặc biệt, năm 2017, Lữ đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập, thực hành cơ động hàng nghìn ki-lô-mét an toàn, bắn tên lửa trúng trực tiếp mục tiêu, được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị Huấn luyện giỏi”.

 Trong xây dựng chính quy, quản lý rèn luyện kỷ luật, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn ghi sâu lời dạy của Bác: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”5 và lấy đó làm kim chỉ nam cho hành động. Thời gian qua, được sự quan tâm của cấp trên, Lữ đoàn từng bước được đầu tư xây dựng doanh trại đóng quân tập trung khang trang, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đơn vị chính quy. Tuy nhiên, do yêu cầu, nhiệm vụ, Lữ đoàn có các bộ phận, lực lượng canh giữ, quản lý các trận địa ven biển trên nhiều địa phương khác nhau. Do đó, Lữ đoàn tăng cường công tác quán triệt, giáo dục, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của trên về xây dựng chính quy, quản lý rèn luyện kỷ luật và các chuyên đề giáo dục, phổ biến pháp luật, làm cho cán bộ, chiến sĩ đề cao ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị. Đồng thời, thực hiện nghiêm các nền nếp, chế độ trong ngày, trong tuần, mang mặc theo quy định, xưng hô, chào hỏi đúng điều lệnh; chú trọng phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, Lữ đoàn tập trung thực hiện các khâu đột phá gắn với triển khai thực hiện tốt “3 dứt điểm”, “4 an toàn”, “3 xây, 3 chống”6; chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình: “Đơn vị 3 tiêu biểu”, “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân”, “Mỗi tuần học một điều luật”; “Giờ học tự quản”, “Chi đoàn không có cán bộ đoàn viên thanh niên hút thuốc lá, không có cán bộ đoàn viên thanh niên vi phạm kỷ luật, pháp luật”, v.v. Trong đó, đề ra các tiêu chí, yêu cầu cụ thể để cán bộ, chiến sĩ cam kết phấn đấu thực hiện. Bên cạnh đó, Lữ đoàn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh, xây dựng đơn vị, địa bàn an toàn. Nhờ đó, chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật của Lữ đoàn ngày càng chuyển biến vững chắc, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường giảm thấp, đơn vị an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

Với những biện pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, việc học tập và làm theo lời Bác ở Lữ đoàn Tên lửa bờ 679 Hải quân đã trở thành phong trào hành động, gắn với việc làm cụ thể hằng ngày trong huấn luyện, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm để Lữ đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống “Đoàn kết hiệp đồng, khắc phục khó khăn, làm chủ kỹ thuật, sẵn sàng chiến đấu”.

Đại tá PHẠM VĂN QUÝ, Chính ủy Lữ đoàn
______________

1 - Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H. 1985, tr. 71.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 590.

3 – Sđd, Tập 6, tr. 356.

4 - 5 sát: 1. Sát nhiệm vụ; 2. Sát đối tượng; 3. Sát phương án; 4. Sát vũ khí trang bị; 5. Sát chiến trường.

5 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 483.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.