Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 03/05/2013, 08:51 (GMT+7)
Đoàn kinh tế - quốc phòng 4 – điểm tựa niềm tin của đồng bào trên vùng đất biên cương

Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn chiến lược biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An, năm 2002, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn kinh tế - quốc phòng (KT-QP) 4 thuộc Quân khu 4 (tiền thân là Trung đoàn bộ binh 4 - Đoàn Phong Quảng, thành lập ngày 26-4-1973). Đoàn có nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, quản lý và tổ chức thực hiện Dự án khu KT-QP Kỳ Sơn, với mục tiêu phát triển hạ tầng KT-XH, ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên địa bàn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Vùng Dự án do Đoàn đảm nhiệm có diện tích tự nhiên gần 60.000 ha, thuộc địa bàn của 04 xã biên giới phía Bắc huyện Kỳ Sơn, với 94 km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Đây là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An và cả nước; địa hình phức tạp, núi cao, hiểm trở, có đỉnh Pu-xai-lai-leng cao trên 2.700 m; cơ sở hạ tầng, KT-XH kém phát triển; thời tiết khắc nghiệt, sương mù bao phủ hầu hết các ngày trong năm. Mật độ dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số (dân tộc HMông chiếm trên 70%) sinh sống với tập tục du canh, du cư, đốt nương làm rẫy; trình độ dân trí thấp, nhiều hủ tục còn tồn tại; tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm gần 90%. Hệ thống chính trị ở cơ sở chưa được củng cố vững chắc, nhiều bản còn “trắng” đảng viên; tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tình trạng di cư tự do, vượt biên trái pháp luật, tội phạm buôn bán, vận chuyển các chất ma túy qua biên giới diễn biến phức tạp, v.v..

Cán bộ Đoàn KT-QP 4 tập huấn kỹ thuật chăm sóc trâu trong mùa rét
cho bà con bản Phù Khả 2, Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An. (Nguồn: qdnd.vn
)

Ý thức sâu sắc về nhiệm vụ được giao, nắm chắc đặc điểm địa bàn, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, trước hết về chính trị, xác định đây là nhân tố quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của Đoàn cả trước mắt và lâu dài. Những năm qua, Đoàn luôn coi trọng kiện toàn tổ chức, biên chế, ổn định nơi ăn ở, làm việc và đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấu suốt tầm quan trọng của nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN, cũng như những mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của Đoàn. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt và làm tốt công tác động viên tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong đơn vị. Đoàn thường xuyên chăm lo giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên địa bàn. Cùng với các biện pháp tăng cường trận địa tư tưởng, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn luôn quan tâm xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, tạo động lực nâng cao chất lượng các mặt công tác của Đoàn; bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ yên tâm gắn bó với địa bàn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Dự án, Đoàn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Quân khu, với cấp ủy, chính quyền và các ngành của địa phương, tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN trong vùng Dự án; xác định lộ trình, phân kỳ kế hoạch thực hiện, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch, kế hoạch, cũng như đầu tư nguồn lực. Trước hết, Đoàn tập trung ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch, bố trí lại dân cư gắn với nhiệm vụ QP-AN. Trong điều kiện ngân sách Dự án còn chưa đáp ứng đủ yêu cầu, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn chủ trương phát huy tinh thần tự lực tự cường, huy động nội lực xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh trại của đơn vị; đồng thời, chú trọng lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia (các chương trình: 134, 135, 327, 167…) của huyện Kỳ Sơn với Dự án của Đoàn để nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn. Trong đó, Đoàn ưu tiên cho các công trình quan trọng, có tính cấp thiết, như: hệ thống đường giao thông, thủy lợi, lưới điện, công trình cấp nước sạch, trường học, bệnh xá và các công trình thiết yếu khác trong khu dân cư tập trung. Đến năm 2012, Đoàn đã đầu tư xây mới 5.000 m2, sửa chữa nâng cấp gần 2.000 m2 nhà ở, nhà làm việc và các công trình khác; bê tông hóa gần 13.000 m2 sân, đường nội bộ, đảm bảo nơi làm việc, ăn ở của bộ đội cơ bản khang trang, sạch, đẹp, thống nhất. Mặt khác, Đoàn phối hợp với địa phương làm hơn 20 km đường giao thông từ Khe Kiền đi Na Ngoi, 09 km đường nội vùng Na Cáng - Phù Quặc; xây cầu treo Nậm Khiên; xây dựng 02 đường điện trung thế 35 kVA Quế Phong và Bản Phòng - Na Ngoi; 02 trạm biến áp và đường dây hạ thế 0,4 kVA phục vụ nhân dân các xã Nậm Càn, Na Ngoi, Tri Lễ; xây đập thủy lợi Huồi Púng, đảm bảo tưới tiêu cho 20 ha ruộng lúa nước, 60 ha hoa màu và nước sinh hoạt cho 60 hộ dân bản Liên Sơn, xã Nậm Càn… Các công trình này đã phát huy hiệu quả thiết thực, làm thay đổi diện mạo và góp phần làm đổi thay cuộc sống của đồng bào ở các thôn, bản dưới chân dãy Pu-xai-lai-leng, nơi biên cương của Tổ quốc.

Song song với xây dựng cơ sở hạ tầng, Đoàn đã phối hợp với địa phương tổ chức khảo sát, quy hoạch sắp xếp, bố trí lại dân cư trên địa bàn, đưa nhân dân vào định cư tại các thôn, bản trên vành đai biên giới, tạo hành lang bảo vệ chủ quyền quốc gia; đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đồng bào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần chấm dứt tình trạng di, dịch cư tự do, phá bỏ tập quán du canh, du cư, tự cung tự cấp. Chỉ tính riêng từ năm 2003 đến nay, Đoàn đã tham gia xây dựng gần 600 ngôi nhà ở 39 bản thuộc 04 xã vùng Dự án; quy hoạch, sắp xếp ổn định chỗ ở cho hơn 700 hộ dân. Đặc biệt, Đoàn đã vận động 60 hộ dân với 240 nhân khẩu từ trên đỉnh núi xuống định cư, thành lập bản văn hóa Liên Sơn và xây dựng điểm dân cư mới này trở thành bản kiểu mẫu, điểm sáng văn hóa của xã Nậm Càn.

Cùng với đó, Đoàn đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo, trọng tâm là tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, khoanh nuôi, trồng mới và bảo vệ rừng… vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, vừa giúp đồng bào phát triển sản xuất, ổn định đời sống lâu dài. Đoàn đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đồng bào kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con; đồng thời, cử các tổ công tác phối hợp với lực lượng trí thức trẻ tình nguyện xuống tận các thôn, bản, giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình; vận động nhân dân tham gia các dự án phát triển KT-XH ở địa phương. Để giúp nhân dân từng bước vươn lên thoát nghèo, Đoàn trồng thử nghiệm, lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng vùng Dự án, như: chè Shan tuyết, dong riềng, dứa Cayen, đào Pháp, gừng… hướng dẫn đồng bào đưa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thời gian qua, Đoàn đã gieo, ươm, cung cấp cho nhân dân hơn 165 nghìn cây ăn quả các loại; đầu tư hỗ trợ 378 hộ gia đình phát triển 111 ha chè Shan tuyết với trên 408 nghìn cây; hỗ trợ đồng bào 124 con lợn hướng nạc, 08 con bò lai Sind, 127 con lợn nái, 20 con trâu và 84 con bò cái sinh sản… Trước hiệu quả kinh tế cao của cây dong riềng, Đoàn đã tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào mở rộng diện tích; đồng thời, đầu tư xây dựng xưởng chế biến miến dong, bao tiêu sản phẩm cho nhân dân. Đến nay, diện tích trồng dong riềng trong vùng Dự án đã lên gần 200 ha. Từ năm 2003 đến năm 2012, Đoàn đã thu mua trên 1,5 nghìn tấn củ dong, sản xuất được hơn 312 tấn miến. Sản phẩm miến dong của Đoàn hiện đã có thương hiệu trên thị trường. Đây thực sự là mô hình dịch vụ hai đầu có hiệu quả cao, thiết thực giúp nhân dân ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo nhanh và vươn lên làm giàu.

Các dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cũng được Đoàn tích cực triển khai và đạt kết quả tốt. Cùng với tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng và bảo vệ rừng; tổ chức giao đất, cung cấp cây giống cho bà con thực hiện các dự án này. Đến nay, Đoàn đã vận động được 860 hộ gia đình tham gia các dự án trồng, bảo vệ rừng; tổ chức trồng mới được 340 ha; khoanh nuôi bảo vệ 5.000 ha rừng tự nhiên; khoanh nuôi tái sinh và trồng bổ sung cây lâm nghiệp được trên 1.400 ha. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân; nâng độ che phủ của rừng trong khu vực Dự án lên 43%1, góp phần hạn chế thiên tai, lũ lụt, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thực hiện chức năng “đội quân công tác”, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh. Đoàn đã tổ chức các lớp học và khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tự học tiếng dân tộc để thuận tiện trong việc giao tiếp với đồng bào. Các đơn vị thường xuyên tổ chức các đội công tác bám địa bàn cơ sở, bám dân, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để đồng bào hiểu và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách về dân tộc, tôn giáo và vấn đề về chủ quyền quốc gia, quốc giới; đồng thời, từng bước đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, các hủ tục; bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Việc tuyên truyền được Đoàn tiến hành dưới nhiều hình thức, lồng ghép với các hoạt động phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc và địa bàn, nên đạt hiệu quả thiết thực. Hiện đã có 14/39 bản trong khu KT-QP đạt tiêu chuẩn bản văn hóa. Cùng với đó, Đoàn tích cực tham mưu cho địa phương xây dựng, kiện toàn cấp ủy, chính quyền và các tổ chức quần chúng. Hằng năm, Đoàn tổ chức từ 03 đến 04 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, phát triển KT-XH và kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ các xã, bản; tổ chức hội nghị liên tịch về phối hợp hoạt động xây dựng địa bàn… Đoàn đã phối hợp với Ban quản lý Dự án KT-QP của Quân khu, Tỉnh Đoàn Nghệ An, Huyện Đoàn Kỳ Sơn và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Dự án đưa trí thức trẻ tình nguyện lên xây dựng khu KT-QP. Qua ba đợt triển khai Dự án này, Đoàn đã tuyển dụng được 85 đội viên. Các đội viên đã được đơn vị tổ chức tập huấn, trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, như: mục tiêu của dự án khu KT-QP; phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào; công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt… Các đội Trí thức trẻ tình nguyện đã phát huy tốt vai trò khi tăng cường cho 04 xã vùng Dự án, đóng góp có hiệu quả vào xây dựng, nâng cao chất lượng cơ sở chính trị ở địa phương, xóa đói giảm nghèo, xây dựng thôn, bản văn hóa, phòng chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội, củng cố thế trận QP-AN… được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Chương trình kết hợp quân - dân y cũng được Đoàn tích cực triển khai thực hiện, tạo bước chuyển quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng Dự án. Bệnh xá của Đoàn được xây dựng thành bệnh xá quân - dân y, với nhiều trang, thiết bị hiện đại cùng đội ngũ thầy thuốc có chuyên môn vững, tâm huyết với nghề nghiệp. Thời gian qua, Bệnh xá đã khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho trên 5.500 lượt người dân, điều trị cho gần 1.300 lượt người, cấp cứu gần 700 ca, tổ chức cho hơn 6.000 lượt người uống thuốc phòng bệnh, tẩm hóa chất trên 6.500 chiếc màn cho nhân dân, tham gia dập nhiều vụ dịch bệnh…; thiết thực nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giúp đồng bào từ bỏ nhiều hủ tục.

Cùng với các hoạt động trên, Đoàn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng được giao; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng: Công an, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm… chủ động nắm và quản lý chắc tình hình an ninh, chính trị trong khu vực, xây dựng địa bàn an toàn, nhất là địa bàn trọng điểm…

Những kết quả mà Đoàn KT-QP 4 đạt được mới chỉ là bước đầu, nhưng rất đáng khích lệ. Hiện nay, Đoàn tập trung quán triệt và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 520-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu của Dự án, góp phần xây dựng địa bàn biên giới huyện Kỳ Sơn mạnh về KT-XH, vững về QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên cương của Tổ quốc./.

 

 

Đại tá VI HIỂU

Đoàn trưởng

 

______________

 

1- Khi Đoàn triển khai dự án (năm 2002), độ che phủ của rừng tự nhiên trên địa bàn chưa đến 35%.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.