QPTD -Thứ Năm, 04/01/2018, 09:38 (GMT+7)
Xã luận - Mùa xuân chiến thắng

Đất nước ta đã trải qua bao mùa xuân với âm hưởng hào hùng của niềm vui chiến thắng, rạng ngời truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Xuân Mậu Thân 1968 là một trong những mùa xuân như thế! Mùa xuân đó gắn liền với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, trực tiếp là đồng bào, chiến sĩ miền Nam “gan góc, dạn dày” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là mùa xuân không thể nào quên, mùa xuân ngập tràn niềm vui, mùa xuân chiến thắng. Bởi thế, “Thư chúc mừng năm mới” 1968, Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua / Thắng trận tin vui khắp nước nhà / Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ / Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Lời thơ chúc tết nồng ấm của Người mở đầu một năm mới, một mùa xuân mới, trở thành hiệu lệnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, thúc giục đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, giành toàn thắng về ta. Lời của Bác là lời của non sông đất nước, thể hiện khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam: hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà.

Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 trên khắp miền Nam, ở cả ba vùng chiến lược: đô thị, đồng bằng, rừng núi, trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, bằng sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân, với lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, gây cho địch tổn thất nặng nề về lực lượng (quân ngụy thiệt hại 20.977 tên, chết 4.954 tên; quân Mỹ và đồng minh thiệt hại 24.013 tên, chết 4.124 tên) và vũ khí, phương tiện chiến tranh, làm rối loạn hậu phương, hậu cứ của địch.

Đây là đòn tiến công chiến lược táo bạo, bất ngờ, có quy mô lớn nhất, rộng khắp nhất, cường độ mãnh liệt nhất với tầm ảnh hưởng lớn nhất cho đến thời điểm đó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Hầu hết các cơ quan đầu não của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, từ trung ương đến địa phương bị tiến công; các mục tiêu trọng yếu, như: Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam cộng hòa, Biệt khu Thủ đô, Dinh Tổng thống, Tòa Đại sứ Mỹ, Đài phát thanh, Nha Cảnh sát,… đều bị đánh.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn hoàn toàn thế bố trí chiến lược của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, đẩy chúng lún sâu vào thế phòng ngự bị động. Sự kiện đó không chỉ giáng một đòn mạnh vào uy thế của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam, mà còn khiến cho giới cầm quyền Mỹ bàng hoàng, sửng sốt; đồng thời, làm nức lòng bạn bè quốc tế, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Hậu quả Tết Mậu Thân đối với Mỹ thật nặng nề, gây nên sự chia rẽ gay gắt trong nội bộ, sự phẫn nộ và phản đối chiến tranh Việt Nam, đòi rút hết quân Mỹ về nước của nhân dân Mỹ. Với sức ép của sự kiện Tết Mậu Thân, cùng với việc thay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thống Mỹ L.Giôn-xơn còn cách chức Tổng Chỉ huy quân Mỹ ở Việt Nam, đồng thời tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo và ngừng mọi hoạt động đánh phá bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc Việt Nam, đồng ý bước vào đàm phán đối với Chính phủ ta.

Với quyết định này, Chính quyền Mỹ đã mặc nhiên thừa nhận sự thất bại toàn diện cả chính trị, quân sự và sự phá sản hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trên chiến trường Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc khẳng định thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, mà trực tiếp là tiền tuyến lớn miền Nam anh dũng, kiên cường và hậu phương lớn miền Bắc chi viện đắc lực “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Nhân tố quyết định thắng lợi là sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của đòn tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân 1968 tạo bước chuyển mới cả về thế và lực theo hướng có lợi cho ta trong cuộc kháng chiến lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai ngụy quyền Sài Gòn. Đó còn là đòn tiến công chiến lược mở đầu, tạo cơ sở cho đòn tiến công chiến lược kế tiếp năm 1972, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Lịch sử là một dòng chảy liên tục, gắn liền với những chiến công. Đã 50 mùa Xuân trôi qua, đất nước ta có biết bao đổi thay, khởi sắc kể từ mùa Xuân Mậu Thân 1968. Nhưng mùa Xuân năm ấy - mùa xuân chiến thắng vẫn còn đó, không chỉ trong trang sử hào hùng của dân tộc, mà còn lắng đọng trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt với niềm tự hào sâu sắc.

Một mùa xuân mới đang tới, khoe sắc, tỏa hương cùng đất nước, với niềm vui mới từ những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta càng nhớ Bác biết bao! Nhớ những vần thơ xuân da diết, lay động lòng người của Bác. Bác kính yêu đang ở bên ta, tỏa sáng trong ta, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vững bước trên con đường hội nhập, phát triển, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

Ý kiến bạn đọc (0)

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết