Thứ Tư, 27/11/2024, 14:55 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử
Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vừa là quan điểm, vừa là phương pháp, luôn được Đảng ta vận dụng phù hợp, hiệu quả. Đó là sự kế thừa, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn và giá trị truyền thống dân tộc; vấn đề này được biểu hiện rõ nét trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cách mạng Tháng 8-1945 thành công đã xoá bỏ gông xiềng nô lệ, đập tan ách áp bức của thực dân gần 100 năm và chế độ phong kiến đã tồn tại hàng nghìn năm; đưa nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành quốc gia độc lập, nhân dân ta từ thân phận nô lệ vươn lên làm chủ bản thân, đất nước và xã hội. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giành độc lập của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương cũng như nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, thời gian thụ hưởng thành quả cách mạng của nhân dân ta chưa được bao lâu, Chính quyền Nhà nước non trẻ mới ra đời, chưa được củng cố vững chắc; lực lượng vũ trang mới hình thành, chưa kịp phát triển; nền kinh tế kiệt quệ, trên 90% dân số mù chữ, các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại còn nặng nề,... thì khoảng 20 vạn quân Tưởng cùng bè lũ tay sai kéo vào Hà Nội và hầu hết các tỉnh miền Bắc với danh nghĩa giải giáp quân Nhật, nhưng thực chất là nhằm tiêu diệt chính quyền cách mạng. Từ vĩ tuyến 17 vào miền Nam, quân Anh chiếm đóng, hậu thuẫn cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Trong khi khoảng 6 vạn quân Nhật chờ giải giáp, chúng đã ra sức đàn áp nhân dân và lực lượng vũ trang, tạo điều kiện cho quân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, v.v. Nhằm hóa giải tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, có thêm thời gian củng cố, chuẩn bị kháng chiến lâu dài, Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ nước ta ký với chính phủ Pháp: Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946; Tạm ước ngày 14-9-1946. Thực tế cho thấy, “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng”, nhưng với dã tâm của kẻ xâm lược - thực dân Pháp đã bội ước, liên tiếp gây ra cảnh “máu chảy, đầu rơi” trên khắp đất nước Việt Nam; trắng trợn hơn, chúng đã gửi tối hậu thư đòi độc chiếm Hà Nội. Không cam chịu tình cảnh “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”, Hồ Chí Minh đã kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng tham gia đánh đuổi thực dân Pháp.
1. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” làm sâu sắc thêm và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin về vai trò của quần chúng. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã chứng minh vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử và khẳng định: “Quần chúng nhân dân là người sáng tạo chân chính của lịch sử”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Vì, quần chúng là lực lượng cơ bản, quyết định việc lật đổ, xóa bỏ giai cấp thống trị và chế độ xã hội cũ, xây dựng chế độ xã hội mới; do đó, quyết định sự vận động, phát triển, thay thế các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao. Tuy nhiên, theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, quần chúng chỉ giới hạn ở “những bộ phận, tầng lớp dân cư có lợi ích căn bản thống nhất với nhau, tập hợp dưới sự lãnh đạo của một lãnh tụ, một tổ chức hay một chính đảng nào đó nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của một thời đại nhất định”. Vận dụng vấn đề này vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã phát triển, làm sâu sắc thêm quan niệm về quần chúng; trong đó, xác định lực lượng chống lại kẻ “bội ước” là: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc”. Như vậy, quan niệm về quần chúng của Hồ Chí Minh được mở rộng hơn, đó là: tất cả mọi thành phần, lực lượng toàn dân, không giới hạn về độ tuổi, tôn giáo, đảng phái, dân tộc, v.v. Từ trải nghiệm thực tiễn cuộc sống ở những nước mà Người đã từng đặt chân tới, Hồ Chí Minh kết luận: “Trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”1; vì thế, quần chúng là tất cả “giống người” bị bóc lột, bị đô hộ, nên tất cả đều phải có trách nhiệm đứng lên đánh đuổi “giống người” đi xâm lược, đi bóc lột. Người chỉ rõ: “Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của toàn Đảng, của nhân dân lao động, chứ không phải của anh hùng cá nhân”2; trong đó, “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”3.
Thực tiễn cho thấy, với sự thống nhất giữa suy nghĩ và hành động, giữa lời nói và việc làm, Hồ Chí Minh đã tập hợp, cảm hóa mọi tầng lớp nhân dân (kể cả thành phần địa chủ, phong kiến tiến bộ) chung sức, đồng lòng, hăng hái tham gia góp công, góp của vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Theo Người: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”4 và Người đã dành trọn cuộc đời của mình để tranh đấu cho mục đích: “... là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”5. Những cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh không chỉ được các thế hệ người Việt Nam trân trọng, tôn vinh, mà còn lan tỏa rộng rãi đến bạn bè quốc tế khắp năm châu.
2. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” khái quát những nội dung cơ bản của đường lối chiến tranh nhân dân. Kế thừa, phát huy giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc, với lời lẽ đanh thép, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần ý đồ đen tối của thực dân Pháp, khơi dậy giá trị truyền thống, ý chí quật cường của dân tộc: “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; đồng thời, khái quát những nét cơ bản của đường lối chiến tranh nhân dân - kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính. Trong đó, xác định phương pháp cách mạng là “dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng” và khẳng định niềm tin chiến thắng vào cuộc kháng chiến đó.
Mặc dù chính quyền cách mạng còn non trẻ, nền kinh tế kiệt quệ, vũ khí trang bị chủ yếu là gươm, giáo, mác, cuốc, thuổng, gậy gộc,… lại phải đương đầu với quân đội nhà nghề, được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật chiến đấu hùng hậu; nhưng từng câu, từng chữ trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã trở thành một lời Hịch thúc giục quân và dân ta đứng lên chống thực dân Pháp và đã nhanh chóng thẩm thấu vào tâm can mỗi người, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn và truyền thống yêu nước của dân tộc: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Đáp lại Lời kêu gọi của Người, mọi thành phần, lực lượng, lứa tuổi trong các tầng lớp nhân dân ta đều tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho chín năm trường kỳ kháng chiến, trải qua bao chiến dịch, tạo nên sức mạnh tổng hợp tiêu diệt quân xâm lược, mà đỉnh cao là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - “Pháo đài bất khả chiến bại” của thực dân Pháp ở Đông Dương, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã hiện thực hóa đường lối chiến tranh nhân dân (toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính) dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đây, Việt Nam - Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng cao đẹp, sự ngưỡng mộ của nhân dân, các dân tộc thuộc địa, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
3. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cơ sở nền tảng phát triển đường lối chiến tranh nhân dân lên tầm cao mới. Để ngăn cản việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, tiến tới Tổng tuyển cử, thống nhất đất nước của nhân dân ta, đế quốc Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm nhằm biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Song, từ kinh nghiệm của Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tình hình thực tiễn đất nước, Đảng ta xác định: “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”6. Với tinh thần của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, sau 20 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta (nòng cốt là lực lượng vũ trang) đã đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực trong quần chúng nhân dân, kết hợp với sức mạnh thời đại: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất trên thế giới (kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai đến thời điểm đó). Nước Mỹ đã phải thay năm đời tổng thống, tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, huy động hàng triệu lượt binh sĩ tham chiến, ném xuống hàng chục triệu tấn bom, rải hàng chục triệu lít chất độc, sử dụng những loại vũ khí, kỹ thuật mới nhất, tối tân, hiện đại nhất,... nhưng rốt cuộc vẫn thất bại, chính quyền Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - một thất bại chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh trên khắp cả nước. Từ những nội dung cơ bản trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, đường lối quân sự của Đảng luôn được bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng qua mỗi kỳ đại hội, điển hình như: Nghị quyết 02/NQ-TW (7-1987) của Bộ Chính trị (khóa VI); Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình mới, v.v. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”7. Trong đó, chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết với thế trận an ninh nhân, nhất là “thế trận lòng dân” trên các địa bàn chiến lược là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Có thể nói, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời cách đây đã hơn 70 năm, nhưng giá trị lý luận và thực tiễn của nó về phát huy vai trò của quần chúng nhân dân vẫn giữ nguyên tính thời sự. Những âm hưởng hào hùng đó vẫn vang mãi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
NGUYỄN VĂN THẢNH _____________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 1, tr. 287.
2 - Sđd, Tập 8, tr. 507.
3 - Sđd, Tập 4, tr. 20.
4 - Sđd, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 453.
5 - Sđd, Tập 15, tr. 627.
6 - Văn kiện Đảng - Toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 92.
7 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 158.
Đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới 27/11/2024
Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024
Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024
Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024
Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024
Vận dụng tư tưởng “cốt tinh, không cốt đông” trong xây dựng Quân đội hiện nay
Công tác Đảng, công tác chính trị thực sự là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội
Cao Bằng - Nơi ra đời Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ
Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng