Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:34 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử
Một trong những nhân tố để Sư đoàn Không quân 371 hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí “quyết chiến, quyết thắng” cho cán bộ, phi công và chiến sĩ. Bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Sư đoàn Không quân 371 thành lập ngày 24-3-1967 (tiền thân là Bộ Tư lệnh Không quân thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân). Những ngày đầu thành lập, vừa xây dựng vừa chiến đấu chưa đầy một tháng, Sư đoàn đã xuất kích đánh thắng 12 trận, bắn rơi 14 máy bay địch, xây đắp nên truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam. Điều đặc biệt vinh dự đối với Sư đoàn là được Bác Hồ về thăm và căn dặn: “Tổ tiên ta ngày xưa có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như: Bạch Đằng, Hàm Tử, trên bộ như: Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là của các chú…”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù còn non trẻ, lực lượng ít, trang bị kém hiện đại so với địch, song với nghệ thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít đánh nhiều”, Sư đoàn đã sáng tạo ra nhiều cách đánh hay, hiệu quả, cả trên không, trên biển, trên đất liền, cả ban ngày và ban đêm, xuất kích hàng ngàn lượt chiếc máy bay, tham gia hàng trăm trận đánh, bắn rơi hơn ba trăm máy bay các loại; trong đó, có “pháo đài bay” B.52.
Trong Chiến dịch Phòng không 12 ngày đêm năm 1972, Sư đoàn đã góp phần đánh bại Cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay chiến lược B.52 của đế quốc Mỹ đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Dự đoán trước âm mưu, thủ đoạn của chúng, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn đã hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng Phòng không, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm, tổ chức ngăn chặn từ xa, đánh tan nhiều tốp máy bay Mỹ, bẻ gãy nhiều đợt tập kích, làm cho đội hình máy bay địch bị phá vỡ, phân tán, chỉ huy rối loạn, cường độ nhiễu giảm, tạo điều kiện cho tên lửa của ta tiêu diệt. Trong Chiến dịch này, Sư đoàn đã bắn rơi 07 máy bay các loại; trong đó, có 02 máy bay B.52, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu. Thực tiễn Chiến dịch để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho Sư đoàn về xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho bộ đội.
Trước khi Mỹ mở chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn (1972), để xây dựng ý chí quyết tâm “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng” cho bộ đội, Sư đoàn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, nắm vững âm mưu, thủ đoạn của địch; thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo và truyền thống “Tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, Trên cơ sở đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, xây dựng bản lĩnh, niềm tin chiến thắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Công tác giáo dục chính trị được Sư đoàn thực hiện trong điều kiện hết sức khó khăn, dưới làn bom đạn của địch, bằng nhiều hình thức, tranh thủ mọi lúc mọi nơi để quán triệt, giáo dục cho cán bộ, phi công, nhân viên kỹ thuật, bộ phận bảo đảm nắm vững nhiệm vụ, để có tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng trong từng trận đánh.
Trước mỗi ban bay, chuyến bay, lãnh đạo, chỉ huy các cấp giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, phi công để hiệp đồng tác chiến, xây dựng quyết tâm, hướng dẫn hành động, nhằm bảo đảm cho người sẵn sàng, máy bay sẵn sàng, có lệnh là cất cánh được ngay. Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn coi trọng nêu gương “người tốt, việc tốt”, những cán bộ, phi công kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, ứng phó linh hoạt với mọi tình huống trên không và mặt đất, chấp nhận nguy hiểm, bảo vệ cho những chuyến bay an toàn, thắng lợi. Đồng thời, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, sức sáng tạo của cán bộ, phi công, chiến sĩ trong huấn luyện, cải tiến kỹ thuật; rèn luyện kỹ năng chiến đấu, thành thạo về kỹ thuật, chiến thuật, nâng cao khả năng làm chủ vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật, bảo đảm đánh thắng địch ngay từ trận đầu, chuyến bay đầu. Với tinh thần chiến đấu cao, các đơn vị đã thực hiện có hiệu quả các phong trào: “Đã cất cánh là bắn rơi máy bay địch”, “Chỉ huy giỏi, dẫn đường chính xác, kỹ thuật hàng không, thông tin, ra-đa tốt”; nêu cao tinh thần làm chủ máy bay và vũ khí, trang bị, phương tiện; chủ động nắm tình hình, linh hoạt trong xử lý tình huống trên không và mặt đất. Mỗi khi địch thay đổi chiến thuật, sử dụng những thủ đoạn mới, cán bộ, phi công, chiến sĩ Sư đoàn lại nghiên cứu, sáng tạo cách đánh phù hợp, đạt hiệu quả cao, bảo đảm an toàn, bí mật sân bay. Qua mỗi ban bay, chuyến bay, mỗi tình huống trên không và mặt đất, các đại đội, phi đội đều tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời, làm cho công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được phát huy hiệu quả, sát thực tế chiến đấu. Vì thế, dù phải đương đầu với khó khăn, thử thách, chiến đấu ác liệt, nhưng cán bộ, phi công, chiến sĩ của Sư đoàn không quản ngại hy sinh, mưu trí, dũng cảm, kiên cường, giữ vững quyết tâm chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Tinh thần đó ngày nay vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác giáo dục chính trị, xây dựng bản lĩnh, ý chí, quyết tâm chiến đấu cho bộ đội.
Sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc ngày nay đặt ra yêu cầu mới ngày càng cao. Quân chủng Phòng không - Không quân là một lực lượng được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Theo đó, Sư đoàn được trang bị nhiều máy bay, khí tài mới, hiện đại; nhiệm vụ nặng nề, vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trên không, vừa tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo và làm nhiệm vụ đột xuất khác.
Kế thừa bài học công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, nhất là Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972 vào điều kiện mới, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn coi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Sư đoàn nhận thức sâu sắc rằng, việc vận dụng kinh nghiệm tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972 là việc làm thiết thực trong tình hình hiện nay, song được tiến hành một cách linh hoạt, sáng tạo, sát với đặc điểm, nhiệm vụ, đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, không “rập khuôn” máy móc. Trọng tâm là giáo dục, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực hành động sáng tạo, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao lòng tự hào về truyền thống dân tộc, Quân đội, Quân chủng, Sư đoàn; xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại và truyền thống “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”. Đồng thời, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, khắc phục những biểu hiện hoang mang, dao động, thiếu tin tưởng vào vũ khí, trang bị và cách đánh của ta; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận thức rõ nhiệm vụ, đối tượng, đối tác, không để xảy ra chủ quan, lơ là, lỡ thời cơ trong mọi tình huống. Thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” và kế hoạch giáo dục chính trị cho các đối tượng, bảo đảm đúng nội dung, thời gian, chương trình học tập; gắn giáo dục chính trị cơ bản với giáo dục thường xuyên, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bộ đội; khắc phục những biểu hiện “giao khoán” công tác giáo dục chính trị cho cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp.
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, các cơ quan, đơn vị đã nghiên cứu, chủ động đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tiến hành. Về nội dung, ngoài chương trình giáo dục chính trị do trên quy định, các đơn vị phải tự xác định nội dung phù hợp với từng đối tượng; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân Ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cơ hội, thực dụng, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Chủ động kết hợp lồng ghép giáo dục chính trị vào các hoạt động nghiệp vụ theo chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ; gắn giáo dục chính trị với nâng cao chất lượng hoạt động bay, bảo đảm an toàn bay, tăng cường quản lý kỷ luật, kiên quyết không để các vụ việc nghiêm trọng xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm kỷ luật thông thường và vi phạm an toàn giao thông. Đồng thời, tích cực đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả công tác giáo dục chính trị, cả định kỳ và đột xuất, khắc phục biểu hiện hình thức, thiếu trách nhiệm, chạy theo thành tích, bớt xén nội dung, thời gian, bỏ sót đối tượng. Cùng với đó, Sư đoàn tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của bộ đội; quan tâm đời sống, hậu phương gia đình cán bộ, chiến sĩ, tạo niềm tin cho họ vào tổ chức, chỉ huy đơn vị. Về hình thức, vận dụng linh hoạt các hình thức và phương pháp giáo dục theo hướng kết hợp cả truyền thống với hiện đại; đa dạng hóa các hình thức, phương pháp, bảo đảm phong phú, hấp dẫn, sinh động, hiệu quả, thiết thực phù hợp với từng đối tượng. Đổi mới phương pháp tư duy, không giáo dục theo lối mòn, giáo dục sát thực tiễn, mời nhân chứng lịch sử nói chuyện truyền thống để truyền lửa, niềm tin, nhiệm vụ cho thế hệ sau, v.v.
Cùng với đó, Sư đoàn tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên giáo dục chính trị các cấp. Do không có giáo viên chính trị chuyên trách, mà chủ yếu là kiêm nhiệm, vì thế các đơn vị chủ động tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này từ đội ngũ cán bộ của đơn vị, có kiến thức, năng lực, khả năng sư phạm, kinh nghiệm công tác, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống, được mọi người tín nhiệm. Hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, giáo dục chính trị, các đơn vị kiện toàn đội ngũ cán bộ, giáo viên chính trị theo phân cấp; coi trọng công tác bồi dưỡng tại đơn vị, bồi dưỡng tại chức là chính; lấy kinh nghiệm giáo dục chính trị trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972 để truyền đạt cho cán bộ giáo dục chính trị hiện nay. Đồng thời, thông qua các hình thức, như: tập huấn, hội thi, hội giảng để nâng cao kiến thức, năng lực toàn diện, phương pháp sư phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục chính trị ở các đơn vị. Để việc giáo dục chính trị, tư tưởng có hiệu quả, Sư đoàn yêu cầu cán bộ, chỉ huy các cấp phải gương mẫu, đi đầu trong lời nói và việc làm, sâu sát bộ đội, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với phi công, nắm vững tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng người, giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong đơn vị.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là một bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn chiến đấu của Sư đoàn. Vì thế, vận dụng sáng tạo bài học này trong điều kiện, hoàn cảnh mới là một bảo đảm quan trọng để bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn cũng luôn xác định lập trường tư tưởng vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời thân yêu của Tổ quốc.
Đại tá NGUYỄN VIỆT HÙNG, Chính ủy Sư đoàn
Sư đoàn Không quân 371,Chiến dịch Phòng không,cuối năm 1972
Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024
Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024
Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024
Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024
Nhân văn - giá trị định danh Bộ đội Cụ Hồ
Vận dụng tư tưởng “cốt tinh, không cốt đông” trong xây dựng Quân đội hiện nay
Công tác Đảng, công tác chính trị thực sự là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội
Cao Bằng - Nơi ra đời Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ