QPTD -Chủ Nhật, 25/06/2023, 20:55 (GMT+7)
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (6/1973 - 6/2023)
Từ chiến thắng chống địch phong tỏa sông, biển miền Bắc đến nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Hải quân hiện nay

Cách đây 50 năm, với tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, quân và dân miền Bắc với lực lượng Hải quân làm nòng cốt đã làm nên chiến thắng chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc, kịp thời “mở tuyến, thông luồng” thắng lợi. Từ chiến thắng vang dội đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước sức tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta trên khắp các chiến trường, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh và cho thả hàng vạn quả thủy lôi và bom từ trường xuống các cửa sông, cửa biển, các bến cảng của miền Bắc, nhằm triệt phá tiềm lực kinh tế, quân sự của ta; phong tỏa sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; ngăn cản sự viện trợ của bạn bè quốc tế cho Việt Nam; đồng thời, bao vây, cô lập, làm nhụt ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Ngay trong lần phong tỏa thứ nhất (1967 - 1968), đế quốc Mỹ cho thả gần 7.000 quả thủy lôi và bom từ trường, phong tỏa 24 cửa sông, biển từ Cửa Tùng (Quảng Trị ) đến cửa Văn Úc (Hải Phòng). Trong lần thứ hai (1972 - 1973), quân đội Mỹ áp dụng những thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật quân sự lúc bấy giờ để tăng cường phong tỏa. Đặc biệt, chúng sử dụng loại thủy lôi MK-52 cải tiến có lắp đầu suy giảm số 05, thả xen kẽ với bom từ trường DST-36 được cải tiến đầu nổ MK-42 với 04 loại ngòi nổ có tính năng gây nổ khác nhau,... tạo sức công phá gấp nhiều lần so với trước đây, đưa tính chất, quy mô cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa lên mức chưa từng có. Với những thủ đoạn nham hiểm này, Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn triệt để các hoạt động giao thông vận chuyển của ta, thực hiện bóp nghẹt cách mạng miền Nam, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta suy yếu và lụi tàn không thể gượng dậy được.

Tàu 150 của Trung đoàn 171 kéo khung dây phóng từ rà phá thủy lôi tại luồng Nam Triệu, Hải Phòng (năm 1972). Ảnh: Tư liệu

Song với khát vọng hòa bình, thống nhất non sông và quyết tâm “đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt, trực tiếp nghiên cứu, rà phá, tháo gỡ và vô hiệu hóa hoàn toàn số thủy lôi, bom từ trường1 mà quân đội Mỹ thả xuống; thực hiện mở tuyến, thông luồng thắng lợi, nối liền mạch máu giao thông, phục vụ sản xuất và chi viện chiến trường. Vượt qua bao gian khổ, hy sinh, bằng quyết tâm, ý chí kiên cường cùng trí tuệ và lòng dũng cảm, đến ngày 27/6/1973, Bộ đội Hải quân cùng với quân và dân miền Bắc đã đập tan hoàn toàn cuộc phong tỏa sông, biển miền Bắc của địch, lập nên chiến công tiêu biểu, trở thành kỳ tích của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đây là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân và tài thao lược trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng của Đảng; sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân. Đó còn là thắng lợi của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và nghệ thuật tác chiến Hải quân nói riêng; của tư tưởng dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng của quân và dân ta, góp phần cùng quân và dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi toàn quân nói chung, Bộ đội Hải quân nói riêng cần tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang đó, đẩy mạnh xây dựng Quân chủng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng là một trong những nội dung trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp; trong đó, hướng vào một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Xác định huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trung tâm, khâu đột phá, điều kiện tiên quyết để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, trọng tâm là Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 1378-NQ/ĐU, ngày 30/3/2023 của Đảng ủy Quân chủng về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện, xác định rõ chủ trương, biện pháp cụ thể, sát với nhiệm vụ, đối tượng huấn luyện và đặc điểm từng vùng biển, khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại.

Do đặc thù nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Hải quân, vừa phải huấn luyện, vừa thực hiện nhiệm vụ trong môi trường biển, đảo khắc nghiệt. Vì vậy, Quân chủng chỉ đạo nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp và cán bộ, chiến sĩ về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, coi đây là cơ sở, động lực chủ yếu để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, tổ chức các đợt thi đua thường xuyên, cao điểm, đột kích trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, gắn với các cuộc vận động, phong trào của các cấp, ngành, tạo động lực, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, chủ động chuẩn bị đầy đủ, chu đáo về mọi mặt, đáp ứng tốt yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Xuất phát từ đặc thù tổ chức lực lượng của Quân chủng gồm nhiều thành phần lực lượng thuộc các quân, binh chủng2; quá trình huấn luyện các đơn vị sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, phạm vi hoạt động rộng, có lực lượng vừa huấn luyện, vừa thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Vì thế, công tác chuẩn bị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được Quân chủng hết sức coi trọng và kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động chuẩn bị đầy đủ, chất lượng cả về con người, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập. Với quan điểm huấn luyện cán bộ là khâu then chốt, Quân chủng chú trọng chỉ đạo xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ huấn luyện các cấp có trình độ, năng lực toàn diện, trình độ ngoại ngữ, tin học tốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, nhất là cán bộ trực tiếp huấn luyện, cán bộ ở các đơn vị mới thành lập, đơn vị được biên chế vũ khí, trang bị mới, hiện đại. Để thực hiện tốt mục tiêu trên, các đơn vị tổ chức tốt các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ với nội dung toàn diện, bảo đảm phù hợp với từng cương vị, chức trách; chú trọng nâng cao trình độ, năng lực tham mưu đề xuất, xử lý nhanh các tình huống, quản lý, điều hành huấn luyện và quản lý, chỉ huy cơ quan, đơn vị. Cùng với chuẩn bị về con người, các cơ quan, đơn vị chuẩn bị đầy đủ hệ thống sổ sách, giáo án, mô hình học cụ, vật chất, thao trường, bãi tập, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhằm giảm chi phí, tiết kiệm công sức bộ đội, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng kiểm tra huấn luyện tại Lữ đoàn 147

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng. Đây là giải pháp quan trọng, được cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện; tổ chức thực hiện nghiêm túc theo hướng, lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu để đánh giá kết quả huấn luyện. Đồng thời, tích cực cụ thể hóa phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, theo hướng hiện đại; sát với thực tiễn của Quân chủng, trọng tâm là “sát phương án, sát chiến trường, sát đối tượng, sát trang bị, vũ khí, phương tiện”; lấy chiến trường biển, đảo để huấn luyện, diễn tập; lấy nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo làm mục tiêu huấn luyện.

Nội dung huấn luyện toàn diện cả về kỹ thuật, chiến thuật, bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm; tăng cường huấn luyện thực hành; huấn luyện khai thác làm chủ vũ khí, khí tài mới; huấn luyện đêm; huấn luyện đi biển dài ngày, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để rèn luyện bộ đội. Cùng với huấn luyện, Quân chủng tăng cường chất lượng các cuộc diễn tập, nhất là diễn tập đối kháng, diễn tập thực binh trên biển xa, diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng để nghiên cứu, đánh giá sát đối tượng tác chiến, kiểm chứng phương án, khả năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các lực lượng. Đồng thời, thông qua diễn tập để bồi dưỡng nâng cao trình độ chỉ huy tham mưu tác chiến cho người chỉ huy và cơ quan các cấp, rèn luyện đội ngũ cán bộ về bản lĩnh, khả năng ứng phó linh hoạt trước những tình huống phức tạp, diễn biến khẩn trương, yêu cầu xử trí nhanh, hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ mô phỏng, tự động hóa kiểm tra, chuẩn bị chiến đấu, chiến đấu, tổ chức chỉ huy,… vào quá trình huấn luyện, diễn tập. Bên cạnh đó, Quân chủng yêu cầu các đơn vị tăng cường tổ chức huấn luyện, diễn tập ngay trong các chuyến hành trình trên biển, coi đây là cách huấn luyện bộ đội sát thực tế, thực chất nhất, hiệu quả nhất; vừa truyền thụ được nội dung huấn luyện và kinh nghiệm thực tiễn, vừa đánh giá chính xác nhất kết quả huấn luyện của bộ đội.

Bốn là, chú trọng bảo đảm đầy đủ, kịp thời công tác hậu cần, kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Quán triệt Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Quân chủng tiếp tục đẩy mạnh sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách quốc phòng, ngân sách đầu tư Nhà nước và chủ động khai thác hiệu quả các nguồn kinh phí khác để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu; đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh quy hoạch, xây dựng hệ thống trường bắn, thao trường, bãi tập. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện; nghiên cứu, đề xuất cải tiến quân trang, trang bị cá nhân, phù hợp với yêu cầu huấn luyện và chiến đấu trong chiến tranh hiện đại.

Cơ quan Kỹ thuật Quân chủng và các đơn vị chú trọng duy trì tốt hệ số kỹ thuật, bảo đảm đồng bộ vũ khí, trang bị, phương tiện, tàu, xe phục vụ huấn luyện; nâng cao chất lượng công tác sửa chữa, nâng cấp, cải tiến vũ khí, trang bị, nhất là các dây chuyền nâng cấp, tăng hạn một số vũ khí đặc chủng (đạn tên lửa, ngư lôi, thủy lôi, bom chìm,...), góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xứng đáng với truyền thống “đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, tạo sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trong mọi tình huống.

Chuẩn Đô đốc PHẠM MẠNH HÙNG, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân
________________

1 - Quân chủng Hải quân cùng với quân và dân miền Bắc phá hủy được hơn 13.000 thủy lôi và bom từ trường.

2 - Gồm các lực lượng: tàu ngầm; tàu mặt nước; không quân hải quân; pháo binh - tên lửa bờ; hải quân đánh bộ, đặc công hải quân, phòng thủ đảo, công binh, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết