QPTD -Thứ Tư, 01/05/2024, 04:45 (GMT+7)
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (01/5/1904 – 01/5/2024)
Tổng Bí thư Trần Phú – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam

Với lòng yêu nước thiết tha, trí thông minh, năng động, đầy nhiệt huyết, đồng chí Trần Phú (01/5/1904 - 06/9/1931) đã tham gia cách mạng từ rất sớm, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo, huấn luyện, trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Đồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Tổng Bí thư Trần Phú. Nguồn: dangcongsan.vn

Một trí tuệ lớn, bản lĩnh, năng động, sáng tạo

Cùng với Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng (tháng 02/1930) thảo luận, thông qua, thì Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (Luận cương) do đồng chí Trần Phú khởi thảo, được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10/1930) thảo luận, thông qua là những cương lĩnh chính trị có ý nghĩa lớn, định hướng lâu dài cho cách mạng Việt Nam. Nội dung Luận cương cơ bản thống nhất và khẳng định lại nhiều vấn đề cốt yếu thuộc về chiến lược của cách mạng Việt Nam mà Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng đã xác định, như: tính chất của cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền có hai nhiệm vụ chống đế quốc giành độc lập dân tộc và đánh đổ phong kiến đem lại ruộng đất cho nông dân. Luận cương khẳng định hai động lực chính của cách mạng là giai cấp vô sản và giai cấp nông dân, nhưng giai cấp vô sản là động lực rất mạnh, là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Điều kiện cốt yếu cho thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là phải có một Đảng Cộng sản lãnh đạo với một đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng. Cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới.

Đáng chú ý là trong Luận cương có một số điểm được cụ thể hóa một cách đúng đắn, như: phương pháp cách mạng, thời cơ khởi nghĩa, cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, v.v. Luận cương còn bàn tới mối quan hệ khăng khít, mật thiết giữa mục đích trước mắt và mục đích lâu dài của cách mạng. Không chú ý mục đích trước mắt là rất sai lầm, nhưng nếu chỉ chú ý mục đích trước mắt mà không chú ý mục đích lớn, lâu dài của cách mạng lại càng sai lầm hơn. Luận cương cũng đề cập, khi có tình thế trực tiếp cách mạng, thì Đảng phải lập tức lãnh đạo quần chúng để khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay công nông.

Cũng như nhiều tác phẩm lý luận hay cương lĩnh khác, Luận cương ra đời trong một hoàn cảnh nhất định và là sản phẩm nhận thức của một thời kỳ lịch sử cụ thể, chủ yếu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Từ nội dung của Luận cương cho thấy, đồng chí Trần Phú là một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, thể hiện sự nỗ lực cố gắng cao độ của một trí tuệ lớn, bản lĩnh, năng động, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào hoàn cảnh Việt Nam, luôn luôn suy nghĩ đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và cách mạng lên trên hết. Đánh giá thành công của Đảng thời kỳ 1930 - 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình”1.

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta và cách mạng Việt Nam

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10/1930), đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Thời gian này, do tình hình trong nước và quốc tế phức tạp, Đảng ta phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, Tổng Bí thư Trần Phú đã chỉ rõ hai nhiệm vụ trọng tâm liên hệ mật thiết với nhau, cần kíp phải giải quyết, đó là: củng cố tổ chức đảng và duy trì phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng chống khủng bố trắng của kẻ thù. Đồng chí khẳng định: “Tổ chức ra để có sức tranh đấu, tranh đấu để mở rộng, kiên cố tổ chức, kiên cố tổ chức để mở rộng tổ chức nữa, tổ chức và tranh đấu hết sức mật thiết liên kết cùng nhau, đồng phát triển với nhau, cái này rời cái kia thì không được gì hết”2.

Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng tổ chức đảng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Thông cáo cho các xứ ủy về việc phải “tổ chức một cách nghiêm chỉnh Xứ ủy”3. Đến cuối năm 1930, hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương cơ bản được xây dựng xong. Các kỳ ủy lâm thời ở ba kỳ tổ chức hội nghị để bầu xứ ủy, thiết lập các ban chuyên môn. Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Trần Phú, từ tháng 12/1930 đến tháng 01/1931, các xử ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ đã chính thức được thành lập và từng bước được củng cố.

Để duy trì phong trào đấu tranh chống các chiến dịch tàn sát, cưỡng bức bắt nhân dân nhận thẻ “quy thuận”, “rước cờ vàng” của thực dân Pháp, Trung ương Đảng ra Thông báo về việc đối phó chính sách tàn sát quần chúng, nêu rõ: “Nếu bây giờ phong trào đấu tranh giảm đi, nếu quần chúng tỏ ý non nớt, nếu các nơi khác không hưởng ứng, thì đ.q (đế quốc - BT) sẽ thẳng tay trị. Cho nên việc khẩn cấp của Đảng bây giờ phải tổ chức ngay các cuộc tranh đấu khác để ngừng tay tàn ác của đ.q. Tranh đấu mà chết là chết cho Đảng; cho quần chúng tranh đấu bây giờ dẫu phải hy sinh một ít người còn hơn là để đ.q tàn sát quần chúng”4.

Nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, cuối tháng 12/1930, Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác tuyên truyền, quyết định xuất bản báo Cờ vô sản và báo Cộng sản. Đây là những vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống lại sự khủng bố của kẻ thù.

Để đoàn kết rộng rãi các giai tầng xã hội trong Mặt trận dân tộc thống nhất, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội “Phản đế đồng minh”, khẳng định: liên minh công nông là hai động lực chính cùng với lực lượng toàn dân tổ chức thành một lực lượng thật đông, thật kín trong “bức thành dân tộc phản đế bao la”5 dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và bọn phong kiến tay sai phản động để cuộc cách mạng thành công. Nghị quyết về vấn đề phản đế của Hội nghị toàn thể Trung ương nêu rõ: “Việc tổ chức phản đế là một trách nhiệm cần kíp của Đảng… Cái quy tắc cốt nhứt trong việc tổ chức hội phản đế là lấy các đoàn thể c.m (cách mạng - BT) phản đế mà tổ chức lại, chớ không phải tổ chức từng người một và phải làm cho hội ấy có tánh chất quần chúng. Phải chiêu tập các hội công nông, học sanh, binh lính, thanh niên, phụ nữ và các đảng phái c.m khác (như Quốc dân Đảng, v.v.) lại mà tổ chức ra cho thành một hội phản đế ở Đông Dương”6.

Để Hội “Phản đế đồng minh” phát triển phù hợp với tình hình của phong trào cách mạng, Tổng Bí thư Trần Phú chỉ đạo thành lập các tổ chức của Hội, ra các nghị quyết và chỉ thị về việc tổ chức Cộng sản Thanh niên đoàn, củng cố tổ chức Công hội, đẩy mạnh phong trào công nhân, thành lập Ban Công vận Trung ương do Tổng Bí thư Trần Phú trực tiếp làm Trưởng ban, v.v. Từ Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10/1930) đến trước Hội nghị Trung ương lần thứ hai (tháng 3/1931), khi Đảng vừa ra đời, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, kẻ thù tiến hành hoạt động “khủng bố trắng”, cùng các thủ đoạn cưỡng bức, mua chuộc; tư tưởng “tả” - hữu khuynh, hoang mang, do dự trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến phong trào cách mạng, thì sự lãnh đạo kiên định, vững vàng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Trần Phú đứng đầu, đã nhanh chóng xây dựng hệ thống lãnh đạo thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ lực lượng, duy trì phong trào cách mạng, xây dựng Đảng và các đoàn thể cách mạng là những đóng góp hết sức to lớn cho phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể, xem xét đầy đủ, toàn diện, khách quan lực lượng địch - ta, trong nước và thế giới mới thấy hết được sức dự bị và năng lực của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Trần Phú trong tổ chức, lãnh đạo “quần chúng giác ngộ, tự lấy lực lượng mà tranh đấu, lấy sức tổ chức của mình mà chống khủng bố7. Lãnh tụ Hồ Chí Minh coi đó là biểu hiện sự vĩ đại của Đảng ta, vì “Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi”8.

Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trần Phú, Hội nghị Trung ương lần thứ hai (tháng 3/1931) đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với thái độ và tinh thần bôn-sê-vích, không giấu giếm khuyết điểm, Hội nghị kiểm điểm và đi sâu phân tích, phê phán những sai lầm, thiếu sót của Đảng thời gian qua trong nhận thức về bản chất giai cấp và vai trò của Đảng Cộng sản trong lãnh đạo đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Lãnh đạo còn khuynh hướng sai lầm của tính tiểu tư sản, chưa thật tin tưởng vào lực lượng quần chúng; không gắn chặt vấn đề tổ chức với đấu tranh, vừa “tả” vừa hữu khuynh, có chỗ cưỡng bách, có chỗ theo đuôi quần chúng. Coi nhẹ công tác tuyên truyền, vận động thanh niên. Hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách về công tác xây dựng Đảng, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng để duy trì phong trào đấu tranh của quần chúng trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù. Hội nghị chỉ rõ Đảng phải nhanh chóng xây dựng và lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể cách mạng của quần chúng. Hội nghị thông qua Nghị quyết về vấn đề tổ chức và cổ động tuyên truyền với nhiệm vụ quan trọng, như: “đào tạo ra một nền tư tưởng bôn sê vích cho Đảng”, “huấn luyện đảng viên và quần chúng vô sản theo tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin”.

Ngay sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ hai kết thúc, nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến xứ ủy, tỉnh ủy bị bắt, trong đó có Tổng Bí thư Trần Phú. Trong bốt giam và khám lớn Sài Gòn, mọi cực hình tra tấn, thủ đoạn mua chuộc dụ dỗ của kẻ thù không thể làm lay chuyển được tinh thần cách mạng và ý chí chiến đấu của Tổng Bí thư Trần Phú. Công khai nhận mình là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trần Phú khẳng khái tuyên bố với kẻ thù rằng “ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các người nghe”. Bị suy kiệt về sức khỏe nhưng những ngày trong tù, Tổng Bí thư Trần Phú vẫn xiết chặt đội ngũ cùng các đồng chí bị giam đấu tranh phản đối chế độ hà khắc của nhà lao, phản đối án tử hình với chính trị phạm; trao đổi về tình hình và nhiệm vụ cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống các phần tử cơ hội, đầu hàng. Lời nhắn nhủ với các bạn chiến đấu trước khi trút hơi thở cuối cùng: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu! còn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau.

Toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú là một trang sử tuy không dài, nhưng chói lọi, tràn đầy năng lực trí tuệ và bản lĩnh, kiên định và vững vàng, trung thành và lạc quan, bất khuất và hiên ngang. Tạp chí Quốc tế Cộng sản (tháng 5/1932) nhấn mạnh: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương, cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau”9. Lãnh tụ Hồ Chí Minh ca ngợi: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân”10; “đồng chí Trần Phú... và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”11.

Những bài học quý cho Đảng ta và cách mạng Việt Nam hiện nay

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú là dịp để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Khẳng định sự kiên định, vận dụng sáng tạo những bài học quý báu mà đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng để lại cho cách mạng Việt Nam và Đảng ta.

Trước hết, cần khẳng định: Đảng ta là Đảng cầm quyền nên nhất định phải có một đường lối đúng đắn, sáng suốt, sáng tạo, đó là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Luận cương chính trị và cách chỉ đạo thi hành Luận cương kịp thời, linh hoạt, thể hiện sự trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin vì lợi ích tối cao của Đảng, của cách mạng và dân tộc, thấm sâu vào quan điểm chỉ đạo của Đảng hiện nay về sự kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hai là, để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, cần xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phải kiên quyết chống lại mọi biểu hiện làm lệch lạc đường lối của Đảng, cơ hội, bè phái; biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn “con ngươi” của mắt mình trên cơ sở cương lĩnh, Điều lệ Đảng; tăng cường mối quan hệ, gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Ba là, “giữ vững chí khí chiến đấu” theo tấm gương Tổng Bí thư Trần Phú, nêu cao đạo đức cách mạng chí công vô tư, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thói vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có tinh thần vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đấu tranh chống lại mọi tiêu cực, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà Tổng Bí thư Trần Phú đã chuyển lại, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

PGS, TS. BÙI ĐÌNH PHONG, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
_________________
        

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 407.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 03, Nxb CTQG, H. 1999, tr. 03.

3 - Sđd, tr. 41.

4 - Sđd, Tập 02, H. 1998, tr. 215.

5 - Sđd, tr. 227.

6 - Sđd, tr. 195.

7 - Sđd, Tập 03, H. 1999, tr. 03.

8 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 401.

9 - Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú - Tiểu sử,  Nxb CTQG, H. 2007, tr. 162 - 163.

10 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 309.

11 - Sđd, Tập 11, tr. 602.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết