QPTD -Thứ Hai, 18/12/2017, 13:30 (GMT+7)
Sư đoàn 361 phát huy truyền thống, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng trời Thủ đô

Cách đây 45 năm, vào cuối tháng 12-1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Bắc, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân đã mở Chiến dịch Phòng không đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc. Trong đội hình Quân chủng Phòng không - Không quân tham gia Chiến dịch, Sư đoàn 361 - Đoàn Phòng không Hà Nội được xác định là đơn vị chủ công trực tiếp đánh máy bay B-52, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Đây là vinh dự lớn đối với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn, nhưng đó cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, quyết định của Chiến dịch.

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, khẩn trương làm công tác chuẩn bị về lực lượng, vũ khí, khí tài, thế trận, công tác bảo đảm và cách đánh máy bay B-52. Nhờ đó, Sư đoàn đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để bình tĩnh, tự tin “vạch nhiễu tìm thù”, tổ chức đánh liên tục, nhiều trận, cả ngày lẫn đêm, đánh địch ở mọi độ cao, trên nhiều hướng và đã hạ gục “siêu pháo đài bay” B-52 - thần tượng, niềm kiêu hãnh của “Không lực Hoa Kỳ”, một trong bộ ba răn đe chiến lược của đế quốc Mỹ. Nét đặc sắc trong nghệ thuật tác chiến của Sư đoàn là, kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến rộng khắp của lực lượng phòng không ba thứ quân với tác chiến hiệp đồng binh chủng tập trung, có trọng điểm để tiêu diệt mục tiêu chủ yếu là máy bay chiến lược B-52. Trong Chiến dịch Phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, mặc dù lực lượng, phương tiện có hạn, nhưng với quyết tâm và tầm cao trí tuệ, Sư đoàn đã tham gia nhiều trận đánh, trong đó, có trận then chốt, then chốt quyết định, bắn rơi 29 máy bay các loại (có 25 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ) trên tổng số 34 chiếc B-52 bị bắn rơi của cả Chiến dịch), góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch.

Tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang đó, Sư đoàn đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Những năm gần đây, trước sự phát triển cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chủ trương: tiếp tục kế thừa, vận dụng và phát huy những bài học quý trong Chiến dịch Phòng không cuối tháng 12-1972, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời Thủ đô trong mọi tình huống và xác định đó là khâu đột phá, quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Sư đoàn. Trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đây là nhân tố xuyên suốt, quyết định chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn. Hiện nay, Sư đoàn đóng quân trên địa bàn rộng thuộc 10 tỉnh, thành phố; đối tượng huấn luyện đa dạng, với nhiều loại vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật, cả thế hệ cũ, mới và hiện đại, trong khi nhiệm vụ của Sư đoàn rất nặng nề, vừa phải phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu, công trình trọng điểm của Thủ đô và các tỉnh lân cận, vừa phải đẩy mạnh việc điều chỉnh tổ chức biên chế “tinh, gọn, mạnh” theo yêu cầu hiện đại hóa lực lượng Phòng không - Không quân. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt công tác giáo dục, tuyên truyền làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Nội dung giáo dục phải toàn diện; trong đó, tập trung giáo dục cho bộ đội nắm chắc đường lối, quan điểm, tư duy quân sự mới của Đảng; đặc điểm, âm mưu, thủ đoạn tác chiến đường không của địch; phương hướng, lộ trình, yêu cầu hiện đại hóa lực lượng phòng không - không quân trong giai đoạn cách mạng mới được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Đặc biệt, đi sâu giáo dục truyền thống của Quân chủng, Sư đoàn trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, nhiệm vụ được giao và kế hoạch huấn luyện chiến đấu - giáo dục chính trị của đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao quyết tâm, trách nhiệm, niềm tin vào vũ khí, trang bị và cách đánh cho cán bộ, chiến sĩ. Quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới phương pháp giáo dục, bảo đảm yêu cầu phù hợp với đối tượng, sát thực tế và hiệu quả. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thông qua chương trình huấn luyện chiến đấu - giáo dục chính trị cơ bản hằng năm với các phong trào thi đua đột kích thực hiện ba khâu đột phá1 và các buổi sinh hoạt, học tập tập trung, v.v. Gắn giáo dục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, pháp luật, chấp hành kỷ luật và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng tác phong toàn diện, khoa học cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, hiện nay, 100% cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn yên tâm công tác, xác định tốt trách nhiệm; khắc phục những tư tưởng, nhận thức lệch lạc, coi nhẹ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hoặc ngại khó, ngại khổ trong thực hiện nhiệm vụ.

Huấn luyện thực hành chiến đấu ở Trung đoàn 218 .
(Ảnh: phongkhongkhongquan.vn)

Hai là, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc vùng trời Thủ đô. Hiện nay, để đối phó với phương thức tác chiến đường không mới bằng vũ khí công nghệ cao của kẻ địch xâm lược, Bộ đội Phòng không đã, đang nghiên cứu, triển khai hiện đại hóa cả lực lượng, phương tiện chiến đấu và phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không. Vì thế, huấn luyện làm chủ vũ khí, khí tài, phương tiện mới, hiện đại để phòng tránh, đánh trả hiệu quả các đòn tiến công đường không của đối phương là vấn đề quan trọng hàng đầu. Trên cơ sở kế hoạch huấn luyện được phê duyệt, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện. Trước hết, cùng với chủ động rà soát, ổn định tổ chức biên chế các đơn vị (ưu tiên đơn vị sẵn sàng chiến đấu, mới thành lập, lực lượng bảo vệ mục tiêu, địa bàn trọng yếu), Sư đoàn coi trọng việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ quản lý, điều hành và trực tiếp huấn luyện. Tích cực đầu tư, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và vận dụng công nghệ thông tin vào phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập. Nội dung huấn luyện bảo đảm toàn diện, trong đó, hướng trọng tâm vào huấn luyện làm chủ vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật mới (pháo phòng không tự hành ZCY-23-4M, tên lửa chiến lược tầm xa C300-PMU1, Spyder), vũ khí kỹ thuật cải tiến (C125-2TM); rèn luyện thể lực; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện theo kế hoạch, phương án chiến đấu. Tập trung huấn luyện cơ bản, sát thực tế chiến đấu cho các đối tượng, có cả tên lửa (tầm xa, tầm ngắn, tầm trung, tầm thấp), pháo phòng không các loại; trong đó, chú trọng huấn luyện chuyên sâu cho kíp chiến đấu (sĩ quan điều khiển, pháo thủ, trắc thủ ra đa) thuần thục kỹ thuật chiến đấu cá nhân và nâng cao khả năng cơ động, hiệp đồng triển khai chiến đấu từ khẩu đội (kíp xe, đài) đến toàn phân đội (đại đội, tiểu đoàn, trạm ra đa) bảo đảm yêu cầu “triển khai nhanh, chiến đấu nhanh và thu hồi, cơ động nhanh” đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu. Coi trọng kết hợp huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, nhất là những trận đánh điển hình của Sư đoàn trong Chiến dịch Phòng không cuối tháng 12-1972 để nâng cao lòng tin cho bộ đội vào cách đánh của đơn vị. Đồng thời, Sư đoàn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự địa phương làm tốt công tác huấn luyện lực lượng dự bị động viên; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, thực hiện nền nếp chính quy, xây dựng đơn vị an toàn.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến mới, Sư đoàn chỉ đạo cơ quan chức năng và cán bộ, chỉ huy các cấp tăng cường nghiên cứu, phát triển cách đánh phòng không trong điều kiện tác chiến hiện đại, xây dựng các phương án, kế hoạch chiến đấu phù hợp với thủ đoạn tác chiến đường không của địch, đặc điểm địa bàn, tính năng của vũ khí, khí tài trong biên chế và nhiệm vụ được giao để vận dụng vào huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị. Hằng năm, Sư đoàn đều tổ chức huấn luyện dã ngoại, luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, diễn tập hiệp đồng chiến đấu quân chủng, binh chủng, nhất là diễn tập pháo phòng không đi cùng bảo vệ đơn vị binh chủng hợp thành có kết hợp bắn đạn thật và tham gia diễn tập khu vực phòng thủ địa phương tại địa bàn các đơn vị đứng chân. Kết quả kiểm tra bắn đạn thật năm 2017, 100% đơn vị đạt loại giỏi; tham gia diễn tập (PK-17) của Quân chủng tổ chức và diễn tập (MB-17, DT-17) của Bộ tổ chức đều tiêu diệt mục tiêu, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được Ban Chỉ đạo diễn tập các cấp đánh giá cao.

Ba là, đẩy mạnh công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đây là nội dung quan trọng, bảo đảm cho Đơn vị hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất nên Sư đoàn chú trọng thực hiện với nhiều biện pháp đồng bộ. Đối với công tác kỹ thuật, do lượng vũ khí, khí tài, phương tiện chiến đấu lớn, trong khi các nguồn bảo đảm có hạn, Sư đoàn tập trung ưu tiên bảo đảm đồng bộ với hệ số kỹ thuật cao nhất cho vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” thông qua chế độ ngày, giờ kỹ thuật trong đơn vị. Để giữ tốt, dùng bền, một mặt, Sư đoàn kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp, sửa chữa, tăng hạn sử dụng vũ khí, khí tài kỹ thuật thế hệ cũ với khai thác, bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, khí tài kỹ thuật hiện đại. Mặt khác, chủ động tiếp nhận bàn giao công nghệ và vươn lên làm chủ vũ khí, khí tài kỹ thuật mới, hiện đại, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả, bảo đảm cho Sư đoàn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với công tác kỹ thuật, trên cơ sở đặc điểm, nhiệm vụ và phương án chiến đấu của các cấp, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng đầy đủ hệ thống văn kiện, kế hoạch hậu cần, nhằm bảo đảm kịp thời, hiệu quả mọi mặt (kinh phí, xăng dầu, doanh trại, quân nhu, quân y,…) cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập. Chú trọng bảo đảm đầy đủ lượng dự trữ vật chất hậu cần sẵn sàng chiến đấu theo quy định. Tích cực đổi mới phương thức bảo đảm theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa nguồn trên cấp với nguồn khai thác tại chỗ, từng bước tạo lập thế trận bảo đảm hậu cần vững chắc trên các địa bàn đóng quân của Sư đoàn.

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo trên, Sư đoàn đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” - lực lượng chủ chốt, tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong quản lý, bảo vệ an toàn vùng trời Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.

Đại tá NGUYỄN MẠNH KHẢI, Sư đoàn trưởng
_______________

1 - Đột phá về trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu; chất lượng huấn luyện; trình độ quản lý, chỉ huy,...

Ý kiến bạn đọc (0)

Mùa Xuân đại thắng và khát vọng vươn mình
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng bản hùng ca của Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn vang mãi trong lòng dân tộc và mỗi người dân Việt Nam. Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, bản hùng ca ấy lại tiếp tục vang lên trên mặt trận lao động, sản xuất, chống đói nghèo, lạc hậu; bảo vệ vững chắc biên cương và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc;...