Thứ Sáu, 22/11/2024, 13:34 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử
Đầu năm 1967, sau những thất bại liên tiếp trong chiến dịch phản công chiến lược hai mùa khô (1965 – 1966 và 1966 – 1967), Chính quyền Mỹ bắt đầu hoài nghi về khả năng giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nội bộ giới cầm quyền Mỹ ngày càng mâu thuẫn, bất đồng sâu sắc, nhất là giữa quan điểm tiếp tục mở rộng leo thang chiến tranh xâm lược hay hạn chế dần sự tham dự của nước Mỹ vào cuộc chiến tranh. Cùng lúc đó, phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi Tổng thống Mỹ L. Giôn-xơn phải rút quân ra khỏi Việt Nam ngày càng lan rộng trên khắp nước Mỹ. Nhiều nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ quan điểm về "tương lai không thể lường trước được của một cuộc chiến tranh hiện đang có tác động làm rã rời ý chí dân tộc Mỹ"1.
Về phía ta, sau hơn hai năm chống chiến lược "Chiến tranh cục bộ", quân và dân ta vẫn giữ vững quyền chủ động về chiến lược, vùng giải phóng được mở rộng ở cả rừng núi, nông thôn đồng bằng và xung quanh đô thị; lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ngày càng phát triển mạnh mẽ; hậu phương lớn miền Bắc tiếp tục chi viện đắc lực, hiệu quả cho tiền tuyến miền Nam.
Theo dõi sát diễn biến của chiến trường, ngày 18-4-1966, Bộ Tổng Tham mưu họp quyết định triển khai xây dựng "Kế hoạch chiến lược từ Hè 1967 đến Hè 1968" trên cơ sở "Đề án kế hoạch chiến lược năm 1967" đã được xây dựng trước đó. Cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương (từ 27 đến 29-4-1967), bàn về "Kế hoạch chiến lược từ Hè 1967 đến Hè 1968", đã nhất trí những nội dung cơ bản trong Kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu, về quyết tâm của ta trong thời gian tới; đồng thời, lưu ý: một mặt, phải nắm chắc phương châm chiến lược đánh lâu dài; mặt khác, phải nỗ lực để buộc Mỹ phải chịu thua trong năm 1968. Thực hiện chủ trương này, các lực lượng vũ trang phải tổ chức những đợt hoạt động lớn, bắt đầu ngay từ mùa mưa năm 1967, nhằm tiêu diệt các đơn vị tinh nhuệ, các trung đoàn, sư đoàn chủ lực địch, đánh phá mạnh giao thông, hậu cứ của Mỹ. Hoạt động quân sự phải kết hợp với phát động quần chúng ở các đô thị lớn vùng dậy,... Trên cơ sở đó, ta chủ động đấu tranh ngoại giao, mở một con đường cho Mỹ rút khỏi miền Nam2.
Trên cơ sở bản dự thảo "Kế hoạch chiến lược từ Hè 1967 đến Hè 1968", Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các chiến trường xây dựng kế hoạch chiến lược Đông - Xuân - Hè 1967 – 1968; đồng thời, cử nhiều đoàn cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu vào các chiến trường nắm tình hình, đôn đốc kiểm tra việc chuẩn bị lực lượng, vật chất theo phương hướng mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn. Cũng trong thời điểm này, theo đề xuất của Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh (Chính ủy Quân giải phóng miền Nam), cùng một số cán bộ chủ chốt của Bộ Tư lệnh Miền, Quân khu 5, Mặt trận Tây,... được triệu tập ra báo cáo tình hình với Quân ủy Trung ương và tham gia xây dựng "Kế hoạch chiến lược từ Hè 1967 đến Hè 1968".
Tháng 5-1967, sau khi nghe báo cáo của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp các chiến trường, Bộ Chính trị tổ chức phiên họp thông qua quyết tâm chiến lược, trong đó xác định: "Nắm vững phương châm đánh lâu dài, cần phát huy mạnh mẽ chiến thắng to lớn trong mùa khô vừa qua, ra sức đẩy mạnh những cố gắng của ta đến mức cao nhất nhằm giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn"3. Về mục tiêu tác chiến, "đối với quân Mỹ, trong vòng một năm, cố tiêu diệt từ 3 đến 5 lữ đoàn... Đối với quân ngụy, cố gắng tiêu diệt một số chiến đoàn hoặc trung đoàn, đánh quỵ từ 3 đến 5 sư đoàn,...". Về cách đánh, vận dụng linh hoạt 6 phương thức tác chiến và kiên quyết thực hiện cho được một số trận đánh lớn có tính chất quyết chiến quan trọng. Thực hiện chủ trương đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ thị Bộ Tổng Tham mưu và bộ tư lệnh các chiến trường gấp rút triển khai toàn diện công tác chuẩn bị, tập trung xây dựng các phương án, kế hoạch tác chiến cho Thu - Đông 1967, sẵn sàng đón nắm thời cơ, đánh những đòn "thôi động" lớn có tác dụng xoay chuyển cục diện chiến trường.
Thực tiễn hơn 2 năm đọ sức với quân Mỹ (1965 - 1967), ta chỉ mới tiêu diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ ở Ia Đờ-răng (tháng 11-1965). Song, với yêu cầu "đánh tiêu diệt 3 đến 5 lữ đoàn Mỹ" chắc chắn ta sẽ gặp nhiều khó khăn; khả năng đánh tiêu diệt lớn của bộ đội chủ lực ta còn hạn chế, không thể khắc phục ngay trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, quân Mỹ có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, có ưu thế áp đảo trên không, trên sông, trên biển, thì khả năng tiến hành các trận đánh lớn, bao vây để tiêu diệt như ta đã từng làm đối với quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ là không hiện thực, thậm chí có thể nhanh chóng bị thất bại. Nếu tiếp tục mở các đợt hoạt động quân sự đánh theo lối cũ, theo mùa đợt thì địch có thời gian hồi phục, ta không xoay chuyển được tình hình.
Trong khi Bộ Tổng Tham mưu đang nghiên cứu xác định mục tiêu, cách đánh thì trong một cuộc họp với Quân ủy Trung ương về kế hoạch chiến lược năm 1968, đồng chí Lê Duẩn đã đề xuất giải pháp đánh thẳng vào sào huyệt địch tại các thành phố, thị xã4, nơi được cho là an toàn nhất, dẫn đến địch có nhiều sơ hở, chủ quan. Đồng chí Lê Duẩn nhận định: đánh thẳng vào các thành phố, thị xã mới có thể tạo nên làn sóng đấu tranh chính trị mạnh mẽ ở các đô thị miền Nam và nước Mỹ, tạo nên những đòn quyết định đánh bại hoàn toàn chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ. Đề xuất của đồng chí Lê Duẩn được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua và chỉ đạo triển khai kế hoạch chiến lược của từng vùng trong năm 1968, bảo đảm bí mật tuyệt đối.
Tháng 8-1967, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục bổ sung, hoàn thiện kế hoạch đánh lớn vào các đô thị miền Nam. Cuối tháng 8-1967, cách đánh mới - tiến công vào các trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn bằng hình thức tổng tiến công kết hợp với nổi dậy (tổng công kích kết hợp với tổng khởi nghĩa) chính thức hình thành5. Bởi lẽ, chỉ có tiến hành Tổng công kích - tổng khởi nghĩa, mới kết hợp chặt chẽ được sức mạnh quân sự với sức mạnh của quần chúng nhân dân, các lực lượng vũ trang; ta mới có khả năng tiến đánh và trụ vững ở các thành thị, hạn chế được tối đa những phản ứng tiêu cực nhất từ phía Quân đội và Chính quyền Mỹ. Như vậy, sẽ phát huy được tối đa sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân, tạo ra so sánh lực lượng có lợi cho ta.
Ngày 09-9-1967, đồng chí Lê Đức Anh (Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam) báo cáo với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về "Kế hoạch Tổng công kích - tổng khởi nghĩa" của Trung ương Cục. Nhất trí với nhận định tình hình của Bộ Chính trị và tổ chức quán triệt, xây dựng quyết tâm giành thắng lợi quyết định, Trung ương Cục dự kiến tổ chức 27 tiểu đoàn địa phương, 09 đội biệt động thành cùng 07 trung đoàn chủ lực của các sư đoàn: 5, 7, 9 tạo thành 5 cánh quân bao vây, tiến công Sài Gòn, chiếm Chợ Lớn. Phương châm tổng công kích - tổng khởi nghĩa là tiến hành nhanh, giải quyết nhanh. Kế hoạch nêu rõ khả năng của ta: cố gắng giữ thành phố trong 5 - 6 tháng, thành lập Chính phủ Liên hiệp, có cả thành phần trung lập, thân Mỹ, thân Pháp, buộc Chính quyền Mỹ không có lý do can thiệp, đồng thời kêu gọi quân Mỹ ở đâu thì giữ nguyên ở đó, hoặc tập hợp về Đà Nẵng, Chu Lai, Quy Nhơn, Cam Ranh, rút dần khỏi Việt Nam6. Bộ Chính trị đã đồng ý với Kế hoạch Tổng công kích - tổng khởi nghĩa của Trung ương Cục và xác định: Sài Gòn - Chợ Lớn là hướng chủ yếu của toàn miền Nam và giao Bộ Tổng Tham mưu dự thảo "Kế hoạch chiến lược Đông - Xuân - Hè 1967 - 1968".
Từ ngày 20 đến 24-10-1967, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị mở rộng bàn về "Kế hoạch chiến lược Đông - Xuân - Hè 1967-1968" ở chiến trường miền Nam. Hội nghị xác định rõ, cho đến thời điểm này, thời cơ chiến lược đã xuất hiện. Muốn chớp thời cơ trong điều kiện so sánh lực lượng vũ trang trên chiến trường vẫn nghiêng hẳn về phía địch thì hướng tiến công chiến lược của ta là nhằm vào các đô thị trên toàn miền Nam. Về phương pháp, dùng hình thức cao nhất của chiến tranh cách mạng là Tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Về phương thức, tiến hành tiến công và nổi dậy đồng loạt. Đây là một phương hướng mà lúc đó Mỹ và Chính quyền Sài Gòn "không hề nghĩ tới và cũng không thể nghĩ tới".
Hội nghị đã tập trung phân tích kỹ, bàn bạc nhiều vấn đề, nhất là về thời cơ, khả năng đánh thành phố của bộ đội ta, khả năng nổi dậy của quần chúng, các biện pháp khắc phục khó khăn,... và đi đến thống nhất nhận định: đánh vào thành phố là có khả năng, nhưng vấn đề khởi nghĩa cần phải nghiên cứu thêm và chờ ý kiến của một số đồng chí lãnh đạo nữa sẽ quyết định trong cuộc họp sau.
Để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa trên chiến trường miền Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ thị cho các chiến trường đẩy mạnh các đợt hoạt động Đông 1967. Tại chiến trường Đông Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Miền mở Chiến dịch Lộc Ninh - Đường 13 tiêu diệt một bộ phận quan trọng Sư đoàn Bộ binh 1 Mỹ và Sư đoàn Bộ binh 5 Quân đội Sài Gòn. Phối hợp chặt chẽ với Chiến dịch Lộc Ninh, ngày 3-11-1967, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên mở Chiến dịch Đắc Tô đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 1 (Sư đoàn 4) và Lữ đoàn dù 173 quân Mỹ; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 4.000 tên địch. Trên địa bàn Khu 5, Khu 9 ta đẩy mạnh tiến công địch ở nhiều thị xã, quận lỵ, chi khu quân sự, như: Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Cần Giuộc, Hậu Nghĩa, Tịnh Biên (Châu Đốc), Cao Lãnh (Sa Đéc), v.v. Trên hướng trọng điểm Sài Gòn - Gia Định, Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định hợp nhất và phân chia địa bàn thành 6 phân khu với 5 mũi, sẵn sàng tiến công vào nội đô Sài Gòn.
Trước tình hình căng thẳng trên khắp miền Nam, nhất là khi phát hiện được các cuộc chuyển quân lớn của ta ở giáp Khe Sanh (Quảng Trị), Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ buộc phải bỏ dở kế hoạch phản công chiến lược lần thứ Ba, đưa lực lượng về tăng cường phòng thủ xung quanh Sài Gòn và Trị Thiên. Thế bố trí chiến lược của địch lúc này bị đảo lộn, lực lượng bị căng mỏng trên các chiến trường và lùi dần vào thế phòng ngự chiến lược. Đây là thất bại lớn về chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Hội nghị Bộ Chính trị họp ngày 28-12-1967, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức thông qua "Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân, dân ta "đồng thời hạ quyết tâm: "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định"7. Thực hiện quyết tâm chiến lược đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh xác định thời gian tiến hành nghi binh trên chiến trường Lào (bằng Chiến dịch Nậm Bạc) sẽ triển khai trước Tết từ 15 đến 20 ngày; thời gian nổ súng ở Đường 9 - Khe Sanh trước Tết 10 ngày và thời gian tiến hành Tổng công kích - tổng khởi nghĩa đồng loạt ở các chiến trường chính và trọng điểm là đúng 00 giờ đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968.
Tháng 01-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, đã chính thức thông qua Nghị quyết tháng 12-1967 của Bộ Chính trị và lấy đó làm Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14.
Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng, đúng vào thời khắc giao thừa Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta đồng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam. Cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa đầy táo bạo, bất ngờ của ta trong Tết Mậu Thân, đặc biệt là các trận đánh của Quân Giải phóng vào Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, Đài Phát thanh Sài Gòn,... cùng sự kiện thành phố Huế bị "thất thủ" trong 25 ngày đêm đã gây choáng váng cho chính trường nước Mỹ. Sự kiện có một không hai này, đã là cho nhân dân Mỹ nhận thấy rằng, nước Mỹ đang lao vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa, đẫm máu; lún sâu vào một đường hầm không có lối thoát. Sau sự kiện này, phong trào chống chiến tranh của nhân dân Mỹ lan rộng và lên cao chưa từng có; Quốc hội Mỹ phải tổ chức cuộc họp gấp để xem xét toàn bộ chính sách và chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Bị tổn thất nặng nề trên chiến trường cùng với những áp lực từ nhân dân và chính giới Mỹ, ngày 31-3-1968, Tổng thống Giônxơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị đàm phán với ta tại Pa-ri về lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một quyết định lịch sử, thể hiện chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng; cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp trong tình hình mới./.
Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN LƯỢNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam ___________________
1 - Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh Việt Nam, Tập 2, Việt Nam Thông tấn xã, H. 1971, tr.126.
2 - Bộ Tổng Tham mưu - Biên niên sự kiện Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Tập 4, Nxb QĐND, H. 2005, tr. 383.
3 - Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Tập 2, Nxb Sự thật, H. 1986, tr. 50-56.
4 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Tập 5, tr. 32,33.
5 - Văn Tiến Dũng - Thành công nổi bật về chỉ đạo chiến lược sáng tạo tuyệt vời của tư duy quân sự Việt Nam, in trong Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tr.42.
6 - Bộ Tổng Tham mưu - Biên niên sự kiện Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Sđd, Tập 4, tr. 478, 479.
7 - Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Trung ương Đảng, Hồ sơ số 400.
Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024
Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024
Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024
Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024
Nhân văn - giá trị định danh Bộ đội Cụ Hồ
Vận dụng tư tưởng “cốt tinh, không cốt đông” trong xây dựng Quân đội hiện nay
Công tác Đảng, công tác chính trị thực sự là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội
Cao Bằng - Nơi ra đời Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ