QPTD -Thứ Năm, 01/08/2024, 16:04 (GMT+7)
Kỷ niệm 60 năm Hải quân nhân dân Việt Nam đánh thắng trận đầu
Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, xây dựng Quân chủng Hải quân “tinh, gọn, mạnh”

Ngày 02 và 05/8/1964, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phối hợp cùng các lực lượng anh dũng chiến đấu, lập nên chiến công đánh thắng trận đầu. Đó mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên to lớn để lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; động lực để xây dựng Quân chủng “tinh, gọn, mạnh”, hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân kiểm tra Trạm Ra-đa của Vùng 5

Bước vào năm 1964, trước nguy cơ phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ phiêu lưu mở rộng chiến tranh phá hoại ra hậu phương chiến lược của ta, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Từ tháng 3/1964, Mỹ và chính quyền Sài Gòn thường xuyên sử dụng máy bay trinh sát, tàu chiến tiến sâu vào hải phận của ta, bắn phá dọc bờ biển từ Thanh Hóa trở vào Quảng Bình. Đặc biệt, ngày 02/8/1964, Hải quân Mỹ sử dụng tàu khu trục Maddox tiến vào sát bờ biển Hòn Mê, Lạch Trường (Thanh Hóa, cách Đông Nam Hòn Nẹ 10 hải lý) để trinh sát và khiêu khích các lực lượng của ta. Chấp hành chỉ thị của cấp trên, Hải quân nhân dân Việt Nam đã tổ chức lực lượng tiến công đánh đuổi tàu khu trục Maddox, kiên quyết trừng trị hành động xâm phạm vùng biển Tổ quốc, buộc tàu địch phải rút chạy. Sau vụ việc này, chính quyền Mỹ dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” vu cáo Hải quân nhân dân Việt Nam “cố ý” tiến công tàu khu trục của Mỹ ở vùng biển quốc tế, nhằm đánh lừa dư luận, tạo cớ để đánh phá ra miền Bắc. Thực hiện mưu đồ đó, ngày 05/8/1964, Mỹ lập tức mở Chiến dịch “Mũi tên xuyên”, sử dụng tối đa lực lượng máy bay của hai biên đội tàu sân bay (Constellation và Ticonderoga) đánh phá các mục tiêu kinh tế, căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu thuyền của Hải quân ta dọc ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh), mở đầu cho hành động leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đây là một cuộc đọ sức quyết liệt giữa lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển của quân dân miền Bắc với sức mạnh hải quân, không quân Mỹ. Mặc dù phải đương đầu với lực lượng địch được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng với ý chí, quyết tâm chiến đấu cao, lòng quả cảm, Bộ đội Hải quân đã phối hợp, hiệp đồng với lực lượng phòng không ba thứ quân và nhân dân các địa phương ven biển anh dũng chiến đấu, bắn rơi 08 máy bay và bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái, làm thất bại bước đầu âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, viết tiếp truyền thống chiến thắng trận đầu của Quân đội ta.

Chiến thắng ngày 02 và 05/8/1964 đã mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua giết giặc lập công, đánh đuổi Mỹ - ngụy. Chiến thắng đó đã trở thành truyền thống vẻ vang “đánh thắng trận đầu” của Hải quân nhân dân Việt Nam; mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân nói riêng và toàn dân, toàn quân ta nói chung. Đây còn là chiến thắng của tinh thần đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”; phát huy tổng lực sức mạnh của cả dân tộc đánh thắng kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần bằng vũ khí trang bị hiện có, khẳng định tính đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chiến thắng đó là kết tinh của ý chí quyết tâm, tinh thần cảnh giác cách mạng, bản lĩnh mưu trí sáng tạo; quá trình huấn luyện, chuẩn bị lực lượng và sẵn sàng chiến đấu cao của các lực lượng trên hướng biển; trong đó, Hải quân nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05/8/1964 tạo ra tiếng vang lớn trên trường quốc tế, khẳng định ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Thời gian đã lùi xa 60 năm nhưng khí thế hào hùng của chiến công đánh thắng trận đầu vẫn còn nguyên giá trị, là động lực tinh thần to lớn để Bộ đội Hải quân tiếp tục nỗ lực phấn đấu lập thêm nhiều chiến công mới, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy chính của thời đại, song tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những biến động phức tạp, khó dự báo; tình trạng tranh chấp chủ quyền, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ và những thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, diễn ra gay gắt. Tình hình Biển Đông đã và đang có những diễn biến căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi, thâm độc. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng đang đặt ra yêu cầu mới rất cao và toàn diện, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, v.v. Để hoàn thành trọng trách với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, Quân chủng Hải quân tiếp tục phát huy truyền thống “đánh thắng trận đầu”, tập trung xây dựng Quân chủng “tinh, gọn, mạnh”, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đồng chí Tư lệnh Quân chủng Hải quân và đại biểu Đoàn công tác thăm hỏi, động viên quân dân đảo Song Tử Tây.

Trước hết, tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, làm cơ sở, nền tảng để nâng cao chất l­ượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân chủng luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Để làm được điều đó, Quân chủng tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trên tất cả các mặt công tác để cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; thấy rõ vị trí chiến lược quan trọng của biển, đảo, nhiệm vụ của Quân chủng. Trong tình hình hiện nay, Quân chủng tăng cường phổ biến, quán triệt để bộ đội nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, xác định rõ đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam, đối tượng tác chiến của Hải quân và yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị vững vàng, thống nhất cao về ý chí, hành động, không mơ hồ, mất cảnh giác; nêu cao tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ; khôn khéo, kiên quyết, kiên trì, mưu trí, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; phát huy ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng kẻ thù trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng với đó, tập trung xây dựng Đảng bộ Quân chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; giữ vững nguyên tắc tổ chức, xây dựng Đảng. Chú trọng kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là tổ chức đảng ở các đơn vị có tính đặc thù cao, đơn vị làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, các đảo, nhà giàn. Đảng bộ Quân chủng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của các cấp về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đặc biệt là Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đồng thời, coi trọng nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt tự phê bình và phê bình, làm chuyển biến mạnh mẽ về chính trị, tư­ tưởng, đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực. Thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”, tạo động lực huy động sức mạnh tổng hợp xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Quân chủng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và thực hiện tốt Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo. Phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và trình độ hiệp đồng tác chiến cho các lực lượng; lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo làm mục tiêu huấn luyện. Quá trình huấn luyện bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với nhiệm vụ, tình huống, phương án chiến đấu, đối tượng tác chiến, tổ chức biên chế, trang bị, khu vực hoạt động của từng đơn vị. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện chiến đấu với giáo dục chính trị, xây dựng nền nếp chính quy, quản lý kỷ luật. Tăng cường luyện tập, diễn tập trong những điều kiện phức tạp, sát thực tế chiến đấu, trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, đặc biệt là diễn tập đối kháng, thời gian chuẩn bị ngắn; qua đó, nâng cao trình độ chỉ huy, khả năng hiệp đồng tác chiến cũng như­ rèn luyện bản lĩnh cho cán bộ, chiến sĩ. Tiếp tục đột phá huấn luyện làm chủ khai thác, sử dụng và bảo đảm kỹ thuật cho các loại vũ khí, trang bị thế hệ mới, hiện đại. Cùng với đó, Quân chủng chủ trì phối hợp với các quân khu, địa phương và lực lượng có liên quan củng cố, xây dựng thế trận bờ - biển - đảo liên hoàn, vững chắc; nâng cao chất lượng nghiên cứu, dự báo tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp ngăn ngừa xung đột, xử lý thắng lợi các tình huống trên biển, đảo, không để bị động bất ngờ, nhất là về chiến lược. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết đúc rút những bài học kinh nghiệm trong chiến đấu, nhất là chiến thắng trận đầu để vận dụng vào công tác huấn luyện, xây dựng lực lượng và phát triển nghệ thuật, cách đánh hải quân, phù hợp với vũ khí, trang bị kỹ thuật và điều kiện mới của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ba là, tập trung kiện toàn tổ chức, lực lượng “tinh, gọn, mạnh”, đẩy nhanh hiện đại hóa Quân chủng. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII); Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương; Kế hoạch số 1228/KH-BQP, ngày 25/4/2022 của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo cũng như kế thừa, phát huy kết quả kiện toàn tổ chức, lực lượng thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tập trung kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng theo đúng lộ trình, kế hoạch đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phê duyệt. Trong đó, coi trọng việc kiện toàn tổ chức gắn với điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các vùng biển, đảo, bảo đảm cân đối, đồng bộ, có trọng điểm, ưu tiên trên hướng chủ yếu, khu vực quan trọng để vừa có khả năng chuyển hóa thế trận linh hoạt, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, vừa có thể triển khai tác chiến liên hợp, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, nhưng khi cần có thể độc lập tác chiến. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực kiện toàn tổ chức, biên chế, giảm đầu mối trung gian, điều chỉnh quân số từ nơi thừa sang nơi thiếu, ưu tiên bảo đảm quân số cho đơn vị chiến đấu. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cơ bản hiện đại, cùng với việc tiếp tục đầu tư cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực, thực hiện tốt việc tuyển chọn nguồn và huấn luyện, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có đủ trình độ, khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Quân chủng tập trung hiện đại hóa phương tiện, vũ khí trang bị cho các lực lượng, các trang bị trinh sát, quan sát để nắm tình hình trên các vùng biển, nhất là vùng biển xa,... đảm bảo cho các lực lượng có đủ sức mạnh làm nòng cốt trong cuộc chiến tranh nhân dân trên biển, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới.

Bốn là, thực hiện tốt công tác hậu cần - kỹ thuật, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân chủng. Là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong môi trường biển, đảo; điều kiện bảo đảm khó khăn; sử dụng nhiều phương tiện, khí tài đặc chủng, hiện đại nên công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật có vai trò rất quan trọng đối việc hoàn thành nhiệm vụ của Quân chủng. Để hoàn thành tốt trọng trách được giao, Quân chủng tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác hậu cần - kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo; trong đó, trọng tâm hướng vào sáp nhập, kiện toàn tổ chức lực lượng hậu cần, kỹ thuật các cấp đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng “tinh, gọn, mạnh” và nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho các nhiệm vụ, nhất là cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, lực lượng ở quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện hậu cần - kỹ thuật tác chiến; duy trì nghiêm nền nếp chế độ sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng bảo đảm cho mọi tình huống; chú trọng xây dựng, luyện tập phương án bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho tàu xuất phát nhanh, trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, tham mưu quy hoạch, xây dựng các căn cứ, phân căn cứ hậu cần - kỹ thuật chiến dịch, cụm lực lượng và trên các đảo theo hướng cơ động, liên hoàn, vững chắc; tích cực phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng, quản lý chặt chẽ lực lượng, phương tiện hậu cần - kỹ thuật dự bị động viên, sẵn sàng huy động đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Cùng với các nội dung trên, Quân chủng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế; đối ngoại quốc phòng; tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với hải quân các nước. Chủ động tham gia các diễn đàn, hội thảo, hội nghị hải quân khu vực và trên thế giới; tích cực tham gia tuần tra chung, hợp tác kỹ thuật quân sự, chuyển giao công nghệ, hậu cần, huấn luyện - đào tạo, kinh tế, thủy đạc, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU),... góp phần củng cố lòng tin, nâng cao vị thế và uy tín của Hải quân Việt Nam trên trường quốc tế.

Vinh dự, tự hào và phát huy truyền thống “đánh thắng trận đầu” của thế hệ cha anh đi trước, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng Quân chủng “tinh, gọn, mạnh”, hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phó Đô đốc TRẦN THANH NGHIÊM, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân chủng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết