QPTD -Thứ Sáu, 08/10/2021, 11:16 (GMT+7)
Những cống hiến trên lĩnh vực quân sự của đồng chí Lê Đức Thọ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Đồng chí Lê Đức Thọ, tên khai sinh là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911 tại làng Địch Lễ, tổng Đông Phù, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) – quê hương giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Năm 14 tuổi (1925), Đồng chí hăng hái tham gia phong trào biểu tình, bãi khóa của học sinh, sinh viên chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến và vinh dự được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng khi mới 18 tuổi. Là một trong những đảng viên Cộng sản đầu tiên của Đảng, trải qua nhiều trọng trách khác nhau, đồng chí Lê Đức Thọ luôn thể hiện là người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng trên nhiều lĩnh vực và có những đóng góp xuất sắc cho cách mạng Việt Nam. Trong lĩnh vực quân sự, Đồng chí có tầm chỉ đạo chiến lược sắc sảo, quyết định đúng đắn, nhất là trước những thời điểm có tính bước ngoặt lịch sử.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ.

Trước hết, đồng chí Lê Đức Thọ đã tích cực tham gia, có đóng góp quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương (khóa II) họp bàn và ra Nghị quyết 15 về chuyển hướng chiến lược cách mạng miền Nam.

Cuối năm 1958 đầu năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước những thử thách ác liệt, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân miền Nam từ đấu tranh chính trị, tiến lên đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang tự vệ, giành được nhiều thắng lợi. Song, với chính sách tố Cộng, diệt Cộng, thông qua Luật 10/59, Mỹ - Diệm đã lê máy chém đi khắp nơi, công khai giết hại những người yêu nước, tàn sát đồng bào ta hết sức man rợ, gây ra những tổn thất nặng nề đối với cách mạng miền Nam. Với tư duy chiến lược sắc sảo và kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn phong phú, đồng chí Lê Đức Thọ đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, thiết thực vào Dự thảo Đề cương Đường lối cách mạng miền Nam do đồng chí Lê Duẩn soạn thảo. Bản Dự thảo đã xác định đường hướng đấu tranh mới của cách mạng miền Nam, đó là: đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân; tư tưởng về ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn và đô thị liên kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau; tư tưởng về thế trận của ba mũi giáp công: đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và công tác binh vận,… là những nội dung quan trọng trong Nghị quyết 15 sau này.

Tháng 01/1959, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành đánh giá tình hình trong nước từ khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết; phân tích, làm rõ hai mâu thuẫn cơ bản mà cách mạng Việt Nam phải giải quyết, đó là: mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc, giai cấp địa chủ phong kiến, tư sản mại bản ở miền Nam với dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và mâu thuẫn giữa con đường xã hội chủ nghĩa với con đường tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc. Hội nghị xác định: “Cách mạng Việt Nam do Ðảng ta lãnh đạo bao gồm hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam”1, hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy khác nhau về tính chất nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau nhằm đấu tranh giành độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời của Nghị quyết 15 đánh dấu bước phát triển mới về tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn đấu tranh cách mạng của Ðảng ta; thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của quần chúng cách mạng mà đỉnh cao là phong trào Đồng khởi cuối năm 1959 đầu năm 1960, đưa cách mạng miền Nam vượt qua thử thách, chuyển sang thế tiến công, đập tan hình thức xâm lược, thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới mà đế quốc Mỹ dày công tạo dựng ở miền Nam Việt Nam, góp phần quan trọng, quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Thứ hai, đồng chí Lê Đức Thọ có công lao lớn trong xây dựng tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ ở miền Nam làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Lê Đức Thọ được Trung ương Đảng giao tham gia xây dựng, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ bố trí cho cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc để tiếp tục học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chính trị, quân sự.  Với tầm nhìn xa, trông rộng, Đồng chí đề xuất với Trung ương Đảng, Bác Hồ về kế hoạch đưa học sinh, sinh viên, con em cán bộ, đồng bào miền Nam ra miền Bắc học tập để sau này trở lại miền Nam phục vụ cách mạng. Khi miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối, đội ngũ cán bộ được học tập, rèn luyện, huấn luyện ngoài miền Bắc trở về miền Nam trở thành đội ngũ nòng cốt trong hệ thống chính trị, nhiều người đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trên các cương vị được giao, như: Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1949), Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1951), Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam (1949 - 1954), Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1968), đồng chí Lê Đức Thọ luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Là người hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ, Đồng chí đã cùng Thường vụ Xứ ủy thường xuyên chăm lo xây dựng kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố và thành lập mới các ban chuyên môn, như: Ban Tổ chức, Ban Dân vận, Ban Công vận, Nông vận, Thanh vận, Tôn giáo, Hoa vận, Khơ me vận, v.v.. Cử nhiều cán bộ của Xứ ủy trực tiếp xuống các Khu, Tỉnh để nắm tình hình và chỉ đạo phong trào; đảm bảo giữ mối liên hệ trực tiếp, thông suốt với Trung ương Đảng và Bác Hồ. Chủ động đặt vấn đề với Thường vụ Xứ ủy xây dựng Trường Đảng Trường Chinh, mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Nam Bộ vừa có trình độ lý luận chính trị, vừa có thực tiễn cách mạng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhờ đó, lãnh đạo các cấp ủy địa phương, tư lệnh, chính ủy các binh đoàn chủ lực được bố trí, sắp xếp phù hợp phẩm chất, năng lực và yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo cho các hoạt động chỉ đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh của đồng bào, chiến sĩ miền Nam có sự thống nhất, thông suốt, chặt chẽ, hiệu quả.

Thứ ba, đồng chí Lê Đức Thọ là nhà ngoại giao có tầm nhìn chiến lược, khôn khéo, “vừa đánh vừa đàm”, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược.

Từ tháng 5/1968, Đồng chí được Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, trực tiếp đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với bản lĩnh, trí tuệ của một nhà chính trị, quân sự tài ba, Đồng chí đã tham mưu cho Đoàn vận dụng khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo sự chỉ đạo của Đảng: “Lúc này tấn công ngoại giao là rất quan trọng. Phối hợp với tấn công quân sự và tấn công chính trị, tiến công ngoại giao phải liên tục và sắc bén, kiên trì nguyên tắc và khéo léo vận dụng sách lược, vừa kiên quyết, vừa linh hoạt, buộc Mỹ phải rút quân và chấp nhận một giải pháp chính trị đáp ứng yêu cầu của ta”2 trong suốt quá trình đàm phán.

Cuộc đàm phán ở Paris là cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh lâu dài, gian khổ nhưng rất hào hùng của ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ quyết định mang ý nghĩa chiến lược mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm” đến những sách lược của ta trong suốt qua trình đàm phán công khai cũng như bí mật và những nội dung của Hiệp định Paris đều thể hiện tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Chủ trương “vừa đánh, vừa đàm” được quán triệt sâu sắc trên cơ sở xác định chính xác mục tiêu cách mạng trong từng thời điểm cụ thể, giữ thế chủ động, biết thắng từng bước cho đúng, phát huy thắng lợi quân sự, chớp thời cơ đi đến thắng lợi quyết định. Trên bàn đàm phán, Hoa Kỳ và chính quyền ngụy Sài Gòn luôn lảng tránh thảo luận các vấn đề cơ bản nhằm trì hoãn thương lượng đi đến kết thúc chiến tranh. Tính đến cuối năm 1971, Hội đàm Paris về Việt Nam đã họp tất cả 138 phiên họp bốn bên, nhưng chưa đạt kết quả cụ thể nào. Chỉ đến khi cuộc phản công chiến lược Xuân - Hè năm 1972 phát huy hiệu quả cuộc đàm phán mới bắt đầu đi vào thực chất. Tuy nhiên, khi Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, phái Mỹ - ngụy lật lọng, không công nhận kết quả trên thực tế. Ngày 18/12/1972, Tổng thống Hoa Kỳ Nixon cho máy bay chiến lược B.52 ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc Việt Nam, âm mưu hủy diệt hậu phương lớn của cách mạng miền Nam Việt Nam. Nhưng đến ngày 30/12/1972, không khuất phục được quân, dân Việt Nam và bị thiệt hại nặng nề trên bầu trời Hà Nội, bị dư luận quốc tế và trong nước phản đối mạnh mẽ, Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải chấm dứt ném bom quay lại bàn đàm phán và đồng ý ký kết Hiệp định Paris theo phương án đã được hai bên thống nhất.

Thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Paris là thắng lợi của trí tuệ, chính nghĩa và là thắng lợi của một dân tộc anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng có đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo; biết phát huy sức mạnh tổng hợp, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. Trong thắng lợi đó, có đóng góp rất quan trọng của đồng chí Lê Đức Thọ với vai trò là Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, trực tiếp đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Bốn là, đồng chí Lê Đức Thọ trực tiếp tham gia chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Là đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân 1975 và trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đồng chí đã có ý kiến hết sức quan trọng vào chủ trương chiến lược của Đảng về cuộc quyết chiến chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt là quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về trận mở màn của chiến dịch. Trong lúc ý định đánh Buôn Ma Thuột chưa được xác định rõ ràng trong kế hoạch tác chiến, đồng chí Lê Đức Thọ tham gia ý kiến với Thường trực Quân ủy là nhất quyết phải đánh Buôn Ma Thuột. Tại cuộc họp, Đồng chí phát biểu: “Phải đặt vấn đề dứt khoát là giải phóng Buôn Ma Thuột. Ta có gần 5 sư đoàn ở Tây Nguyên mà không đánh được Buôn Ma Thuột là thế nào?”3. Từ ý kiến chỉ đạo của Đồng chí, ý định đánh Buôn Ma Thuột mở màn cho đòn tiến công chiến lược Xuân 1975 mới thực sự rõ nét. Đồng chí đề nghị Bộ Chính trị cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng vào chiến trường Tây Nguyên để trực tiếp chỉ đạo nhằm bảo đảm chắc thắng cho trận quyết chiến này. Trong phiên họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương bàn về mở chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 18/3/1975), đồng chí Lê Đức Thọ đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó “khẳng định sự suy sụp của quân ngụy trên chiến trường là rất cơ bản vì không còn quân Mỹ là chỗ dựa. Những khó khăn của Mỹ vượt ngoài suy nghĩ của ta. Chúng không còn khả năng can thiệp trở lại. Thời cơ đã đến, ta dự kiến địch sẽ co cụm và thực tế chúng đã sớm co cụm. Ta cần phải đánh ngay trong lúc địch co cụm. Địch co về giữ đường chiến lược cùng các căn cứ chiến lược bờ biển và đồng bằng. Ta phá trên hai mặt trận: tiến công của chủ lực và đòn nông thôn đồng bằng, phá bằng bao vây, chia cắt và tiêu diệt. Vấn đề quan trọng của ta là công tác tổ chức, hậu cần và cán bộ”4.

Từ đánh giá tình hình địch - ta và ý kiến tham gia của đồng chí Lê Đức Thọ, tại phiên họp này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhất trí hạ quyết tâm thay đổi kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm, xuống còn một năm - ngay trong năm 1975; xác định phương hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn và trước mắt cần phải tiêu diệt ngay Quân khu 1 của địch. Trên thực tế, cuộc tiến công chiến lược đã chuyển thành cuộc Tổng tiến công chiến lược. Tại phiên họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ngày 25/3/1975, đồng chí Lê Đức Thọ nhấn mạnh: “phải làm cho Tây Nguyên, Đà Nẵng và Sài Gòn là ba đòn liên tiếp không đầy một năm. Cuộc Tổng tiến công bắt đầu từ Tây Nguyên và kết thúc với Sài Gòn. Sau Đà Nẵng ta còn hai quân đoàn dự bị, đạn còn nhiều, vận chuyển nhanh. Phải bắt đầu Sài Gòn từ bây giờ”5. Bộ Chính trị nhận định thời cơ chiến lược đã tới, cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, có thể giành thắng lợi sớm hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra, phải lợi dụng mấy tháng thời tiết còn tốt, kéo dài sẽ không có lợi. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị xác định quyết tâm: nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.

Sau khi Bộ Chính trị thống nhất phương án mở chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lần thứ ba trong 30 năm chiến tranh giải phóng của dân tộc ta (1945 - 1975), đồng chí Lê Đức Thọ vào miền Nam, thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc Tổng tiến công. Tại đây, Đồng chí đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Trung ương giao cho Đảng bộ miền Nam, toàn thể các lực lượng vũ trang của ta hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Quân đoàn là lực lượng mạnh, đánh hiệp đồng binh chủng lớn, có trang bị hiện đại, lại có sự phối hợp của các lực lượng tại chỗ, có sự yểm trợ của các binh chủng, quân chủng khác, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ta đánh Sài Gòn lúc địch đang ở thế tan rã, không còn ở thế mạnh, nhưng đây là sào huyệt cuối cùng của chúng. Chúng không có đường chạy sẽ cụm lại để đối phó. Chúng có 5 sư đoàn, ta có 15 sư đoàn, chưa kể các lực lượng dự bị chiến lược khác. Như vậy chỉ cho phép ta đánh thắng”6 và “Phải thắng, thắng mới về”. Đồng chí yêu cầu phải đánh giá chính xác tình hình địch - ta làm cơ sở để quán triệt nhiệm vụ, xác định quyết tâm chiến đấu, tổ chức lực lượng, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, phương tiện, phát huy vai trò lực lượng vũ trang địa phương, sự nổi dậy của quần chúng,… đối với cuộc quyết chiến chiến lược. Với đường hướng chỉ đạo đúng đắn, quyết tâm chiến lược cao, tinh thần “ra đi thắng lợi mới trở về”, thực tiễn trên chiến trường diễn ra đúng theo nhận định của Bộ Chính trị. Ta đã giải phóng Tây Nguyên, rồi lần lượt Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Nam Trung Bộ, tiến đến giải phóng Sài Gòn - Gia Định, làm nên thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thực hiện trọn vẹn mong ước của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của cả dân tộc.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem hết tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Đồng chí là nhà lãnh đạo tài năng của Đảng với những phẩm chất nổi bật về tư duy chiến lược là sự kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo đường lối với chỉ đạo và tổ chức cụ thể; giữa tính kiên định về nguyên tắc với tính sáng tạo và tinh thần đổi mới trong hành động; giữa lý luận với thực tiễn; giữa lời nói và việc làm. Đồng chí không chỉ xuất sắc trong chỉ đạo công tác tổ chức, cán bộ, ngoại giao mà còn có tầm chỉ đạo chiến lược về mặt quân sự sắc bén, quyết đoán và sáng tạo; xứng đáng là “một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Vận dụng những đóng góp của đồng chí Lê Đức Thọ về công tác quân sự có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần được nghiên cứu, học tập trong điều kiện mới. Tấm gương về lòng trung thành tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần, kiệm, liêm, chính và tình thương đối với cán bộ của đồng chí Lê Đức Thọ được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu thương và kính trọng.

Trung tướng TRỊNH VĂN QUYẾT, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
__________________

1 - Văn kiện Ðảng - Toàn tập, tập 20, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 62.

2 - Bộ Ngoại giao - Cuộc đàm phán lịch sử, Nxb CTQG, H. 2008, tr. 79.

3 - Lê Đức Thọ - Người Cộng sản kiên cường, Nhà lãnh đạo tài năng, Nxb CTQG, H. 2011.

4 - Sđd, tr. 657. 

5 - Sđd, tr. 658.

6 - Sđd, tr. 660.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024

Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024

Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024

Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024

Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024

Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024

Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024

Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực quân sự là vấn đề chiến lược và hệ trọng; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân là nòng cốt.