QPTD -Thứ Hai, 22/01/2018, 14:34 (GMT+7)
Nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

“Vừa đánh, vừa đàm” là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là nghệ thuật kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, tạo sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù xâm lược trên cả chiến trường và tại bàn đàm phán.

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Lý Thường Kiệt là người đầu tiên đưa ra vấn đề kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao. Quan điểm chỉ đạo chiến tranh đó đã vượt ra ngoài khuôn khổ của cuộc đấu tranh vũ trang thuần túy, được thể hiện rõ nét khi quân ta đang đại thắng, để giảm bớt tổn thất cho hai bên, Ông chủ động thương lượng với quân Tống trên thế thắng, buộc chúng phải rút quân (năm 1077), trả lại toàn bộ đất đai cho Đại Việt. Nghệ thuật đó được phát triển hơn trong khởi nghĩa Lam Sơn. Lúc khó khăn, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã giả hòa với địch để có điều kiện phát triển lực lượng. Khi quân ta liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường, quân Minh đứng trước sự thất bại hoàn toàn, qua đàm phán, Nghĩa quân đã buộc địch đầu hàng vô điều kiện, rút quân về nước (năm 1427) và “thề” không sang xâm lược nước ta nữa. Đây được coi là “Bản hiệp định đình chiến” đầu tiên trong Lịch sử Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng về “đánh” và “đàm”. Tuy nhiên, nghệ thuật này khi đó mới dừng lại ở phạm vi giữa hai quân đội đối địch.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, nghệ thuật “đánh” và “đàm” đã phát triển, mở rộng lên tầm quốc gia, dân tộc và quốc tế. Trong kháng chiến chống Pháp, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân Pháp bị thất bại, Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật “đánh” và “đàm” được phát triển lên đỉnh cao, trở thành hoạt động song hành - “vừa đánh, vừa đàm”; “đánh” tạo thế cho “đàm”, “đàm” khích lệ để tiếp tục “đánh”. Nghệ thuật đó được tiến hành một cách chủ động trong suốt cuộc chiến tranh và kết hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng, khôn khéo, đồng thời cũng vô cùng quyết liệt; tạo sức mạnh tổng hợp to lớn đánh bại đội quân “lắm súng nhiều tiền” Mỹ cùng đồng minh của chúng trên chiến trường và tại bàn đàm phán.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc, tại miền Nam, đế quốc Mỹ đã vội vàng dựng lên Chính quyền Bù nhìn Ngô Đình Diệm để thực hiện ý đồ đen tối của mình. Mỹ đã viện trợ và hỗ trợ cho ngụy quyền Sài Gòn thẳng tay đàn áp, khủng bố những người yêu nước. Các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” liên tục được diễn ra trên toàn miền Nam; đặc biệt, đạo luật phát xít - Luật 10/59 đã giết hại hàng loạt người dân vô tội. Cùng với đó, Mỹ không ngừng tăng viện trợ, đưa cố vấn quân sự sang với ý đồ bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Trước tình hình đó, Đảng ta đã khẳng định: đánh đổ chế độ Mỹ Ngụy, giải phóng miền Nam là nhiệm vụ chung, vì lợi ích và yêu cầu của nhân dân cả nước. Thực hiện chủ trương này, một mặt ta phát triển mạnh mẽ cách mạng miền Nam; mặt khác, đẩy mạnh mặt trận ngoại giao để đấu tranh với địch. Theo đó, hoạt động đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang được đẩy mạnh, phong trào Đồng khởi ở nông thôn đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đòi dân chủ, hòa bình ở Sài Gòn và các thành phố lớn. Đặc biệt, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã đoàn kết các tầng lớp nhân dân, giai cấp, dân tộc, đảng phái,… để đấu tranh với ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn. Trên mặt trận ngoại giao, ta gửi công hàm tới Ủy Ban Quốc tế để tố cáo những hành động vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ của Mỹ Ngụy, tuyên bố Mỹ can thiệp và xâm lược miền Nam Việt Nam, đồng thời tăng cường vận động dư luận trong và ngoài nước,… ủng hộ Việt Nam. Các hoạt động đó đã làm dư luận cực lực phản đối, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Ủy ban Đoàn kết Á Phi, Hội đồng Hòa bình thế giới, Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế nhiều lần đòi Mỹ chấm dứt can thiệp quân sự ở miền Nam.   

Như vậy, ngay từ đầu cuộc chiến tranh, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, phát huy được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh to lớn cho cuộc kháng chiến. Nhưng với bản chất hiếu chiến, đế quốc Mỹ tiến hành bước leo thang mới, mở rộng chiến tranh ra cả nước ta. Đầu năm 1965, chúng đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, đưa quân viễn chinh Mỹ và đồng minh vào miền Nam, thực hiện các chiến lược: “tìm diệt”, “bình định”, v.v. Trước tình hình đó, Đảng ta khẳng định: “Chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi trên bàn đàm phán những gì mà chúng ta giành được trên chiến trường1. Trên cơ sở phân tích một cách khoa học, với tầm nhìn chiến lược, Bộ Thống soái đã chủ động tổ chức những đòn đánh quân sự, từng bước tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, đẩy chúng vào thế bị động, buộc phải xuống thang chiến tranh và chấp nhận đàn phán. Thực tiễn đã chứng minh, bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, biết tập trung lực lượng hơn hẳn địch trên từng hướng chiến lược, từng chiến dịch, tại chiến trường chính miền Nam, quân và dân ta liên tiếp giáng cho Mỹ hai đòn thảm bại trong mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967. Trên chiến trường miền Bắc, chỉ tính từ ngày 07-02-1965 đến ngày 01-11-1968 ta đã bắn rơi 3.243 máy bay Mỹ. Đặc biệt, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - cú “sét vang trời” làm chấn động toàn cầu, giới cầm quyền Mỹ choáng váng.

Thắng lợi đó đã tạo bước đột biến cho cuộc chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra) và chấp nhận đàm phán. Theo đó, ngày 13-5-1968, Hội nghị bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Pa-ri. Bằng lập trường đấu tranh cương quyết, có lý, có tình ta đã buộc Hoa Kỳ phải chấp nhận đại diện chính thức của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán. Mặt trận đã liên tục tiến công thông qua việc đưa ra lập trường năm điểm (được xem như một tuyên bố chính trị), bốn tháng sau lại đưa ra giải pháp mười điểm về vấn đề miền Nam Việt Nam đòi Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam. Để tạo áp lực trên bàn đàm phán, Hoa Kỳ gia tăng viện trợ quân sự cho chính quyền ngụy, đẩy mạnh chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” - lấy sức mạnh của súng đạn để buộc ta phải chấp nhận những điều khoản do chúng đưa ra. Để đáp lại, tại chiến trường, mặc dù bị tổn thất trong năm 1968, nhưng với sự nỗ lực của toàn dân tộc, thế và lực của cách mạng miền Nam từng bước được phục hồi, thậm chí cả vào những thời đoạn khó khăn, hiểm nghèo nhất (1969 - 1970) quân và dân ta vẫn tiến hành các chiến dịch, như: Đắc Tô 2, Long Khánh, Búp Răng - Đức Lập, Phước Bình - Bù Đốp,… gây cho chúng nhiều thiệt hại. Đặc biệt, năm 1971, tại Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, ta đánh bại cuộc Hành quân Lam Sơn 719 - con át chủ bài trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Thắng lợi về quân sự đó tiếp tục hậu thuẫn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra các giải pháp: Tám điểm (ngày 14-9-1970), Bảy điểm (ngày 01-7-1971) và sau đó là Hai điểm nói rõ thêm trong Giải pháp Bảy điểm, nhằm khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là: Mỹ phải rút toàn bộ quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam, thành lập ở miền Nam Việt Nam một chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần để tiến tới tổng tuyển cử.

Thắng lợi trên chiến trường cùng với thiện chí của ta trên bàn đàm phán đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Phong trào phản đối, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, ngày càng lan rộng trên toàn thế giới. Không thể làm ngơ trước sức ép dư luận gia tăng mỗi ngày, Mỹ phải từ bỏ yêu sách đòi ta rút quân khỏi miền Nam và chấp nhận: từ tháng 7-1970 sẽ rút dần quân chiến đấu Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam. Như vậy, đấu tranh ngoại giao không chỉ là khuyếch trương thắng lợi trên chiến trường, củng cố ý chí, niềm tin cho nhân dân và bạn bè quốc tế, mà còn lay động mạnh mẽ đến tinh thần, ý chí xâm lược của Mỹ. Nắm chắc thời cơ thuận lợi đó, để tạo nên thắng lợi quyết định, năm 1972 ta mở nhiều chiến dịch lớn: Trị - Thiên, Nguyễn Huệ, Bắc Tây Nguyên, Bắc Bình Định, v.v. Kết quả, ta giành thắng lợi to lớn, loại khỏi vòng chiến đấu gần 20 vạn sinh lực cùng một số lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại của địch; giải phóng một vùng rộng lớn, liên hoàn từ Trị - Thiên, Khu 5 vào đến Đồng bằng sông Cửu Long; làm thay đổi so sánh lực lượng, tạo ra yếu tố đủ cả về thế, thời và lực để kết thúc chiến tranh.

Phát huy chiến quả trên mặt trận quân sự, ta xác định: mặt trận ngoại giao lúc này có ảnh hưởng rất lớn tới kết quả chiến cục năm 1972 cũng như toàn bộ cuộc chiến tranh nên đã đẩy mạnh thành “cuộc chiến không tiếng súng”. Ngày 08-10-1972, phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đưa cho phía Mỹ bản Dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Trên thế mạnh áp đảo, ta đã buộc phía Mỹ phải thừa nhận: văn bản của Hiệp định bây giờ có thể xem như đã hoàn thành và thỏa thuận đến ngày 31-10-1972 sẽ ký. Như vậy, quan hệ tương hỗ với nhau giữa quân sự và ngoại giao một lần nữa thể hiện đậm nét nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm” của ta ở chính giai đoạn cuối của đàm phán, đi những nước cờ quyết định.

Nét đặc sắc của nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm” còn được tiến hành một cách kiên quyết khi Mỹ lật lọng tại bàn đàm phán để dùng “miếng võ” cuối cùng là đánh đòn tập kích đường không chiến lược cuối năm 1972, hòng hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận, nhằm cứu vãn tình thế và cũng là ép ta bằng sức mạnh quân sự trên bàn đàm phán. Bằng tất cả tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường và trí tuệ sáng tạo, quân và dân Thủ đô đã lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội”, gây chấn động tinh thần giới cầm quyền Nhà Trắng; làm xao động nước Mỹ và thế giới. Không thể chịu đựng hơn được nữa, ngày 29-12-1972, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom phía Bắc vĩ tuyến 20, chấp nhận đàm phán với ta và chính thức ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-01-1973. Sách lược “vừa đánh, vừa đàm” của ta đã thành công.

Tuy vậy, Mỹ vẫn mưu toan duy trì chế độ tay sai ở miền Nam, viện trợ cho quân đội ngụy liên tục tiến hành các hoạt động đánh chiếm, mở rộng vùng lấn chiếm, đóng thêm đồn bốt, v.v. Với ta, theo phương châm giương cao ngọn cờ độc lập, hòa bình, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định (ngừng bắn, trao trả tù binh,…), đồng thời liên tục đấu tranh vạch ra những vi phạm của Mỹ ngụy trên trường quốc tế, đòi chúng phải thực hiện Hiệp định. Nhưng, chúng vẫn ngoan cố, tiếp tục lấn chiếm, bình định, khủng bố nhân dân. Vì vậy, không còn con đường nào khác là phải tiêu diệt ngụy quân, xóa bỏ ngụy quyền, giải phóng miền Nam. Bằng sức mạnh tổng hợp của cả nước ta liên tục tổ chức những chiến dịch quân sự lớn, phá tan từng mảng trong hệ thống Chính quyền Sài Gòn, tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy vào mùa Xuân năm 1975, đập tan chế độ ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong quá trình đó, để hỗ trợ cho mặt trận quân sự, trên mặt trận ngoại giao ta tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc,… và của nhân dân thế giới trong đó có nhân dân Mỹ, gây sức ép về dư luận, buộc Mỹ không dám dính líu trở lại Việt Nam, cô lập ngụy, tạo điều kiện thuận lợi cho các đòn đánh quân sự giành thắng lợi quyết định.

Như vậy, nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được tiến hành một cách chủ động, sáng tạo; đồng thời, yếu tố “đánh” và “đàm” được kết hợp rất chặt chẽ, nhuần nhuyễn trong từng giai đoạn của cuộc chiến tranh, trên từng mặt trận, hỗ trợ; tác động lẫn nhau tạo nên sức mạnh to lớn đánh thắng kẻ thù. Nghệ thuật độc đáo đó cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng linh hoạt vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới./.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN HUY THỤC, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
________
___________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 28, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 174.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết