QPTD -Thứ Năm, 21/12/2017, 14:22 (GMT+7)
Ngành Y tế trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và bài học kinh nghiệm về bảo đảm y tế trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Bản hùng ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12-1972) là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh, ý chí, nghị lực, trí tuệ Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành ở Trung ương, địa phương, ngành Y tế đã phát huy tinh thần vượt khó, góp phần quan trọng cùng quân dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ và để lại nhiều bài học kinh nghiệm về bảo đảm y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội III của Đảng, đưa “... miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam”, ngành Y tế đã tích cực, chủ động xây dựng về mọi mặt và có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiệm vụ trọng tâm của Ngành là bảo đảm y tế cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tại miền Bắc, cùng với sự ra đời, phát triển mạng lưới trạm y tế hộ sinh xã, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, hệ thống các đơn vị y tế Trung ương được hình thành và phát triển. Tuy nhiên, Ngành còn rất nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị và kỹ thuật điều trị, cấp cứu thương binh, bệnh binh và nạn nhân trong thời chiến, cũng như khi gặp thảm họa về y tế.

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhằm hủy diệt Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam, gây sức ép với ta trên bàn Hội nghị Pa-ri, cao điểm nhất là trong 12 ngày đêm, từ 18 đến 29-12-1972, địch đã sử dụng gần 2.200 lần chiếc máy bay, gồm gần 500 lần chiếc máy bay chiến lược B.52, gần 1.700 lần chiếc máy bay chiến thuật. Riêng khu vực Hà Nội và lân cận, địch đã dùng 1.448 lần chiếc đánh phá có tính hủy diệt từng vùng rộng lớn, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, khả năng tự vệ chiến đấu của nhân dân ta và những nơi tập trung đông dân cư nhằm uy hiếp ý chí chiến đấu của quân dân Hà Nội. Các cơ sở y tế quan trọng của Thủ đô Hà Nội, như các bệnh viện: Bạch Mai, Thanh Trì, Đông Anh, Hai Bà Trưng,... và 02 trạm lao: Thanh Trì, Đông Anh, 05 cửa hàng dược phẩm của khu phố và huyện, 03 trạm y tế tiểu khu, 15 trạm y tế hộ sinh xã, 02 phòng y tế và khu tập thể công nhân viên chức,... bị tàn phá nghiêm trọng. Việc chúng đánh phá tập trung, cấp tập, với nhiều loại bom đạn mang tính sát thương cao, chủ yếu vào ban đêm, trong hoàn cảnh thời tiết giá lạnh, làm cho công tác giải quyết hậu quả vốn đã khó khăn, phức tạp, lại càng thêm khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của ngành Y tế trong tổ chức vận chuyển, cấp cứu bộ đội và nhân dân bị bom Mỹ sát thương.

Bệnh viện Bạch Mai bị tàn phá ngày 22-12-1972. Ảnh tư liệu

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình đó, quân và dân miền Bắc nói chung, ngành Y tế nói riêng đã tập trung chuyển hướng hoạt động sang thời chiến. Các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô Hà Nội triệt để sơ tán về các vùng nông thôn để vừa bảo toàn lực lượng, vừa củng cố tổ chức, xây dựng phương thức huy động sức người, sức của phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, Thủ đô Hà Nội và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ngay từ tháng 10-1972, các tổ chức y tế của Ngành và y tế Quân đội trong khu vực nội thành, ngoại thành Hà Nội đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc chống địch tiến hành tập kích đường không chiến lược vào Thủ đô Hà Nội và phụ cận. Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Cục Quân y và một số cơ sở quân y tại nội thành, ngoại thành Hà Nội lập phương án kết hợp quân - dân y trên tinh thần phân chia khu vực bảo đảm cứu chữa, vận chuyển thương binh, nạn nhân chiến tranh. Về lực lượng y tế xung kích tham gia cấp cứu, vận chuyển nạn nhân, phần lớn là y tá khối phố và hợp tác xã, cứu thương viên, hội viên chữ thập đỏ; các đội cấp cứu cơ động tuyến 2 của các trạm y tế tiểu khu và xã, các bệnh viện, phòng y tế khu, huyện, y tế các cơ quan, xí nghiệp, y tế Quân đội; học sinh, sinh viên của Trường Trung học Y tế và Trường Đại học Y khoa, với 117 đội cơ động cấp cứu (105 đội của y tế nhân dân, 12 đội của y tế Quân đội) từ tuyến 2 xuống tuyến 1 phục vụ các nạn nhân ngay tại hiện trường. Riêng trận địch đánh phá khu vực phố Khâm Thiên (đêm 26-12), ta đã huy động 16 đội, với 103 cán bộ, nhân viên y tế cơ sở và sinh viên phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế tuyến 1 để cấp cứu, chuyển thương các nạn nhân. Các khu phố nội thành thực hiện theo phương thức cấp cứu chi viện giữa các tiểu khu với nhau và cho các khu vực bạn; ở ngoại thành thì cấp cứu chi viện giữa các xã với nhau và giữa huyện với xã. Các đội cấp cứu tuyến 2 tĩnh tại ở một số trạm y tế xã và tiểu khu, v.v. Việc chuyển thương được tổ chức tương đối khoa học, hợp lý, tiến hành nhanh gọn, tận dụng được các đội xe xích lô, xe ô tô Quân đội, xe của các cơ quan, v.v. Việc tìm kiếm nạn nhân, đào bới cứu sập được tổ chức và triển khai khẩn trương, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thô sơ và cơ giới, sự chi viện của các địa phương lân cận, nắm vững sơ đồ hầm hào dựa vào người địa phương quen thuộc địa hình, có vật chuẩn làm mốc hoặc ở dưới hầm có còi thổi báo hiệu để dễ phát hiện, tìm kiếm nơi đã bị vùi lấp. Với việc tổ chức lực lượng, phân cấp khoa học, bằng bản lĩnh, trí tuệ, ý chí chiến đấu kiên cường, chủ động, sáng tạo, các lực lượng ngành Y tế luôn vững vàng trong xử trí cấp cứu nạn nhân khi địch đánh lớn; một số cơ sở y tế xã đã tự lực giải quyết khâu phân loại, chọn lọc, hồi sức chống sốc, truyền huyết thanh và giữ được phần lớn nạn nhân trong diện phân cấp điều trị tại xã.

Đặc thù của nạn nhân chiến tranh phá hoại là: số bệnh nhân chuyển đến bệnh viện có tỷ lệ cao (86%), nếu địch đánh phá dài ngày thì các bệnh viện sẽ quá tải, không đủ khả năng thu dung, cứu chữa; số lượng người bị thương có cả người lớn, trẻ em, bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong và nhân dân, nên việc bảo đảm cứu chữa hết sức khó khăn, cần quy định phạm vi cứu chữa phù hợp cho từng tuyến; tính chất vết thương phức tạp, chủ yếu là chấn thương và đa chấn thương, bệnh nhân nặng cần được cấp cứu hồi sức kịp thời (69%), nên cần phân loại, chọn lọc để chuyển thương và giải quyết hồi sức chống sốc trước. Trong khi chuyển thương, chú trọng cả về kỹ thuật cứu chữa và kỹ thuật vận chuyển. Thực tế cho thấy, việc chuyển thương, lúc đầu giải quyết một cách ồ ạt, thiếu phân loại, chọn lọc hoặc chưa được sơ cứu đã vận chuyển, chuyển bằng xe tải,... nạn nhân những trận địch đánh đêm phần lớn không có thương phiếu; kỹ thuật cấp cứu đầu tiên về cầm máu, cố định,... đã bộc lộ nhiều khuyết điểm trong săn sóc, cứu chữa ban đầu cho nạn nhân. Thời gian này, các cơ sở y tế đã tiến hành trên 600 ca mổ các loại về ngoại khoa và chuyên khoa; hàng nghìn nạn nhân được truyền dịch, truyền máu, v.v. Các bác sĩ, nhân viên y tế phải làm việc cật lực liên tục thâu đêm suốt sáng trong 12 ngày đêm liên tục.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực rất cao của ngành Y tế nói chung, của Thủ đô nói riêng và mỗi cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế nên các nạn nhân đều được chăm sóc, cứu chữa một cách tận tình, chu đáo. Hàng trăm nạn nhân vào viện được giải quyết nhanh gọn trong 6-8 giờ, sau đó bệnh viện lại khẩn trương chuẩn bị để có thể tiếp tục thu dung cứu chữa cho đợt tiếp theo. Toàn ngành Y tế, từ bác sĩ đến nhân viên, từ hội viên Chữ thập đỏ thông thường, một người dân qua đường đến các tổ cấp cứu tuyến 1, tuyến 2, hay các đội vận chuyển khiêng cáng, xe đạp, xích lô, ô tô,... đến các trạm xá, bệnh viện,... đã chiến đấu quên mình, tất cả vì thương binh, bệnh binh, nạn nhân chiến tranh, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trí tuệ, vượt qua những thử thách khốc liệt, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cứu chữa thương binh, bệnh binh, người bị thương, bị nạn trong suốt 12 ngày đêm địch đánh phá.

Nhiệm vụ bảo đảm cứu chữa thương binh, bệnh binh và nhân dân của ngành Y tế trong Chiến dịch phòng không năm 1972 đã thể hiện tinh thần “Lương y như từ mẫu” trong chiến tranh và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho việc bảo đảm y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội cùng bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Theo đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo đảm y tế thời bình; khi có tình huống khẩn cấp về y tế và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các cấp phải huy động mọi lực lượng, tham gia cứu chữa vận chuyển người bị thương, bao gồm: lực lượng y tế, các tổ chức xã hội: Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, v.v. Đặc biệt, phải thực hiện tốt việc kết hợp quân - dân y trong tổ chức cấp cứu, điều trị theo phương châm “tổ chức cấp cứu, vận chuyển, điều trị theo tuyến, theo khu vực và kết hợp quân - dân y”. Đây chính là quan điểm của Bác Hồ đối với công tác bảo đảm y tế, mà kết hợp quân - dân y là giải pháp hiệu quả trong thời bình và thời chiến. Đồng thời, cũng là sự cụ thể hóa đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng và kết hợp y tế với quốc phòng, quốc phòng với y tế để tăng cường sức mạnh phục vụ nhân dân, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, trong thảm họa, bão lụt thời bình và tạo tiềm lực to lớn, thiết thực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó cũng là nghệ thuật sử dụng lực lượng, phát huy sức mạnh của công tác kết hợp quân - dân y trong từng hướng chiến trường, từng chiến dịch của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Và như vậy, khái niệm “khu vực” trong tổ chức bảo đảm y tế, trong cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh và nhân dân gắn liền với lý luận về bảo đảm hậu cần theo Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VI) và Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, cũng như phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) trong xử trí các tình huống khẩn cấp. Thực tế cho thấy, ở miền Bắc, trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, việc tổ chức cứu chữa thương binh ở tuyến trước cơ bản do dân y bảo đảm, sau đó chuyển về các bệnh viện Quân đội hay dân sự điều trị theo tuyến, đảm bảo việc tổ chức cấp cứu được triển khai rộng khắp, kịp thời, hiệu quả, làm hạn chế tỷ lệ tử vong và tàn phế.

Thứ hai, công tác chuẩn bị phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, ngay từ thời bình. Một vấn đề vô cùng quan trọng trong giải quyết cấp cứu chiến thương hàng loạt là, muốn giảm thấp thương vong phải tổ chức huấn luyện kỹ thuật cấp cứu cho toàn dân - nội dung công tác y tế xã hội hàng đầu phải được coi trọng ngay từ thời bình. Việc tổ chức các kíp mổ, hồi sức của các bệnh viện phải luôn sẵn sàng cơ động chi viện cho tuyến trước hoặc đơn vị bạn. Các bệnh viện huyện làm nhiệm vụ tuyến 3, cố gắng thực hành tốt việc phẫu thuật tại chỗ, không chuyển về tuyến 4 để giảm áp lực cho khu vực nội thành. Thực tế cho thấy, trong 12 ngày đêm năm 1972, quân và dân Thủ đô không chỉ thành công trong việc đánh trả cuộc tập kích bằng B.52 của không quân Mỹ, mà cũng rất thành công trong việc cứu chữa vận chuyển người bị thương. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thành công trên là đã có sự chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo về mọi mặt của ngành Y tế. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch bảo đảm y tế năm đầu chiến tranh. Đồng thời, tổ chức diễn tập y tế trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, hoàn thành kế hoạch xây dựng các lực lượng y tế dự bị động viên, lực lượng tự vệ chuyên ngành y tế, biên soạn các tài liệu về địa lý quân sự địa phương, nâng cao chất lượng y tế trong tuyển quân, đưa nội dung huấn luyện y học quân sự vào chương trình giảng dạy chính khóa của các trường đại học ngành y dược, v.v.

Thứ ba, tiếp tục củng cố tổ chức y tế cơ động, trang thiết bị, nâng cao chất lượng huấn luyện, hội thao kỹ thuật, đảm bảo các tuyến sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra sự cố thương vong hàng loạt, giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tới sức khỏe. Tăng cường cán bộ, chú trọng phát triển ngoại khoa, đặc biệt là ngoại khoa dã chiến ở các bệnh viện; thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng các đơn vị y tế dự bị động viên theo chỉ tiêu được giao tại Quyết định 137/2005/QĐ-TTg, ngày 09-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng các tổ, đội cơ động y tế theo quy định tại Nghị định 129/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu huy động ngành Y tế khi có chiến tranh và tình huống khẩn cấp. Chú ý làm tốt công tác dự phòng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống, như: thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, khủng bố gây thương vong hàng loạt, hoặc tình huống chiến tranh địch tấn công bằng đường không với vũ khí hiện đại, công nghệ cao.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ y tế cấp xã tới bệnh viện Trung ương. Trong quá trình thực hiện, cần nghiên cứu triển khai các mô hình tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng nơi để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng thời, phát triển kỹ thuật y tế, ngoại khoa dã chiến bảo đảm khi có thiên tai, thảm họa, tạo tiềm lực vững mạnh về y tế trong khu vực phòng thủ, sẵn sàng đáp ứng cho các tình huống khẩn cấp về y tế.

Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội năm 1972, ngành Y tế đã nỗ lực, vượt qua khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ nhân dân và bộ đội trong mọi tình huống; đóng góp to lớn vào chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của dân tộc. Dù trong hoàn cảnh nào, y tế nhân dân và quân y cũng luôn sát cánh bên nhau thực hiện nhiệm vụ cứu chữa, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội; trong đó, kết hợp quân - dân y là phương châm và nền tảng để phát triển các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác bảo đảm y tế quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PGS,TS, Thầy thuốc nhân dân NGUYỄN THỊ KIM TIẾN, Bộ trưởng Bộ Y tế

Ý kiến bạn đọc (0)

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết