QPTD -Thứ Hai, 25/12/2017, 09:10 (GMT+7)
Nam Bộ chia lửa cùng quân dân miền Bắc trong Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972

Cuối năm 1972, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược ra miền Bắc với tính chất hủy diệt, hòng xoay chuyển tình hình đang nguy cấp trên chiến trường và gây sức ép, buộc ta phải chấp nhận các điều khoản có lợi cho Mỹ tại Hội nghị Pa-ri.

Thực hiện mưu đồ đó, từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972, đế quốc Mỹ huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến, mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân với mật danh “Lai-nơ-Bếch-cơ II” vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc. Với tuyên bố sẽ đưa miền Bắc Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá”, chúng ném hơn 35 ngàn tấn bom, với sức công phá gấp nhiều lần quả bom nguyên tử đã ném xuống Hi-rô-si-ma (tháng 8-1945). Nhưng, sau 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng ác liệt, với ý chí quyết chiến, quyết thắng, quân và dân miền Bắc đã làm nên kỳ tích: bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52 - con “át chủ bài” của không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, nối lại Hội nghị Pa-ri.

Hành động ném bom hủy diệt tàn bạo của đế quốc Mỹ đã phá hủy nhiều khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở kinh tế, quốc phòng, gây thương vong cho hàng ngàn người, trong đó có nhiều người già, phụ nữ, trẻ em. Trước tình hình đó, ngày 21-12-1972, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phát đi tuyên bố trên Đài Phát thanh Giải phóng: “... Bọn xâm lược Mỹ đụng đến miền Bắc một, thì quân và dân miền Nam quyết giáng trả chúng gấp năm, gấp mười lần!”. Đài cũng truyền đi thư của Sài Gòn gửi Hà Nội: “Lửa miền Bắc khêu lửa miền Nam, lửa Hà Nội giục lửa Sài Gòn,…”. Trong những ngày chiến đấu ác liệt đó, quân và dân miền Nam ruột thịt đã “chia lửa” với đồng bào và chiến sĩ miền Bắc, đẩy mạnh tiến công trên khắp các chiến trường, nhiều mặt trận.

Những tháng cuối năm 1972 cho đến ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết, trên chiến trường Nam Bộ, ta và địch ở vào trạng thái giằng co quyết liệt. Tại chiến trường Đông Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Nguyễn Huệ1 chủ động mở đợt 3 Chiến dịch từ ngày 01-10-1972 đến ngày 19-01-1973, tiến công địch trên khu vực Đông tỉnh lộ 1 (Vĩnh Trường - Khánh Sơn - Phú Chánh) và khu vực tỉnh lộ 8 Phú Hoà Đông, giữ vững khu chốt chặn ở Tàu Ô, Xóm Ruộng trên quốc lộ 13, bao vây, cắt đứt thị xã Bình Long với các lực lượng chủ yếu của đối phương ở Chơn Thành, Lai Khê. Ngày 6-12, pháo binh ta tập kích sân bay Tân Sơn Nhất, phá huỷ 85 máy bay các loại, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 nhân viên kỹ thuật, phá hủy hai dãy kho chứa nhiên liệu. Ngày 13-12, đặc công ta đột kích khu kho dự trữ vũ khí chiến lược ở Thành Tuy Hạ, phá hủy 18.000 tấn bom, đạn pháo, v.v. Trong đợt chiến dịch này, ta đã loại khỏi chiến đấu hơn 13.000 địch, thu 282 xe quân sự (có 12 xe tăng, xe bọc thép), 45 khẩu pháo, bắn rơi và phá hủy hơn 400 máy bay; giải phóng một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu ở Tây Bắc Sài Gòn, làm thay đổi cục diện chiến trường miền Đông Nam Bộ. Tại các tỉnh: Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, Kiến Tường, Kiến Phong (nay thuộc tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp), ta đã mở hàng loạt chiến dịch tiến công tổng hợp. Kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị, phong trào quần chúng nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng. Tính đến cuối tháng 12-1972 ta chiếm được 27 xã, 22 ấp với 240.000 dân, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 34.000 tên địch, bắn rơi 60 máy bay,... phá tan từng mảng lớn hệ thống “ấp tân sinh”, bộ máy kìm kẹp của địch, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Cùng với các đòn đánh quân sự trên chiến trường, Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh đấu tranh chính trị, tích cực làm công tác dân vận, địch vận, vận động ngày càng nhiều các tầng lớp nhân dân từ đô thị đến nông thôn, từ công nhân, lao động, tiểu thương, sinh viên học sinh, trí thức, đến nhà tu hành, tư sản dân tộc,... tham gia các cuộc đấu tranh phản đối chiến tranh, đòi hòa bình, độc lập, dân chủ, dân sinh. Đài Phát thanh Giải phóng, Báo Quân giải phóng, cùng với cán bộ tuyên truyền trực tiếp, kịp thời đưa đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng đến cán bộ, chiến sĩ và mọi tầng lớp nhân dân; vạch trần âm mưu, thủ đoạn, tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai; liên tục đưa tin chiến thắng của ta trên các chiến trường, bắn rơi nhiều máy bay B-52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng,… động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Bất chấp luật kiểm duyệt của chính quyền Sài Gòn, các tờ báo tiến bộ, như: Tin Sáng, Điện Tín, Sinh Viên (Tổng hội sinh viên Sài Gòn), Văn Khoa, Nữ sinh viên (Đại học Văn khoa), tạp chí Đối diện,... vẫn kịp thời đưa tin, bài phản đối hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ; đặc biệt, khi chúng cho máy bay B-52 ném bom rải thảm hủy diệt phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai,... làm chết cả bệnh nhân, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em, làm dư luận trên thế giới bàng hoàng, nổi giận. Những hoạt động đó, ngay giữa lòng chính quyền Sài Gòn, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, mong mỏi cháy bỏng hòa bình, khát vọng thống nhất Tổ quốc của nhân dân miền Nam, đã góp phần làm thức tỉnh cả những người trong bộ máy chính quyền Sài Gòn và chính phủ, báo chí phương Tây. Dư luận nhiều nước gây áp lực để chính phủ của mình chính thức lên án cuộc ném bom, Tòa án Lương tri Quốc tế cũng được lập ra để xét xử các tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam; thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng tiến bộ trên thế giới phản đối cuộc chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, cổ vũ phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân ta. Ngay tại Mỹ, nhân dân và nhiều nghị sĩ tiến bộ cũng đòi Chính phủ chấm dứt ném bom ở miền Bắc Việt Nam.

Thắng lợi của 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, cùng với thắng lợi trên chiến trường cả nước đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân về nước, làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh, mở ra thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là thắng lợi của đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Để tiếp tục vận dụng tư tưởng, đường lối đó vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lực lượng vũ trang Quân khu cần tiếp tục thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của toàn dân, do đó phải được đa số lực lượng quần chúng nhân dân tham gia, tiến hành dưới nhiều hình thức với tinh thần tích cực, chủ động, tự giác. Cấp ủy, cơ quan quân sự các cấp cần đề cao trách nhiệm, chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi tầng lớp nhân dân nắm được tư tưởng, nội dung, sự cấp thiết và biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân để chuẩn bị mọi mặt cho chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra). Đồng thời, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, củng cố niềm tin, tình cảm gắn bó với chế độ, với Đảng, với Nhà nước, v.v. Qua đó, chuyển hóa sâu sắc thành nhận thức, tình cảm, ý chí và hành động của mỗi người, tạo động lực chính trị - tinh thần to lớn của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò “đội quân công tác”, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác dân vận. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo. Kịp thời, nhạy bén đấu tranh, vạch trần những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị tại địa phương, nâng cao chất lượng lãnh đạo chi bộ quân sự, nắm tình hình địa bàn, phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, không để trở thành “điểm nóng” ngay tại cơ sở. Phối hợp với chính quyền địa phương, tham gia giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn; phòng, chống tội phạm, xây dựng địa bàn an toàn, v.v. Qua đó, tăng cường mối đoàn kết máu thịt quân - dân, củng cố niềm tin yêu của nhân dân đối với Quân đội, với Đảng, với Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Hai là, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng và các nghị quyết, chỉ thị của trên về xây dựng khu vực phòng thủ; trong đó, tập trung vào Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh trên địa bàn và thành phố Hồ Chí Minh chủ động tham mưu cho cấp ủy, ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, gắn kết chặt chẽ trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu và cả nước. Trong đó, tập trung vào xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Quân khu phối hợp với các địa phương trên địa bàn rà soát, thẩm định các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo chức năng, đúng quy hoạch tổng thể về bố trí thế trận quốc phòng và an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng quy hoạch hệ thống hạ tầng cơ sở, như: các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm, tuyến dân cư, hệ thống giao thông, đường tuần tra biên giới, nhất là phát triển các khu kinh tế - quốc phòng trên hướng phòng thủ chủ yếu, địa bàn trọng điểm. Các đơn vị kinh tế - quốc phòng Quân khu đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa theo đúng chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, để cùng với tăng cường tiềm lực quốc phòng còn phát huy hiệu quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, nơi “phên giậu” của Tổ quốc. Trong xây dựng thế trận quân sự, triển khai xây dựng các công trình quốc phòng đúng tiến độ và kế hoạch, như: căn cứ chiến đấu, sở chỉ huy, các công trình phòng thủ, chốt chiến dịch,... hình thành thế trận liên hoàn, vững chắc giữa các khu vực, địa phương, các cấp, đúng theo lộ trình. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các ngành tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự, công an và các cơ quan chức năng làm tham mưu”, nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.

Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao. Để tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc giành thắng lợi, phải sử dụng tổng hợp các biện pháp: quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao,... đặc biệt là chuẩn bị sẵn sàng về quân sự; trong đó, phải xây dựng một quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm nòng cốt. Thấu suốt tinh thần đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn. Trước hết là vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Theo đó, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị cơ sở trong giai đoạn mới”. Trong đó, tập trung giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống, tinh thần yêu nước; giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái và hoạt động chống phá của thế lực thù địch trên địa bàn. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng. Đảm bảo cho lực lượng vũ trang Quân khu luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; chủ động phòng ngừa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cùng với đó, kiện toàn tổ chức, biên chế các cơ quan, đơn vị theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, cân đối giữa các thành phần, lực lượng. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng hùng hậu, có chất lượng tổng hợp, trước hết là chất lượng chính trị và tỷ lệ chuyên nghiệp quân sự cao, được tổ chức quản lý chặt chẽ, đáp ứng tốt yêu cầu động viên khi có lệnh. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, đảm bảo chất lượng, có số lượng và tỷ lệ hợp lý. Trong đó, coi trọng tổ chức dân quân tự vệ biển, tự vệ phòng không và tự vệ ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, gắn huấn luyện, diễn tập với thực hiện các phương án tác chiến trên địa bàn; nhất là các phương án phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng thủ dân sự trong khu vực phòng thủ. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, nâng cao khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của lực vũ trang Quân khu.

Nam Bộ chia lửa với quân và dân miền Bắc đã góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - một trong những kỳ tích của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những bài học kinh nghiệm về phát huy tinh thần đoàn kết và ý chí, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc trong những ngày đó vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Trung tướng, ThS. PHẠM VĂN DỸ, Chính ủy Quân khu 7
_____________

1 - Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra từ 01-4-1972 đến 19-01-1973, chọn quốc lộ 13 là hướng tiến công chủ yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch trên hướng Bắc Sài Gòn, giải phóng khu vực Bình Long, Phước Long và một số vùng đệm ở Tây Ninh và Bình Dương, tạo thế đứng chân đưa chủ lực Miền từ ngoài biên giới về Nam Bộ, phối hợp với hướng tiến công chủ yếu ở Trị Thiên trong hàng loạt chiến dịch tiến công năm 1972.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết