QPTD -Thứ Tư, 14/12/2016, 07:56 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ trong những ngày toàn quốc kháng chiến

Cách đây tròn 70 năm, ngày 19-12-1946, đáp lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với toàn quân, toàn dân ta, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã nhất tề đứng lên cầm vũ khí tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Sự kiện lịch sử đó mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân miền Đông gian lao mà anh dũng.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ phát biểu tại Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến. (Ảnh: qdnd.vn)

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, quán triệt tư tưởng bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và đường lối cách mạng của Đảng ta về vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang, coi lực lượng vũ trang là bộ phận quan trọng của thực lực cách mạng, lực lượng chủ yếu tiến hành công cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy các cấp trên địa bàn miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trên cơ sở các đội thanh niên tiền phong, các đội tự vệ chiến đấu và các tổ chức vũ trang quần chúng được hình thành trong Cách mạng Tháng Tám. Đây là những đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên, làm cơ sở để mở rộng, phát triển thành lực lượng vũ trang ba thứ quân hùng hậu làm nòng cốt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Từ đây, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ khẩn trương bước vào giai đoạn mới của cách mạng, cùng quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 12-1946, Thường vụ Trung ương Đảng đã hai lần gửi thư, điện cho Xứ ủy Nam Bộ, nêu rõ chủ trương gấp rút chuẩn bị kháng chiến toàn quốc và nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Nam Bộ là không để cho Pháp đem hết tài sản chiếm được ở Nam Bộ ra đánh Trung, Bắc1. Đồng thời, chỉ thị cho Nam Bộ phải thực hiện một số công tác sau: “Tìm mọi cách uy hiếp thành phố Sài Gòn, phá hoại các kho tàng quân nhu, đạn dược, thuyền bè chuyên chở của địch; Kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị của quần chúng như bãi công, đình công, đòi quyền lợi kinh tế, đòi quyền tự do dân chủ, chống khủng bố, tẩy chay chính phủ bù nhìn; Tổ chức các đội xung phong cảm tử, tiễu trừ Việt gian, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; Bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng ở nông thôn, thành thị, bao gồm cơ quan hành chính bí mật và công khai; Đẩy mạnh công tác địch vận; Đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, đặc biệt chú ý vận động đồng bào theo đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên chúa…”2.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và đáp Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã đẩy mạnh chiến tranh du kích, giam chân, phân tán lực lượng địch, khiến chúng không dễ dàng tập trung quân đưa ra miền Bắc. Tại Sài Gòn, ngày 20-12-1946, 13 đội tự vệ thành và các đội cảm tử đồng loạt nổ súng, gây tiếng vang lớn trong Thành phố. Xứ ủy Nam Bộ họp hội nghị (mở rộng) quyết định mở một cuộc “tổng tiến công, khuấy rối, phong tỏa, phá hoại”. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, khắp Nam Bộ diễn ra những trận “kinh tế chiến”, “giao thông chiến”, đột kích vào Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, sân bay Tân Sơn Nhất và trên đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Chiến tranh du kích ở các vùng bị địch chiếm đóng đã phối hợp nhịp nhàng với những cuộc đình công, bãi khóa, bãi thị của công nhân, học sinh và nhân dân ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, gây cho giặc Pháp nhiều khó khăn và thiệt hại. Khắp các địa phương miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, các lực lượng vũ trang liên tiếp tấn công địch. Nhiều cơ sở hậu cần của địch, nhiều đồn điền cao su bị phá, nhiều đường giao thông bị đánh chặn và làm hư hỏng, làm cho giặc Pháp khó khăn trong tổ chức vận chuyển và cơ động lực lượng. Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 81, 82 tổ chức nhiều trận đánh ngăn chặn giao thông của địch trên quốc lộ 1, đường xe lửa Sài Gòn - Phan Thiết, đường số 11, đường xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt, phá hủy 1 đoàn tàu quân sự 20 toa của địch, tiêu diệt hơn 200 tên. Trung tuần tháng 1-1947, quân và dân 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận tập kích, gây rối các vị trí địch đóng ở Suối Ván, Lăng Ông, Đềpô xe lửa Tháp Chàm, Hòa Trinh, Phan Rí, Đồng Me, diệt hàng trăm tên địch.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, quân dân Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã chiến đấu anh dũng, góp phần đánh bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, giam chân gần 50.000 quân viễn chinh Pháp. Trung bình mỗi tháng, các địa phương đã tác chiến khoảng 300 trận. Năm 1946, trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ mới có 27 chi đội và một đơn vị tập trung thì đến cuối năm 1948, tổng số dân quân tự vệ trên chiến trường đã lên tới 270.593 người. Trong hoạt động quân sự, quân và dân ta đã sáng tạo, xây dựng thành công mô hình căn cứ địa kháng chiến ở bưng biền, trong rừng ngập mặn và địa hình rừng núi miền Đông Nam Bộ, cùng những cách đánh hiệu quả về giao thông chiến, về cường tập công đồn hoặc đánh địch bằng thủy lôi và hoạt động của các đội đặc công dưới nước, đánh du kích trong lòng địch, xây dựng những làng chiến đấu, giao thông hào và địa đạo độc đáo ở miền Đông Nam Bộ, v.v.

Kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 – 19-12-2016), chúng ta nhận thức rõ: Quá trình chỉ đạo Nam Bộ kháng chiến và tổ chức phong trào cả nước hướng về Nam Bộ, ủng hộ Nam Bộ kháng chiến là quá trình động viên, xây dựng quyết tâm kháng chiến và đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch và “Chỉ thị toàn dân kháng chiến” của Đảng ta thể hiện sâu sắc đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ. 70 năm đã qua, nhưng âm hưởng lời thề: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” vẫn còn vang vọng mãi trong mỗi chúng ta! Lời thề quyết tử ấy chính là ý chí độc lập, tự do, là khí phách của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Từ thực tiễn chiến đấu của những ngày toàn quốc kháng chiến, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ từ những chiến sĩ vệ quốc phát triển thành các chi đội, trung đoàn, liên trung đoàn và trung đoàn chủ lực; từ những nhóm nông dân, công nhân tự trang bị vũ khí thô sơ đến sự hình thành lực lượng vũ trang ba thứ quân mạnh mẽ và rộng khắp. Đó là quá trình đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh. Phát huy truyền thống và bài học quý đó, lực lượng vũ trang Quân khu được quan tâm xây dựng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, xứng đáng là đội quân tin cậy của Đảng và nhân dân. Từ chỗ còn bỡ ngỡ, thiếu kiến thức về quân sự, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã vừa chiến đấu vừa xây dựng, từng bước tích lũy kinh nghiệm và trang bị kiến thức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục chắc tay súng, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với cách mạng Cam-pu-chia, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.

Trong giai đoạn mới của cách mạng, cùng với quân và dân cả nước, lực lượng vũ trang Quân khu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, tiếp tục phát huy tinh thần “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, với truyền thống vẻ vang: “Trung thành vô hạn; chủ động sáng tạo; tự lực tự cường; đoàn kết quyết thắng”, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, sẵn sàng chiến đấu, kịp thời phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với mọi hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc biên giới, biển đảo, vùng đất, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa X), Chỉ thị 07/CT-BBT của Ban Bí thư Trung ương và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành trên địa bàn, phối hợp, tham mưu, đề xuất cho tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố) nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao hiệu quả xây dựng và tổ chức hoạt động của khu vực phòng thủ, đặc biệt là trong xử lý các tình huống liên quan đến quốc phòng - an ninh, đối ngoại, không để bị động, bất ngờ. Qua đó, góp phần vào cuộc đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng. Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa đảng ủy quân sự tỉnh (thành phố) với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ; đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và nhân dân; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng - an ninh vững mạnh trên địa bàn.

Hơn 70 năm qua, lực lượng vũ trang Quân khu 7 luôn thấu suốt, quán triệt, vận dụng thực hiện đúng đắn, linh hoạt đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để hoạch định chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể, sát hợp. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự. Chủ động, kịp thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, các hoạt động lôi kéo, kích động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, tiềm lực chính trị - tinh thần vững mạnh, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân - dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành vững chắc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng.

Phát huy tinh thần Toàn quốc kháng chiến, lực lượng vũ trang Quân khu 7 tiếp tục nỗ lực vươn lên, lập nhiều thành tích, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trên địa bàn trong tình hình mới.

Trung tướng, ThS. PHẠM VĂN DỸ, Chính ủy Quân khu 7

___________

1 - Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Tập I, Nxb QĐND, H. 2001, tr. 367.

2 - Sđd, tr. 367-368.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội "phải lấy chính trị làm gốc" - ý nghĩa và giá trị hiện thực
Quân đội ta “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang, trách nhiệm nặng nề là: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, thì việc xây dựng Quân đội thật trong sạch, thật vững mạnh, xứng đáng với danh xưng cao quý mà nhân dân trao tặng “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất thiết “phải lấy chính trị làm gốc”