QPTD -Thứ Hai, 22/01/2018, 08:00 (GMT+7)
Hiệp định Pa-ri 1973 - sự kiện khẳng định quyết tâm và tầm cao trí tuệ của ngoại giao Việt Nam

Ngày 27- 01-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Pa-ri) được ký kết. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta, đồng thời, khẳng định quyết tâm và tầm cao trí tuệ của ngoại giao Việt Nam.

Sức mạnh của “Quyết tâm chiến thắng”

Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, ngoại giao luôn được coi là một mặt trận quan trọng góp phần đánh thắng các thế lực ngoại xâm. Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là thời kỳ đàm phán ký kết Hiệp định Pa-ri, ngoại giao ta đã phát huy vai trò là một mặt trận quan trọng, chủ động và tích cực đóng góp vào kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Từ năm 1968 đến năm 1973, song hành với mặt trận quân sự và chính trị, ngoại giao Việt Nam đã mở “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Pa-ri”, với quyết tâm sắt đá đi tới chiến thắng, dù gặp vô vàn khó khăn. Đây là cuộc đối đầu quyết liệt nhất trong lịch sử thế kỷ XX, giữa Việt Nam - một dân tộc nhỏ bé với Mỹ - một cường quốc hàng đầu thế giới; giữa một nền ngoại giao Việt Nam non trẻ, đang bắt đầu quá trình xây dựng, phát triển với một nền ngoại giao Mỹ hùng hậu, có đội ngũ các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có kinh nghiệm hoạt động quốc tế và có nền tài chính dồi dào.

Trong khi đó, bối cảnh quốc tế đang có nhiều phức tạp. Sự đối đầu giữa hai siêu cường Liên Xô - Mỹ lúc “căng thẳng”, lúc “hoà hoãn” từ những toan tính về lợi ích quốc gia, khiến cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam bị tác động không nhỏ. Mỹ đã lợi dụng mâu thuẫn (ở một số mặt) giữa Liên Xô và Trung Quốc lúc đó để chia rẽ các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và hạn chế sự ủng hộ, chi viện của các nước này (chủ yếu là của Liên Xô và Trung Quốc) cho Việt Nam.

Trong bối cảnh và với tương quan lực lượng như vậy, ngày 13-5-1968, cuộc “đấu trí, đấu lý lẽ và đấu lực trên bàn đàm phán” tưởng như không cân sức tại Pa-ri bắt đầu. Trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định, dù có những thời điểm bế tắc, rơi vào tình trạng “hai người điếc nói chuyện với nhau”, nhưng các nhà ngoại giao của ta vẫn không nản chí, kiên trì đấu tranh và kiên quyết không nhượng bộ. Động lực chính giúp các nhà ngoại giao Việt Nam vượt qua mọi khó khăn và hoạt động tích cực chính là vì lợi ích tối cao của dân tộc; là niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta.

Từ giữa năm 1972, khi đàm phán trên bàn hội nghị căng thẳng, chính quyền Mỹ ráo riết thực hiện chính sách “ngoại giao con thoi”, tìm mọi cách thỏa hiệp với các nước lớn khác để cô lập Việt Nam, thực hiện đàm phán với ta trên thế mạnh, ép Việt Nam nhượng bộ và chấp nhận những đòi hỏi phi lý mà phía Mỹ đưa ra. Thậm chí, để phá thế bế tắc trên bàn đàm phán, từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972, Mỹ sử dụng máy bay B-52 ném 10 vạn tấn bom xuống các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trọng tâm là Hà Nội và Hải Phòng. Tuy nhiên, hành động thâm độc đó của phía Mỹ không đạt được kết quả mong muốn. Ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”. Đây là đòn quyết định buộc Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị được gặp đoàn đại biểu Việt Nam tại Pa-ri để đi đến ký kết Hiệp định, chấm dứt chiến tranh.

Quang cảnh Lễ ký kết Hiệp định Pa-ri ngày 27-01-1973 (Ảnh tư liệu)

Hiệp định Pa-ri được ký kết đã làm nức lòng nhân dân tiến bộ thế giới và khẳng định sức mạnh về quyết tâm chiến thắng của Đảng, của dân tộc Việt Nam nói chung và của các nhà ngoại giao Việt Nam nói riêng.

Tầm cao trí tuệ ngoại giao Việt Nam

Thắng lợi của Hiệp định Pa-ri 1973, trước hết, bắt nguồn từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, với những nỗ lực phi thường, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước của quân và dân ta trên các chiến trường. Bên cạnh đó, Hiệp định còn là kết tinh của tiến trình đấu tranh chủ động, sáng tạo và đầy bản lĩnh, trí tuệ của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Trước hết, đó là kết quả của việc kiên trì nguyên tắc "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Nguyên tắc này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ thời kỳ 1945 - 1946, được phái đoàn Việt Nam vận dụng một cách nhuần nhuyễn và linh hoạt trong suốt thời kỳ đàm phán tại Pa-ri. Trong đó, vấn đề “độc lập chủ quyền” và “toàn vẹn lãnh thổ” là nguyên tắc “bất biến”. Đế quốc Mỹ đưa quân xâm lược miền Nam Việt Nam thì Mỹ phải chấm dứt xâm lược, rút quân ra khỏi Việt Nam vô điều kiện là những yêu cầu ta kiên quyết đấu tranh trong suốt quá trình đàm phán, bất chấp những đe dọa, gây sức ép từ phía Mỹ cả trên lĩnh vực quân sự lẫn ngoại giao hoặc mua chuộc về kinh tế. Kiên trì về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược, đó chính là “ứng vạn biến”. Chúng ta đã linh hoạt chấp nhận tồn tại hai chính quyền, hai lực lượng quân đội ở miền Nam Việt Nam và đề cao nguyên tắc tự quyết. Đây là bước triển khai cụ thể của phương châm “đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “đánh cho ngụy nhào” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Hiệp định Pa-ri 1973 là kết quả của việc vừa giữ vững nguyên tắc, vừa linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược của ngoại giao Việt Nam.

Hiệp định Pa-ri 1973 là kết quả của việc vận dụng nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngay từ đầu, ngoại giao được Đảng ta xác định là một mặt trận song hành với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự, kết hợp chặt chẽ “vừa đánh, vừa đàm”. Một mặt, ngoại giao Việt Nam tích cực đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nhằm làm cho các nước xã hội chủ nghĩa hiểu và ủng hộ sách lược “đánh - đàm” của Việt Nam. Mặt khác, chúng ta luôn tự chủ và vững vàng tiếp tục chủ động thế “đánh - đàm” khi Mỹ tìm cách phá hoại, cố tình hạ thấp vai trò của Hội nghị Pa-ri, gây nên những bế tắc về ngoại giao. Trong suốt thời gian đàm phán tại Pa-ri, chúng ta luôn kịp thời phát huy thắng lợi, tranh thủ mọi cơ hội để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, bạn bè yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Đỉnh cao trong việc vận dụng thành công nghệ thuật “đánh - đàm” của ngoại giao Việt Nam được thể hiện ở thời điểm tháng 3-1972, khi Mỹ đơn phương “ngừng không thời hạn” hội nghị Pa-ri, ném bom trở lại miền Bắc với quy mô chưa từng có, nhằm buộc Việt Nam phải nhân nhượng. Tuy nhiên, Trung ương Đảng vẫn chủ trương duy trì Hội nghị Pa-ri với mục tiêu làm diễn đàn tuyên truyền để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế và kết hợp với chiến trường để đấu tranh với Mỹ về mặt ngoại giao. Quán triệt chỉ đạo này, tại Pa-ri, phái đoàn Việt Nam đã chủ động, tích cực đấu tranh, đòi phía Mỹ phải nối lại đàm phán theo hướng giải quyết toàn bộ về vấn đề chiến tranh Việt Nam. Với nghệ thuật “đánh - đàm”, trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã có 05 lần kéo địch xuống thang. Trên thực tế, “giành thắng lợi từng bước” thì các nước có chiến tranh đều thực hiện, song kéo đối phương xuống thang từng bước thì chỉ có tại cuộc đàm phán về Hiệp định Pa-ri 1973.

Hiệp định Pa-ri 1973 còn là kết quả về một nền ngoại giao “tâm công” của cha ông. Đấu tranh ngoại giao thông qua mặt trận báo chí và vận động dư luận là một trong những điểm đặc sắc, thể hiện trí tuệ và tầm vóc của ngoại giao Việt Nam, góp phần quan trọng để đi đến ký kết Hiệp định Pa-ri. Hội nghị Pa-ri kéo dài gần 05 năm, song thực chất thời gian dành cho đàm phán chỉ khoảng 06 - 07 tháng, còn lại là đấu tranh dư luận. Chúng ta đã chủ động tổ chức 500 cuộc họp báo và hàng nghìn cuộc tiếp xúc với bạn bè Pháp và quốc tế để vận động dư luận, phát huy tính chính nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thể hiện rõ thiện chí hòa bình, tinh thần ngoại giao nhân văn, thế mạnh đạo lý của Việt Nam và nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên khắp thế giới. Chúng ta đã “đưa chiến tranh vào trong lòng nước Mỹ”, biến cuộc đấu tranh của nhân dân ta thành cuộc đấu tranh của nhân dân Việt - Mỹ, chống lại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Có thể khẳng định rằng, trong lịch sử các phong trào đấu tranh tiến bộ trên thế giới, chưa từng có một phong trào quốc tế nào lại rộng lớn đến mức hình thành một mặt trận bao trùm khắp năm châu, với sự tham gia của nhiều tầng lớp, chính giới khác nhau trong xã hội, đặc biệt là có sự tham gia của rất nhiều trí thức có tên tuổi, có tầm vóc quốc tế và có ảnh hưởng sâu rộng, với nhiều hình thức tập hợp lực lượng, đấu tranh phong phú và hiệu quả, với những diễn đàn quốc tế lớn như là phong trào ủng hộ Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng Hiệp định Pa-ri 1973 vẫn để lại những bài học vô giá về đề cao chính nghĩa dân tộc và ngọn cờ hòa bình; về giữ vững độc lập, tự chủ trong xử lý các vấn đề đối ngoại; về tạo thời cơ và tận dụng thời cơ; về kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị; về tranh thủ dư luận quốc tế; về kiên trì giữ vững nguyên tắc với linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược, v.v. Và bao trùm lên tất cả là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh vững vàng của Đảng, vận dụng đúng đắn tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong các vấn đề có liên quan. Những bài học này vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo nhằm nâng cao bản lĩnh, trí tuệ ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NGUYỄN QUỐC DŨNG, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Ý kiến bạn đọc (0)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội "phải lấy chính trị làm gốc" - ý nghĩa và giá trị hiện thực
Quân đội ta “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang, trách nhiệm nặng nề là: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, thì việc xây dựng Quân đội thật trong sạch, thật vững mạnh, xứng đáng với danh xưng cao quý mà nhân dân trao tặng “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất thiết “phải lấy chính trị làm gốc”