QPTD -Thứ Năm, 18/07/2019, 07:33 (GMT+7)
Hiệp định Giơ-ne-vơ và bài học về nghệ thuật biết thắng từng bước

Đánh giá kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ (năm 1954) về Đông Dương, đa số học giả các nước đều có chung nhận xét: đây là một thắng lợi của Việt Nam, thể hiện sách lược biết giành thắng lợi từng bước trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Sau gần 24 giờ khi quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (sau đây gọi tắt là Hội nghị Giơ-ne-vơ) chính thức khai mạc. Có thể nói, đây là cuộc gặp chính thức lần thứ tư giữa Pháp và Việt Nam trên bàn đàm phán, kể từ khi nước Việt Nam độc lập ra đời1. Mặc dù mục đích của các lần gặp cơ bản không khác nhau, song bối cảnh và vị thế của cuộc gặp lần này giữa hai bên có sự khác biệt lớn so với các lần trước. Điều này được thể hiện rõ khi Đoàn đại biểu Pháp do Ngoại trưởng Bi-đôn dẫn đầu bước vào hội trường trong trang phục màu đen; Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đến Hội nghị với tư thế của người chiến thắng.

Quang cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ. Ảnh tư liệu

Trải qua hơn 70 ngày thương lượng, với 31 phiên họp và rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề Hội nghị, ngày 20-7-1954, ta và Pháp đã ký các hiệp định đình chỉ chiến sự và cùng các bên ra tuyên bố cuối cùng vào ngày 21-7-1954. Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, Hiệp định về Đông Dương được ký kết đã trở thành văn bản mang tính quốc tế cho một giải pháp kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam một cách toàn diện trên các mặt: quân sự, chính trị, xã hội, ngoại giao và pháp lý, mở ra thời kỳ mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Thắng lợi đó xuất phát trước hết từ truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần mưu trí, dũng cảm của toàn dân và toàn quân ta; từ sự phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán. Hơn thế, đó chính là sự nhận định sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về bối cảnh quốc tế, tương quan so sánh lực lượng của ta, của phe ta với đối phương lúc bấy giờ. Trên cơ sở đó, Đảng đề ra đường lối lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đúng đắn. Đó chính là nghệ thuật “biết địch, biết ta”, biết “điểm dừng” cần thiết để củng cố, xây dựng, phát triển lực lượng, tích lũy vật chất, tạo thế và lực mới, tiến từng bước vững chắc, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Hội nghị Giơ-ne-vơ để lại nhiều bài học quý; trong đó, bài học về nghệ thuật “biết thắng từng bước” được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:

Một là, Hiệp định Giơ-ne-vơ - cơ sở pháp lý quốc tế đầu tiên khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới rằng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, với đầy đủ các quyền tự do, độc lập,… của một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam chỉ được biết đến như là một thuộc địa của Pháp, một “quốc gia tự do”, một thành phần trong Liên bang Đông Dương của khối Liên hiệp Pháp. Thắng lợi của ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là chiến thắng vang dội của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã dẫn đến Hội nghị Giơ-ne-vơ. Đây là một hội nghị quốc tế có sự tham gia đầy đủ của cả 5 cường quốc là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đến với Hội nghị, tuy mỗi nước đều có những toan tính nhất định, song đều nhất trí đứng tên vào bản Tuyên bố chung. Đó là một thắng lợi lớn của ta - hiệp định đầu tiên về Việt Nam, các nước lớn chính thức công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam - điều mà không một nước nào có được từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, nguyện vọng thiết tha giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam bước đầu đã thành hiện thực trên một nửa đất nước. Thắng lợi bước đầu quan trọng có tính pháp lý quốc tế đã giúp nhân dân ta đấu tranh chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ và trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam cho đến ngày toàn thắng.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, với nghệ thuật vận dụng triệt để tính pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ, đấu tranh toàn diện trên tất cả lĩnh vực, ta đã vạch trần ý định xâm lược của Mỹ, tố cáo địch chà đạp Hiệp định Giơ-ne-vơ, chống hiệp thương tổng tuyển cử, âm mưu chia cắt Việt Nam lâu dài. Trong khuôn khổ pháp lý của Hiệp định, ta đã đề cao quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tạo tính hợp pháp đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, trung lập, tiến tới thống nhất đất nước. Đặc biệt, lúc đế quốc Mỹ đưa quân vào xâm lược nước ta (năm 1965), mở rộng chiến tranh, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dựa trên cơ sở pháp lý về quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được quy định trong Hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa ra lập trường bốn điểm2 nổi tiếng. Đây không chỉ là cơ sở vững chắc để đấu tranh chống đế quốc Mỹ, mà còn tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều chính giới và đông đảo nhân dân ở nhiều nước, cũng như của lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới.

Hai là, Hiệp định Giơ-ne-vơ - điều kiện tiên quyết để Việt Nam xây dựng miền Bắc vững mạnh, trở thành hậu phương chiến lược, chi viện cho chiến trường lớn miền Nam đánh Mỹ. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, buộc Pháp phải rút hết quân về nước, hòa bình được lập lại ở Đông Dương; trong đó, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng. Điều đó đã tạo ra một vùng không gian lãnh thổ với cơ cấu hoàn chỉnh của một quốc gia độc lập, để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung củng cố, xây dựng, phát triển miền Bắc tiến theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, trở thành hậu phương chiến lược chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa II), Ðảng ta chỉ rõ: “Miền Bắc là căn cứ địa của ta. Bất kể trong tình hình nào, miền Bắc cũng phải được củng cố”3. Tiếp đó, Ðại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Ðảng (năm 1960) xác định: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc giữ vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nên phải ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, làm cho miền Bắc trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, hậu phương chiến lược cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Trên thực tế, nhờ có môi trường hòa bình, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, nhân dân ta ở miền Bắc đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành kế hoạch cải cách ruộng đất, kết thúc thắng lợi thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đồng thời, hăng hái thi đua, ra sức thực hiện kế hoạch “3 năm”, “5 năm”, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, chủ động đánh bại mọi âm mưu leo thang chiến tranh của địch, trở thành hậu phương vững chắc chi viện cho miền Nam, cùng với miền Nam hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Theo số liệu tổng kết 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, chỉ tính riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, có trên 80% quân số, 81% vũ khí, 60% nhiên liệu, 65% lượng thuốc và dụng cụ y tế, 85% phương tiện vận tải được huy động từ miền Bắc. Điều đó một lần nữa khẳng định giá trị to lớn của Hiệp định Giơ-ne-vơ là đã tạo điều kiện cho “phần nửa đất nước” có môi trường hòa bình, độc lập để hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ là căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Ba là, Hiệp định Giơ-ne-vơ - bài học kinh nghiệm về tính chủ động, độc lập và tự chủ; cơ sở quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Hiệp định Pa-ri (năm 1973). Theo nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao Khắc Huỳnh, “thực chất Hiệp định Giơ-ne-vơ là một thỏa hiệp quốc tế được các nước lớn sắp đặt, trong đó mỗi bên tham gia đều được một phần của chiếc bánh”4. Hiểu theo cách khác, Hội nghị Giơ-ne-vơ được triệu tập là kết quả của sự “dàn xếp” giữa các cường quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là một bên liên quan được mời tham gia. Vì thế, tuy là một trong hai chủ thể chính của nghị sự, nhưng Việt Nam hoàn toàn không được tham khảo ý kiến về quá trình thỏa thuận triệu tập, cũng như thành phần tham gia Hội nghị. Điều này đã đẩy ta vào thế yếu, bị động khi đàm phán, bởi trong 09 đoàn tham gia Hội nghị thì có tới 06 đoàn của đối phương, còn lại 03 đoàn ở phía ta (Việt Nam là đại biểu duy nhất của các lực lượng kháng chiến Đông Dương và hai đồng minh là Liên Xô và Trung Quốc). Mặc dù là người chiến thắng trên chiến trường, nhưng chúng ta vẫn không ép được Pháp, không phát huy được thắng lợi quân sự tại bàn đàm phán và gặp không ít khó khăn trong ứng xử với các nước lớn. Đây là bài học kinh nghiệm quý để đến Hội nghị Pa-ri, ta đã phát huy cao độ tính độc lập, tự chủ, chủ động chuẩn bị chu đáo về chủ trương, đường lối, cả chiến lược, sách lược, phương pháp và lực lượng đấu tranh; đồng thời, nhạy bén nắm bắt ý định của đối phương, tận dụng mọi cơ hội để mở mặt trận ngoại giao với yêu cầu đàm phán trực tiếp, tay đôi với Hoa Kỳ (cho dù sau này chuyển sang Hội nghị bốn bên, thì đối trọng giữa ta và đối phương vẫn ở thế cân bằng). Điều này mang lại hiệu quả cao trong suốt quá trình đàm phán kéo dài gần 05 năm, ta luôn giữ vững quyền chủ động, đấu tranh kiên quyết, buộc đối phương phải ký Hiệp định Pa-ri (năm 1973) dựa trên cơ sở tiền đề Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Nhìn lại lịch sử 65 năm Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương cho thấy, thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã khẳng định đường lối đấu tranh cách mạng tiến công, biết dừng để tiến và tiến vững chắc đến mục tiêu cuối cùng là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng ta. Để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, Đảng ta đã có tầm nhìn xa và phương pháp đấu tranh cách mạng đúng đắn, không chủ quan khinh địch, thắng không kiêu, biết thắng từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Ngày nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc,… bằng biện pháp hòa bình đang là xu thế thời đại. Vì vậy, nghiên cứu, phát triển bài học về nghệ thuật biết thắng từng bước trong Hội nghị Giơ-ne-vơ là cơ sở quan trọng để đề ra những giải pháp có tính khả thi cao, nhằm phát triển đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

TS. TRẦN VIỆT THÁI - ThS. NGUYỄN XUÂN CƯỜNG

___________

1 - Cả 3 lần gặp trước đó đều diễn ra trong năm 1946: ký Hiệp định Sơ bộ tại Hà Nội và 2 cuộc đàm phán của Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu Pháp tại Đà Lạt và Fontainebleau (Pháp).

2 - Bộ Ngoại giao - Hiệp định Giơnevơ 50 năm nhìn lại, Nxb CTQG, H. 2008, tr. 214.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 16, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 498.

4 - Bộ Ngoại giao - Hiệp định Giơnevơ 50 năm nhìn lại, Nxb CTQG, H. 2008, tr. 206.

Ý kiến bạn đọc (0)

Mùa Xuân đại thắng và khát vọng vươn mình
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng bản hùng ca của Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn vang mãi trong lòng dân tộc và mỗi người dân Việt Nam. Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, bản hùng ca ấy lại tiếp tục vang lên trên mặt trận lao động, sản xuất, chống đói nghèo, lạc hậu; bảo vệ vững chắc biên cương và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc;...