QPTD -Thứ Sáu, 19/07/2024, 07:26 (GMT+7)
Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve
Hiệp định Geneve 1954 - Những bài học ngoại giao kinh điển

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là từ các triều đại: Đinh, Lý, Trần, Lê,… đến thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã khẳng định ý chí bất khuất trong chiến đấu cũng như tinh thần hòa hiếu trong ứng xử với bên ngoài. Trong đó, việc kết hợp giữa quân sự và ngoại giao, giữa đánh và đàm cũng như phát huy vai trò to lớn của ngoại giao trong chiến tranh luôn là kế sách quan trọng để giành và giữ độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Hội nghị Geneve (Thụy Sĩ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh tư liệu

Cách đây 70 năm, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, trở thành dấu mốc quan trọng của nền ngoại giao cách mạng. Phát huy thành quả của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, việc ký kết Hiệp định Geneve đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ gần 100 năm của thực dân Pháp tại Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, với Hiệp định Sơ bộ 06/3/1946, Pháp mới chỉ công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, nhưng với Hiệp định Geneve, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được Pháp cùng các nước tham dự Hội nghị thừa nhận.

Trong “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneve thành công”, ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Hội nghị Geneve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Hiệp định Geneve 1954 đã tạo cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng để dân tộc ta tiếp tục cuộc đấu tranh đi đến mục tiêu cuối cùng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Đến nay, những bài học ngoại giao từ quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định vẫn còn nguyên giá trị đối với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nói chung cũng như xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại nói riêng.

Dùng đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến tranh, xung đột

Lịch sử thế giới cận và hiện đại cho thấy, hầu hết các cuộc chiến tranh, xung đột đều kết thúc bằng đàm phán hòa bình. Nắm chắc quy luật đó và xuất phát từ tinh thần hòa hiếu của dân tộc, từ cuối năm 1953, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Trả lời phỏng vấn báo Expressen (Thụy Điển) ngày 26/11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình, thì Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó” và “cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”.

Theo đánh giá của Giáo sư ngôn ngữ học Anatoly Sokolov, thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga: Hiệp định Geneve 1954 chỉ ra rằng, đối với các nước thuộc địa, con đường đàm phán quốc tế là con đường tốt nhất để giải quyết xung đột vì tự do, dân chủ, vì độc lập dân tộc. Dù có thể có góc nhìn khác nhau, song không thể phủ nhận Hội nghị Geneve đã để lại một bài học mang tính thời đại về giải quyết bất đồng và xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, bài học này vẫn còn nguyên giá trị.

Lấy thực lực là điểm tựa, coi lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ví: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực như cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Quy luật này được phản ánh rất rõ quá trình đi đến Hiệp định Geneve. Quả thực, chúng ta chỉ giành được trên bàn đàm phán những gì chúng ta đã giành được trên chiến trường. Ngoại giao chỉ có thể giành thắng lợi khi chúng ta biết phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc từ kinh tế, quân sự, chính trị; đồng thời, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Để đi đến bàn đàm phán tại Geneve, quân và dân ta đã giành nhiều chiến thắng quan trọng, bẻ gãy ý chí chiến tranh của đối phương. Đặc biệt, nếu không có Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954), sẽ không có chuyện Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và theo kết quả Hiệp định Geneve: “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia; đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội ra khỏi lãnh thổ ba nước Đông Dương. Hiệp định Geneve cũng để lại cho ngoại giao Việt Nam bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bên cạnh phát huy tối đa sức mạnh ngọn cờ chính nghĩa và khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta có chủ trương đúng đắn về không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, trước hết là đoàn kết với Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa Trung Quốc và Liên Xô cũng như bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp. Đồng thời, đối với Việt Nam, Hiệp định Geneve cũng cho thấy tầm quan trọng của bài học về lợi ích quốc gia - dân tộc. Có một câu nói kinh điển trong quan hệ quốc tế, đó là “không có đồng minh vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”. Những diễn biến tại Geneve cũng như kết quả và quá trình thực thi Hiệp định Geneve sau đó càng chứng minh chân lý này. Bài học rút ra là: lợi ích dân tộc của ta phải do ta định đoạt.

Dĩ bất biến ứng vạn biến

Hiệp định Geneve cũng để lại cho chúng ta bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt về sách lược theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, sách lược của ta thì linh hoạt”, trong đàm phán và thực thi Hiệp định, cái gốc “bất biến” là Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là nguyên tắc không thể nhân nhượng. Còn “vạn biến” là trong lúc chưa đạt được mục tiêu cuối cùng, có thể linh hoạt nhân nhượng trong một số vấn đề không mang tính nguyên tắc.

So với giải pháp 08 điểm mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra ban đầu, kết quả cuối cùng của Hội nghị có khoảng cách đáng kể. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đó là những nhân nhượng có nguyên tắc mà ta có thể hiểu được, nhất là nhìn vào tương quan lực lượng giữa phe ta và phe đối phương.

Nắm vững thời và thế

Hiệp định Geneve cũng để lại cho những thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam bài học về coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình. Ở thời điểm tham gia đàm phán tại Geneve, điều kiện khách quan và chủ quan lúc bấy giờ chưa cho phép chúng ta có đầy đủ thông tin nhiều chiều để đánh giá thật sự kỹ lưỡng về ý đồ của các nước lớn, kể cả các nước lớn là đồng minh của ta. Nói về bài học mà Hiệp định Geneve để lại, cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nhận xét: cần luôn theo dõi sát các tính toán, động thái và cả dàn xếp giữa các nước lớn, bởi điều này tác động rất lớn đến bàn cờ quốc tế. Còn cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã nhận xét rằng: chúng ta đàm phán tại một diễn đàn đa phương do các nước lớn chi phối và họ cũng có những tính toán mà ta chưa hiểu được thấu đáo nên thế thắng của Việt Nam chưa được phát huy ở mức cao nhất.

Lịch sử của dân tộc ta cho thấy, việc xử lý quan hệ với các nước lớn luôn là một phần không thể tách rời của ngoại giao Việt Nam. Vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “ngũ tri” trong tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao (“biết mình”, “biết người”, “biết thời thế”, “biết dừng”, “biết biến”), một nước nhỏ mới có thể tồn tại trong môi trường luôn có sự tranh giành ảnh hưởng, cọ xát lợi ích của các nước lớn. Nhìn vào cục diện thế giới và khu vực hiện nay với nhiều biến động, chúng ta càng nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, dự báo, nhất là nghiên cứu chiến lược, đặc biệt là chiến lược của các nước lớn.

Độc lập, tự chủ là mấu chốt của thắng lợi cách mạng

Độc lập, tự chủ là một trong những nội hàm quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao. Người khẳng định: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Đặc biệt, ngay từ lúc Hội nghị Geneve còn chưa diễn ra, Người đã xác định rõ: “Việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Pháp”. Nghĩa là, đàm phán chấm dứt chiến tranh phải là giữa các bên trực tiếp tham gia xung đột (mà không có sự can thiệp của các bên khác).

Trong thực tế, quá trình đàm phán tại Geneve là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, chúng ta tham gia một hội nghị đa phương quốc tế có sự hiện diện của các nước lớn với những lợi ích, ý đồ, toan tính riêng. Thế và lực cũng như kinh nghiệm ngoại giao của ta ở thời điểm đó cũng chưa đủ để ta đàm phán trực tiếp và duy nhất với Pháp. Do đó, mục tiêu cuối cùng của ta và kết quả chiến thắng của ta trên chiến trường chưa được phản ánh hoàn toàn vào nội dung Hiệp định. Sau Hiệp định Geneve 1954, dân tộc ta phải mất thêm 21 năm nữa với nhiều xương máu mới hoàn thành được mục tiêu thống nhất đất nước, đưa giang sơn về một mối. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geveve cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn giá trị của nguyên tắc độc lập, tự chủ trong các vấn đề quốc tế. Bài học đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng để sau này đến giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris, chúng ta đã nêu cao hơn nữa tinh thần độc lập, tự chủ, đặc biệt là về chủ trương, đường lối, phương châm đàm phán. Rút kinh nghiệm từ Hiệp định Geneve 1954, đến quá trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Paris 1973, ta trực tiếp đàm phán với Mỹ mà không qua trung gian hoặc chịu sự can thiệp trực tiếp của các bên khác.

Những bài học quý từ Hiệp định Geneve đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 cũng như trong triển khai công tác đối ngoại hiện nay. Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Bởi lẽ, đó vừa là bản sắc dân tộc, vừa là kết tinh giữa truyền thống ngoại giao của ông cha ta và chủ trương, đường lối đối ngoại mà Đảng ta và Bác Hồ đã xác định.

Trong tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định như hiện nay, việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm quý của Hội nghị Geneve về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, quân sự và ngoại giao; phát huy nội lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, làm cơ sở vững chắc cho hoạt động ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

TS. VŨ HUY THÀNH, Bộ Ngoại giao

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024

Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024

Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024

Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024

Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024

Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024

Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024

Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực quân sự là vấn đề chiến lược và hệ trọng; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân là nòng cốt.