Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:46 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Bến Tre - vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống yêu nước, nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đồng chí Huỳnh Tấn Phát1 đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Với tư chất thông minh, Đồng chí không chỉ xuất sắc trong học tập, mà còn bộc lộ nhiều phẩm chất, nhân cách tốt, nhất là lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc cùng khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, được thầy giáo và bạn bè mến phục. Chứng kiến cảnh khủng bố, đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với phong trào yêu nước, cũng như cuộc đấu tranh đánh đổ thực dân, đế quốc của nhân dân miền Nam, Đồng chí đã giác ngộ và đi theo con đường cách mạng.
Là thế hệ chiến sĩ cộng sản đầu tiên, được Đảng giao nhiều trọng trách quan trọng, Đồng chí đã có nhiều cống hiến lớn trong việc tập hợp lực lượng, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho đội ngũ cốt cán của Đảng; tham gia lãnh đạo và có vai trò quan trọng trong thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền tại Sài Sòn và Nam Bộ; đồng thời, có nhiều đóng góp tiêu biểu đối với sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, với cương vị gì, trên mặt trận đấu tranh hay lao tù đế quốc, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn tỏ rõ một nhân cách lớn, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và Nhân dân2. Đồng chí là nhà tri thức yêu nước có uy tín lớn, chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo mưu lược, sống giản dị, khiêm nhường và được đồng chí, đồng bào dành tình cảm sâu đậm.
Nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một trong những người tiêu biểu cho tinh thần trách nhiệm của lớp thanh niên trí thức trước vận mệnh sống còn của đất nước, sẵn sàng từ bỏ vinh hoa, phú quý đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Với hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng và trí tuệ làm đẹp cuộc đời, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mặc dù là kiến trúc sư nổi tiếng ở Sài Gòn, nhưng Đồng chí không quan tâm đến việc làm giàu, mà tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đồng chí tham gia tổ chức, cổ vũ, lãnh đạo phong trào “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” của thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam và phong trào: “Truyền bá quốc ngữ”, “Thanh niên Tiền phong”, “Cứu đói Bắc Kỳ” ở Nam Kỳ. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Đồng chí tích cực cổ động, tuyên truyền, thuyết phục các tầng lớp nhân dân, từ nhân sĩ, trí thức, công tư chức, văn nghệ sĩ đến công nhân, nông dân, thanh niên, sinh viên và học sinh tham gia phong trào yêu nước do Đảng lãnh đạo. Dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Đồng chí lực lượng này góp phần không nhỏ trong khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Trải qua các hoạt động vận động quần chúng, Đồng chí trở thành nhà trí thức có uy tín lớn đối với đồng bào các giới ở Sài Gòn. Đó cũng là nguồn sức mạnh cổ vũ, thôi thúc Đồng chí vượt qua những năm tháng gian khổ, hy sinh trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như những năm tháng khó khăn, thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân cách và tấm gương không lùi bước trước khó khăn, gian khổ, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân của đồng chí Huỳnh Tấn Phát có sức cảm hóa lớn chinh phục lòng người. Điều đó được minh chứng qua việc Đồng chí vận động các nhân sĩ, trí thức có uy tín bí mật ra vùng giải phóng tham gia Mặt trận; tổ chức thành công Hội nghị thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Thuyết phục mọi người với thái độ chân thành, nên từ người giao liên, bảo vệ, đến những trí thức thượng lưu đều quý mến, sẵn sàng nghe theo sự hướng dẫn và hết lòng cộng tác, giúp đỡ Đồng chí. Đặc biệt, nhiều nhân sĩ, trí thức đã từ bỏ cuộc sống vinh hoa, phú quý để ủng hộ và đi theo cách mạng đến cùng, như: cụ Lâm Văn Tết, vợ chồng luật sư Trịnh Đình Thảo - Ngô Thị Phú, v.v. Vì lẽ đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn kết án tử hình vắng mặt 09 thành viên Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, tịch thu toàn bộ gia sản, trong đó có gia sản của đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
Tấm gương cao đẹp của người cộng sản kiên trung, mẫu mực
Là một trí thức yêu nước, có tài năng trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kiến trúc, Đồng chí có nhiều điều kiện để sống một cuộc sống giàu sang, dư giả về vật chất, lợi danh. Song, không vì tiền bạc, danh vọng mà Đồng chí quên đi mục tiêu, lý tưởng cách mạng đã được hun đúc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng chí khẳng định: “Khi ra trường lên Sài Gòn học Trường Pétrus Ký, ý thức cách mạng luôn nung nấu trong tôi. Qua tiếp xúc với một số báo cách mạng và cuộc đấu tranh trên báo công khai, tôi càng chú ý đến cách mạng”3. Bởi, vượt lên trên hết là trách nhiệm của người tri thức với lý tưởng cách mạng, với sứ mệnh nước nhà. Để hiện thực hóa lý tưởng của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã bỏ tiền chắt góp được trong những năm tháng đầu làm nghề kiến trúc sư mua lại tờ báo công khai - Thanh niên, để ra báo hằng tuần (tháng 9/1941); đồng thời, xác định rõ tôn chỉ, mục đích của tờ báo là không vì mưu sinh, mà để tập hợp lực lượng thanh niên, khơi dậy lòng yêu nước ở họ. Vì vậy, tờ Thanh niên trở thành cơ quan tuyên truyền cho làn sóng văn nghệ cùng phong trào truyền bá quốc ngữ ở Nam Kỳ vào cuối năm 1944.
Với vai trò là Trưởng ban cổ động của Hội truyền bá quốc ngữ ở Nam Kỳ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có bài phát biểu quan trọng, tố cáo tội ác ngu dân của nhà cầm quyền thực dân với những dẫn chứng thuyết phục đã gây tiếng vang lớn trong dư luận Sài Gòn. Đồng chí cũng là người đề xuất và chỉ đạo các thành viên Hội thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền sáng tạo, khoa học, không chỉ xóa nạn mù chữ cho tất cả mọi người, mọi giai cấp, từ thành thị đến nông thôn, mà còn hướng tới những hoạt động chính trị - xã hội khác, tiêu biểu là phong trào “cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ” và hướng quần chúng đấu tranh chống lại bất công và nô dịch do bọn thực dân, đế quốc gây ra. Tham gia hoạt động sôi nổi trong các phong trào yêu nước, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã sớm được Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu phát hiện vận động, giác ngộ tham gia phong trào cách mạng. Nhận thức được chính nghĩa, giá trị nhân văn to lớn của sự nghiệp cách mạng, với tinh thần yêu nước, thương dân sẵn có, lại được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác-Lênin và chứng kiến hành động dũng cảm của những người cộng sản tiền bối, Huỳnh Tấn Phát quyết tâm làm cách mạng một cách trọn vẹn cả tâm, trí và lực. Đồng chí đã tích cực thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ về tuyên truyền, vận động thanh niên trí thức; dùng văn phòng kiến trúc sư của mình làm nơi tổ chức các lớp huấn luyện bí mật về chủ nghĩa Mác - Lênin cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn. Sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3/1945), đồng chí đã quyết định đóng cửa văn phòng kiến trúc sư để chuyên tâm vào hoạt động cách mạng. Trên cương vị Bí thư Tân Dân chủ Đảng, Đồng chí là một trong những cán bộ chủ lực huấn luyện, đào tạo cán bộ chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ; là người vừa viết bài tuyên truyền, vừa trực tiếp tham gia cổ động, phát triển phong trào Thanh niên Tiền phong; cùng với lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ, tuần báo Thanh niên Tiền phong chỉ đạo làm công tác chuẩn bị và tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn (ngày 25/8/1945).
Trong quá trình hoạt động cách mạng, bị quân địch bắt và giam cầm, mặc dù chúng dụ dỗ, mua chuộc, rồi tra tấn dã man, nhưng Đồng chí vẫn kiên định, giữ vững ý chí chiến đấu, không hé răng nửa lời, bảo vệ tổ chức đảng và phong trào cách mạng. Sau khi ra tù, Đồng chí tiếp tục được giao phụ trách nhiều lĩnh vực và là một trong những cán bộ cốt cán tuyên truyền sâu, rộng chủ trương, chính sách của Đảng đến các tổ chức quần chúng; bồi dưỡng cho hàng loạt cán bộ trẻ về đường lối cách mạng miền Nam và phương pháp hoạt động cách mạng bí mật. Với tâm huyết của người đảng viên cộng sản trung kiên, nhạy bén, người cán bộ quần chúng dày dạn, được tôi luyện qua thử thách, Đồng chí tích cực tham gia hoạt động trong các phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đồng chí cùng với Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, góp phần đưa phong trào cách mạng miền Nam giành thắng lợi cuối cùng. Trên mỗi cương vị được giao, Đồng chí luôn nêu cao tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tấm gương tiêu biểu đoàn kết dân tộc
Cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và có nhiều cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Từ khi bắt đầu tham gia phong trào yêu nước cho đến khi làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đồng chí liên tục được phân công nhiệm vụ vận động quần chúng. Vừa là người tổ chức, chỉ đạo, vừa là người trực tiếp làm công tác phong trào, tên tuổi của Đồng chí gắn liền với các phong trào vận động quần chúng, vận động tri thức trẻ và các nhà tư sản dân tộc yêu nước.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xâm lược, với cương vị là Chủ nhiệm tờ báo Thanh niên, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tuyên truyền tập hợp lực lượng thanh niên tri thức trẻ Sài Gòn - Chợ Lớn, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của họ. Cùng với vận động quần chúng nhân dân tham gia Hội truyền bá quốc ngữ ở Nam Kỳ, Đồng chí tích cực tuyên truyền vận động các trí thức trẻ và quần chúng nhân dân ở Sài Gòn - Chợ Lớn tham gia Mặt trận Liên Việt, gây dựng các phong trào đấu tranh chính trị “đòi hòa bình”, “đòi thực dân Pháp phải công nhận quyền độc lập của Việt Nam”. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), trước sự khủng bố, đàn áp phong trào yêu nước của kẻ thù, lực lượng cách mạng tổn thất nặng nề, hoạt động đấu tranh gặp nhiều khó khăn, Đồng chí xung phong ở lại nội thành Sài Gòn để bám trụ, gây dựng phong trào trên cương vị là Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách công tác vận động quần chúng. Để duy trì hoạt động phong trào đấu tranh cách mạng, với tâm huyết, bản lĩnh và trí tuệ của người tri thức cộng sản, đồng chí Huỳnh Tấn Phát hoạt động không mệt mỏi, linh hoạt, sáng tạo trong tập hợp lực lượng và đã gây dựng được mạng lưới cơ sở trong giới trí thức, công nhân cũng như công chức của chính quyền Sài Gòn. Đây là lực lượng quan trọng, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Giơnevơ, đòi hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân Sài Gòn.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song Ban Trí vận Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Huỳnh Tấn Phát phụ trách vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, có tác động lớn đến sự hình thành của các phong trào nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định, các phong trào trong giáo giới nội đô, lực lượng quốc gia tiến bộ, công chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa và sự hình thành lực lượng thứ ba, nhất là tổ chức liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch năm 1968, v.v. Các phong trào đấu tranh trong đô thị đã giáng cho địch một đòn chính trị chí tử, lột trần bản chất phi pháp, phi nhân, phi nghĩa của cuộc xâm lược và chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ. Hơn thế nữa, các hoạt động của Ban Trí vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mà đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một trong những thành viên chủ chốt, quy tụ mọi giới bằng uy tín và đức độ của mình.
Đồng chí đã cùng với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có những cống hiến nổi bật trong sự nghiệp tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, mở rộng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; giúp đỡ để hình thành và hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam cũng như trong thực hiện nhiệm vụ điều hành Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ sau khi thành lập đến khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất, Đồng chí được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phụ trách công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tháng 02/1977, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Đồng chí cùng với Đảng đoàn, Ban Thư ký tích cực chuẩn bị, giúp Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) xây dựng, ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới, góp phần mang lại luồng gió mới, làm thay đổi toàn diện công tác Mặt trận. Đồng chí cũng là người đã góp nhiều kinh nghiệm trong việc chuẩn bị nội dung, nhân sự và mở rộng thêm nhân sự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ mới.
Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (tháng 5/1983) Đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên cương vị mới, với nhiệt huyết cách mạng, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, Đồng chí đã đi đến các tỉnh trong cả nước, trực tiếp chỉ đạo Mặt trận các cấp triển khai, phổ biến, phân tích nội dung Chỉ thị số 17-CT/TW và đề ra những biện pháp củng cố tổ chức mặt trận cơ sở. Với sự nỗ lực của Đồng chí cùng các thành viên trong Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW được thực hiện một cách triệt để, thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính là một trong những nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh tổng hợp để dân tộc ta, nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp khôi phục đất nước sau chiến tranh cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả dân tộc đoàn kết, thống nhất bước vào sự nghiệp đổi mới.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát là tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản, về ý chí và tinh thần cách mạng của người cộng sản kiên trung; một nhà lãnh đạo tài năng, sống giản dị, khiêm nhường; nhà dân vận mưu lược, sắc sảo, được đồng chí, đồng bào tin yêu. Những cống hiến to lớn của Đồng chí là bài học cao quý về nhân cách sống, về lý tưởng, đạo đức và phương pháp hoạt động của người cộng sản chân chính. Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Đồng chí, chúng ta càng thêm trân trọng, tự hào và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của người cộng sản kiên cường, bất khuất, kiến trúc sư tài năng - Huỳnh Tấn Phát.
TRẦN TOÀN ________
1 - Sinh ngày 15/02/1913, tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre).
2 - Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ (1947 - 1949); Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Đặc khu Sài Gòn (1949 - 1954); Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1977); Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1977 - 1982); Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1982 - 1989).
3 - Nhiều tác giả - Huỳnh Tấn Phát - Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 95 - 96.
Huỳnh Tấn Phát,chiến sĩ cộng sản,110 năm
Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024
Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024
Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024
Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024
Nhân văn - giá trị định danh Bộ đội Cụ Hồ
Vận dụng tư tưởng “cốt tinh, không cốt đông” trong xây dựng Quân đội hiện nay
Công tác Đảng, công tác chính trị thực sự là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội
Cao Bằng - Nơi ra đời Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ