QPTD -Thứ Hai, 22/01/2018, 14:39 (GMT+7)
Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn – Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương Cục và Quân ủy miền Nam, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã viết nên những trang sử vẻ vang trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đã 50 năm trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học quý đó vẫn còn nguyên giá trị.

Cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân 1968 đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ là một trong những sự kiện sáng chói, tạo bước ngặt quan trọng đưa cách mạng Việt Nam lên tầm cao mới trong tiến trình đấu tranh dẫn tới thắng lợi cuối cùng ngày 30-4-1975. Nó làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Pa-ri, để rồi sau đó rút quân về nước. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam, mà trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt là trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ đã làm rúng động xã hội Mỹ, khiến giới cầm quyền Mỹ bàng hoàng, tạo nên sự phân hoá chia rẽ cao độ trong hàng ngũ kẻ thù; đồng thời, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước và tinh thần cách mạng trong lòng nhân dân đô thị, thúc đẩy cao hơn phong trào phản chiến của lính Mỹ, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm cho khuynh hướng muốn chấm dứt chiến tranh trở thành áp đảo.

Tại Sài Gòn - Gia Định - trung tâm đầu não, sào huyệt cuối cùng, nơi chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam, ngay đêm mồng Một Tết (30-01-1968), các đội biệt động đã đột nhập khu vực nội thành, từ các trạm bí mật, các chiến sĩ đã dùng xe du lịch tiếp cận các mục tiêu. 02 giờ sáng ngày 31-01-1968, ngay sau khi nghe tiếng pháo lệnh, các đội biệt động đồng loạt tiến công vào Sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân, v.v. Đội biệt động 11 tiếp cận Sứ quán Mỹ ở đường Thống Nhất (số 9 Lê Duẩn ngày nay). Đội biệt động 12 tấn công Đài Phát thanh Sài Gòn, làm ngưng trệ phát thanh từ 02 giờ đến 05 giờ sáng. Đội biệt động số 5 tiến vào dinh Độc Lập. Ở các mục tiêu khác, các đội biệt động đều tiến chiếm và giữ được đến sáng, nhưng các tiểu đoàn mũi nhọn của các phân khu không tiếp ứng được kịp thời. Nhiều chiến sĩ biệt động đã anh dũng chiến đấu đến giờ phút cuối cùng, nêu cao khí phách anh hùng của Biệt động Sài Gòn trong thời khắc lịch sử của Tết Mậu Thân 1968.

Trong khí thế hào hùng đó, tại Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, quân ta đánh vào cổng số 4, chiếm Trường Sinh ngữ quân đội và kho đạn, chặn viện binh địch đến cứu nguy cho các căn cứ ở Gò Vấp. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, ta tiến công và đánh vào phía Tây Sân bay. Cùng lúc, quân ta còn đánh Trại Cổ Loa, căn cứ Phù Đổng, tiến về Bình Hòa, áp sát Tòa Hành chánh và Bộ Chỉ huy Tiểu khu Gia Định. Một cánh khác đánh chiếm Hàng Xanh, Cầu Sơn; làm chủ cù lao Bình Quới Tây. Một số điểm của địch ở các quận 6, 7, 8 cũng bị quân ta tấn công. Một số đơn vị tiến sâu đến đường Sư Vạn Hạnh, Bệnh viện Nhi Đồng, Vườn Lài, Chợ Thiếc, Cư xá Hỏa xa, v.v. Cùng với đó, các đội vũ trang của cánh Hoa vận đã phát động quần chúng nổi dậy làm chủ tạm thời một số khu vực.

Chiều ngày 31-01-1968, địch điều 12 tiểu đoàn dù, thuỷ quân lục chiến, biệt động quân từ ngoài vào, phối hợp với các lực lượng cảnh sát dã chiến, tiến hành giải tỏa phản kích quyết liệt ở tất cả những nơi bị ta tấn công. Từ ngày 10-02-1968, các đơn vị vũ trang của ta lần lượt rút về căn cứ xuất phát; lực lượng vũ trang tại chỗ vẫn trụ lại, bám đánh địch ở các vùng Phú Lâm, Phú Thọ, Minh Phụng, Minh Mạng, Vườn Lài, v.v.

Trong cao điểm 1 (từ 31-01 đến 16-02-1968), quân ta đã đánh thiệt hại nặng các tiểu đoàn thuộc lực lượng tổng trù bị của địch. Tại cao điểm 2 bắt đầu từ ngày 17-02-1968, ta pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh MACV, Tổng Nha Cảnh sát, Đài Ra đa Phú Lâm, gây cho địch nhiều thiệt hại và thương vong. Chiến sự diễn ra ác liệt ở các vùng ven đô, hướng Bắc và Tây Bắc, cách Thành phố chừng 10 - 15 km. Tại đây, quân ta giao chiến với Lữ đoàn 2, Sư đoàn 25 Mỹ đến giải vây. Ngày 25-02-1968, đợt I của Tổng tiến công Tết Mậu Thân trên toàn Miền Nam kết thúc sau 26 ngày đêm chiến đấu ngoan cường.

Đợt II chia làm 2 cao điểm: Cao điểm 1 từ ngày 05-5-1968 đến 21-5-1968, Cao điểm 2 từ ngày 25-5-1968 đến 18-6-1968. Quân ta pháo kích vào các mục tiêu quan trọng: sân bay Tân Sơn Nhất, Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc lập, nhà riêng của Đại sứ Mỹ Bunker, Tân Cảng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng Nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ đô, v.v. Trong khi đó, các tiểu đoàn mũi nhọn thọc sâu, chọc thủng các tuyến phòng thủ ven đô, đánh vào các mục tiêu ở nội đô. Biệt động thành đánh vào Đài Truyền hình, cầu Phan Thanh Giản; tiến công khu vực Thị Nghè, đường Minh Mạng, đường 46, khu vực nghĩa trang Bình Quới, đường Tự Đức (nay là đường Nguyễn Văn Thủ, Quận 1). Các đội tuyên truyền vũ trang ở nội đô phát động quần chúng nổi dậy làm chủ nhiều khu vực thuộc quận 5, phía Bắc cầu Chữ Y, phối hợp đánh Tòa Hành chánh và Ty Cảnh sát Quận. Sáng 25-5-1968, ta mở tiếp Cao điểm 2. Trung đoàn Quyết thắng và Trung đoàn Đồng Nai phối hợp đánh địch ở mặt trận Gia Định. Địch dùng Chiến đoàn thủy quân lục chiến đối chọi với ta. Trong đợt này, lực lượng phòng thủ nội thành của địch bị tổn thất nặng, buộc chúng phải đem quân từ ngoài vào, cả các đơn vị của Mỹ, để phản kích lại quân ta. Đợt II, địch bị thiệt hại nặng, buộc chúng phải ném bom, bắn pháo và dùng cả hơi độc ở ngay trong nội đô để đẩy lùi lực lượng của ta; dùng máy bay B52 đánh phá ác liệt các đường hành quân, tiếp tế của ta, gây cho ta không ít khó khăn và thiệt hại.

Rút kinh nghiệm đợt I, ta đã đề ra kế hoạch cụ thể phát động nổi dậy khởi nghĩa; trong đó, có Ban Lãnh đạo khởi nghĩa song song với Ban Chỉ huy Quân sự. Ban Cán sự nội thành (Phân khu 6) đã phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các ban, ngành, đoàn thể; đồng thời, yêu cầu phải kết hợp với lực lượng cơ sở ở các quận, phường. Do đó, trong đợt II, những hoạt động vũ trang và chính trị của các lực lượng Thành Đoàn, Hoa vận, Phụ vận, An ninh vũ trang, Tuyên huấn đã có nhiều thành tích nổi bật. Đúng giờ quy định, các lực lượng tại chỗ đã nổ súng và phát động quần chúng nổi dậy đồng loạt, không chờ lực lượng bên ngoài vào. Các cơ sở tại chỗ và các đội tuyên truyền vũ trang hoạt động diệt ác, trừ gian, đốt xe quân sự; phá hoại cầu cống, trạm biến thế điện; gây tiếng nổ; treo băng cờ, rải truyền đơn, dán biểu ngữ; họp mít-tinh quần chúng, gây cho địch nhiều bối rối. Lực lượng vũ trang nội thành đã đánh địch rất quyết liệt, nhiều chiến sĩ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và dũng cảm hy sinh.

  Cùng với thắng lợi liên tiếp trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 đánh bại 2 cuộc phản công của địch. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã làm sụp đổ mưu đồ quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Bằng cuộc Tổng tiến công chiến lược này, quân và dân miền Nam đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chuyển hướng chiến lược “phi Mỹ hoá chiến tranh”, “Việt Nam hoá chiến tranh” và bắt đầu rút dần quân về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, cử đại diện đàm phán với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Hội nghị Pa-ri. Quân và dân ta có điều kiện mở trận tiến công mới về ngoại giao, thực hiện “vừa đánh vừa đàm”, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao để đánh thắng một kẻ địch có tiềm lực quân sự mạnh.

Có thể nói rằng, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nếu như sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng vũ trang Miền nhằm tiến công các mục tiêu chủ yếu thì công tác đô thị được đặt ở vị trí hàng đầu trong chỉ đạo của Trung ương Đảng cũng như Trung ương Cục; trong đó, trọng tâm là Khu Sài Gòn - Gia Định. Nếu không có sự tham gia tích cực, hiệu quả của nhân dân và lực lượng chính trị tại chỗ thì sẽ không thể tổ chức được lực lượng biệt động ém sẵn trong nội thành, không đưa được vũ khí và quân chủ lực vào đánh trong nội đô, không thể giải quyết được công tác thương binh, công tác tiếp vận. Đó cũng chính là bài học kinh nghiệm sâu sắc về chiến tranh nhân dân và về sức mạnh lòng dân mà trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần phải tiếp tục phát huy. 

Nhận thức rõ điều đó, trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ Thành phố luôn quán triệt rõ sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên lịch sử; toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Muốn thành công, điều tiên quyết là cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành, từ trên xuống dưới phải gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân, tin dân, biết lắng nghe dân, biết dựa vào dân để kết hợp chủ nghĩa anh hùng cách mạng với trí sáng tạo Việt Nam, tạo ra sức mạnh vô tận, để xây dựng Thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Trong 5 bài học được Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X rút ra đã có 3 bài học liên quan mật thiết đến nhân dân. Thứ nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân, truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố. Càng khó khăn, càng phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, nhạy bén vận dụng đưa nghị quyết vào cuộc sống; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội và sự tham gia thực hiện của nhân dân. Thứ hai, nhận thức sâu sắc và xác định trách nhiệm rất cao về vai trò, vị trí Thành phố là nơi hội tụ và lan tỏa, vì cả nước, cùng cả nước; thực hiện tốt các chính sách an dân, xây dựng “thế trận lòng dân”; giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội với các tỉnh, thành phố trong cả nước và hội nhập quốc tế. Thứ ba, phát triển nhanh, bền vững; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; phải luôn thấm nhuần quan điểm tin dân, trọng dân, học dân, dựa vào dân, chăm lo cho cơ sở, phát huy sức dân để chăm lo cho dân, thực hiện tốt an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

          Từ những bài học được rút ra và những nhận định tình hình trong thời gian tới, vấn đề đặt lên hàng đầu là phải xây dựng Đảng bộ Thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó, tập trung thực hiện các giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét ngay trong nhiệm kỳ, từ nay đến năm 2020; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu của một thành phố loại đô thị đặc biệt, văn minh, hiện đại; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đạt hiệu quả cao. 

Kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta mãi mãi khắc ghi tinh thần quật cường, dũng cảm của quân và dân Thành phố trong sự kiện chính trị quan trọng này. Đảng bộ, Chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Thành phố đã và đang kế thừa, phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng đó, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tăng cường đoàn kết, biết nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng là trung tâm lớn về kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục của cả  nước và khu vực Đông Nam Á./.

GS, TS. NGUYỄN THIỆN NHÂN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Ý kiến bạn đọc (0)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội "phải lấy chính trị làm gốc" - ý nghĩa và giá trị hiện thực
Quân đội ta “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang, trách nhiệm nặng nề là: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, thì việc xây dựng Quân đội thật trong sạch, thật vững mạnh, xứng đáng với danh xưng cao quý mà nhân dân trao tặng “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất thiết “phải lấy chính trị làm gốc”