Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:06 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta, nhất là ngành Hậu cần đã bám sát quyết tâm chiến lược, vượt qua muôn vàn khó khăn, bí mật, chủ động chuẩn bị và tổ chức bảo đảm kịp thời hậu cần cho các lực lượng trên khắp chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi. Qua đó, để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, đến nay còn nguyên giá trị.
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là chủ trương chiến lược của Đảng, nhằm tạo sự đột phá, đưa chiến tranh cách mạng của quân và dân ta ở miền Nam phát triển lên một bước mới. Trong đó, trọng tâm là đòn tiến công chiến lược thực hiện kết hợp Tổng tiến công với nổi dậy của quần chúng nhân dân đánh thẳng vào sào huyệt, đầu não hiểm yếu nhất của địch ở các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, công tác hậu cần phải bảo đảm khối lượng vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật rất lớn cho nhiều lực lượng, nhiều hoạt động tác chiến, trong điều kiện khẩn trương, yêu cầu bí mật nghiêm ngặt, diễn ra đồng loạt, trên không gian rộng, khắp miền Nam, trọng điểm là các đô thị - nơi địch nắm quyền kiểm soát, xa tuyến hậu cần chiến lược và ta hầu như chưa có cơ sở hậu cần chủ lực đứng chân. Đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với công tác hậu cần.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược và lường trước những khó khăn, thách thức, chúng ta đã chủ động đi trước một bước trong chuẩn bị hậu cần cho Tổng tiến công và nổi dậy. Theo đó, công tác chuẩn bị chiến trường về hậu cần được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo tiến hành sớm (ngay từ cuối năm 1967), toàn diện ở các cấp. Trọng tâm là, đẩy mạnh hoạt động của tuyến vận tải chiến lược, tăng cường chi viện vật chất hậu cần, kỹ thuật cho chiến trường miền Nam; củng cố, kiện toàn lực lượng hậu cần trên các hướng chiến trường, nhất là ở Đông Nam Bộ, Khu 5, Trị - Thiên - Huế; mở rộng các căn cứ hậu cần, điều chỉnh thế bố trí áp sát khu vực ven các thành phố, thị xã; tập trung xây dựng các cơ sở hậu cần bí mật và từng bước đưa vũ khí vào “lót” trong các nội đô, sẵn sàng bảo đảm cho Tổng tiến công và nổi dậy, v.v.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần đã huy động lực lượng tạo chân hàng cho Đoàn 559 ở Nam Khu 4 để chuyển vào các chiến trường. Đến tháng 10-1967, lượng vật chất tập kết ở cửa khẩu Đường 12 và Đường 20 (Quảng Bình) lên tới trên 14.000 tấn1. Cùng với đó, chúng ta tập trung xây dựng, phát triển tuyến giao thông vận tải chiến lược, tăng cường lực lượng, bổ sung 05 tiểu đoàn vận tải cơ giới, với 1.382 xe và một số đơn vị cao xạ, công binh, thông tin cho Đoàn 559, nhằm đẩy mạnh chi viện chiến lược, đưa vật chất, vũ khí vào Nam. Đến cuối năm 1967, Tuyến 559 đã kéo dài cung vận tải ô tô vào đến Chà Vằn để chuyển hàng cho Khu 5 và vươn tới Nam Lào, nối thông với Tuyến C4 ở Đông Bắc Cam-pu-chia chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Trong mùa khô 1967 - 1968, Đoàn 559 đã khắc phục thời tiết không thuận lợi và sự đánh phá, ngăn chặn ác liệt của địch, hoàn thành vận chuyển 60.650 tấn hàng2, gấp 03 lần so với mùa khô năm trước, tạo dự trữ lớn tiếp cận các hướng chiến trường, địa bàn trọng yếu bảo đảm cho tác chiến.
Song song với chuẩn bị của hậu cần chiến lược, hậu cần các chiến trường cũng tập trung kiện toàn tổ chức, lực lượng, đẩy mạnh xây dựng, củng cố căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, tăng cường tạo nguồn dự trữ, nâng cao khả năng bảo đảm trên từng khu vực. Tại Đông Nam Bộ - một trong những trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Hậu cần Miền được tổ chức lại, hình thành 02 tuyến: tuyến trước trực tiếp bảo đảm cho chiến đấu, gồm 05 đoàn hậu cần bố trí xung quanh Sài Gòn; tuyến sau gồm 04 đoàn, vừa khai thác vật chất ở Cam-pu-chia, vừa tiếp nhận vật chất (chủ yếu vũ khí, thuốc quân y) từ Đoàn 559 ở Sê-rê-pốc chuyển cho các đoàn hậu cần đứng chân ở phía trước. Đến trước ngày nổ súng, Hậu cần Miền đã chuẩn bị được 5.554 tấn vật chất quân nhu, 5.078 tấn vũ khí. Hậu cần các khu, phân khu, tỉnh đều có phương án huy động vật chất hậu cần tại chỗ phục vụ các lực lượng tác chiến trên địa bàn4. Ở chiến trường Nam Bộ, Quân khu 8, Quân khu 9 tiến hành mở rộng các căn cứ hậu cần ở Nước Trong, Ba Hồ, Châu Thành, Trà Ôn, Chợ Gạo, tạo thế liên hoàn, vây quanh thành phố Cần Thơ và áp sát tỉnh Mỹ Tho. Các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Trị - Thiên cũng điều chỉnh, mở rộng căn cứ hậu cần tới các tỉnh; tổ chức lực lượng tiếp nhận vật chất từ tuyến chiến lược, lập các kho dự trữ ở vùng giáp ranh chuẩn bị bảo đảm cho các hướng tiến công vào các thành phố, thị xã, thị trấn, v.v. Bên cạnh đó, bằng đường hợp pháp và bí mật, hậu cần các quân khu, chiến trường đã đưa lực lượng thâm nhập các thành phố, thị xã, phối hợp với lực lượng tại chỗ để xây dựng cơ sở hậu cần bí mật. Với sự giúp đỡ của nhân dân và bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, chúng ta đã vận chuyển một khối lượng lớn vũ khí vượt qua hệ thống trạm kiểm soát và mạng lưới mật vụ, biệt kích, thám báo dày đặc của địch, đưa vào cất giấu, “lót sẵn” tại hàng trăm điểm tập kết ở vùng ven và trong các nội đô, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không làm lộ ý đồ chiến lược. Cùng với bí mật, khẩn trương chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Tổng cục Hậu cần và hậu cần các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh - đòn tiến công chiến lược, nhằm đánh lạc hướng, thu hút, giam chân và tiêu diệt lớn sinh lực địch, tạo thế cho các chiến trường tổng tiến công và nổi dậy.
Nhờ chuẩn bị chu đáo và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, nên khi Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, công tác hậu cần đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cho các lực lượng tác chiến, nhất là bảo đảm vũ khí, đạn, lương thực, thực phẩm, cứu chữa thương binh cho các đơn vị mũi nhọn tiến công vào các mục tiêu trọng điểm ở Sài Gòn, bảo đảm cho lực lượng bám trụ chiến đấu, làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm, trong điều kiện địch điên cuồng phản kích, bao vây, đánh phá ác liệt, v.v. Ngoài lực lượng hậu cần của các mặt trận, các đơn vị, công tác hậu cần trong Tổng tiến công và nổi dậy ghi nhận sự đóng góp quan trọng của hậu cần nhân dân. Các cơ sở hậu cần bí mật, hậu cần tại chỗ đã khẳng định vai trò quan trọng; tham gia bảo đảm có hiệu quả cho các lực lượng chiến đấu. Nhân dân ở các thành phố, thị xã, các vùng ven đã tích cực tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược; tiếp tế, ủng hộ lương thực, thuốc men; che giấu, nuôi dưỡng, vận chuyển thương binh,... góp phần quan trọng vào kết quả công tác bảo đảm hậu cần và thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, v.v.
Công tác hậu cần trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 để lại nhiều bài học có giá trị. Nổi bật là bài học về bám sát chủ trương chiến lược, thực tiễn chiến trường, chủ động chuẩn bị sớm, chu đáo về hậu cần; chú trọng xây dựng, phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân”, thế trận chiến tranh nhân dân, hậu cần nhân dân; kết hợp chặt chẽ hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân, hình thành thế trận hậu cần tại chỗ vững chắc trên từng khu vực, hướng chiến trường, địa bàn tác chiến, nhất là địa bàn và mục tiêu trọng điểm, v.v.
Kế thừa, phát triển những bài học đó trong điều kiện mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chúng ta tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng và bám sát thực tiễn đất nước, yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trên cơ sở đó, có chủ trương, giải pháp toàn diện nhằm xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân; chủ động chuẩn bị trước một bước về hậu cần, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng tiềm lực hậu cần tại chỗ; quy hoạch, xây dựng các căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ,... tạo thế trận hậu cần rộng khắp, liên hoàn, vững chắc, gắn kết chặt chẽ giữa bảo đảm tại chỗ với bảo đảm cơ động, hình thành các khu vực hậu cần hoàn chỉnh trên từng vùng, miền, hướng, địa bàn chiến lược, đủ khả năng độc lập bảo đảm và chuyển hóa linh hoạt, đáp ứng mọi tình huống về quốc phòng, an ninh. Chú trọng xây dựng hậu cần nhân dân rộng khắp làm cơ sở, hậu cần khu vực phòng thủ vững mạnh làm nền tảng, hậu cần quân đội ngày càng chính quy, hiện đại làm nòng cốt. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần tiếp tục đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP, Nghị định 02/2016/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là trên các địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo. Ngành Hậu cần, trước hết là các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Bộ Quốc phòng quy hoạch và triển khai xây dựng các căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch, phù hợp với thế bố trí chiến lược mới. Tham mưu cho các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ; tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ theo quy hoạch, lộ trình đã xác định. Mặt khác, nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy chế xây dựng và hoạt động của hậu cần khu vực phòng thủ; cơ chế huy động nguồn lực tại chỗ cho nhiệm vụ quốc phòng, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường.
Đặc biệt, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp xây dựng ngành Hậu cần Quân đội vững mạnh, đủ khả năng làm nòng cốt tiến hành công tác hậu cần, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Hậu cần các cấp tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, đẩy mạnh chấn chỉnh, kiện toàn hậu cần các cấp theo Đề án điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020; tập trung xây dựng nguồn nhân lực hậu cần chất lượng cao và đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, mua sắm trang bị, phương tiện hậu cần đồng bộ với vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, nhằm nâng cao khả năng cơ động, bảo đảm. Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hậu cần các cấp phát huy hơn nữa tinh thần chủ động “thấy trước, lo trước”, tích cực xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các văn kiện hậu cần bảo đảm cho tác chiến, cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, nhất là kế hoạch, phương án bảo đảm hậu cần cho phòng tránh, đánh trả địch tiến công hỏa lực, tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, chống chia cắt chiến lược, v.v. Đồng thời, tăng cường huấn luyện, luyện tập, diễn tập hậu cần theo các phương án, tình huống tác chiến bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao; phối hợp với các địa phương nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng hậu cần dự bị động viên và chủ động chuẩn bị chu đáo mọi mặt về hậu cần, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cùng với đó, quan tâm làm tốt công tác tổng kết, nghiên cứu phát triển lý luận hậu cần, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nghệ thuật quân sự, trang bị của lực lượng vũ trang và tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, tạo cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, góp phần bảo đảm cho Quân đội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Trung tướng DƯƠNG VĂN RÃ, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần _______________
1 - Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam - Tập 2, Nxb QĐND, H. 2016, tr. 313.
2 - Sđd, tr. 311.
Tổng tiến công,Xuân Mậu Thân 1968,công tác hậu cần
Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024
Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024
Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024
Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024
Nhân văn - giá trị định danh Bộ đội Cụ Hồ
Vận dụng tư tưởng “cốt tinh, không cốt đông” trong xây dựng Quân đội hiện nay
Công tác Đảng, công tác chính trị thực sự là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội
Cao Bằng - Nơi ra đời Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ