QPTD -Thứ Năm, 21/12/2017, 14:22 (GMT+7)
Công tác hậu cần trong Chiến dịch Phòng không tháng 12 - 1972

Cuối tháng 12 - 1972, Quân chủng Phòng không - Không quân cùng quân và dân miền Bắc tổ chức Chiến dịch Phòng không, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và vùng lân cận, lập nên chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Thắng lợi của Chiến dịch là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác bảo đảm hậu cần.

Mặc dù đã có kinh nghiệm về bảo đảm hậu cần trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên Quân chủng Phòng không - Không quân phải bảo đảm hậu cần cho chiến dịch phòng không với quy mô, cường độ lớn nhất từ trước đến nay. Lực lượng của Quân chủng tham gia Chiến dịch gồm nhiều thành phần, triển khai trên địa bàn rộng1,… do đó, công tác hậu cần có nhiều khó khăn, phức tạp.

Quán triệt sâu sắc tình hình, bám sát đặc điểm, nhiệm vụ chiến đấu của các lực lượng Phòng không - Không quân, cùng với chuẩn bị đầy đủ, chu đáo về mọi mặt, Quân chủng đã chủ động đi trước một bước trong tổ chức chuẩn bị hậu cần cho Chiến dịch: triển khai sớm, đồng bộ ở tất cả các cấp, phục vụ tác chiến quy mô lớn, liên tục, dài ngày. Trọng tâm là điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện Kế hoạch bảo đảm hậu cần, kiện toàn lực lượng, bố trí lại hệ thống kho tàng, trạm, xưởng ở khu vực phía Bắc, nhất là xung quanh Hà Nội, Hải Phòng, tạo lập thế trận hậu cần phù hợp với Kế hoạch tác chiến Chiến dịch. Đồng thời, tích cực bổ sung vật chất hậu cần, lượng dự trữ ở các cấp, các khu vực, tạo các tuyến dự trữ xăng dầu, đạn dược,... bảo đảm có trọng điểm, chiều sâu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tác chiến của các lực lượng.

Trên cơ sở kế hoạch bảo đảm hậu cần đã được chuẩn bị trước từ tháng 5-1972, điều chỉnh bổ sung trong tháng 7, tháng 9, Quân chủng coi trọng việc đảm bảo sơ tán cho các cơ sở, đơn vị hậu cần bằng cách sơ tán kho tàng, trạm xưởng, bệnh viện,… ra khỏi các khu vực trọng điểm, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về con người, vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất khi không quân địch đánh phá. Đồng thời, chỉ đạo ngành Hậu cần chuyển từ phương thức bảo đảm tuần tự, nhận trên, cấp dưới sang bảo đảm theo khu vực; thực hiện bảo đảm theo phân cấp kết hợp với vượt cấp cho các lực lượng bảo đảm tác chiến. Thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần Quân chủng với hậu cần cấp trên và phát huy sức mạnh tổng hợp của hậu cần nhân dân, hậu cần các địa phương để bảo đảm tại chỗ cho các đơn vị tác chiến trên từng khu vực. Quân chủng thực hiện các biện pháp bảo đảm độc lập trên từng hướng Chiến dịch, địa bàn tác chiến, kết hợp với bảo đảm hậu cần cơ động khi cần thiết. Với sự nỗ lực của ngành Hậu cần và các đơn vị trong Quân chủng, chỉ trong thời gian ngắn, tất cả các đơn vị Phòng không, Không quân đều có lượng dự trữ xăng dầu, đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men, bông băng, cáng nẹp,... đủ cơ số quy định theo phương án tác chiến. Trước khi bước vào Chiến dịch, lượng dự trữ vật chất bảo đảm cho sinh hoạt của các trung đoàn từ 7 - 10 ngày, sư đoàn dự trữ từ 3 - 5 ngày. Đạn pháo cao xạ được dự trữ trên từng khu vực, theo từng cấp, đủ từ 2 - 3 cơ số bảo đảm cho từ 2 - 3 đợt chiến đấu trong khoảng thời gian từ 5 - 7 ngày. Về đạn tên lửa, các trung đoàn chuẩn bị sẵn sàng từ 1,8 - 2,1 cơ số.

Mặc dù có sự chuẩn bị trước, nhưng do địch đánh phá ác liệt, nên trong quá trình tác chiến nảy sinh nhiều khó khăn, phức tạp về bảo đảm hậu cần, nhất là việc bảo đảm nhiên liệu bay và đạn tên lửa. Đây là hai khó khăn lớn nhất, đồng thời cũng là hai thành công nổi bật trong công tác bảo đảm hậu cần của Quân chủng trong Chiến dịch này. Việc vận dụng, kết hợp linh hoạt các hình thức bảo đảm hậu cần và thực hiện nguyên tắc ưu tiên, tập trung tối đa mọi khả năng để bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ chủ yếu, trận then chốt của Quân chủng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thành công của Chiến dịch.

Trong bảo đảm xăng dầu, cùng với việc tăng cường lượng dự trữ tại các sân bay (mỗi sân bay dự trữ từ 30 đến 40 ngày chiến đấu), Quân chủng chủ động hiệp đồng với các kho chiến lược của Tổng cục Hậu cần và các kho xăng dầu quốc gia tổ chức 03 cụm kho hậu cần ở Bắc sông Đuống, Nam sông Đuống và Nam sông Hồng, sẵn sàng bảo đảm trực tiếp cho các sân bay trên các hướng, trong mọi tình huống. Trong bảo đảm đạn tên lửa, do lường trước được những khó khăn trong công tác vận chuyển, Quân chủng đã chỉ đạo huy động tối đa lực lượng, phương tiện vận tải tham gia và giải quyết tốt các mặt bảo đảm cho vận chuyển, như: xếp dỡ, bến bãi, đường cơ động,… nâng cao năng lực vận tải. Mặt khác, Quân chủng hiệp đồng với Tổng cục Hậu cần chuyển thẳng đạn tới các sư đoàn phòng không trên các hướng theo phương án; lượng còn lại, Hậu cần Quân chủng chuyển thẳng từ kho Quân chủng xuống sư đoàn, trung đoàn, thậm chí xuống tận các tiểu đoàn chiến đấu, kết hợp tiếp nhận vận chuyển thương binh về tuyến sau. Việc linh hoạt điều chỉnh phương thức bảo đảm, kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần Quân chủng với hậu cần chiến lược và chủ động vươn sâu bảo đảm của hậu cần Quân chủng đã bảo đảm kịp thời vật tư, đạn dược cho chiến đấu, giải quyết hiệu quả mâu thuẫn giữa khối lượng vận chuyển lớn với khả năng có hạn, thời gian ngắn và yêu cầu cơ động vũ khí, trang bị kỹ thuật chuyển hóa thế trận Chiến dịch2.

Kế thừa kinh nghiệm trong các Chiến dịch Phòng không chống không quân Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc từ năm 1965, lường trước tính chất hủy diệt của máy bay ném bom B-52, cùng với việc kiên quyết sơ tán người, các cơ sở, đơn vị hậu cần ra khỏi khu vực trọng điểm, Quân chủng đã chỉ đạo tổ chức các cơ sở quân y kết hợp với cơ sở dân y địa phương, hình thành các tuyến cứu chữa người bị thương theo khu vực. Trong đó, tuyến 1 gồm quân y trận địa kết hợp với tổ chức y tế của cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, làm nhiệm vụ cấp cứu ban đầu. Tuyến 2, kết hợp quân y đơn vị với trạm y tế các xã, khu phố, làm nhiệm vụ bổ sung cấp cứu. Tuyến 3, kết hợp quân y với các bệnh viện, bệnh xá huyện, khu phố, nhà máy lớn,... làm nhiệm vụ băng bó, cấp cứu, xử lý vết thương không quá phức tạp; tổ chức các đội phẫu thuật cơ động sẵn sàng xử trí tình huống khi cần thiết. Tuyến 4 gồm các bệnh viện quân y kết hợp với bệnh viện tỉnh, thành phố, đảm nhiệm xử lý các vết thương phức tạp, chuyên khoa sâu, chỉ đạo và chi viện kỹ thuật cho tuyến trước. Do kết hợp chặt chẽ giữa 15 tổ cấp cứu quân y với 105 tổ cấp cứu dân y ở Hà Nội và 15 tổ cấp cứu quân y với 53 tổ cấp cứu dân y ở Hải Phòng, nên trong 12 ngày đêm của Chiến dịch, công tác cấp cứu thương binh ở các đơn vị đạt hiệu quả cao, hạn chế nhiều số thương vong.

Cùng với đó, Quân chủng chỉ đạo ngành Hậu cần phối hợp chặt chẽ với Công binh Phòng không - Không quân và lực lượng vũ trang địa phương làm nhiệm vụ ứng cứu, sửa chữa gấp tại các sân bay: Nội Bài, Kép, Yên Bái; tổ chức lực lượng xây dựng sân bay dã chiến tại vùng núi huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá, bảo đảm kịp thời cho không quân cất cánh đánh máy bay B-52. Và, cũng chính tại đây, đêm 28-12-1972, phi công Vũ Xuân Thiều đã cất cánh và bắn cháy máy bay B-52 Mỹ.

Trong Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972, công tác tổ chức, bảo đảm hậu cần của Quân chủng đã có bước phát triển vượt bậc, giải quyết thành công nhiều vấn đề về chuẩn bị, tổ chức và thực hành bảo đảm hậu cần,… góp phần đảm bảo cho Quân chủng phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, cùng với quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ, lập nên chiến thắng có ý nghĩa lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Kế thừa, phát triển những bài học kinh nghiệm về công tác bảo đảm hậu cần Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972 trong điều kiện mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo đảm cho tác chiến không đối không trong điều kiện sử dụng vũ khí công nghệ cao, ngành Hậu cần Quân chủng cần bám sát tình hình thực tiễn, đẩy mạnh triển khai các biện pháp xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần cùng các phương án bảo đảm hậu cần, sẵn sàng bảo đảm cho Quân chủng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống cả trong thời bình và thời chiến. Trước mắt, Quân chủng tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, nhất là Nghị quyết 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Quốc phòng về quy hoạch, đầu tư xây dựng các căn cứ hậu cần, khu vực kho, trạm hậu cần trên từng vùng, miền, phù hợp với thế trận chung của hậu cần chiến lược, hậu cần khu vực phòng thủ, đáp ứng kịp thời cho lực lượng của Quân chủng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Đẩy mạnh việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế ngành Hậu cần, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quân chủng trong tình hình mới.

Đã 45 năm qua đi, nhưng những bài học kinh nghiệm về công tác bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Phòng không năm 1972 vẫn còn nguyên giá trị. Ngành Hậu cần Quân chủng sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp với điều kiện mới, góp phần xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thiếu tướng NGUYỄN HỮU CHÍ, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân
______________

1 - Lực lượng của Quân chủng tham gia Chiến dịch gồm: 03 sư đoàn phòng không (361; 367; 375), 23 tiểu đoàn tên lửa, 13 trung đoàn pháo cao xạ, 04 trung đoàn không quân, 04 trung đoàn ra-đa và 03 trung đoàn, 02 tiểu đoàn phòng không các quân khu Việt Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn; Chiến dịch diễn ra trên 11 tỉnh, thành phố.

2 - Trong 12 ngày đêm, riêng Sư đoàn 361 tiêu thụ 2.500 tấn đạn các loại, bằng 12% tổng số đạn tiêu thụ trong 02 cuộc chống chiến tranh phá hoại của cả Quân chủng Phòng không - Không quân.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024

Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024

Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024

Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024

Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024

Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024

Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024

Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực quân sự là vấn đề chiến lược và hệ trọng; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân là nòng cốt.