QPTD -Thứ Ba, 07/12/2021, 09:52 (GMT+7)
Công tác Đảng, công tác chính trị trong Chiến dịch Hòa Bình

Đầu tháng 11-1951, thực dân Pháp mở cuộc hành binh đánh chiếm thị xã Hòa Bình và vùng phụ cận nhằm bịt chặt cửa ngõ phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, chặt đứt đường giao thông giữa căn cứ địa Việt Bắc với nam Liên khu 3 và vùng tự do Liên khu 4.

Đầu tháng 11-1951, thực dân Pháp mở cuộc hành binh đánh chiếm thị xã Hòa Bình và vùng phụ cận nhằm bịt chặt cửa ngõ phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, chặt đứt đường giao thông giữa căn cứ địa Việt Bắc với nam Liên khu 3 và vùng tự do Liên khu 4. De Lattre, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương cho rằng, việc chiếm đóng Hòa Bình sẽ thu hút bộ đội chủ lực của ta đến tiêu diệt; thắng lợi của cuộc tiến quân sẽ giành lại quyền chủ động trên chiến trường, xoay chuyển tình thế có lợi cho Pháp, nhận thêm sự viện trợ từ Anh, Mỹ.

Trước âm mưu của địch, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận đề xuất của Tổng Quân ủy, quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình, với nhận định: “Đây là cơ hội rất tốt để mình đánh giặc. Phải thấy điều đó để tin tưởng và quyết tâm đánh và thắng”[1].

Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta huy động lực lượng lớn bộ đội chủ lực tham gia chiến dịch. Các Đại đoàn 304, 308, 312 cùng Đại đoàn công pháo 351, có nhiệm vụ đánh địch trên mặt trận Hòa Bình-Sông Đà; Đại đoàn 316 tấn công địch ở Trung du Bắc Bộ; Đại đoàn 320 tiến sâu vào Đồng bằng Bắc Bộ, cùng Trung đoàn 42, Trung đoàn 46 (chủ lực Liên khu 3) phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích, đánh tiêu diệt, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích; các đơn vị chủ lực của Bình-Trị-Thiên đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên địa bàn.

Ngày 10-12-1951, Chiến dịch Hòa Bình mở màn, qua 3 đợt chiến đấu trong suốt 78 ngày đêm. Trên mặt trận chính diện, ta đã phá kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của địch, giải phóng hơn 2.000km2 và 2 vạn dân, diệt hơn 6.000 tên địch, thu 24 khẩu pháo các loại, 788 súng, 98 máy vô tuyến điện, phá hủy 12 khẩu pháo, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 17 ca nô, phá hủy 246 xe quân sự.

Trên mặt trận Trung du và Đồng bằng Liên khu 3, bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân địa phương, kết hợp tác chiến với phá tề, trừ gian, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 15.200 tên địch, phá hơn 1.000 đồn bốt, thu hơn 6.100 súng các loại, giải phóng 4.000km2 với hơn 1 triệu dân[2]; phát triển sâu rộng chiến tranh du kích, khôi phục và mở rộng căn cứ du kích, khu du kích cả những địa bàn ở sâu trong vùng địch tạm chiếm.

Âm mưu giành lại quyền chủ động của thực dân Pháp đã thất bại hoàn toàn, đây là thắng lợi “cực kỳ quan trọng về tiêu diệt địch, giải phóng đất đai, đặc biệt là tạo nên thế trận mới chưa từng có của ta ở vùng địch tạm chiếm ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ”[3].

Thắng lợi Chiến dịch Hòa Bình là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) là một trong những yếu tố quan trọng, để lại những kinh nghiệm sâu sắc cho sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là:

Một là, lãnh đạo tư tưởng, động viên chính trị, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ

Tiến hành Chiến dịch Hòa Bình trong bối cảnh sau 4 chiến dịch (Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Lý Thường Kiệt) và một tháng hoạt động du kích không đạt kết quả như dự kiến, “Chúng ta chưa giành được ưu thế quân sự, chưa phá được phòng tuyến của địch, chưa thay đổi được tình thế ở đồng bằng Bắc Bộ”[4]; trong khi thực dân Pháp và tay sai ra sức đẩy mạnh chiến tranh tổng lực, càn quét bình định hết sức quyết liệt hòng biến vùng tạm chiếm và vùng du kích trở thành hậu phương vững chắc của chúng.

Trước tình hình đó, Tổng Quân ủy xác định: “Nắm vững và kịp thời lãnh đạo tư tưởng bộ đội, làm cho toàn quân nhận rõ cơ hội thuận lợi và nhiệm vụ quan trọng lần này để nâng cao quyết tâm chiến đấu”[5]. Thực hiện chủ trương này, công tác lãnh đạo tư tưởng, động viên chính trị đã tập trung quán triệt, giáo dục cho bộ đội nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chiến dịch, củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc ý định của cấp trên, ý nghĩa của chiến dịch; nhận định đúng đắn địch, ta, thuận lợi, khó khăn, phương châm tác chiến... qua đó phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, củng cố niềm tin vào thắng lợi của chiến dịch.

Thành công của các trận đánh Tu Vũ, Đồi Mồi, Điểm cao 600... là do làm tốt công tác quán triệt, giáo dục nên đã chuẩn bị tốt tư tưởng cho bộ đội, tinh thần quyết tâm, ý chí quyết chiến quyết thắng, sự chủ động, linh hoạt của bộ đội được nâng lên, tạo nên sức mạnh to lớn trong quá trình thực hành tác chiến, trở thành yếu tố căn bản của mọi thắng lợi, của từng trận đánh, để đưa chiến dịch đi đến thắng lợi.

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là trước sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ, đã tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quân sự, quốc phòng. Nếu chiến tranh xảy ra, địch sẽ triệt để sử dụng vũ khí công nghệ cao với tính chất hủy diệt ngày càng lớn.

Điều đó tác động không nhỏ đến tư tưởng của bộ đội; đặt ra nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu để xây dựng và phát huy các nhân tố: Chính trị-tinh thần; ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Từ kinh nghiệm của Chiến dịch Hòa Bình, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải nắm vững chỉ dẫn của V.I.Lênin: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”[6].

Luôn quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chiến lược của Đảng về quân sự, quốc phòng, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết của Quân ủy Trung ương.

Bám sát tình hình nhiệm vụ, thực tiễn đơn vị để tiến hành công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, giúp họ nhận diện đúng bản chất mối quan hệ giữa đối tượng, đối tác, phát huy sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam, vũ khí, trang bị hiện có... xây dựng phương án tác chiến cụ thể, khoa học, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thực hiện nghiêm Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” của Bộ Quốc phòng và Quy chế “Giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam” (ban hành kèm theo Quyết định số 438/QĐ-CT, ngày 21-3-2016 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị).

Chú trọng tuyên truyền, giáo dục nhiệm vụ của đơn vị, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; từ đó, xác định mục đích, động cơ, thái độ, ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, nhất là chống quan điểm sai trái, thù địch và âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch; không mơ hồ, mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng trong từng cơ quan, đơn vị và toàn quân; xây dựng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Hai là, thực hành dân chủ quân sự rộng rãi, khơi dậy và phát huy tinh thần tự giác phấn đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ

Trong Chiến dịch Hòa Bình, thông qua phát huy dân chủ quân sự đã làm cho từng cán bộ, chiến sĩ nhận thấy niềm vinh dự, tự hào được tham gia chiến đấu; hiểu rõ nhiệm vụ, tác dụng và ý nghĩa lớn lao của chiến dịch, từ đó nêu cao ý chí, vượt qua khó khăn, không ngại gian khổ, kiên quyết làm tròn nhiệm vụ.

Phát huy dân chủ quân sự đã hình thành nên những phong trào thi đua giết giặc, lập công, thi hành chính sách... và giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ. Thông qua việc mở rộng dân chủ quân sự đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tài năng, sáng kiến của quần chúng, nêu cao tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm, dám chịu trách nhiệm, chủ động tự giải quyết lấy những khó khăn, vướng mắc, tạo nên sự thống nhất về tư tưởng.

Điển hình của công tác này là ở Đại đội 41, Tiểu đoàn 84 (Trung đoàn 36, Đại đoàn 308) khi nhận nhiệm vụ luồn sâu, bí mật đột nhập tiêu diệt trận địa pháo địch ở khu Kiểm Lâm, nhiều cán bộ, chiến sĩ lo lắng khó giữ bí mật khi phải vào sâu hậu cứ địch trong điều kiện trăng sáng, vượt qua ruộng lầy; lại phải đối phó với lực lượng bảo vệ pháo của địch mạnh và những khó khăn về đảm bảo thông tin liên lạc, giải quyết thương binh, cũng như bộ đội chưa biết khẩu pháo của địch ra sao...

Để giải quyết những băn khoăn trên, Đảng ủy Trung đoàn 36 đã triệu tập hội nghị, tập trung thảo luận về những khó khăn, về tình hình tư tưởng bộ đội, về kế hoạch lãnh đạo mọi mặt và lấy tinh thần xung phong thực hiện nhiệm vụ.

Do phát huy được dân chủ quân sự, nhiều sáng kiến của tập thể được đưa ra để khắc phục khó khăn một cách tỉ mỉ và sát thực tế; đơn vị đã tìm được cách đặt bàn chân xuống ruộng lầy và rút lên không gây tiếng động, cách ngụy trang bằng rơm để dễ lẫn vào ruộng dưới ánh trăng, cách cắt dây thép gai vẫn không phát ra âm thanh, cách tiến quân bí mật...

Đơn vị đã tổ chức cho bộ đội quan sát pháo của ta để nắm được hình thù khẩu pháo 105 mm. Vấn đề thông tin được huấn luyện đi vào những kỹ thuật tỉ mỉ nhất, đảm bảo tuyệt đối an toàn, bí mật. Vấn đề tải thương được giải quyết bằng cách tự các tổ 3 người sẽ kiểm soát và giải quyết...

Những thắc mắc trong tư tưởng được dân chủ thảo luận và giải quyết, nên bộ đội thống nhất về hành động, phấn khởi và tự tin bước vào trận đánh, giành được thắng lợi, phá hủy 4 khẩu pháo 105mm, diệt 20 tên địch, bắt sống tên đại úy chỉ huy[7]. Tiếng nổ bộc phá của đại đội là hiệu lệnh cho các đơn vị tiến công tiêu diệt các vị trí của địch ở ngoại vi thị xã, cũng là mở màn cho đợt 3 của chiến dịch.

Dân chủ quân sự chính là thực hiện đường lối quần chúng trong công tác quân sự, là sự vận dụng một cách cụ thể phương pháp lãnh đạo “từ trong quần chúng mà ra lại trở về quần chúng”[8] trong quân đội, là tập trung và phát huy tài năng của quần chúng để bổ sung cho những hạn chế của lãnh đạo. Đó là phương pháp tốt nhất để nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm cho cán bộ, chiến sĩ thống nhất tư tưởng và hành động.

Từ kinh nghiệm của Chiến dịch Hòa Bình, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải luôn nhận thức đúng tầm quan trọng của việc phát huy và mở rộng dân chủ. Tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về "Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW ngày 4-10-2010 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Hướng dẫn số 1575/HD-CT, ngày 15-10-2010 của Tổng cục Chính trị về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong Quân đội”; “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở.

Chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức”[9], để cho mọi cán bộ, chiến sĩ vừa là chủ và vừa làm chủ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của quân đội; được đóng góp ý kiến vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước, vào nhiệm vụ chính trị của quân đội, vào sự lãnh đạo của Đảng ở đơn vị, được phê bình cán bộ, đảng viên, được quyền phát biểu về mọi vấn đề trong đơn vị; được bảo đảm thông tin về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được thực hiện quyền công dân của mình tham gia vào sinh hoạt chính trị của xã hội; được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến vào đường lối của Đảng; tham gia ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, biện pháp bảo đảm cho huấn luyện đạt kết quả tốt.

Đảm bảo dân chủ quân sự luôn phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm trong chiến đấu, học tập, công tác và sản xuất, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Phát huy dân chủ là cơ sở tạo sự đồng thuận, đoàn kết, kỷ luật trong nội bộ cơ quan, đơn vị, tăng cường, củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, chiến sĩ vào cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp được thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Ba là, làm tốt công tác dân vận, động viên quần chúng nhân dân tham gia chiến dịch

Chiến dịch Hòa Bình diễn ra trên địa bàn rộng, có nhiều dân tộc, với nhiều đối tượng quần chúng; do vậy, công tác dân vận được quán triệt hết sức sâu sắc, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Quân ủy: “Có kế hoạch tuyên truyền kịp thời để động viên tinh thần quân dân và phản tuyên truyền địch. Giúp đỡ địa phương giữ vững cơ sở nhân dân, chú ý giúp cơ quan cung cấp”[10], cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc phương châm tranh thủ quảng đại quần chúng nhân dân. Khi liên hệ với nhân dân phải có ý kiến của địa phương và do cán bộ địa phương giúp đỡ. Tuyệt đối không được cưỡng bức nhân dân buôn bán hay phục vụ bộ đội. Tránh tất cả những phiền hà cho nhân dân, dù là nhỏ nhất; giúp đỡ nhân dân đề phòng địch đánh phá cũng như tăng gia sản xuất. Phải tôn trọng phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, ra sức thuyết phục các đối tượng lang đạo. Đối với dân công, cấp ủy, chỉ huy các cấp được yêu cầu sử dụng dân công đảm bảo hết sức tiết kiệm và hợp lý, đỡ gánh nặng cho nhân dân và đáp ứng cho kế hoạch tác chiến lâu dài. Chỉ sử dụng dân công vào vận chuyển phục vụ chiến đấu, giải quyết các vấn đề liên quan đến chiến trường. Kịp thời chấn chỉnh những hành động đối xử không đúng đối với dân công. Chăm sóc, giúp đỡ nhân dân trong việc tiếp tế, ăn ở, bảo vệ an toàn cho dân công; cử cán bộ có năng lực công tác chính trị phụ trách dân công, phối hợp chặt chẽ với cán bộ địa phương của các đội dân công trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Nhờ làm tốt công tác dân vận nên trong Chiến dịch Hòa Bình, thế trận chiến tranh nhân dân được phát huy cao độ với sự tham gia rộng rãi của nhân dân. Đồng bào từ miền núi đến đồng bằng đang bị địch chiếm đều hết sức, hết lòng phục vụ chiến đấu, cưu mang bộ đội. Trên cả hướng chính diện và sau lưng địch, đồng bào đã cung cấp cho bộ đội hơn 6.000 tấn gạo, 70 tấn muối, 70 tấn thịt, 60 tấn thực phẩm khác; điều trị phục vụ 6.390 thương binh, huy động 333.200 dân công với gần 12.000.000 ngày công[11]. Kết quả trên có ý nghĩa quan trọng đối với thắng lợi của chiến dịch.

Công tác dân vận là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy các cấp, các cơ quan, đơn vị và mọi quân nhân, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng. Từ kinh nghiệm của Chiến dịch Hòa Bình, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “không có dân thì không có bộ đội”[12]; “nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”[13]. Luôn quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”; Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10-1-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về “Công tác tôn giáo trong tình hình mới”... Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động, xây dựng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong từng lĩnh vực. Quân đội thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất; phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Bốn là, CTĐ, CTCT phải được tiến hành thường xuyên, chủ động, nhạy bén, linh hoạt bám sát thực tế chiến dịch, chiến đấu

Trong suốt chiến dịch, CTĐ, CTCT đã phát huy vai trò đảm bảo cho chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Tổng Quân ủy đến với cán bộ, đảng viên, quần chúng và biến chủ trương, đường lối, chính sách thành sức mạnh; biến quyết tâm của Trung ương Đảng, của Tổng Quân ủy thành quyết tâm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Để đạt được thành công đó, CTĐ, CTCT luôn kịp thời bám sát diễn biến của chiến dịch, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, động viên bộ đội, phát huy ý chí chiến đấu, mưu trí, dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ.

Tiêu biểu ở trận tấn công cứ điểm Tu Vũ, khi địch chống cự quyết liệt lại được pháo binh yểm trợ tối đa nên bộ đội thương vong nhiều, sau nhiều đợt xung phong vẫn chưa dứt điểm được mục tiêu. Trước tình thế đã gần sáng, cơ số đạn và thuốc nổ dùng trong trận đánh không còn nhiều, quân số bị hao hụt, nhưng yêu cầu phải quyết thắng trận mở màn.

Để khắc phục khó khăn, tập trung binh lực tiêu diệt bằng được cứ điểm Tu Vũ, Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) hội ý gấp, tìm biện pháp tiến công có hiệu quả nhất, động viên cán bộ và đảng viên nêu gương dũng cảm quyết đánh, quyết thắng trận đầu, tạo thế cho chiến dịch.

Quyết tâm của Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn 88 được các đơn vị trực thuộc và phối thuộc (cả bộ binh, pháo binh và phòng không) thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng xốc lại lực lượng, tập trung sức mạnh đột phá thành công, làm chủ toàn bộ cứ điểm Tu Vũ khi trời rạng sáng, kết thúc trận đánh kéo dài tới gần 6 tiếng đồng hồ.

Việc xử trí tình huống chiến đấu phức tạp ở trận đánh cứ điểm Tu Vũ đã được đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch đánh giá là “kinh điển về CTĐ, CTCT trong chiến đấu”[14].

Cùng với bám sát từng trận đánh, trước khi bước vào đợt chiến đấu mới, cơ quan chính trị Chiến dịch đã ban hành chỉ thị về CTĐ, CTCT. Để chuẩn bị cho đợt 2 của chiến dịch, ngày 16-12-1951, cơ quan chính trị Chiến dịch ra Chỉ thị “Công tác chính trị đợt 2”; nêu rõ 7 vấn đề phải lãnh đạo, đảm bảo thực hiện thắng lợi.

Trong đó, nhấn mạnh việc phải làm cho cán bộ, chiến sĩ thấu triệt những nhận định về thắng lợi, tình hình và nhiệm vụ; phát động học tập Thư động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng; làm tốt việc chuẩn bị tư tưởng, động viên tinh thần phấn khởi thi đua lập công đối với cán bộ, chiến sĩ. Kiên định ý chí chiến đấu trong mọi hoàn cảnh khó khăn, phức tạp.

Kiên quyết khắc phục vượt mọi khó khăn. Liên tục chiến đấu vừa đánh vừa kịp thời củng cố để phát huy sức mạnh, giành thắng lợi. Chú trọng công tác binh vận, dân vận; nắm vững chính sách đối với hàng binh, tù binh. Đảm bảo giữ bí mật, phòng gian, đề cao cảnh giác...

Trong suốt quá trình chiến đấu, cán bộ chính trị, cơ quan chính trị các cấp đã thường xuyên xem xét trạng thái tinh thần, dũng khí và quyết tâm chiến đấu của bộ đội để tiến hành công tác tư tưởng, cổ động chiến trường, động viên cán bộ, chiến sĩ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Phương pháp tiến hành đa dạng, phong phú, hết sức linh động; tùy theo điều kiện chiến đấu, thời gian và hoàn cảnh, tiến hành CTĐ, CTCT được thực hiện thông qua các hình thức, như: Sinh hoạt tập thể hoặc nói chuyện riêng, khuyến khích, tự phê bình và phê bình, giáo dục, động viên tư tưởng, thông báo tin chiến thắng kịp thời, các phong trào thi đua... qua đó xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm chiến đấu vững chắc, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Vận dụng kinh nghiệm của Chiến dịch Hòa Bình, trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải luôn bám sát mọi mặt đời sống xã hội và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ Quân đội, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao giác ngộ, lập trường, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ.

Tình hình kinh tế, chính trị, quân sự thế giới, khu vực, trong nước, nhất là sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đều tác động đến nhận thức, tư tưởng của bộ đội, làm nảy sinh cả những tư tưởng tích cực và tiêu cực, đòi hỏi CTĐ, CTCT phải bám sát đời sống xã hội, thực tiễn trong quân đội thì mới có sức sống, tính thuyết phục.

Trên cơ sở đó, đề xuất các chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng, kịp thời định hướng, cổ vũ và phát triển nhân tố tích cực, hạn chế tác động tiêu cực, ngăn chặn và loại bỏ những ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, ý chí quyết tâm của bộ đội và sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đồng thời, hoạt động CTĐ, CTCT phải không ngừng đổi mới, trước hết là sự đổi mới tư duy của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp, tiếp đến đổi mới nội dung, phương thức tiến hành công tác chính trị, tư tưởng trong quân đội phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm nội dung thiết thực, phù hợp đối tượng; có nhiều hình thức phong phú, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, cập nhật, tiếp thu có chọn lọc những trào lưu, xu thế mới của xã hội, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn, mang lại hiệu quả thực chất trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao hiệu quả của CTĐ, CTCT, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình đánh dấu bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã củng cố niềm tin với chiến tranh toàn dân, dù LLVT ta còn có hạn, ta vẫn có thể giành quyền chủ động trên chiến trường chính để đi tới chiến thắng.

Thắng lợi quan trọng đó đã để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc về tiến hành CTĐ, CTCT, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, phù hợp, phát huy tốt vai trò CTĐ, CTCT, để cho công tác này thực sự là “linh hồn, mạch sống” của quân đội ta.

Qua đó, góp phần thực hiện thành công chủ trương “xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân” đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI xác định.

Trung tướng TRỊNH VĂN QUYẾT, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

_____________

[1] Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản 1963, tr. 55.

[2] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb QĐND, Hà Nội 2000, tr. 379.

[3] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch tiến công Hòa Bình (12/1951 - 2/1952), Hà Nội 1991, tr. 6.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 12, 1951, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr. 573.

[5] Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản 1963, tập 1, tr. 26 - 27

[6] V.I Lê Nin-Toàn tập, Tháng Năm-Tháng Mười một 1920, Nxb CTQG, Hà Nội 2005, tr. 147.

[7] Bộ tư lệnh Quân đoàn 1, Sư đoàn 308, Lịch sử Sư đoàn 308-Quân Tiên phong (1949-2009), Nxb QĐND, Hà Nội, 2009, tr. 101.

[8] Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản 1963, tập 2, tr. 123.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội 2021, tr. 51.

[10] Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản 1963, tập 1, tr. 27.

[11] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập V, phát triển thế tiến công chiến lược, Nxb QĐND, Hà Nội 2014, tr. 467.

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr. 219.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr. 485.

[14] Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2000), Nxb QĐND, Hà Nội 2002, tr. 245

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024

Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024

Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024

Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024

Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024

Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024

Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024

Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực quân sự là vấn đề chiến lược và hệ trọng; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân là nòng cốt.