Thứ Ba, 26/11/2024, 14:39 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử
Cách đây 45 năm, thực hiện quyền tự vệ chính đáng, trên tuyến biên giới Tây Nam, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, đập tan hành động xâm lược và trừng trị tội ác diệt chủng của tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary. Thắng lợi đó đã góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước, trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thuỷ chung, trong sáng giữa hai dân tộc.
Sau khi lên nắm quyền ở Campuchia, tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary đã lợi dụng thành quả cách mạng, thiết lập cái gọi là “Nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ độc tài, phát xít, mang tính diệt chủng đối với nhân dân Campuchia và gây chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ tháng 4/1975 đến cuối năm 1978, chúng liên tục quấy nhiễu, mở các cuộc xâm lấn biên giới nước ta, tàn sát dân thường, cướp bóc tài sản, v.v. Đêm 30/4/1977, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam. Những hành động ngang ngược, tàn bạo của tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary không chỉ kéo lùi lịch sử đất nước Angkor xinh đẹp mà còn làm gián đoạn mối quan hệ truyền thống, đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định ở Đông Dương cũng như khu vực Đông Nam Á.
Thực hiện mục tiêu bảo vệ hòa bình, giữ gìn tình hữu nghị, quan hệ láng giềng hòa hiếu, Đảng, Nhà nước ta chủ trương giải quyết các bất đồng bằng đối thoại thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước. Tháng 6/1977, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gửi thư cho chính quyền Campuchia Dân chủ đề nghị tổ chức các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo Đảng, Chính phủ của hai nước, nhưng đều bị phía Campuchia Dân chủ khước từ. Ngang ngược hơn, chúng còn mở rộng phạm vi đánh phá dọc tuyến biên giới Tây Nam của nước ta, giết hại người dân, đốt phá nhà cửa, v.v. Đỉnh điểm, ngày 31/12/1977, chính quyền Pol Pot - Ieng Sary chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, rút Đại sứ quán Campuchia ở Hà Nội và yêu cầu tất cả cán bộ ngoại giao Việt Nam ở Phnom Penh về nước; đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh, xâm lấn biên giới.
Nhân dân Campuchia, với khát vọng được sống trong hòa bình, đã tổ chức các cuộc nổi dậy của cả lực lượng vũ trang và nhân dân ở nhiều vùng, miền và ở ngay trong hàng ngũ cán bộ, sĩ quan quân đội Khơme Đỏ. Chính quyền Pol Pot - Iêng Sary đã thẳng tay đàn áp, khiến hàng nghìn người Campuchia phải chạy sang Việt Nam lánh nạn và cầu cứu giúp đỡ. Thể theo yêu cầu, nguyện vọng thiết tha của những người yêu nước Campuchia, tháng 5/1978, ta giúp Bạn xây dựng lực lượng cách mạng, thành lập Đơn vị 125 - tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia, do Samdech Hun Sen làm Chỉ huy trưởng, trở về giải phóng đất nước. Trước đòi hỏi cấp bách của tình thế, tháng 12/1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời và quyết định phát động phong trào nổi dậy của quần chúng; đồng thời, kêu gọi Việt Nam giúp đỡ tiêu diệt chế độ diệt chủng, giành chính quyền cho cách mạng và nhân dân Campuchia. Đáp lời kêu gọi chính đáng của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước và toàn thể nhân dân Campuchia, lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam thuộc các quân đoàn 2, 3, 4 và một số đơn vị chủ lực của các quân khu 5, 7, 9, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia1, mở cuộc phản công trên nhiều hướng, lần lượt đánh tan lực lượng của chính quyền Pol Pot. Ngày 07/01/1979, thủ đô Phnom Penh được giải phóng, tạo nền tảng tiến tới giải phóng tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn và vùng nông thôn rộng lớn của Campuchia trong thời gian ngắn. Ngày 08/01/1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia. Từ đây, nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và bước vào thời kỳ hồi sinh đất nước.
Tuy bị thiệt hại lớn, nhưng tàn quân Khơme Đỏ vẫn còn khoảng 40.000 tên, rút chạy vào vùng biên giới Campuchia - Thái Lan. Được nước ngoài giúp đỡ, chúng dựa vào các căn cứ ở khu vực biên giới hiểm trở và bờ biển Koh Kong tiếp tục duy trì hoạt động, cưỡng bức thanh thiếu niên Campuchia vào rừng gia nhập quân đội; tổ chức tập kích, phục kích các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và Quân đội cách mạng Campuchia, v.v. Những hoạt động của tàn quân Khơme Đỏ cho thấy tình hình Campuchia còn nhiều bất ổn, chế độ diệt chủng có nguy cơ quay trở lại. Theo đề nghị của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Campuchia, từ năm 1979 đến năm 1989, hàng vạn cán bộ chuyên gia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Campuchia anh em thực hiện công cuộc tái thiết đất nước, ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng ở Campuchia; cứu giúp hàng vạn người còn bị kìm kẹp, đọa đày trong các hang ổ của bọn diệt chủng ở vùng rừng núi, biên giới, trở về đoàn tụ với gia đình, trả lại sự bình yên cho đất nước Chùa Tháp.
Chiến thắng Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, giải phóng thủ đô Phnom Penh ngày 07/01/1979 cùng với hoạt động của Quân tình nguyện, các Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia những năm sau đó có ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn trong quan hệ Việt Nam - Campuchia. Đây là mốc son trong tiến trình lịch sử của hai nước, thể hiện quan hệ truyền thống, gắn bó thủy chung giữa hai dân tộc đoàn kết cùng nhau lật đổ chế độ diệt chủng; đồng thời, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ Việt Nam - Campuchia, thời kỳ của tình hữu nghị và hợp tác toàn diện.
Trong khi Pol Pot thi hành chế độ diệt chủng tàn bạo đối với chính đồng bào của mình, giết hại khoảng hai triệu người Campuchia vô tội, gây chiến tranh xâm lược Việt Nam thì chính những người yêu nước Campuchia lại có niềm tin vào sự giúp đỡ của Việt Nam. Sau này Samdech Hun Sen kể lại rằng: “căn cứ vào tình hình chính trị trong nước và quốc tế lúc đó,… Nước mà có khả năng giúp đỡ và có khả năng giúp chỉ có Việt Nam là duy nhất, kết hợp với sự giúp đỡ của Lào và các nước xã hội chủ nghĩa khác”2. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn sau kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng vì tình hữu nghị và mối quan hệ truyền thống lâu đời của nhân dân hai nước, Việt Nam đã đưa hàng vạn người, cả Quân đội và các Đoàn chuyên gia sang giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, giúp Bạn củng cố chính quyền, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Nhiều người Việt Nam đã hy sinh cả thời thanh xuân vì nhiệm vụ quốc tế cao cả, nhiều chiến sĩ Quân tình nguyện đã nằm lại chiến trường Campuchia, hoặc mang trong mình thương tật suốt đời, v.v. Những mất mát, hy sinh của hàng vạn người con ưu tú Việt Nam vì sự hồi sinh đất nước Campuchia mãi được nhân dân hai nước trân trọng, khắc ghi. Sự giúp đỡ sáng ngời chính nghĩa đó thể hiện truyền thống gắn bó, đoàn kết, tương thân, tương ái trong chống kẻ thù chung, lật đổ chế độ Pol Pot tàn bạo, cứu đất nước, dân tộc và nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, tiến hành công cuộc hồi sinh đất nước.
Công lao và sự hy sinh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot là vô tư, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, với tinh thần “giúp bạn là mình tự giúp mình”. Cả hai dân tộc đã từng kề vai sát cánh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vì thế, sau khi giành được độc lập, Việt Nam cũng mong muốn các nước trên bán đảo Đông Dương được sống trong hòa bình, phát triển. Sự kề vai, sát cánh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam với Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhất là những người yêu nước và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã đưa dân tộc Campuchia thoát khỏi trang sử bi thương do chế độ Pol Pot - Ieng Sary gây ra.
Mặc dù phải chịu nhiều hy sinh, mất mát, song do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam đối với Campuchia thời điểm đó chưa nhận được sự đồng thuận cao của một số nước, thậm chí có nước còn có hành động làm phức tạp, trầm trọng hơn tình hình. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động chi phối, kích động chính quyền Pol Pot gây “thù hằn dân tộc” để chia rẽ, phá hoại mối quan hệ Việt Nam - Campuchia khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong giải quyết mối quan hệ quốc tế hàng thập kỷ sau đó. Vượt qua khó khăn, với niềm tin của chính nghĩa, hai nước đã “chung lưng đấu cật”, lật đổ chế độ Pol Pot, xây dựng đất nước Campuchia hòa bình, ổn định, phát triển. Thắng lợi đó chứng minh cho sự vô tư, trong sáng, chính nghĩa của Việt Nam, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch muốn chia rẽ quan hệ Việt Nam - Campuchia; đồng thời, khẳng định tình đoàn kết, gắn bó giữa hai nước với khát vọng được sống trong hòa bình, ổn định, hướng tới tương lai tốt đẹp.
Chiến thắng ngày 07/01/1979, cùng quá trình hồi sinh đất nước Campuchia đánh dấu chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia; là thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa, bước tiếp nối của tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung giữa hai dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do và phát triển. Ca ngợi, tôn vinh sự hy sinh xương máu của Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, ngài Chhay Yi Heang, cố vấn Chính phủ Hoàng gia Camuchia viết: “chế độ diệt chủng Pol Pot không phải chỉ là kẻ thù của nhân dân Campuchia mà còn là kẻ thù của nhân loại. Việc nhân dân, Chính phủ và Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pol Pot và hồi sinh dân tộc là một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX”3.
Tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc trong lịch sử sẽ tiếp thêm nguồn sức mạnh để quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ của tình hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau vì sự phát triển phồn vinh của mỗi nước cũng như sự ổn định, hòa bình trong khu vực và thế giới.
Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự ____________________
1 - Gồm 21 tiểu đoàn bộ binh và gần 100 đội công tác.
2 - Ban Tuyên giáo Trung ương – Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia (1930 - 2017), Nxb CTQGST, H. 2017, tr. 83.
3 - Đại học quốc gia Hà Nội – Việt Nam trong thế kỷ XX, Tập 1, Nxb CTQGST, H. 2001, tr. 130.
Việt Nam - Campuchia,biên giới Tây Nam,đoàn kết quốc tế,biểu tượng cao đẹp
Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024
Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024
Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024
Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024
Vận dụng tư tưởng “cốt tinh, không cốt đông” trong xây dựng Quân đội hiện nay
Công tác Đảng, công tác chính trị thực sự là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội
Cao Bằng - Nơi ra đời Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ
Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau
Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ
Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng