QPTD -Thứ Hai, 18/12/2017, 13:30 (GMT+7)
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với việc xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội Phòng không - Không quân hiện nay

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12-1972) của quân và dân miền Bắc, nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân, mãi mãi là biểu tượng của trí tuệ và ý chí Việt Nam; bản hùng ca vĩ đại về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới. Chiến thắng đó để lại bài học quý về xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu cho Bộ đội Phòng không - Không quân hiện nay.

Sau những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam và hai cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Chính quyền Ních-xơn với dã tâm và mưu đồ đen tối đã bí mật chuẩn bị kế hoạch tập kích đường không chiến lược bằng B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng trên miền Bắc, nhằm hủy diệt, làm tê liệt ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà chúng đưa ra ở Hội nghị Pa-ri.

Thực hiện mưu đồ đó, từ ngày 18 đến 30-12-1972, Mỹ đã huy động 193 máy bay chiến lược B.52, một biên đội máy bay F.111 (khoảng 50 chiếc) và 1.077 máy bay tiêm kích, 6 liên đội tàu sân bay và 50 máy bay tiếp dầu KC.1351,... mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trên miền Bắc, với mật danh “Lai-nơ-Bếch-cơ II”. Chỉ trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B.52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom đạn xuống các mục tiêu chúng đã xác định. Riêng Hà Nội, Mỹ huy động 441 lần chiếc B.52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném bom tàn phá Thủ đô2. Đây là cuộc chiến tranh không cân sức về lực lượng, phương tiện, nhưng với tinh thần “dám đánh, quyết đánh, quyết thắng”, sau 12 ngày đêm chiến đấu gan dạ, kiên cường, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B.523, 5 máy bay F.111 và 42 máy bay chiến thuật khác. Chiến thắng đó đã làm sụp đổ hoàn toàn thần tượng “Không lực Hoa Kỳ”, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và cuồng vọng đưa “miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” của Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn. Đồng thời, tạo ra bước ngoặt làm thay đổi căn bản cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri ngày 27-01-1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra thế và lực mới để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có nhiều nhân tố làm nên chiến thắng vĩ đại đó; song, vấn đề xây dựng bản lĩnh chính trị cho quân và dân ta trước những thử thách ác liệt có ý nghĩa quyết định, được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

Trước hết, chúng ta có dự báo chiến lược chính xác nên đã chủ động về mọi mặt. Trên cơ sở nắm bắt quy luật khách quan, với tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy chính trị, quân sự sắc sảo, độc đáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội4. Từ dự báo chiến lược đó, ngày 05-4-1972, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân và các quân khu: “Phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc5. Những dự báo, chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu vang lên như lời hịch kêu gọi toàn dân, toàn quân ta “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”6.

Thứ hai, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, sức mạnh của cuộc chiến tranh chính nghĩa. Bằng hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, công tác giáo dục chính trị đã góp phần khơi dậy lòng tự tôn dân tộc; truyền thống kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, củng cố ý chí, lòng trung thành tuyệt đối của cán bộ, chiến sĩ vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, niềm tin tất thắng vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc. Trên cơ sở đó, hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng của người chiến sĩ: bình tĩnh, tự tin, không hoảng sợ trước sức mạnh vũ khí, trang bị hiện đại của địch. Đồng thời, làm rõ sức mạnh chính nghĩa của nhân dân ta và cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ.

Thứ ba, cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố nâng cao sức mạnh chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Trước kẻ thù xâm lược sử dụng vũ khí hiện đại, từ Quân ủy Trung ương đến chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nhân tố con người trong từng trận đánh; xây dựng cho họ có nghị lực chiến đấu phi thường, sức mạnh sáng tạo, trình độ cao về nghệ thuật tác chiến, làm chủ vũ khí, trang bị hiện có, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách để chiến thắng quân thù. Đồng thời, tổ chức những “Hội nghị Diên Hồng” dân chủ bàn bạc, nghiên cứu, tìm ra cách đánh B.527; điều chỉnh lực lượng, bổ sung khí tài, xây dựng thế trận phòng không vững chắc; chấn chỉnh công tác bảo đảm phục vụ chiến đấu, v.v.

Thiếu tướng Lâm Quang Đại tặng hoa phi công sau chuyến bay

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ vùng trời của Tổ quốc đang đứng trước những thuận lợi và thách thức đan xen. Nếu chiến tranh xảy ra thì đó là cuộc chiến tranh công nghệ cao rất khốc liệt. Quân chủng được Đảng và Nhà nước đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, bên cạnh việc trang bị vũ khí, khí tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thì việc xây dựng bản lĩnh chính trị - tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Kế thừa bài học và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Thường xuyên nghiên cứu nắm chắc âm mưu, thủ đoạn tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch, làm cơ sở để thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng mục tiêu lý tưởng, xây dựng động cơ chiến đấu cho bộ đội. Trong chiến tranh, việc nghiên cứu nắm chắc âm mưu, thủ đoạn, phương án tác chiến, lực lượng và phương tiện chiến đấu của đối phương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bởi “biết địch, biết ta trăm trận không nguy”. Trên cơ sở đó, đánh giá đúng tương quan lực lượng, thực hiện tốt công tác chuẩn bị, xác định cách đánh, tạo thế chủ động về chính trị - tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Công tác giáo dục chính trị cần tập trung làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới; nhiệm vụ của Quân chủng; vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của mục tiêu mà đơn vị bảo vệ. Thường xuyên tổ chức giáo dục truyền thống của dân tộc, Quân đội, đơn vị và bài học kinh nghiệm của Quân chủng trong chiến đấu, từ đó xây dựng niềm tin vào cách đánh, khả năng chiến thắng trong chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải đa dạng hóa hình thức, phương pháp giáo dục, phát huy tốt vai trò của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, các tổ chức; kết hợp giáo dục chính trị với giáo dục truyền thống, tuyên truyền những thành tựu kinh tế, xã hội, sức mạnh quốc phòng của đất nước. Đồng thời, tăng cường rèn luyện bản lĩnh chiến đấu, niềm tin vào vũ khí, trang bị và cách đánh của ta, xây dựng ý chí cách mạng, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Nâng cao chất lượng huấn luyện các chuyên ngành Phòng không - Không quân, làm chủ được vũ khí, trang bị kỹ thuật và cách đánh, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Hiện nay, Quân chủng Phòng không - Không quân là một trong những lực lượng được Nhà nước, Quân đội đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Đây vừa vinh dự, tự hào nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp của Quân chủng. Để sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, đòi hỏi các cấp phải tổ chức huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm” đúng quy trình đã đề ra; huấn luyện phải chu đáo, tỉ mỉ, thận trọng, đảm bảo cho bộ đội làm chủ được vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, thuần thục các phương án tác chiến, tin tưởng vào khả năng và sức mạnh của phương tiện kỹ thuật trong quá trình huấn luyện cũng như trong chiến đấu (nếu xảy ra). Rèn luyện cho bộ đội ý thức giữ tốt, dùng bền các phương tiện kỹ thuật được trang bị, nhất là vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; đẩy mạnh huấn luyện các phương án chiến đấu, huấn luyện bay, xây dựng thế trận phòng không - không quân nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong mọi tình huống.

3. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc phát huy nhân tố chính trị - tinh thần và ý chí, quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Để làm được điều đó, cần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cụ thể hóa công tác lãnh đạo vào xây dựng ý chí, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho bộ đội. Thường xuyên kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu, bảo đảm các cấp ủy có đủ trí tuệ, năng lực lãnh đạo xây dựng các phương án, quyết tâm của người chỉ huy và yếu tố chính trị - tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Mỗi cấp ủy viên phải được trang bị kiến thức toàn diện về lý luận chính trị, chuyên môn quân sự, hiểu biết về nghệ thuật tiến công đường không; các thủ đoạn, phương pháp tác chiến của địch khi chúng sử dụng vũ khí công nghệ cao.

4. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp và tổ chức quần chúng trong xây dựng bản lĩnh chiến đấu cho bộ đội. Vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp phải được phát huy thông qua việc nâng cao trách nhiệm thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tấm gương mẫu mực về rèn luyện ý chí, quyết tâm, là chỗ dựa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Tư cách của người cán bộ có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội và là tấm gương trực tiếp để bộ đội noi theo. Vì vậy, đội ngũ cán bộ chủ trì phải luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí, quyết tâm chiến đấu cao, năng lực chuyên môn quân sự giỏi, phẩm chất đạo đức trong sáng, phong cách lãnh đạo khoa học, sâu sát cấp dưới, cơ sở, đoàn kết, thống nhất cao, luôn tạo được niềm tin với bộ đội. Cơ quan chính trị cần xây dựng kế hoạch, nội dung, đề xuất hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp, giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Tăng cường quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho bộ đội.

45 năm đã trôi qua, song bài học về phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của Bộ đội Phòng không - Không quân trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972 vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển toàn diện lên một tầm cao mới. Từ đó xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân bản lĩnh, ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời thực sự xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đất đối không trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng LÂM QUANG ĐẠI, Chính ủy Quân chủng
__
______________

1 - Cục Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, Đề cương tuyên truyền 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 – 12-2012), tr. 9.

2 - “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2012, tr. 16 - 17.

3 - 16 chiếc B.52 rơi tại chỗ.

4 - Hồ Chí Minh: Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb QĐND, H. 1990, tr. 203.

5 - “Điện Biên Phủ trên không”- Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2007, tr.106.

6 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534.

7 - Tiêu biểu là cuốn “Cẩm nang đỏ - Cách đánh B.52 của Bộ đội Tên lửa”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết