QPTD -Thứ Ba, 26/12/2017, 07:50 (GMT+7)
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - bài học về sự chủ động chiến dịch

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta đã làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản. Để cứu vãn, đế quốc Mỹ điên cuồng dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, mà đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972. Cuộc tập kích này, Mỹ đã huy động gần 200 máy bay chiến lược B.52 và hàng nghìn lượt các loại máy bay chiến thuật đánh phá, hòng khuất phục ý chí chiến đấu của quân và dân Việt Nam, tàn phá miền Bắc, trấn an chính quyền Sài Gòn và chứng tỏ với thế giới việc Mỹ rút quân trên thế mạnh, trong danh dự. Trước thử thách sống còn này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam đã chủ động, kiên cường ứng phó trong thế trận sẵn sàng và niềm tin quyết thắng. Tinh thần chiến đấu quật cường, dũng cảm của quân và dân ta đã khiến cả thế giới khâm phục, tự hào vì Việt Nam không chỉ đứng vững mà còn chiến thắng, bắn rơi tại chỗ nhiều “siêu pháo đài bay” B.52 - “thần tượng” của không lực Hoa Kỳ. Chiến thắng B.52 là một trong những thắng lợi oanh liệt nhất trong công cuộc bảo vệ miền Bắc, cũng như sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Nó đã chôn vùi mưu đồ “đàm phán trên thế mạnh” của chính quyền Mỹ, buộc họ phải ký Hiệp định Pa-ri với những điều khoản có lợi cho ta, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ “Mỹ đã cút” tiến tới sẽ “đánh cho ngụy nhào”.

Thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược đó, là kết quả của đường lối đấu tranh toàn dân, toàn diện trên cả 3 mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao; bằng ý chí sắt đá, lòng quả cảm, tài thao lược, sức sáng tạo phi thường của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; được sự ủng hộ, giúp đỡ thiết thực và hiệu quả của bạn bè quốc tế, v.v. Trong đó, sự chủ động về công tác chuẩn bị và thực hành Chiến dịch là nguyên nhân trực tiếp làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Trước hết, là sự chủ động về chiến dịch. Để thực hiện bất cứ công việc gì cũng cần phải chủ động, nhất là trong lĩnh vực quân sự. Bác Hồ từng dạy: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước1. Muốn chủ động thì cần phải đánh giá đúng tình hình, dự kiến trước được thuận lợi, khó khăn, tình huống, v.v. Như vậy, khi thực hiện mới có kết quả tốt, ngược lại phó mặc cho may rủi thì thường thất bại hoặc kết quả không tốt. Cụ thể, trong cuộc chiến trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972, ta đã có những dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn và sức mạnh của địch để có sự chuẩn bị chu đáo “tiếp đón” chúng. Thực vậy, khi Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay B.52 ném bom miền Nam, ngày 19-7-1965, Bác giao nhiệm vụ cho đồng chí Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân “Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang2. Với tinh thần đó, tháng 5-1966, Quân chủng Phòng không - Không quân đề nghị Bộ Tổng Tham mưu cho Trung đoàn tên lửa 238 vào Vĩnh Linh, nơi B.52 Mỹ ngày đêm đánh phá để trực tiếp nghiên cứu đánh B.52 và ngày 17-9-1967, đơn vị đã bắn rơi được chiếc B.52 đầu tiên. Đến cuối năm 1967, đầu năm 1968, Hồ Chủ tịch dự đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị”3. Thực hiện lời dạy của Người, Quân ủy Trung ương đã giao cho Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến đánh B.52. Ngày 27-02-1968, Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B.52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng bước đầu hình thành và thường xuyên được nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp với âm mưu, thủ đoạn đánh phá của đế quốc Mỹ. Tháng 9-1972, Phương án đánh B.52 hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó, Quân chủng Phòng không - Không quân cùng quân, dân miền Bắc tích cực chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đối phó với địch: từ chuẩn bị yếu tố chính trị - tinh thần, vũ khí, trang bị đến tiếp tục nghiên cứu cách đánh và xây dựng thế trận, lực lượng phòng không, … đều được chuẩn bị chu đáo, thận trọng, với tinh thần “Dám đánh, quyết đánh và quyết thắng”.

Qua nghiên cứu nghệ thuật tổ chức đội hình, chiến thuật và kỹ thuật trong thực tiễn hoạt động tác chiến của địch cho thấy, khi vào đánh phá chúng sẽ sử dụng lực lượng máy bay các loại, tổ chức thành đội hình liên kết chặt chẽ. Trong đó, máy bay B.52 ở giữa, làm nhiệm vụ rải thảm bom hủy diệt các mục tiêu và là trung tâm giữ mối liên kết trong đội hình; các loại máy bay khác làm nhiệm vụ thả nhiễu và đánh chặn từ xa, chế áp hệ thống phòng không của ta hoặc tạo mục tiêu B.52 giả, v.v. Vì thế, phải tìm cách phá vỡ sự liên kết, tách từng lực lượng của địch ra, làm giảm khối nhiễu, dễ dàng phát hiện và tiêu diệt B.52. Để làm được điều đó, thế trận do ta tạo lập lấy tên lửa và máy bay MIG là lực lượng chủ yếu để gây rối đội hình địch, tạo thời cơ để đánh máy bay B.52; sử dụng pháo phòng không của các lực lượng và dân quân tự vệ làm nhiệm vụ đánh máy bay tầm thấp, bảo vệ mục tiêu và bảo vệ tên lửa, kết hợp vây bắt giặc lái, v.v. Về lực lượng, tính đến trước ngày 18-12-1972, từ Nghệ An trở ra, ta đã tập trung lực lượng phòng không chủ lực mạnh nhất, gồm 3 Sư đoàn Phòng không; 23 tiểu đoàn tên lửa; 13 trung đoàn pháo cao xạ; 4 trung đoàn không quân; 4 trung đoàn ra-đa; 3 trung đoàn, 2 tiểu đoàn phòng không của các Quân khu Việt Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn. Ngoài ra còn có 346 đội (1.428 khẩu pháo) phòng không của dân quân, tự vệ. Riêng Hà Nội, đã xây dựng được trên 30 trận địa tên lửa, hơn 100 trận địa pháo cao xạ các loại. Với lực lượng như vậy, đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân đối không vững chắc ở vòng trong, cơ động ở vòng ngoài, bảo đảm đánh địch từ xa tới gần, cả ở tầng thấp và tầng cao; kết hợp chặt chẽ phương thức tác chiến tại chỗ của phòng không địa phương với tác chiến hiệp đồng binh chủng của phòng không chủ lực, có thể đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Hai là, chủ động xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho quân và dân cả nước. Nếu so sánh giữa lực lượng phòng thủ của ta với lực lượng tiến công của Mỹ thì rõ ràng địch áp đảo về vũ khí, trang bị kỹ thuật, như Ních-xơn tuyên bố: trong lịch sử nhân loại chưa hề có một quốc gia nào chiếm ưu thế hơn hẳn về vũ khí như Hoa Kỳ so với Bắc Việt Nam. Điều đó làm cho nhiều người trong nước cũng như bạn bè trên thế giới lo lắng không dám tin chúng ta có thể đứng vững được trước sự tàn phá khủng khiếp của B.52 Mỹ. Tuy nhiên, lịch sử chiến tranh cho thấy, yếu tố con người mới quyết định sự thành, bại của cuộc chiến và giới cầm quyền Mỹ đã đánh giá thấp điều này. Vũ khí, trang bị kỹ thuật dù hiện đại đến đâu vẫn do con người chế tạo và sử dụng, cho nên hiệu quả đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào con người; mặt khác, con người cũng có thể tìm ra điểm mạnh, yếu của vũ khí trang bị để khắc chế, vấn đề là có tinh thần và ý chí quyết tâm thực hiện hay không? Hiểu rõ điều đó, từ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đến cán bộ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị thường xuyên khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quyết tâm đánh địch cho cả dân tộc Việt Nam. Khi đến thăm Bộ đội Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, có quyết tâm thì làm gì cũng được”, “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52, hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh” và “Ta phải có lòng tin sắt đá ở Đảng. Đảng đã nói: "Nhất định đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" là nhất định thắng4. Có thể khẳng định, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam khi đó được thể hiện rất rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng, pa-nô, áp-phích, trong những cuộc hội họp, sinh hoạt cộng đồng và hiện hữu tự nhiên trong mỗi người dân nước Việt. Với ý chí, quyết tâm đó, mặc dù bị tàn phá nặng nề, tổn thất nghiêm trọng về tính mạng và tài sản, nhưng quân và dân miền Bắc đã kiên cường vượt qua mọi thử thách ác liệt, vững tay súng, chắc tay cày, chủ động, sáng tạo trong cải tiến vũ khí đánh B.52, tìm cách chống nhiễu, sẵn sàng cho cuộc chiến đấu mất còn với địch. Toàn dân tham gia bắn máy bay, làm giao thông vận tải, cứu thương, tải đạn, cung cấp sức người, sức của cho cuộc đọ sức có một không hai trong lịch sử kháng chiến của dân tộc.

Cuốn "Cẩm nang bìa đỏ" về cách đánh B.52 được sử dụng để huấn luyện Bộ đội Tên lửa từ tháng 10-1972. Ảnh tư liệu

Ba là, luôn chủ động nắm chắc địch để tìm ra cách đánh hợp lý, kịp thời huấn luyện cho bộ đội. Nắm chắc địch là phải thấy rõ được điểm mạnh, yếu vũ khí, trang bị của địch và các âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động của chúng để tìm cách hóa giải. Trong chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, các loại máy bay chiến lược, chiến thuật, “B.52” giả, “B.52” thật của Mỹ dù bay thấp, bay cao hay được che phủ trong màn nhiễu dày đặc vẫn bị ta phát hiện với tỷ lệ rất cao (93% B.52 và 86% F.111). Có những đơn vị tuy chưa từng chiến đấu với máy bay B.52, như trung đoàn Tên lửa 257 và 261, nhưng trong Chiến dịch vẫn bắn trúng B.52, thậm chí có chiếc rơi tại chỗ. Có được kết quả trên là do trước khi bước vào Chiến dịch, Bộ đội Phòng không - Không quân đã được huấn luyện kỹ cách phát hiện và cách đánh B.52 theo tài liệu do Quân chủng biên soạn. Tài liệu trên là sản phẩm của cả một quá trình thu thập, đúc rút kinh nghiệm hết sức gian khổ, đánh đổi bằng mồ hôi và máu của bộ đội ta từ những năm 1967 đến 1972, trên khắp các chiến trường từ Vĩnh Linh đến Hà Nội. Mỗi lần không quân địch sử dụng trang bị hoặc thủ đoạn mới vô hiệu hóa vũ khí của ta thì ngay sau đó bộ đội ta lại đi sâu nghiên cứu, tìm cách cải tiến khí tài, bổ sung sửa đổi cách đánh và điều chỉnh cách bố trí trận địa. Qua nhiều lần kiểm nghiệm thực tế, tài liệu tiếp tục được hội nghị các cấp của Quân chủng đưa ra thảo luận kỹ đi đến thống nhất rồi mới ban hành và triển khai huấn luyện cho bộ đội. Trong quá trình nắm địch, bộ đội ta còn biết cách tận dụng các loại đài mà địch không chú ý để phát hiện B.52 trong đội hình nhiễu dày đặc; kết hợp quan sắt bằng mắt với ra-đa, lấy thô sơ để đối phó với hiện đại; đồng thời, sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác để phát hiện địch một cách chính xác, kịp thời, liên tục. Vì vậy, mạng cảnh giới của ta luôn phát hiện B.52 từ xa, cách Hà Nội trước 30 phút để phát tín hiệu cho nhân dân kịp thời trú ẩn; tên lửa và không quân sẵn sàng tiêu diệt địch ngay từ tốp đầu.

Bốn là, chủ động bảo đảm tốt và đầy đủ vũ khí, trang bị kỹ thuật. Từ những dự báo chiến lược, cùng với việc phát huy nội lực, Đảng và Nhà nước ta chủ động tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em để chuẩn bị vũ khí, trang bị kỹ thuật đối phó với pháo đài bay B.52. Ngay từ tháng 7-1965, ta đã được Liên Xô viện trợ tổ hợp tên lửa đất đối không tầm cao có khả năng tiêu diệt máy bay B.52. Trong 5 năm (1965-1970), nhờ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, lực lượng Phòng không - Không quân của ta được trang bị khá mạnh, đủ bảo đảm mạng lưới trên không tương đối vững chắc. Đến năm 1972, trước những động thái của đế quốc Mỹ, ta chủ động đề nghị các nước xã hội chủ nghĩa tăng cường giúp đỡ vũ khí, trang bị có khả năng chống nhiễu, uy lực mạnh để đối phó với B.52 và trong năm này ta đã nhận được khoảng 1.000 quả đạn tên lửa. Sự chủ động của ta còn thể hiện ở việc tích cực sửa chữa, cải tiến toàn bộ khí tài, bệ phóng và đạn tên lửa cũ để đối phó với các thủ đoạn tác chiến công nghệ cao của không quân Mỹ, nhất là nâng cao năng lực chống nhiễu, ổn định hoạt động của khí tài, nhiệt đới hóa các linh kiện điện tử, v.v. Cho đến trước khi diễn ra chiến dịch phòng không cuối năm 1972, với sự trợ giúp của các chuyên gia Liên Xô, chúng ta đã tiến hành 9 đợt cải tiến khí tài tên lửa, góp phần khắc phục những hỏng hóc, nâng cao độ chính xác của vũ khí bắn B.52, nhất là khả năng chống nhiễu. Đặc biệt, có bộ phận sau khi cải tiến đã giúp các trắc thủ dễ dàng tìm thấy mục tiêu trong nhiễu và hạn chế sự phát hiện của tên lửa địch. Bên cạnh đó, Quân chủng còn chủ động đề ra các phương án bảo đảm đạn, không để xảy ra tình trạng thiếu đạn trong quá trình tác chiến, kịp thời điều chuyển hoặc có biện pháp tăng năng suất lắp ráp đạn, hay áp dụng sáng kiến lắp ráp ngay trên xe kéo đạn và hợp lý hóa một số thao tác lắp ráp giúp cho năng suất lắp ráp đạn có thể tăng gấp đôi. Bằng sự chủ động chuẩn bị như vậy, trước ngày 18-12-1972, hệ số kỹ thuật của pháo phòng không đạt 95%, ra-đa: 96,5%, tên lửa: 100%; mỗi tiểu đoàn tên lửa ở Hà Nội và Hải Phòng được bảo đảm hơn 2 cơ số đạn sẵn sàng bắn máy bay địch.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” làm thất bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ thể hiện sâu sắc tinh thần chủ động về mọi mặt của quân và dân ta. Ý nghĩa thắng lợi và bài học được rút ra từ sự kiện lịch sử quan trọng này đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được vận dụng, phát huy vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tá NGUYỄN VĂN QUYỀN

_____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 552.

2 - Hồ Chí Minh - Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb QĐND, H. 2005, tr. 220.

3 - Sđd, tr. 236.

4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 572, 574, 575.

Ý kiến bạn đọc (1)

5 sao
22/02/2022 09:42
Bài rất là hay luôn, không những hay mà còn giúp thêm cho mình những bài học rất bổ ích. Cảm ơn!
Đoàn Khánh Long
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội "phải lấy chính trị làm gốc" - ý nghĩa và giá trị hiện thực
Quân đội ta “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang, trách nhiệm nặng nề là: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, thì việc xây dựng Quân đội thật trong sạch, thật vững mạnh, xứng đáng với danh xưng cao quý mà nhân dân trao tặng “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất thiết “phải lấy chính trị làm gốc”