QPTD -Thứ Hai, 25/12/2017, 08:44 (GMT+7)
Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972 - nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến phòng không Việt Nam

Cách đây 45 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã tổ chức Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972 làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu và quan trọng nhất là nghệ thuật tác chiến phòng không độc đáo, sáng tạo.

Sau những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ liều lĩnh tiến hành bước leo thang mới - tổ chức cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc, hòng đánh sập ý chí chiến đấu của nhân dân ta và giành thế mạnh trên bàn đàm phán. Thực hiện kế hoạch này, chúng huy động lớn lực lượng không quân, gồm máy bay chiến lược B-52, máy bay chiến thuật các loại và máy bay tiếp dầu, hòng hủy diệt các mục tiêu, “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Nhưng, những cố gắng cuối cùng đầy tham vọng của chúng đã thất bại thảm hại. Chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc, nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân đã bắn rơi 81 máy bay địch; trong đó có 34 máy bay B-52, bắt sống nhiều giặc lái. Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972 thắng lợi đã làm tiêu tan huyền thoại “siêu pháo đài bay” B-52 của không lực Hoa Kỳ, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút quân về nước. Thắng lợi của Chiến dịch thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến phòng không của quân và dân ta.

Trận địa phòng không với tên lửa và pháo cao xạ cùng khai hỏa. (Ảnh tư liệu)

Chiến dịch diễn ra trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận toàn diện, các phương tiện trinh sát trên không còn hạn chế, v.v. Vì thế, việc nghiên cứu các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của địch, nhất là máy bay chiến lược B-52 (một trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ) hết sức khó khăn. Trong khi đó, nguyên tắc trong các cuộc chiến tranh nói chung, một trận đánh nói riêng là bên nào nắm chắc đối phương, đánh giá đúng mình và tình hình liên quan,… bên đó sẽ giành quyền chủ động và thắng lợi - “Biết địch, biết ta trăm trận không nguy”. Quán triệt quan điểm đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ động nghiên cứu, dự báo, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, xác định đúng khu vực, đối tượng tác chiến chủ yếu của Chiến dịch. Quân chủng đã nhiều lần tổ chức các lực lượng: Tên lửa, Ra-đa, Không quân vào chiến trường nghiên cứu cách đánh B-52 từ rất sớm (tháng 5-1966) và những bí ẩn về máy bay B-52, từng bước được các lực lượng của Quân chủng “giải phẫu” ngay trên chiến trường Quân khu 4. Cùng với những kiến thức, kinh nghiệm đánh các loại máy bay của đế quốc Mỹ trong các đợt chúng đánh phá miền Bắc và những căn cứ khoa học thu được trong chiến trường, đặc biệt là các trận đánh thắng B-52 của các đơn vị tên lửa, Quân chủng biên soạn tài liệu và xây dựng Kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội. Đây là những cứ liệu khoa học giúp Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định: đối tượng chủ yếu là B-52, khu vực tác chiến chủ yếu là Hà Nội, lực lượng nòng cốt của Chiến dịch là Quân chủng Phòng không - Không quân với chủ công là Bộ đội Tên lửa. Trên cơ sở đó, Quân chủng gấp rút điều chỉnh lực lượng, bố trí thế trận phòng không phù hợp và chỉ đạo Bộ đội Tên lửa huấn luyện đánh B-52. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón đánh B-52. Vì thế, khi cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ diễn ra, ta không những không bị bất ngờ, mà còn rất chủ động đánh địch. Điều đó thể hiện nét độc đáo, sáng tạo trong nghiên cứu, đánh giá tình hình, xác định đối tượng tác chiến, khu vực tác chiến chủ yếu của Bộ Tư lệnh Chiến dịch.

Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch gấp rút chuẩn bị lực lượng, gồm cả con người và vũ khí. Về con người, ngoài việc củng cố ý chí quyết đánh và quyết đánh thắng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch coi trọng nhiệm vụ huấn luyện. Ý chí quyết đánh, quyết thắng chỉ có thể chuyển thành sức mạnh vật chất thông qua hành động chiến đấu quả cảm của bộ đội. Tuy trước đây ở chiến trường miền Nam, ta đã phát hiện chính xác và đánh trúng máy bay B-52, nhưng chưa bắn rơi tại chỗ, chưa bắt được giặc lái. Hơn nữa, trong cuộc tập kích này của địch, máy bay B-52 chỉ đánh vào ban đêm, được các lớp máy bay chiến thuật và hệ thống nhiễu dày đặc bảo vệ, gây khó khăn, phức tạp cho lực lượng phòng không của ta. Đây là vấn đề mới, nan giải đối với Chiến dịch. Vì thế, nếu không tìm ra cách đánh phù hợp và tổ chức huấn luyện tốt, thì không diệt được B-52. Trước tình hình đó, Bộ Tham mưu Chiến dịch chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề bàn cách đánh. Nhiều tài liệu huấn luyện nhanh chóng được biên soạn, nhiều đoàn cán bộ có kinh nghiệm huấn luyện, chiến đấu của cơ quan Tham mưu Chiến dịch xuống giúp đơn vị, đồng thời khẩn trương tổ chức huấn luyện cho các thành phần trong kíp chiến đấu. Đây là nét độc đáo, sáng tạo của Chiến dịch Phòng không năm 1972.

Cùng với chuẩn bị con người, Bộ Tư lệnh Chiến dịch còn tích cực chuẩn bị vũ khí, khí tài. Thực trạng khí tài phòng không trên chiến trường miền Bắc trong năm 1972 là vấn đề lớn đối với Chiến dịch. Phần lớn khí tài tên lửa tốt đang tham gia chiến đấu bảo vệ tuyến giao thông vận chuyển ở chiến trường Quân khu 4 và đi cùng bảo vệ binh chủng hợp thành; loại khí tài mới chưa về nước. Một trung đoàn tên lửa, tính năng kỹ thuật của khí tài không đủ điều kiện chiến đấu. Một trung đoàn tên lửa khác từ chiến trường ra, chưa có khí tài. Đó là những khó khăn ảnh hưởng lớn đến khả năng tác chiến của Chiến dịch. Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã kịp thời chỉ đạo cơ quan kỹ thuật chủ động, tích cực kiểm tra, hiệu chỉnh khí tài, bảo đảm cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị khí tài cho các đơn vị ở chiến trường ra. Đây là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, nghệ thuật tác chiến phòng không nói riêng.

Tác chiến phòng không được tiến hành trong thế trận được bố trí sẵn và có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến của Chiến dịch, đáp ứng yêu cầu vững chắc, hiểm hóc, linh hoạt, tạo thế tối đa để phát huy sức mạnh chiến đấu của các lực lượng, vũ khí, trang bị, nhằm mục đích bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B-52, bắt giặc lái. Do đó, thế trận Chiến dịch là tập trung đánh B-52 - thế trận đánh B-52 - nét đặc sắc, độc đáo của thế trận Chiến dịch là lấy lực lượng tên lửa làm cơ sở tạo thế và chuyển hóa. Để chuyển hóa thế trận linh hoạt và tạo lợi thế đánh địch, ngoài hệ thống trận địa có sẵn từ trước, Bộ Tư lệnh Chiến dịch còn chỉ đạo các lực lượng, nhất là Công binh khẩn trương xây dựng và sửa chữa một loạt sân bay dã chiến vòng ngoài; củng cố nhiều trận địa tên lửa, pháo cao xạ và làm thêm nhiều trận địa dự bị để các lực lượng tên lửa, pháo cao xạ cơ động chuyển hóa thế trận, thậm chí còn đảm bảo đủ trận địa cho lực lượng bổ sung. Riêng khu vực Hà Nội, chỉ trong thời gian ngắn đã xây dựng mới trên 30 trận địa tên lửa và hàng trăm trận địa pháo cao xạ. Trong điều kiện khí tài tên lửa có hạn, ta bố trí hai cụm tên lửa bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng. Cụm Hà Nội gồm 03 trung đoàn tên lửa, cụm Hải Phòng có 02 trung đoàn tên lửa bố trí ở vòng trong, ôm sát mục tiêu, bảo đảm trong mọi điều kiện tên lửa đều tập trung đánh B-52. Đây là nét độc đáo về công tác chuẩn bị chiến dịch và nghệ thuật tác chiến phòng không. Tuy nhiên, với thế trận này, ta phải chấp nhận không đánh được B-52 từ xa, trước khi địch trút bom.

Để giải quyết bài toán này, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định sử dụng không quân đánh chặn B-52 ở vòng ngoài; tên lửa ở Hải Phòng vừa trực tiếp đánh địch, bảo vệ mục tiêu, vừa làm nhiệm vụ đánh địch phía ngoài trên hướng Đông cho Hà Nội. Như vậy, thế trận Chiến dịch vẫn được hình thành từng cụm trọng điểm, từng hướng quan trọng, vừa rộng khắp, vừa có chiều sâu. Nét đặc sắc ở thế trận Chiến dịch còn là thế kết hợp các cụm phòng không mạnh ở các khu vực tác chiến chủ yếu với thế rộng khắp trên địa bàn Chiến dịch. Cụm phòng không Hà Nội, Hải Phòng bố trí hỗn hợp cả tên lửa và pháo cao xạ. Cụm Đường 1 Bắc và Thái Nguyên bố trí hỗn hợp các loại pháo cao xạ. Với thế trận kết hợp bảo đảm Chiến dịch tiến hành các trận đánh tập trung tiêu diệt lớn B-52, đồng thời, đánh liên tục vào các loại máy bay chiến thuật. Thế trận như vậy đảm bảo cho các lực lượng Chiến dịch khi cơ động quanh chốt, quanh trận địa cơ bản, hệ thống hỏa lực vẫn ổn định. Đây là sự vận dụng nguyên tắc: tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, tạo ưu thế vào thời cơ và địa điểm thích hợp tiêu diệt địch đạt hiệu suất cao. Sau thất bại trong đêm 20-12, địch đánh các khu vực vòng ngoài, như: Hải Phòng, Thái Nguyên, Đường 1 Bắc, hòng kéo lực lượng tên lửa ra khỏi Hà Nội, rồi bất ngờ đánh trở lại theo các hướng khác, nhưng Bộ Tư lệnh Chiến dịch không những kiên quyết giữ lực lượng tên lửa ở Hà Nội mà còn tăng cường 02 tiểu đoàn tên lửa từ Hải Phòng lên Đường 1 Bắc, đánh địch vòng ngoài, bảo vệ Hà Nội ở hướng Đông Bắc; một số trung đoàn pháo cao xạ ở Thanh Hóa, Nam Định về bảo vệ Hà Nội. Như vậy, thế trận ở khu vực trọng điểm ngày càng hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ các yếu tố đánh địch từ xa đến gần ở mọi độ cao, tạo thế “thiên la, địa võng”, giúp các lực lượng Chiến dịch có tâm thế vững vàng, chiến thắng.

Trước những ưu thế về vũ khí, trang bị, kỹ thuật của không quân địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sáng tạo nhiều biện pháp phát huy hết khả năng của các lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp hơn địch để thắng địch. Đó là nét độc đáo, đặc sắc về nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp của Chiến dịch. Theo đó, việc tổ chức hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa các lực lượng được Bộ Tư lệnh Chiến dịch hết sức coi trọng, nhằm phát huy sức mạnh của từng lực lượng đúng lúc, đúng chỗ và đúng thời điểm, tạo hiệu ứng tiêu diệt địch. Bộ Tham mưu Chiến dịch tổ chức hiệp đồng chặt chẽ từ Sở chỉ huy Chiến dịch đến các đơn vị, chú trọng hiệp đồng giữa không quân và tên lửa, lấy hoạt động chiến đấu của tên lửa làm cơ sở để xây dựng kế hoạch hiệp đồng. Ban đêm, tên lửa tập trung đánh B-52, không quân đánh tiêu diệt và cản phá B-52 từ xa, ngoài khu vực hỏa lực của tên lửa, tạo điều kiện thuận lợi cho tên lửa đánh. Giữa các đợt đánh của B-52 và ban ngày, không quân hiệp đồng cùng với pháo cao xạ đánh địch ngay trên khu vực bảo vệ mục tiêu và tên lửa. Khi không quân cất, hạ cánh trong vùng hỏa lực của tên lửa thì hiệp đồng theo khu vực, thời gian và độ cao. Hiệp đồng giữa lực lượng tên lửa và các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp bảo vệ tên lửa cũng là nét độc đáo trong Chiến dịch. Ý định sử dụng tên lửa tập trung đánh B-52, nên tên lửa ít có điều kiện tự vệ, bảo vệ lẫn nhau. Việc bảo vệ tên lửa chủ yếu giao cho một số đơn vị pháo cao xạ, không quân. Sau mấy ngày đầu, số lượng B-52 bị diệt đều do tên lửa, nên địch liên tục tìm diệt tên lửa cả ngày và đêm. Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhanh chóng điều một số trung đoàn pháo cao xạ phối hợp với không quân bảo vệ tên lửa. Bộ đội ra-đa phát hiện và thông báo kịp thời máy bay, nhất là B-52 cho các lực lượng Chiến dịch. Hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng trong Chiến dịch được thể hiện rất rõ ở các trận đánh.

Trong trận đánh mở đầu đêm 18-12, không quân chặn đánh địch từ xa, phá vỡ thế liên kết của chúng, tạo thuận lợi cho lực lượng tên lửa, pháo cao xạ phía trong đánh địch. Tên lửa tập trung hỏa lực mạnh, đánh đồng thời, kế tiếp, bắn rơi 03 chiếc B-52, trong đó có 02 chiếc rơi tại chỗ. Các lực lượng pháo cao xạ đánh trả mãnh liệt các máy bay chiến thuật, bảo vệ mục tiêu, sân bay, tên lửa, diệt 05 máy bay. Đây là trận đánh mở đầu đạt hiệu suất chiến đấu cao, có ý nghĩa là trận then chốt mở đầu Chiến dịch. Thắng lợi của trận mở đầu củng cố lòng tin của quân, dân miền Bắc và Bộ đội Phòng không - Không quân. Bắn rơi B-52 tại chỗ, bắt sống giặc lái, gây cho địch hoang mang; đồng thời, khẳng định tên lửa là lực lượng chủ yếu đánh B-52 của Bộ Tư lệnh Chiến dịch là đúng đắn. Qua một số trận đánh không thành công đêm 19-12, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo các đơn vị kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, tìm nguyên nhân; đồng thời, tích cực chuẩn bị, bổ sung kế hoạch tác chiến, nhất là về chỉ huy và bảo đảm để đánh trận then chốt quyết định, một điển hình về công tác chỉ đạo Chiến dịch.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, không quân cất cánh ở các trận địa vòng ngoài đánh chặn, cản phá B-52 từ xa: Mộc Châu (Sơn La), Việt Trì (Phú Thọ), tạo thế cho tên lửa, pháo cao xạ,… đánh địch. Vì thế, trận then chốt Chiến dịch đêm 20-12, tên lửa diệt 07 B-52, các lực lượng khác diệt 12 máy bay chiến thuật; trong đó có 01 máy bay F-111A - loại cường kích hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ, bị tổn thất nặng 7,5% / tổng số B-52 tham gia Chiến dịch, vượt ra ngoài sự tính toán của Mỹ. Kế hoạch cuộc tập kích đường không trong thời gian ba ngày bị thất bại, mục đích chính trị không đạt được, Ních-xơn buộc phải kéo dài và cho B-52 đánh phá quy mô nhỏ ra các khu vực lân cận để vừa nghi binh, vừa nghiên cứu lại cách đánh và giữ vững tinh thần giặc lái. Trận đánh đêm 26-12 - trận then chốt quyết định, thể hiện nét độc đáo, sáng tạo về sử dụng lực lượng chiến dịch trong điều kiện tên lửa có hạn. Sau mấy ngày nghỉ Nô-en, đêm 26-12, Hoa Kỳ dồn mọi cố gắng, tập trung lực lượng tối đa, 105 máy bay B-52, đánh đồng thời trên cả ba khu vực: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Riêng ở Hà Nội, chúng tiến công cả ba hướng: Tây Bắc, Tây Nam và Đông Bắc, tạo tình huống trên không vô cùng phức tạp, gây khó khăn, phân tán lực lượng của ta. Trong gần 01 giờ, 08 máy bay B-52 bị diệt, 04 chiếc rơi tại chỗ, cả ba khu vực đều bắn rơi B-52. Tính đến hết trận đánh đêm 26-12, 26 máy bay B-52 bị bắn rơi (14 chiếc rơi tại chỗ), hàng chục giặc lái B-52 bị chết và bị bắt, chưa kể số bị chết, bị thương ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bị tổn thất nặng buộc Ních-xơn phải giảm dần cường độ sử dụng B-52 và kết thúc cuộc tập kích. Đây là nét độc đáo, sáng tạo trong việc kết hợp giữa khoa học tri thức và kinh nghiệm có được trong nhiều năm chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.

Nhìn lại 45 năm, Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972 cho thấy, những thành công của nghệ thuật tác chiến phòng không góp phần quan trọng vào sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại. Hiện nay, không gian tác chiến phòng không mở rộng trên toàn bộ lãnh thổ đất liền, vùng trời, vùng biển đảo. Nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vùng trời của Tổ quốc đòi hỏi các lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân phải thường xuyên duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, kiên quyết không để bị bất ngờ, lỡ thời cơ; cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo của Tổ quốc; thực sự xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đất đối không trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng, TS. LÊ HUY VỊNH, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024

Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024

Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024

Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024

Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024

Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước 17/11/2024

Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024

Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực quân sự là vấn đề chiến lược và hệ trọng; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân là nòng cốt.