Bình luận - Phê phán Sinh hoạt tư tưởng

QPTD -Thứ Sáu, 21/02/2014, 10:17 (GMT+7)
Không đáng lo sao?

Vừa rồi, tôi có dịp “hầu chuyện” với người bác họ năm nay đã 70 tuổi đời, 45 năm tuổi Đảng, từng là Hiệu trưởng một trường cấp II thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong câu chuyện, bác kể cho tôi nghe về đứa cháu nội (một trí thức trẻ đã 4 năm tuổi Đảng), làm tôi cứ trăn trở mãi.

Chuyện rằng, hôm hai ông cháu đang ngồi xem một phóng sự trên ti vi nói về vai trò, trách nhiệm của đảng viên trẻ, bác có “kiểm tra” người cháu một số kiến thức về Đảng. Nhưng qua trả lời của người cháu thì bác chưa hài lòng về nhiều nhẽ.

Bác tâm sự, sau khi “truy” nguyên nhân, đứa cháu thừa nhận là từ ngày kết nạp Đảng đến nay, ít được tham gia các lớp bồi dưỡng, học tập chuyên đề về Đảng và việc tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức cũng hạn chế. Mặt khác, chế độ sinh hoạt của chi bộ cũng không thật nền nếp. Người cháu còn bộc bạch: “Cháu rất yêu Đảng, tin Đảng, những điều ông hỏi là đúng và có lý, nhưng thú thật do công việc chuyên môn quá bận, lại còn phải lo toan đủ thứ để mưu sinh nên việc đó bị sao nhãng”. Nó còn chống chế: “Cháu của ông năm nào cũng được xếp loại đảng viên đủ tư cách, ông không lo bị “phai nhạt lý tưởng” đâu”(!).

Kể xong câu chuyện, bác chia sẻ: “Từ ngày vào Đảng đến nay, gần nửa thế kỷ rồi, nhưng hầu như chưa bao giờ tôi bỏ một buổi sinh hoạt chi bộ hay một buổi học tập nghị quyết nào, chỉ trừ những lúc bị ốm hay đi công tác xa không thể tham gia. Nhưng sau đó tôi vẫn tự tìm đọc tài liệu, nghị quyết để không bỏ sót những quan điểm, chủ trương mới của Đảng”. Dừng giây lát, bác nói tiếp: “Tôi không đòi hỏi đứa cháu phải nghiên cứu sâu, tìm hiểu kỹ về Đảng, nhưng những trí thức trẻ - đảng viên như cháu cũng cần có những kiến thức toàn diện về Đảng; đồng thời, phải đề cao ý thức, trách nhiệm trong việc học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng. Nếu chỉ chú trọng đến công tác chuyên môn, mà xem nhẹ vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, phải chăng đó cũng là một trong những biểu hiện của sự “suy thoái về tư tưởng chính trị”?

Tôi biết bác là người thuộc thế hệ đảng viên rất mực đề cao những giá trị truyền thống và suốt đời kiên trung với lý tưởng cách mạng của Đảng. Có thể những câu hỏi của bác, người cháu ít để ý, nên không dễ gì giải đáp ngay được. Nhưng rõ ràng, qua đó cũng phần nào thấy được sự quan tâm chưa đủ mức cần thiết với Đảng của một bộ phận đảng viên trẻ, trong đó có đảng viên là trí thức. Song khách quan mà nói, lỗi này không thể đổ hoàn toàn cho họ, mà có một phần lớn trách nhiệm của tổ chức, trực tiếp là tổ chức đảng, nơi người đảng viên trẻ ấy sinh hoạt. Thiết nghĩ, nếu cấp ủy, tổ chức đảng không thực sự quan tâm chăm lo đến công tác giáo dục, bồi dưỡng cho đảng viên về lập trường, quan điểm, mục tiêu, lý tưởng của Đảng; không duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng, thì tình trạng như cháu của người bác họ tôi cũng là điều dễ hiểu. Vậy, không đáng lo sao?

THIỆN VĂN

Ý kiến bạn đọc (0)